Cập nhật:  GMT+7

Hội nghị triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024

Ngày 17/11, tại Hội trường Diên hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội cùng các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến 62 điểm cầu Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Hội nghị triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thành Nam chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Phú Thọ.

Đồng chí Nguyễn Thành Nam - TUV, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Phú Thọ. Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

Năm 2023 là năm bản lề quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Với mục tiêu không ngừng đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Trong đó, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được tăng cường, góp phần quan trọng tạo cơ sở pháp lý và định hướng cho hoạt động giám sát của cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đảm bảo đúng quy định, sát thực tiễn với nhiều đổi mới, kịp thời giải quyết các vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm với việc tổ chức 4 phiên chất vấn tại Kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trên cơ sở đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 3 nghị quyết đối với 8 lĩnh vực.

Các hoạt động giám sát chuyên đề, lấy phiếu tín nhiệm, “giám sát lại”, giám sát văn bản quy phạm pháp luật, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cử tri đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm chỉ đạo với nhiều giải pháp đồng bộ, đổi mới thiết thực, hiệu quả.

Năm 2024, với mục tiêu giám sát phải được triển khai đồng bộ với quá trình triển khai xây dựng và thực hiện chính sách pháp luật, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ giám sát.

Trong đó, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành 4 cuộc giám sát chuyên đề về “chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và về một số dự án quan trọng quốc gia”; “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội”; “việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023” và “việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận các giải pháp tổ chức triển khai hiệu quả chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là hội nghị lần thứ 3 trong nhiệm kỳ về triển khai chương trình giám sát của Quốc hội. Cách thức tổ chức hội nghị này thực tiễn đã chứng minh cho thấy hiệu quả cao, từ đó thống nhất được nhận thức và hành động để kết quả giám sát ngày càng tốt hơn.

Hội nghị triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Phú Thọ.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ một số trọng điểm trong hoạt động giám sát của năm 2024. Theo đó, tập trung cao độ cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; tập trung vào giám sát việc ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết và nhất là khâu tổ chức thực thi để luật và các chủ trương đi vào cuộc sống. Tiếp tục nghiên cứu cách thiết tiến hành chất vấn tại các kỳ họp và phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; làm tốt chất vấn giữa nhiệm kỳ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc thẩm tra các báo cáo phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, trên cơ sở sử dụng tối đa các hoạt động giám sát thường xuyên của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan Quốc hội, các Đoàn ĐBQH, các vị ĐBQH các nguồn thông tin, tài liệu khác.

Về giám sát các văn bản quy phạm pháp luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải sớm báo cáo kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật, tiếp tục công tác tổng rà soát theo Nghị quyết 101/2023/QH15; đặc biệt tập trung vào việc cải cách hành chính, nhất là về thủ tục hành chính. Cùng với đó, tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát. Tập trung đổi mới, tiếp tục tạo chuyển biến về chất trong hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan Quốc hội. Chú trọng tăng cường giám sát của Đoàn ĐBQH gắn với chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền giám sát của ĐBQH.

Tăng cường hoạt động của công tác phối hợp với Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, hệ thống chính trị ở địa phương. Tiếp tục tăng cường công tác bảo đảm kinh phí, điều kiện cơ sở vật chất, công tác điều hòa, phối hợp với các cơ quan; chức năng điều hòa, phối hợp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Vĩnh Hà


Vĩnh Hà

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long