Trống đồng Đền Hùng đã được các nhà khoa học xếp vào loại đứng đầu hàng trong hệ thống trống loại I, nhóm C (theo phân loại của Hê gơ). Tại Phú Thọ, đến nay đã phát hiện được 75 trống đồng cổ có niên đại từ thời Hùng Vương đến thế kỷ thứ 7, 8 sau Công nguyên. Trống đồng Đền Hùng là hiện vật có giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử, nổi trội nhất trong gần 1.000 chiếc trống đồng Đông Sơn được tìm thấy trên cả nước bởi kỹ thuật luyện kim, đúc đồng và chế tác tinh xảo. Đặc biệt hơn cả là vị trí phát hiện ra Trống đồng Đền Hùng, đây là chiếc trống đồng loại I duy nhất tìm được quanh khu vực Đền Hùng nói riêng và khắp vùng tả ngạn sông Thao nói chung.
Được biết, trống đồng cổ được phát hiện tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh như thành phố Việt Trì, các huyện Thanh Sơn, Tân Sơn, Tam Nông, Yên Lập, Thanh Thủy..., nhưng nhiều nhất là ở huyện Thanh Sơn - khu vực có đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống. Trống đồng hiện được lưu giữ chủ yếu tại Bảo tàng Hùng Vương tỉnh và Bảo tàng Hùng Vương - Khu di tích lịch sử Đền Hùng, là những điểm nhấn quan trọng trong không gian trưng bày của bảo tàng. Các khu trưng bày trống đồng được sắp xếp theo chủ đề và theo giai đoạn lịch sử giúp người xem có thể tìm hiểu về nguồn gốc, niên đại và giá trị lịch sử, giá trị văn hóa của các loại trống đồng trên Đất Tổ.
Hiện nay, trống đồng Đông Sơn lưu giữ tại bảo tàng gồm các trống đồng được đặt tên theo địa phương phát hiện ra như Trống đồng Đền Hùng, trống đồng Thượng Nông; Trống đồng Yên Lương 1,2,3 thuộc loại 2 Hê gơ; trống Thu Ngạc, Kiệt Sơn, Sơn Hùng, Giáp Lai, Địch Quả được tìm thấy trên địa bàn huyện Thanh Sơn, Tân Sơn; trống đồng Tân Long ở Yên Lập. Tại Bảo tàng Hùng Vương, có trưng bày bộ sưu tập trống đồng gồm loại 1 Hê gơ 1, loại 2 Hê gơ 2 và đặc biệt là chiếc Trống đồng Đền Hùng được xếp loại Hê gơ 1, là Bảo vật Quốc gia. Các trống đồng loại 1, 2 tại bảo tàng rất quý, hiếm và độc lạ, trong đó điển hình như trống đồng Thu Ngạc 1 có đường kính mặt 66cm, cao 44cm và trống đồng Địch Quả đường kính mặt 70cm, cao 44cm...
Trống đồng Đền Hùng có đường kính mặt 93cm, đường kính đáy 94cm, cao 66cm, trọng lượng 90 kg. Trống được làm bằng chất liệu đồng thau, thuộc loại Hê gơ I, nhóm C. Mặt trống được đúc khá dày, chính giữa là đĩa mặt trời, đường kính 20cm (tính ra đến đầu tia mặt trời), núm mặt trời có đường kính 8cm. Viền quanh đĩa mặt trời là 3 đường chỉ nối tạo thành 3 đường tròn đồng tâm, tạo ra 2 ô khoảng không ngăn cách với 9 vòng hoa văn trang trí rộng 0,7cm.
Thân trống được chia làm 3 phần, gồm: Tang trống tiếp giáp với mặt trống phình ra có đường kính 1m, cao 18,5cm, hình trang trí có 6 thuyền chở người hóa trang theo chim cách điệu xen kẽ với hình người hóa trang cách điệu, mỗi thuyền dài 35cm, thuyền và người nằm trong một vành hoa văn gồm 5 vành nhỏ theo thứ tự từ trên xuống. Lưng trống: Cao 27cm, đường kính 80cm, có 8 khung hình chữ nhật là những hình người hóa trang cách điệu (hai tầng người) chỉ có mắt và lông công được xen kẽ với các vành thẳng đứng. Chân đế phình hơn phần thắt, đường kính 98cm, phần tiếp giáp với phần thắt là 2cm, không có trang trí, rồi đến các vành tròn đồng tâm.
Thông qua các nét họa tiết, hoa văn trên trống đồng, các nhà khoa học có thể hình dung, nghiên cứu về đời sống sinh hoạt, kinh tế, văn hóa của người Việt cổ. Trống đồng không chỉ được người xưa dùng làm nhạc khí mà còn được dùng trong các nghi lễ, lễ hội và cả trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Trên địa bàn tỉnh, vùng Mường Thanh Sơn được phát hiện nhiều trống đồng nhất, và đây cũng là vùng lưu giữ được tục đánh trống đồng trong các ngày lễ, hội.
Ngọc Lam - Hà Trang
3:28:02:2024:15:46 GMT+7