Cập nhật:  GMT+7

Sáp nhập đơn vị hành chính và tinh gọn bộ máy cấp xã

Kỳ 3: Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt

Sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, tiết kiệm ngân sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền. Tuy nhiên cần phải tạo được sự đồng thuận, thống nhất để “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, khơi dậy được ý chí, quyết tâm, tinh thần đoàn kết trong Nhân dân.

Kỳ 3: Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt

Việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã tạo điều kiện quy hoạch, phát triển địa phương.

Sáp nhập cần “hòa nhập”

Điều quan trọng sau sáp nhập ĐVHC là phát huy tính cố kết cộng đồng, làng xã, tạo được sự hòa nhập, đoàn kết, thống nhất, tránh để xảy ra tình trạng “đèn nhà ai, nhà nấy rạng” hay tư tưởng “cục bộ, địa phương” gây khó khăn, cản trở trong việc phát triển đồng bộ mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội. Vì vậy, việc lấy kết quả của giai đoạn sáp nhập trước đó làm bài học, kinh nghiệm cho giai đoạn hiện tại là điều cần thiết ở các địa phương, để sáp nhập ĐVHC không chỉ đơn thuần là bài toán cộng.

Sau sáp nhập, làm sao để gắn kết những con người trong cùng một địa phương đồng lòng phát triển kinh tế - xã hội, phát huy được sức dân trong mọi hoạt động, phong trào, tham gia các cuộc vận động cũng là điều mà cán bộ và Nhân dân các địa phương còn trăn trở. Nhất là khi, tính cố kết cộng đồng làng, xã trong cuộc sống hiện đại ngày nay ở nhiều nơi không thực sự “chặt chẽ”, sự gắn bó không chỉ quẩn quanh sau lũy tre làng. Thực tế nhất là từ câu chuyện sáp nhập khu dân cư, nhiều người trong cùng một khu đến nay vẫn chưa biết mặt, biết tên, tình làng, nghĩa xóm “tối lửa tắt đèn có nhau” cũng là cả một vấn đề cần có thời gian và công sức vun đắp, xây dựng, vậy nên sáp nhập ĐVHC cấp xã càng cần phải đề cao yếu tố cộng đồng để tăng cường mối đại đoàn kết toàn dân.

Ngoài ra, mỗi địa phương đều có các thiết chế văn hóa, di tích lịch sử, truyền thống văn hóa riêng, sự khác biệt về phong tục, tập quán của người dân nếu không dung hòa cũng là khó khăn lớn khi sáp nhập. Thậm chí, ở nhiều vùng quê, tư tưởng “dòng họ” ăn sâu vào tiềm thức của người dân nên rất khó hòa nhập, khó chấp nhận việc sáp nhập các xã. Việc bổ sung, điều chỉnh hương ước, quy ước của các làng, xã sau sáp nhập, nhất là vùng đồng bào có đạo hay các địa bàn có văn hóa, lịch sử riêng cũng là điều khó khăn, do vậy, quá trình sáp nhập, các cơ quan chức năng cần xây dựng phương án bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, tín ngưỡng đặc trưng của từng địa phương.

Điển hình như xã Hữu Đô cũ (sau sáp nhập với Phú Thứ và Đại Nghĩa thành xã Hợp Nhất) có giáo xứ Vân Cương với khoảng 100 hộ dân theo đạo Công giáo, lại chủ yếu sống bằng nghề “gạo chợ, nước sông”. Tuy chiếm tỷ lệ không nhiều trong tổng số dân của 3 xã sau sáp nhập nhưng chính quyền địa phương và Nhân dân toàn xã Hợp Nhất luôn tôn trọng sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo và các nét văn hóa riêng của khu dân cư này. Lễ Giáng Sinh hay Lễ hội truyền thống úp cá của người dân công giáo khu Vân Cương đều thu hút đông đảo Nhân dân trong xã tham gia.

Trong giai đoạn 2019- 2021, Thanh Thủy là địa phương duy nhất của tỉnh tiến hành sáp nhập ĐVHC cấp xã có yếu tố đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người dân tộc Mường ở 3 xã Tu Vũ, Yến Mao và Phượng Mao để thành lập xã mới Tu Vũ. Đến nay, văn hóa của đồng bào Mường, nhất là văn hóa cồng chiêng, hát Rang vẫn được duy trì, trở thành nét văn hóa độc đáo, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Mường. Sau sáp nhập, Tu Vũ cũng trở thành địa phương được huyện lựa chọn để xây dựng Mô hình du lịch cộng đồng gắn với việc bảo tồn phát huy giá trị văn hóa người Mường, nhằm tạo điểm nhấn thu hút du khách khi đến với Thanh Thủy. Đồng chí Vũ Đức Kiên - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Thanh Thủy cho biết: Sau khi sáp nhập, xã Tu Vũ vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa của đồng bào Mường, tuy nhiên để phát huy thế mạnh trở thành một trong những điểm sáng thu hút du lịch, Phòng VH-TT huyện đã phối hợp với Sở VH-TT và DL mở các lớp truyền dạy cồng chiêng và hát Rang cho đồng bào Mường. UBND huyện cũng đẩy mạnh đầu tư bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa gắn với du lịch, trong đó có Tượng đài Chiến thắng Tu Vũ.

Trên cơ sở nền tảng là giá trị lịch sử, văn hóa tại các địa phương, sau sáp nhập, điều quan trọng là việc xâu chuỗi, phát huy những giá trị văn hóa vốn có trở thành thứ tài sản tinh thần, vật chất vô giá của tập thể chứ không còn là của “xã anh, xã tôi”.

Kỳ 3: Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt

Công chức Tư pháp - Hộ tịch xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao hướng dẫn công dân làm thủ tục đăng ký kết hôn.

Tạo động lực cho cán bộ, công chức

Mấu chốt trong sắp xếp ĐVHC cấp xã là cán bộ, đảng viên phải thông, người dân thấu hiểu và đồng thuận. Muốn vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp phải làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, công chức (CBCC) đồng thời tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức rõ nhiệm vụ chính trị, lợi ích của việc sáp nhập xã; phải sắp xếp, bố trí công tác cho đội ngũ CBCC và người hoạt động không chuyên trách cấp xã hợp lý, nhất là diện dôi dư sau sáp nhập.

Thời gian qua, để từng bước giải quyết vấn đề dôi dư CBCC sau sáp nhập giai đoạn 2019- 2021, các địa phương đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Vận động nghỉ hưu trước tuổi, vận động nghỉ hưởng chính sách theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế và Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND ngày 14/11/2019 của HĐND tỉnh, điều chuyển cán bộ, công chức nếu đủ điều kiện chuyển thành công chức cấp huyện, cấp xã, chỉ đạo các xã thuộc diện sáp nhập không đề nghị bổ sung nhân sự, hoặc bố trí cán bộ kiêm nhiệm các chức danh... Việc lựa chọn, bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy cũng như đội ngũ dôi dư đều trải qua quy trình chặt chẽ, dân chủ và minh bạch, đảm bảo công tâm, đồng thời cũng phản ánh rõ sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng, nhất là người đứng đầu.

Tại buổi làm việc với Đ oàn khảo sát của Ban Chỉ đạo Trung ương về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, xã giai đoạn 2023- 2030, đồng chí Phan Trọng Tấn - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đề nghị Trung ương cần có chính sách đãi ngộ đặc thù trước khi sắp xếp đối với đội ngũ CBCC, viên chức ở các ĐVHC cấp xã mới thành lập để CBCC yên tâm và cử tri cũng như Nhân dân đồng thuận.

Cùng với xây dựng phương án bố trí CBCC làm việc và giải quyết dôi dư, công tác tuyên truyền, vận động đã, đang được các địa phương chủ động triển khai nhằm tạo sự đồng thuận cao trong CBCC, viên chức, người lao động, đặc biệt là tập trung tuyên truyền, làm công tác tư tưởng, vận động những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi. Thực tế, từ việc sắp xếp sáp nhập ĐVHC giai đoạn 2019- 2021 cho thấy, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cũng đã có nhiều CBCC tự nguyện viết đơn xin nghỉ hưu trước tuổi.

Điển hình như tại xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao, năm 2020 được hợp nhất từ 3 xã Hợp Hải, Kinh Kệ và Sơn Dương. Sau sáp nhập, xã này có 40 CBCC, trong đó thực hiện nhiệm vụ tại xã có 24 CBCC, 6 CBCC được điều động tăng cường cho một số địa phương khác và có 4 đồng chí đã tự nguyện viết đơn xin về hưu trước tuổi.

Đồng chí Lại Văn Phượng - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phùng Nguyên cho biết: Liên quan đến quy trình sắp xếp, bố trí CBCC dôi dư, sau khi được tuyên truyền, nghiên cứu các chính sách hỗ trợ, nhiều CBCC đã quyết định về hưu trước tuổi trong tâm thế tự nguyện, nêu gương, với suy nghĩ tạo cơ hội cho lớp cán bộ trẻ phát triển!

Nhiều năm liền là công chức địa chính, sau khi xã sáp nhập, sắp xếp cán bộ dôi dư, ông Nguyễn Doãn Diện (sinh năm 1969), nguyên là công chức địa chính xã Phùng Nguyên đã quyết định viết đơn xin nghỉ hưu sớm. Ông Diện vui vẻ chia sẻ: “Không phải tôi chối bỏ trách nhiệm hay lo sợ mình không hoàn thành tốt nhiệm vụ mà cá nhân tôi nhận thấy việc sáp nhập 3 xã khiến công tác sắp xếp cán bộ sẽ có nhiều khó khăn. Nếu có ở lại làm việc tôi cũng chỉ có thể cống hiến thêm vài năm nữa, vậy thì không cớ gì lại không ưu tiên người trẻ. “Tre” rồi cũng phải già, “măng” rồi cũng phải mọc!

Việc xử lý, sắp xếp CBCC dôi dư sau sáp nhập là vấn đề nan giải, cần có thời gian, không thể là câu chuyện “một sớm, một chiều”. Tuy nhiên cũng cần phải sớm giải quyết, kịp thời có những cơ chế chính sách hợp lý để người “ở lại”, tiếp tục làm việc sẽ yên tâm cống hiến, còn người có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi hoặc “rẽ ngang” tìm công việc mới cũng cảm thấy được “động viên” bởi cơ chế chính sách phù hợp. Mong rằng, từ những kinh nghiệm sắp xếp ĐVHC của giai đoạn trước cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của giai đoạn này, tỉnh Phú Thọ sẽ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ chủ trương của Đảng và Nhà nước, từ đó tạo sức lan tỏa, đồng thuận, thống nhất cao trong Nhân dân. Đúng như quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030: Sắp xếp ĐVHC là công việc khó, nhạy cảm, phức tạp, thực hiện trong thời gian ngắn, nguồn lực có hạn, tác động lớn đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, tư tưởng, tâm lý của Nhân dân, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Do đó, lưu ý trong quá trình triển khai, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải rất cao, nỗ lực phải rất lớn, hành động phải rất quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, bảo đảm đúng quy định, dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, không cầu toàn, không nóng vội, bảo đảm ổn định của hệ thống chính trị, đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Trước hết, tập trung triển khai thực hiện bài bản, kỹ lưỡng, kiên trì vận động, thuyết phục, làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất trong toàn hệ thống chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, bảo đảm mục tiêu, yêu cầu đề ra. Phải có sự vào cuộc sát sao, trách nhiệm và phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành Trung ương và địa phương, nhất là cấp ủy, chính quyền tại các địa phương thực hiện sắp xếp.

Tin liên quan:
  • Kỳ 3: Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt
    Kỳ 2: Tinh cán bộ, gọn bộ máy

    Tên mới trên đất cũ dù sao vẫn là phần “vỏ”, là “danh xưng”, là ranh giới địa lý, điều quan trọng là bộ máy chính quyền mới sau sáp nhập và đội ngũ gần dân, sát dân nhất sẽ hoạt động ra sao để phát huy được năng lực, vị trí việc làm, giúp đơn vị hành chính cấp xã vận hành thông suốt, hiệu quả tại địa phương.

  • Kỳ 3: Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt
    Sáp nhập đơn vị hành chính và tinh gọn bộ máy cấp xã

    Xác định sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, tiết kiệm ngân sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp, tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo việc sáp nhập đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025, được thực hiện theo đúng lộ trình đề ra.

Việt Hà – Thu Hương


Việt Hà – Thu Hương

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Quy định tạo niềm tin

Quy định tạo niềm tin
2024-06-27 09:09:00

baophutho.vn Quy định 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới (Quy định 144) là sự...

Kẻ lưu vong phản phúc

Kẻ lưu vong phản phúc
2024-06-26 15:14:00

baophutho.vn Từng mang danh luật sư, ít nhiều có ăn học, nhưng Nguyễn Văn Đài đã bán thân cho quỷ, trở thành kẻ tội đồ phản trắc, ôm chân ngoại bang, phản...

Kỳ 2: Tinh cán bộ, gọn bộ máy

Kỳ 2: Tinh cán bộ, gọn bộ máy
2024-06-25 15:58:00

baophutho.vn Tên mới trên đất cũ dù sao vẫn là phần “vỏ”, là “danh xưng”, là ranh giới địa lý, điều quan trọng là bộ máy chính quyền mới sau sáp nhập và đội...

Danh dự và lòng tự trọng

Danh dự và lòng tự trọng
2024-06-25 07:55:00

baophutho.vn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”...

Dám nghĩ, dám làm, sẽ có đột phá

Dám nghĩ, dám làm, sẽ có đột phá
2024-06-21 08:49:00

Dường như có một suy nghĩ cố hữu lâu nay đối với nhiều người rằng, báo Đảng thì chính thống nhưng truyền thống, hay nói cách khác là khô cứng và khó thay đổi. Chính thống thì...

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long