Cập nhật:  GMT+7

Quốc hội thảo luật một số Luật, dự án Luật và dự thảo Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 6

Sáng 10/11, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật Đường bộ; dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ, Quảng Trị và Bình Dương thảo luận tại Tổ dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Đồng chí Nguyễn Thành Nam - TUV, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ chủ trì phiên thảo luận.

Quốc hội thảo luật một số Luật, dự án Luật và dự thảo Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 6

Đồng chí Nguyễn Thành Nam - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ chủ trì phiên thảo luận.

Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB) gồm 09 Chương, 81 Điều. Tiếp thu kết luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật đã chỉnh lý phạm vi điều chỉnh để phù hợp với tên gọi và nội hàm của Luật, theo đó đã chuyển các quy định về phương tiện giao thông và một số điều quy định trong chương vận tải đường bộ có nội dung liên quan đến trật tự, an toàn giao thông từ dự thảo Luật Đường bộ sang dự thảo Luật này. Bổ sung các giải thích từ ngữ, một số nội dung về nguyên tắc, chính sách về trật tự, an toàn giao thông, hành vi bị nghiêm cấm, cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ bảo đảm tính bao quát, sát thực tiễn.

Tán thành sự cần thiết ban hành Luật TTATGTĐB, các đại biểu cho rằng, Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) được ban hành năm 2008, sau 15 năm thực hiện cho thấy, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý trong lĩnh vực này. Hơn nữa, Luật GTĐB năm 2008 điều chỉnh cả lĩnh vực kết cấu hạ tầng GTĐB, vận tải đường bộ và lĩnh vực TTATGTĐB, nên không bao quát hết các nội dung về lĩnh vực TTATGTĐB, dẫn đến những bất cập trong công tác quản lý nhà nước, phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành. Do đó, việc ban hành Luật này là cần thiết đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Góp ý tại phiên thảo luận, một số ý kiến đại biểu cho rằng, việc tách Luật giao thông đường bộ hiện hành thành 2 luật (Luật TTATGTĐB và Luật đường bộ) là cần thiết và phù hợp đáp ứng yêu cầu tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát phạm vi điều chỉnh để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, dễ áp dụng, tránh việc giao thoa...

Quan tâm tới quy định tại Điều 8 về các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Quảng Trị bày tỏ chưa thực sự đồng tình với một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cấm tuyệt đối người “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” (khoản 1). Theo đại biểu, cần nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng để có quy định nồng độ cồn phù hợp với từng loại phương tiện, và quy định bảo bảm tính hiệu quả. Tương tự đối với quy định về đấu giá biển số xe ô tô, đại biểu cho rằng mới triển khai thí điểm nhưng bước đầu chưa chứng minh được tính hiệu quả. Do đó, cần phải cân nhắc việc quy định tại dự thảo luật theo hướng cụ thể như thế nào để đảm bảo khả thi.

Cũng tại Phiên thảo luận Tổ, tham gia hoàn thiện quy định cụ thể tại dự thảo luật, đại biểu Bình Dương đề nghị bổ sung trách nhiệm của Cảnh sát giao thông tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật đối với xe vận chuyển hàng hóa siêu trường, siêu trọng, xe quá tải, xe quá khổ lưu hành trên đường bộ để khắc phục chồng chéo nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông giữa lực lượng cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông hiện nay. Lý giải đề xuất này, đại biểu nhấn mạnh, hoạt động tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông là nội dung quan trọng vì liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân. Trên thực tế, thời gian qua hai lực lượng này khi thực hiện nhiệm vụ đã có sự chồng chéo, trùng lắp mà cử tri cũng đã có phản ánh nhiều về tình trạng này.

Liên quan đến quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe bốn bánh có gắn động cơ, đại biểu tỉnh Bình Dương cho biết: Tại khoản 1, Điều 45 dự thảo Luật quy định điều kiện hoạt động kinh doanh của xe bốn bánh có gắn động cơ. Tuy nhiên, Luật đường bộ thì không quy định hoạt động chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe bốn bánh có gắn động cơ là hoạt động kinh doanh vận tải. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, rà soát lại nhằm tạo sự thống nhất giữa các Luật, tránh sự trùng lắp, chồng chéo khi Luật ban hành gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

Góp ý vào dự án Luật Đường bộ, một số ý kiến đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Đường bộ lần này có một số Điều mới được bổ sung như: Điều 7, Điều 8, Điều 43, Điều 57, Điều 58, ... Đây là những quy định mới, do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần có đánh giá tác động một cách cụ thể, đồng thời làm rõ sự cần thiết khi bổ sung các Điều này vào dự thảo Luật.

Trong khuôn khổ nội dung phiên thảo luận, các đại biểu cũng bày tỏ đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu để bảo đảm quyền thu thuế của Việt Nam, phù hợp với xu thế và chuẩn mực quốc tế trong quản lý thuế. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ báo cáo rõ về kế hoạch, thời gian sửa đổi, bổ sung Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp để bảo đảm các nội dung về thuế phải được quy định một cách thống nhất trong Luật.

Chiều cùng ngày, theo chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ làm việc tại hội trường tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 và nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Khổng Thủy


Khổng Thủy

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long