{title}
{publish}
{head}
Xác định sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, tiết kiệm ngân sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp, tỉnh Phú Thọ đã nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo việc sáp nhập đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025, được thực hiện theo đúng lộ trình đề ra.
Kỳ 1: Chuyện “đất lề, quê cũ”
Sáp nhập đơn vị hành chính (ĐVHC), đến nay, băn khoăn nhất trong lòng người dân vẫn là việc đặt tên mới cho đất cũ sao cho hợp lý, thuận lòng dân, điều này tưởng chừng đơn giản nhưng vẫn còn những vướng mắc ở một số địa phương, trong đó có những câu chuyện và tâm tư về “đất lề, quê cũ”.
Lãnh đạo huyện Lâm Thao nắm bắt tình hình và ý kiến cử tri về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn xã Xuân Huy.
Đặt tên cho đất ?
Tên đất, tên làng vốn là điều rất thiêng liêng, ăn sâu trong tâm thức của mỗi người dân đất Việt. Có những vùng quê, chỉ cần nhắc đến tên thôi đã nhớ ngay đến lịch sử, văn hóa của vùng đất ấy. Đó cũng chính là “dấu hiệu” nhận biết nét đặc trưng của mỗi địa phương, mà trong đó người dân chính là chủ thể duy trì tên đất, tên làng. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm từng đề cập trong thơ của ông: “Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân”, nói vậy để thấy rằng, tên của một vùng đất có ý nghĩa quan trọng, nó giống như sợi dây kết nối các thế hệ, kết nối cả thời đại.
Sau khi hoàn thành sáp nhập ĐVHC giai đoạn 2019-2021, Phú Thọ tiếp tục tiến hành giai đoạn 2023-2025, sắp xếp 56 ĐVHC cấp xã để thành lập 22 ĐVHC mới (theo Dự thảo Đề án trình Chính phủ). Lúc này, việc đặt tên sau sáp nhập được tính toán rất kỹ, căn cứ vào các yếu tố lịch sử- văn hóa, làm sao để đảm bảo hài hòa, nhất là tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.
Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12/7/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 quy định: Việc đặt tên, đổi tên đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp phải bảo đảm đoàn kết dân tộc, phù hợp với các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương và tôn trọng ý kiến của đa số cử tri. Trường hợp nhập các đơn vị hành chính cùng cấp thì khuyến khích việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp.
Theo phương án ban đầu, huyện Lâm Thao dự kiến sáp nhập 3 xã: Xuân Huy, Thạch Sơn, Xuân Lũng thành một đơn vị hành chính mới, dự kiến tên gọi sau sáp nhập là Xuân Lũng, trụ sở đặt tại xã Xuân Lũng hiện nay. Đây là 3 địa phương có vị trí địa lý liền kề, có điều kiện phát triển kinh tế, xã hội và yếu tố văn hóa, truyền thống khá tương đồng. Tuy nhiên, việc đặt tên xã sau sáp nhập đang là nỗi băn khoăn, trăn trở của lãnh đạo địa phương, đi cùng những luồng ý kiến của người dân khi bàn tới chuyện đặt tên cho ĐVHC mới.
Chúng tôi về xã Xuân Huy, huyện Lâm Thao gặp bà Nguyễn Thị Lê gần 90 tuổi, từ ngày biết có chủ trương sáp nhập xã, bà Lê thường ngồi bên hiên nhà, chú tâm lắng nghe loa truyền thanh của xã và của khu dân cư tuyên truyền về việc sắp xếp ĐVHC. Lúc nghe rõ lúc không, chốc chốc bà lại hỏi đứa cháu ngồi bên cạnh: “Đã sáp nhập chưa, bao giờ phải sáp nhập?”. Việc sáp nhập trên chính mảnh đất quê hương mình khiến những người đang ở cái dốc bên kia cuộc đời như bà Lê thêm bồi hồi và nhiều tâm tư hơn bao giờ hết.
Tên Xuân Lũng dự kiến được giữ lại để đặt cho ĐVHC mới sau khi sắp xếp 3 xã Xuân Huy, Thạch Sơn và Xuân Lũng bởi tên gọi này có từ rất lâu đời, tồn tại song hành với làng Dòng - văn hiến, đất học; Lâm Thao - đất lúa, đất văn. Việc đặt tên xã mới là Xuân Lũng chính là kết hợp yếu tố truyền thống văn hoá, lịch sử lâu đời của người dân các địa phương, phù hợp với quy định tại Điều 6, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của UBTVQH.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân địa phương, hầu hết còn nhiều băn khoăn, trăn trở nếu tiến hành sáp nhập. Nhất là với người dân xã Thạch Sơn, họ mong muốn được giữ lại tên của xã mình hoặc ít nhất là giữ được từ “Sơn” như một phần trong cuộc đời mỗi người và cho con cháu họ sau này, để duy trì, tiếp nối lịch sử quê hương.
Cùng với Lâm Thao và một số địa phương, giai đoạn 2023-2025, huyện Hạ Hòa tiến hành sáp nhập 12 xã để thành lập 5 ĐVHC mới. Việc đặt tên xã sau sáp nhập là vấn đề được đem ra bàn bạc rất kỹ lưỡng. Điển hình như việc thành lập xã Ấm Hạ mới trên cơ sở sáp nhập 3 xã Phương Viên, Gia Điền, Ấm Hạ. Xét về lịch sử, xã Ấm Hạ và Gia Điền thời kỳ phong kiến đều thuộc Tổng Ấm Hạ. Thời kỳ chống Thực dân Pháp, xã Ấm Hạ và Gia Điền cùng nằm trong Chiến khu 10, có lịch sử tương đồng và gắn kết về địa lý. Xuất phát từ yếu tố lịch sử, Tổng Ấm Hạ có từ lâu đời, trong đó gồm cả 2 xã Ấm Hạ, Gia Điền, vì thế lấy tên Ấm Hạ sẽ đảm bảo về tính đại diện cho tổng thể chung của ĐVHC xã mới và đảm bảo tính khoa học cũng như lịch sử truyền thống.
Chia sẻ về vấn đề này, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hữu Nhàn - Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh cho rằng việc sắp xếp ĐVHC là một sự thay đổi lớn đáp ứng về nhiều mặt, tuy nhiên lại khiến cho một phần lịch sử, văn hóa bị “mờ đi”, bởi vốn dĩ lịch sử, văn hóa đã gắn bó, tồn tại lâu đời trên mảnh đất ấy. Với người dân nơi ấy, họ sợ mất đi lịch sử, văn hóa và họ cũng sợ sáp nhập sẽ khiến bị “pha loãng” những điều mà vốn chỉ chính địa phương và người dân xã cũ, khi chưa sáp nhập mới có. Thời xưa đặt tên cho một địa phương thường để miêu tả đặc điểm vùng đất, hay lấy tên họ của người khai khẩn đất hoang lập ra làng, xã, có khi dựa vào nghề của người dân trong vùng. Bởi vậy, việc sáp nhập ĐVHC đối với những vùng đất giàu truyền thống, có bề dày văn hóa lịch sử cần được tính toán cẩn trọng, hợp với lòng dân.
Niêm yết danh sách cử tri tại trụ sở UBND xã Phương Viên (Hạ Hòa) và nhà văn hóa các khu dân cư trong vòng 30 ngày trước thời điểm lấy ý kiến cử tri về sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã.
Tôn trọng quyền tự do dân chủ
Để tiến hành sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, các địa phương thuộc diện phải sắp xếp đã thực hiện lấy ý kiến cử tri để từ đó làm căn cứ tiến hành các bước tiếp theo trong quy trình sáp nhập. Đây cũng là cách để người dân được thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân, quyền tự do dân chủ. Lá phiếu cũng chính là “tiếng nói”, “tiếng lòng” thực tế nhất, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân một cách chính đáng, xác thực nhất.
Tại huyện Lâm Thao, sau khi tiến hành lấy ý kiến cử tri lần 1, kết quả chỉ có 16,5% số cử tri đồng ý sáp nhập, còn lại 83,5% cử tri không đồng ý. Huyện tiếp tục lấy ý kiến cử tri lần 2, kết quả 90,3% tỷ lệ cử tri không đồng ý, chỉ có 9,6% tỷ lệ cử tri đồng ý. Người dân đưa ra một số lý do như: Không đồng ý với tên đơn vị hành chính mới sau sáp nhập vì người dân nơi nào cũng muốn giữ nguyên tên gọi đã thân thuộc với mình; lo ngại việc đặt tên mới sẽ phát sinh ra nhiều vướng mắc, mất nhiều thời gian khi phải thay đổi giấy tờ; trụ sở sau sáp nhập đặt xa sẽ không thuận tiện cho việc di chuyển đi làm thủ tục hành chính, các trường học sau sáp nhập sẽ xử lý như thế nào để đưa đón trẻ được thuận tiện... Ngay cả người dân xã Xuân Lũng hiện nay, mặc dù dự kiến sau sáp nhập lấy tên ĐVHC mới là Xuân Lũng, trụ sở đặt tại UBND xã Xuân Lũng, tuy nhiên tỷ lệ cử tri không đồng ý sáp nhập chiếm tới 87% (tăng 6% so với lần 1); Xuân Huy 88% không đồng ý (tăng 13% so với lần 1); còn tại Thạch Sơn có tới 96% cử tri không đồng ý.
Đồng chí Hoàng Anh Tuấn - Trưởng phòng Nội vụ huyện Lâm Thao cho biết: “Ngay khi nhận được hướng dẫn của Sở Nội Vụ về việc sắp xếp sáp nhập các ĐVHC cấp xã, huyện Lâm Thao đã triển khai tương đối sớm, đảm bảo đúng quy trình, tiến độ, các địa phương trong diện sáp nhập đã lập và niêm yết danh sách cử tri trong vòng 30 ngày trước khi tiến hành lấy ý kiến cử tri về sắp xếp các ĐVHC cấp xã. Lãnh đạo UBND huyện cũng đã có những buổi làm việc với các địa phương này để lắng nghe, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của Nhân dân. Kết quả ý kiến cử tri thể hiện sự công tâm, minh bạch, khách quan trong việc tiến hành lấy ý kiến cử tri của các địa phương đồng thời đảm bảo quyền dân chủ của Nhân dân”.
Cùng với đó, tại các huyện Thanh Thủy, Phù Ninh, Tam Nông trong quá trình tuyên truyền và niêm yết danh sách cử tri cũng nhận được nhiều ý kiến phản ánh của cử tri đề nghị lùi thời gian thực hiện các phương án sắp xếp ĐVHC cấp xã vào giai đoạn 2026-2030 cùng với việc sắp xếp ĐVHC cấp xã thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2026-2030 và sắp xếp ĐVHC cấp huyện, nhằm đảm bảo đồng bộ, thống nhất việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã với quy hoạch tỉnh Phú Thọ và các quy hoạch chuyên ngành liên quan giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quyết định đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Từ tình hình thực tiễn trên, ngày 26/4/2024 sau khi nghe các địa phương báo cáo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ đã ban hành Nghị quyết số 109-NQ/TU về Phương án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2023 - 2025. Yêu cầu thống nhất về chủ trương sắp xếp ĐVHC cấp xã: Việc tiến hành sắp xếp ĐVHC phải đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định, phù hợp với tình hình đặc điểm của từng địa phương; tôn trọng ý kiến góp ý xây dựng của nhân dân, đạt được sự đồng thuận, ủng hộ, thống nhất cao trong các tầng lớp nhân dân, không được dùng các biện pháp hành chính khiên cưỡng, ép buộc, không dân chủ; đồng thời phải đảm bảo ổn định về chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trước, trong và sau quá trình sắp xếp ĐVHC. Chính bởi vậy, Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 đã giảm xuống còn 56 ĐVHC so với Phương án dự kiến phải sắp xếp là 80 ĐVHC, trong đó có 24 ĐVHC cấp xã thuộc các huyện: Phù Ninh, Lâm Thao, Thanh Thủy, Tam Nông chưa thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025.
Nếu như việc sáp nhập ĐVHC cấp xã tại một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn, bất cập bởi nhiều lý do, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng, băn khoăn của Nhân dân thì tại một địa phương khác người dân cũng đã thể hiện sự đồng tình, ủng hộ với hy vọng sau khi sáp nhập người dân sẽ không gặp nhiều vướng mắc trong chuyển đổi giấy tờ, kinh tế, xã hội ngày càng phát triển. Cụ thể tại huyện Hạ Hòa, Thanh Ba tỷ lệ cử tri đồng ý là trên 95%.
Về huyện Hạ Hòa trong thời gian diễn ra công tác lấy ý kiến cử tri, loa truyền thanh xã và các khu dân cư trên địa bàn huyện đã thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc sắp xếp sáp nhập đơn vị hành chính. Chúng tôi gặp ông Trần Đức Bình, khu 5, xã Phương Viên, nay đã ngoài 70 tuổi, hằng ngày ông Bình đều chăm chú nghe loa truyền thanh về phương án sắp xếp đơn vị hành chính. Khi được hỏi quan điểm của ông về phương án sáp nhập, ông Bình chia sẻ: “Ở tuổi như tôi chẳng mong gì hơn, tôi luôn ủng hộ chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ mong sao sau sáp nhập người dân luôn đoàn kết, phát huy sức mạnh tập thể, gìn giữ những giá trị văn hóa, xây dựng đời sống kinh tế ngày càng phát triển”.
Việc lấy ý kiến cử tri cũng chính là một bài toán “trắc nghiệm” hiệu quả nhất để thấy được lòng dân. Lòng dân cũng chính là thước đo quan trọng nhất trong mọi chủ trương, đường lối - “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong” và việc tôn trọng quyền tự do, dân chủ của nhân dân cũng là cách để chính quyền địa phương tiếp cận, nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của nhân dân một cách sâu sát, cụ thể nhất. Điển hình như tại xã Minh Hạc, huyện Hạ Hòa, khi phát phiếu lấy ý kiến cử tri đến từng hộ gia đình, kết quả 99,96% cử tri đồng ý, chỉ một cử tri không đồng ý. Đồng chí Hoàng Đức Đạt - Chủ tịch UBND xã Minh Hạc cho biết: “Đảng ủy, chính quyền đã triển khai công tác nắm bắt tư tưởng cũng như tuyên truyền để người dân hiểu rõ chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, việc một người dân không đồng ý, thậm chí là nhiều hơn một, chúng tôi cũng không vận động hay tác động bất cứ điều gì bởi đó là quyền của người dân và chúng tôi hoàn toàn tôn trọng”.
Có thể thấy, sau sáp nhập để hình thành ĐVHC mới, việc xóa đi cái tên nào cũng tạo ra sự nuối tiếc trong lòng người dân, bởi mỗi cái tên đều mang trong mình những câu chuyện từ lúc ra đời và gắn với những biến thiên của lịch sử. Đồng thời việc tìm ra một cái tên mới chính là sự mở đầu, kiến tạo nên những trang sử mới trong đời sống của người dân, của vùng đất và tạo được hồn cốt của làng quê.
Việt Hà - Thu Hương
Ngày 20/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
baophutho.vn Thực hiện Quy định số 213-QĐ/TW, ngày 2/1/2020 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ...
baophutho.vn Những năm qua, Đảng bộ Trường Đại học Hùng Vương đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo để triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về...
Dường như có một suy nghĩ cố hữu lâu nay đối với nhiều người rằng, báo Đảng thì chính thống nhưng truyền thống, hay nói cách khác là khô cứng và khó thay đổi. Chính thống thì...
baophutho.vn Thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TU, ngày 4/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục tăng cường xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong các...
baophutho.vn Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của đất nước ta bằng...
baophutho.vn Xem clip được đăng tải trên mạng xã hội mới đây nhất (ngày 11/6), trong đó có cảnh ông Lê Anh Tú, hay còn được biết đến với tên Thích Minh Tuệ...
baophutho.vn Như chúng tôi đã đề cập, Chỉ thị 40 ra đời trở thành đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp trong cả nước nói chung, toàn tỉnh nói riêng; lan tỏa...
baophutho.vn Thực hiện Kết luận số 133-KL/TU, ngày 9/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 15/6/2016 của Ban...
baophutho.vn Kể từ khi Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính...
baophutho.vn Mạng xã hội (MXH) trong những năm gần đây có sự phát triển mạnh mẽ, tác động lớn đến đời sống xã hội ở hầu hết các quốc gia trên thế giới,...
baophutho.vn Nếu coi tham nhũng, tiêu cực là căn bệnh trầm kha, nguy hiểm đã và đang là nguy cơ gây suy giảm niềm tin, đe dọa sự sống còn của Đảng, Nhà...