Khởi nghiệp từ niềm đam mê với nấm, anh Phạm Văn Hưng khu 7, xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông sau 4 năm không ngừng học hỏi, đúc rút kinh nghiệm đã nghiên cứu, nuôi trồng, sản xuất thành công nấm đông trùng hạ thảo với công nghệ tiên tiến ngay tại quê nhà.
Khởi nghiệp từ niềm đam mê với nấm, anh Phạm Văn Hưng khu 7, xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông sau 4 năm không ngừng học hỏi, đúc rút kinh nghiệm đã nghiên cứu, nuôi trồng, sản xuất thành công nấm đông trùng hạ thảo với công nghệ tiên tiến ngay tại quê nhà.
Nhắc lại cơ duyên đưa anh đến với nghề nuôi cấy đông trùng, anh Phạm Văn Hưng chia sẻ, năm 2016, sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học của Trường Đại học Lâm Nghiệp, với niềm đam mê loài nấm lạ, anh đã theo học hỏi, nghiên cứu các thầy cô trong trường.
Chia sẻ về những năm tháng tuổi trẻ khởi nghiệp, anh Hưng nhớ lại, sau 4 năm miệt mài tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, đến năm 2020, anh trở về quê hương. Xác định có rất nhiều khó khăn trước mắt anh vừa làm, vừa tự tìm tòi để xác định hướng đi cho sản phẩm của mình.
Năm 2023, anh Hưng đầu tư nhà xưởng hiện đại, lắp đặt hệ thống máy sấy, xây dựng được 2 quá trình nhân giống, một là nuôi cấy trên hỗn hợp gạo lứt, nước dừa, bột nhộng tằm, hai là giá thể nhộng tằm dâu sống nguyên con cắt ra cấy sống.
Mô hình nuôi cấy, chăm sóc đông trùng hạ thảo cũng được thực hiện khép kín, hết sức nghiêm ngặt, gồm đầy đủ cơ sở hạ tầng và trang thiết bị: Phòng vô trùng, phòng lạnh, phòng cấy nấm và các trang thiết bị cần thiết như: Máy lắc, điều hòa, giá nuôi...
Đông trùng hạ thảo là loài dược liệu quý hiếm và đắt tiền trong đông y được ví như “vàng mềm”. Ở ngoài tự nhiên, đông trùng sẽ sinh trưởng ở nơi có độ cao từ 3.500m đến hơn 5.000m so với mực nước biển trong điều kiện khí hậu lạnh giá, vô cùng khắc nghiệt. Bởi vậy, chúng chỉ xuất hiện ở dãy núi Himalaya và vùng cao nguyên Tây Tạng Trung Quốc.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, không chỉ riêng HTX sản xuất công nghệ cao Bio Gold của anh Phạm Văn Hưng sản xuất, nuôi cấy thành công mô hình đông trùng hạ thảo, tại các huyện Cẩm Khê, Yên Lập, Thanh Thủy... nhiều cơ sở, HTX như: Cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo Phúc Linh (khu Tân Lập, xã Phú Khê, huyện Cẩm Khê) của anh Phạm Văn Phúc, HTX nông nghiệp công nghệ cao Nguyên Phát (khu 1, xã Xuân Viên, huyện Yên Lập) của anh Doãn Xuân Dũng, cơ sở đông trùng hạ thảo Anh Minh (khu 11, xã Đồng Trung, huyện Thanh Thủy) do anh Lê Hoàng Hải làm chủ... cũng đã nghiên cứu, sản xuất thành công loại dược liệu quý và đều được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh, phân phối đi khắp các tỉnh thành trong và ngoài nước.
Nhu cầu thị trường ngày một tăng lên, xu hướng sử dụng thực phẩm tăng cường sức khỏe sẽ là cơ hội mở ra cho những mặt hàng như đông trùng hạ thảo đi vào đời sống. Đây sẽ là một trong những nhân tố mang lại điểm sáng trong bức tranh phát triển nông nghiệp, là sản phẩm đạt chuẩn OCOP đặc trưng của tỉnh, tạo nên dấu ấn riêng trên quê hương Đất Tổ.
Bảo Thoa - Trương Giang
1:27:05:2024:09:14 GMT+7