
{title}
{publish}
{head}
Tháng 3 về ngã ba huyền thoại
PTO- Có lẽ không ai trong chúng ta không ít nhất một lần được nghe đến địa danh "Ngã ba Ðồng Lộc", một cái tên đã đi vào lịch sử dân tộc và gắn liền với những chiến công của các đơn vị Thanh niên xung phong (TNXP) giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Song không phải tất cả chúng ta đều đã có dịp đến Ngã ba Ðồng Lộc, đã nhìn thấy những gì còn lại trên mảnh đất này và nghe câu chuyện đầy cảm động về những con người nơi đây trong thời kỳ máu lửa.
Trầm mặc nơi “túi bom”
![]() |
Tượng đài Chiến thắng TNXP sừng sững giữa đất trời Ngã ba Đồng Lộc. |
Ngã ba Đồng Lộc ngày hôm đó mưa và rét. Tuy nhiên, thời tiết không ngăn được lòng người. Hàng trăm xe ô tô hàng nối hàng, mang biển số của khắp mọi miền đất nước. Không huyên náo, ồn ào như những nơi có lễ hội, dòng người về đây lặng lẽ, nghiêm trang và tôi thấy hơn một nửa trong số họ còn rất trẻ, có lẽ họ giống tôi, những đứa con sinh ra sau chiến tranh muốn đi tìm, muốn biết về một thời kỳ oanh liệt mà cha ông chúng ta đã trải qua. Khói hương nghi ngút tỏa ra từ khu tưởng niệm TNXP và khu mộ 10 cô gái làm cho bầu không khí của ngã ba linh thiêng thêm trầm mặc. Tất cả những con người đến đây không trò chuyện rôm rả, ai cũng im lặng với những suy ngẫm riêng của mình. Tôi đã từng thắp hương tưởng nhớ các liệt sĩ ở nghĩa trang Điện Biên, nơi có anh hùng Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện... Tôi cũng đã từng đến viếng thăm hơn 10 ngàn liệt sĩ tại nghĩa trang Trường Sơn, Quảng Trị, một trong những nghĩa trang liệt sĩ có số lượng hài cốt lớn nhất thế giới... nhưng lần này về Đồng Lộc tâm trạng tôi thật khác lạ. Tôi đã chùng chân, bước ngập ngừng, cúi đầu lặng lẽ trước một chứng tích chiến tranh - đó là một hố bom. Tĩnh tâm tưởng niệm, hình như đâu đó làn khói thuốc nổ của 42 năm trước còn vảng vất quanh mấy ngọn cỏ dại mọc dưới lòng hố sâu kia và hòa lẫn vào khói hương trầm mặc.
Để tìm hiểu sâu sắc hơn về lịch sử của vùng đất này tôi đã tìm đến Bảo tàng TNXP đặt ngay tại Ngã Ba Ðồng Lộc. Những lời ghi lại, những vật chứng của chiến tranh trưng bày trong bảo tàng đã làm tôi không cầm được xúc động. "...Năm 1968 là năm khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh. Sau Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, phía chúng ta phải gánh chịu nhiều tổn thất. Yêu cầu tăng viện cho chiến trường vũ khí, lương thực, xăng dầu để củng cố lực lượng, giữ vững địa bàn trở nên vô cùng cấp thiết. Ngã Ba Ðồng Lộc trở thành yết hầu của mạch giao thông nối liền "hậu phương lớn miền Bắc" với "tiền tuyến lớn miền Nam". Mỹ biết được điều đó nên đã tập trung toàn lực để cắt đứt con đường này, chỉ riêng nửa đầu năm 1968, chúng đã trút xuống nơi đây (tập trung ở 1km vuông xung quanh Ngã Ba Ðồng Lộc) 4.200 quả bom và tên lửa các loại, không kể bom nổ chậm và mìn sát thương... Người ta đã thống kê rằng, mỗi mét vuông ở Ngã Ba Ðồng Lộc phải gánh chịu ít nhất 3 quả bom tấn. Nhưng, địch quyết phá thì ta quyết giữ, chúng ta đã tập trung mọi nguồn lực để giữ bằng được con đường này. Vào lúc cao điểm nhất, chỉ tại ngã ba này thôi đã tập trung 1,6 vạn người, phần lớn là bộ đội pháo binh và lực lượng TNXP...". Đến khi đọc được bài thơ “Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc” của nhà thơ Vương Trọng, tôi đã khóc.
“Mười bát nhang cắm thế đủ rồi
Còn hương nữa hãy dành cho người khác
Ngã xuống nơi này đâu chỉ có chúng tôi
Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc
Lòng tưởng nhớ xin chia đều khắp...”
Lời thơ như được rút ra từ trong gan ruột, nhức nhối quặn lòng. Các anh, các chị - những TNXP đã anh dũng hy sinh cho quê hương ruột thịt. Tôi lặng lẽ thắp những nén nhang, đi thăm hết nấm mồ này đến nấm mồ khác và khắc ghi từng cái tên được ghi trên các tấm bia vào lòng. Tự nhủ thân thể các anh chị đã tan vào đất mẹ nhưng tên của các anh chị sẽ vẫn còn sống mãi với Tổ quốc thân yêu.
Lời nhủ từ vùng đất thiêng
Trong viện Bảo tàng có một căn phòng dành riêng cho 10 cô gái TNXP ởngã ba Ðồng Lộc và đây cũng là phần quan trọng nhất của bảo tàng. Tôi nghe và nuốt từng lời của người hướng dẫn viên: Các cô gái TNXP này đã có mặt tại Ngã ba Ðồng Lộc vào những ngày ác liệt nhất. Thường thì mọi hoạt động ở Ngã ba Ðồng Lộc đều diễn ra về đêm sau khi máy bay Mỹ bắn phá vào ban ngày. Nhưng vào hồi 17h ngày 24-7-1968, Tiểu đội 4 TNXP gồm 10 cô gái trẻ được lệnh ra Ngã ba Đồng Lộc san lấp hố bom và sửa chữa đường để cho xe vượt qua đoạn đường độc đạo này. Bỗng một tốp máy bay phản lực bất thình lình quay lại sau một vài giây và ào ạt trút bom. Một phút... rồi năm phút trôi qua, trên đài quan sát không thấy ai trong số mười cô rũ đất đứng dậy. Cả trận địa lặng đi rồi òa lên tiếng khóc nức nở của những người đồng đội. Các cô đã hy sinh rồi!... Sau hơn hai tiếng đồng hồ, đồng đội đã đào đất tìm được xác chín người, đặt lên 9 cái cáng xếp hàng ngang, chỉ riêng có chị Hồ Thị Cúc là vẫn chưa tìm được. Ba ngày sau, đồng đội tìm thấy thi thể chị nằm sâu trong lòng đất đá, đầu vẫn đội nón, vai vác cái cuốc, các đầu ngón tay đều thâm tím. Mọi người bảo rằng chị đã cố gắng bới đất chui lên nhưng hầm sâu quá... Cuối cùng thì các chị cũng lại được quây quần cùng nhau dưới lòng đất mẹ. 10 cô gái đó là những chiến sĩ thuộc Tiểu đội 4, Ðại đội 2 Tổng đội TNXP 55 của tỉnh Hà Tĩnh. Ngoài tiểu đội trưởng Võ Thị Tần thì chưa ai có người yêu. Tuổi đời các cô đều còn rất trẻ, chỉ trên dưới 20, người trẻ nhất tiểu đội lúc đôi mắt khép lại mới tròn 17 tuổi.
![]() |
Tượng đài tưởng niệm 10 nữ TNXP nằm dưới chân đồi, phía trên là tháp chuông 7 tầng với quả chuông nặng trên 5 tấn thể hiện tri ân của thế hệ hôm nay với những người đã hy sinh vì độc lập của Tổ quốc. |
42 năm đã qua đi, đất nước đã hoàn toàn độc lập và đang trên con đường đổi mới nhưng các chị "không thêm một tuổi nào”. Các chị mãi là những nữ thanh niên bất tử. Trên những ngôi mộ của các chị lúc nào cũng có hoa cúc trắng tươi, lúc nào cũng nghi ngút khói hương. Cuộc đời tuy ngắn ngủi nhưng anh dũng của các chị không bao giờ phai mờ trong ký ức mọi người. “...Mẹ ơi, chiều nay chúng con lại thắng thằng Mỹ một keo nữa. Con kể để mẹ mừng nhé! Trưa nay, hàng chục máy bay giặc kéo đến trút bom lên ngã ba Đồng Lộc. Với yêu cầu nhanh chóng thông đường, mặc dù trời còn sớm nhưng tất cả chúng con đều xông lên mặt đường để kịp thời cứu chữa. Trong thời gian chúng con làm, máy bay giặc có kéo đến trinh sát, chúng tưởng đường xá đã bị tan nát vì cơn mưa bom nhưng chính lúc đó là lúc đoạn đường được nối liền bằng cả tâm hồn và trí lực của chúng con. Trời xẩm tối, những chiếc xe mang nặng tình hậu phương lại lăn bánh trên đường ra tiền tuyến...” (thư của chị Võ Thị Tần viết gửi mẹ trước ngày chị hy sinh 5 ngày). Lời văn mộc mạc, giản dị của một cô gái mới lớn nhưng thể hiện đầy nhiệt huyết, quyết tâm của sức trẻ trước những khó khăn, mất mát của dân tộc. Nhìn vào tấm gương các chị, thế hệ trẻ chúng ta cần khắc cốt ghi xương, tiếp bước truyền thống của thanh niên Việt Nam bền lòng bước tới giữ vững độc lập, xây dựng Tổ quốc ngày một tươi đẹp. “Ngọn lửa tuổi trẻ” của thanh niên thế hệ mới sẽ được thổi bùng lên bằng chính sự hy sinh của những người ngã xuống để tiếp tục viết nên câu chuyện của hiện tại và tương lai. Đang miên man với dòng suy nghĩ, văng vẳng bên tai tiếng chuông ngân vang vọng giữa đất trời Đồng Lộc, tôi thấy lòng mình thanh thản hơn. Ngước nhìn ra xa, tòa tháp chuông 7 tầng, cao 36,6m, quả chuông được đúc với trọng lượng 5,7 tấn, cao 3,6m, lợi chậu (vành chuông) 1,95m được khởi công đúng ngày 26-3-2009 do sự chung tay đóng góp của những người có tấm lòng tri ân đến người đã khuất. Sau gần 2 năm thi công, những ngày đầu năm 2011, công trình đã hoàn thành theo ý nguyện. Tiếng chuông ngân mỗi sớm, mỗi chiều ở Ngã ba Đồng Lộc sẽ làm ấm lòng những người dân quanh vùng, những người nơi xa hành hương về. Tiếng chuông vọng thẳm sâu xuống tầng đất nâu như tiếng của đất mẹ quê hương ru giấc ngủ ngàn thu cho các anh linh của hàng ngàn liệt sĩ đang yên nghỉ nơi mảnh đất này. Tiếng chuông ngân nga trên ngàn thông reo, làm thắm thêm những bông hoa mua tím, lay động và ấm áp không gian khu di tích lịch sử ở Ngã ba Đồng Lộc này. Mỗi tiếng chuông mang theo cả triệu triệu tấm lòng với sự kính cẩn, lòng biết ơn vô hạn không chỉ cho hôm nay mà cho cả mai sau.
Đứng trước 10 nấm mồ trắng tinh có hình ảnh 10 cô gái với nụ cười rạng rỡ, nước mắt tôi lăn dài trên gò má. Tôi cứ đọc đi đọc lại những cái tên Võ Thị Tần, 22 tuổi, Tiểu đội trưởng; Hồ Thị Cúc, 21 tuổi, Tiểu đội phó cùng 8 chiến sĩ: Võ Thị Hợi, 20 tuổi; Nguyễn Thị Xuân, 20 tuổi; Dương Thị Xuân, 19 tuổi; Trần Thị Rạng, 19 tuổi; Hà Thị Xanh, 18 tuổi; Nguyễn Thị Nhỏ, 19 tuổi; Võ Thị Hạ, 19 tuổi; Trần Thị Hường, 17 tuổi để nghiền ngẫm, tự nhủ và để các cái tên bất tử ăn sâu vào máu thịt mình như một lời tri ân với các chị - những nữ TNXP anh hùng. Kim Chi
baophutho.vn “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng 10/3” - câu ca như lời nhắc nhớ mỗi người con đất Việt dù công tác, làm việc hay học tập ở bất kỳ...
baophutho.vn Từng là dự án nhà ở xã hội thuộc hàng “top” của tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2019-2020, thế nhưng, hiện nay, Khu nhà ở và dịch vụ khu công nghiệp...
PTO- Đã có một số biện pháp mà Bộ NN- PTNT đưa ra nhằm giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất như hỗ trợ chuyển đổi lao động nông nghiệp sang các ngành nghề khác...
PTO-Những năm qua, nhiều nhà máy, xí nghiệp được xây dựng, nhiều khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) được hình thành góp phần thúc đẩy quá trình CNH-HĐH đất nước...
PTO- Thời gian qua, dư luận quan tâm nhiều đến sự việc: Tại khu đồi Cá Chuối, thuộc khu 8A, xã Chu Hoá, thành phố Việt Trì nằm trong khu vực bảo vệ của Khu di tích lịch sử Đền Hùng...
PTO- “Thời kháng chiến, nhiều gia đình còn hăng hái dỡ cả nhà, cả cửa, cung tiến hàng trăm cây vàng cho cách mạng, còn bây giờ mình hiến có mấy trăm mét vuông đất để làm đường...
PTO- Tình hình bất ổn tại Libya đã gây nên những tác động xấu đến với những người lao động các nước, trong đó có hàng ngàn lao động người Việt Nam tại đây.
PTO-“Đấy các anh xem, không làm ban ngày thì họ lợi dụng đêm tối mang cả máy múc lên để thăm dò khai mỏ. Tài nguyên khoáng sản cứ bị ăn cắp trắng trợn...
PTO-Cuộc sống hiện đại xuất hiện ngày càng nhiều những căn bệnh mới với những biến thể khôn lường đòi hỏi các y, bác sĩ bên cạnh việc thường xuyên rèn luyện trau dồi kỹ thuật...
PTO- Sáng ngày 21-2, tại nhiều địa phương trong tỉnh đã tổ chức ngày hội tòng quân đợt 1 năm 2011, PV Báo Phú Thọ đã có mặt tại các địa điểm giao nhận quân ở 7 huyện, thị, thành...
PTO-Đỉnh núi Đát Hóp như một chấm xanh nhỏ, nằm lẩn khuất trong những lớp mây mờ vần vũ quanh năm giăng khắp.
PTO-Những ai đã từng vào Nam chiến đấu trong những thập niên 60 và 70 chắc hẳn còn nhớ cuộc tổng tiến công của quân và dân miền Nam mùa xuân 1968 (Tết Mậu Thân) trên khắp các...