{title}
{publish}
{head}
Những ngày cuối xuân, núi rừng Tây Bắc bạt ngàn sắc trắng hồng của những đoá ban và những bông hoa đào nở muộn, còn sót lại. Màu hoa lẫn với màu trời bàng bạc, bảng lảng sương khói. Trong màn sương ấy, chỉ có pằng nảng (hay còn gọi là hoa gạo) là rực đỏ một góc trời.
Ở xứ núi này, những cây pằng nảng thường đứng đơn độc giữa rừng, nhưng sừng sững, to cao và đầy kiêu hãnh. Người núi vẫn bảo pằng nảng là giống cây thiêng, “trâu không ăn, người không chặt” nên cây cứ ở đó, lớn lên. Những gốc pằng nảng giữa rừng không có cái thế uy nghi, cổ kính, xum xuê mà thường khẳng khiu, cao vút lên. Gốc cây càng sù sì, khẳng khiu, già cỗi thì hoa lại càng thắm đỏ, càng thiết tha, mãnh liệt.
Mỗi tháng ba về hoa nở đỏ rực một góc rừng. Mãn hoa cũng là lúc những đoá hoa năm cánh xoay đều, rơi rơi trong gió, đầy gốc cây đơn côi. May lắm mới có những người đàn bà xứ núi đi rừng ghé qua, nhìn và nhớ. Chẳng ai nỡ dẫm lên những đoá hoa dù đã lìa cành mà vẫn còn thắm đỏ. Mẹ cô mỗi khi ngắm hoa, thường kể chuyện ngày xưa, ngày mẹ còn là thiếu nữ.
Chẳng khi nào người ta thấy pằng nảng mọc thành hàng, thành dãy. Thưa thớt trong cánh rừng này có vài cây già cỗi, cũng ít khi thấy những cây non. Mùa xuân khi hoa nở thì ong bướm tìm đến, ríu rít. Hết mùa hoa, sang mùa lá, rừng buồn hơn bởi thiếu đi cái màu đỏ tươi tắn ấy.
Hoa pằng nảng (hay còn gọi là hoa gạo)
Pằng nảng cứ lặng lẽ như cái cách mà bao đời qua, những bà, những mẹ, những cô gái Mông cứ lủi thủi đi về giữa cánh rừng này. Làm cách nào để sống khác đi? Cô cũng tự hỏi mình nhiều lần rồi. Ai cũng biết cần sống khác đi mà sương mù cứ giăng kín lối. Đời người đàn bà Mông dài lắm. Họ trở thành phụ nữ từ khi còn rất trẻ. Chưa kịp hiểu nhiều lí lẽ, mới chỉ vừa đi chợ phiên hò hẹn đôi lần. Mà chớp mắt đã là mẹ của mấy đứa con. Đứa địu, đứa bế. Hai mấy tuổi làn da sạm đen, tóc cháy vàng màu nắng. Bao nhiêu lãng mạn tình yêu, đêm tình mùa xuân bên gốc đào, gốc mận hôm nào giờ đành quên. Họ dần trở thành một người lặng im giữa núi và trong ngay cả ngôi nhà của mình.
Rời xa vùng đá tai mèo này, biết đâu đời sống sẽ sáng lạn hơn. Đường xa nhưng chân phải đi thì mới tới. Phải bắt đầu bằng những bước đầu tiên. Cô không thích trở thành người đàn bà cả đời lầm lũi như mẹ, chẳng bao giờ biết đó đây. Cô bảo với bố mẹ: “Con phải đi làm xa, chứ ở nhà bao giờ cuộc đời mới thay đổi được”. Bố trầm ngâm bùi ngùi: “Hay ở nhà làm thổ cẩm bán? Nghề truyền thống quê mình!”. Nhưng cô quả quyết: “Bố cứ cho con đi khỏi dãy núi này. Con đi có vốn rồi về làm thổ cẩm cũng chưa muộn.”
Ừ, thì cũng phải. Có phải đứa gái nào cũng dám đi xa đâu. Cứ giữ con ở nhà thì bao giờ mới lớn. Bao khát vọng sống cứ cho bay lên như cánh bồ công anh trong gió. Nhỏ bé cũng phải bay đi. Duy chỉ có hẹn ước với người trai đã dành cho cô bao tiếng sáo tình tự suốt những đêm mùa xuân là không biết nói sao cho anh hiểu. Còn thương nhau thì chờ nhau thôi. Màu đỏ pằng nảng vẫn nhắc nhớ về sự thuỷ chung, về tình yêu nồng thắm. Ai đi rừng, ngang qua cũng dừng lại ngắm. Những bông hoa ngạo nghễ đỏ, in vào nền trời, rồi rơi xuống gây những nỗi niềm mênh mang khó tả. Những cô gái khéo tay nhặt hoa về làm ruột gối, làm ruột pao. Để mỗi mùa xuân lại day dứt trong điệu hát: “Anh ném pao, em không bắt - Em không yêu, quả pao rơi rồi.”
Gió thời đại mới đang thổi đến. Nhưng ở ngọn núi này dường như quá xa. Những người đàn bà vẫn cam chịu, vẫn ấp ủ những khát vọng không thể nói, không đủ sức để đổi thay. Cứ âm thầm, vậy thôi. Hoa gợi niềm khát khao sống mãnh liệt trong mỗi người phụ nữ. Phụ nữ Mông hay phụ nữ dân tộc nào thì cũng thế thôi, cũng muốn được sống, được yêu cho xứng đáng với kiếp sống này. Chẳng ai muốn đơn độc như những đóa pằng nảng giữa rừng bao la.
Ảnh minh họa
Thật ra, pằng nảng cô đơn từ trong sự tích rồi. Chuyện kể rằng: Ở một bản nọ có chàng trai nghèo yêu cô sơn nữ xinh đẹp. Họ chuẩn bị cưới thì trời đổ mưa, cơn lũ lớn cuốn phăng ngôi nhà và lễ vật của chàng. Dân bản trồng cây nêu để chàng lên trời hỏi sự tình. Ngày ra đi, chàng buộc vào tay cô gái băng vải đỏ, mỗi đầu có tua năm cánh thay cho lời thề thuỷ chung. Lên đến cõi trời thì chàng bị giữ ở lại làm thần Mưa. Mỗi lần khóc nhớ thương người yêu nơi hạ giới là trời đổ mưa. Còn sơn nữ, ngày nào cô cũng trèo lên cây nêu trông ngóng. Một lần, Ngọc Hoàng xuống hạ giới, biết chuyện, ngài cho cô một điều ước. Và sơn nữ ước biến cây nêu thành loài hoa có rễ bám sâu, thân thẳng, ngọn cao để cô nhìn thấy chàng. Dải vải đỏ biến thành bông hoa để chàng nhận ra mình. Thoả nguyện, sơn nữ gieo mình từ trên cao xuống. Nhìn những bông hoa đỏ nâng niu linh hồn người yêu, nước mắt thần Mưa rơi.
Thế rồi, khi cả rừng còn chưa thức dậy, cô đã đi. Cô đến gốc pằng nảng cũng là khi con gà rừng cất tiếng gáy le te đầu tiên chào ngày mới. Trời đầy sương mờ. Những cánh pằng nảng mới rơi còn đẫm hơi sương, như ngậm giọt nước mắt. Cô cầm hoa trên tay mà cứ bâng khuâng, nôn nao. Cảm giác này lạ quá. Như là bất an hay là do cô lần đầu đi xa mà tưởng tượng ra thế thôi. Người ta đã hẹn ngày giờ đúng chốn này rồi. Cô mong ngóng quá nên tới sớm thôi.
Mặt trời dần lên, chiếu những tia nắng đầu tiên xuống thung lũng đầy sương, ánh cả lên đóa pằng nảng trên tay cô. Cô cho bông hoa vào túi để mang theo về phố thị. Đi xa đến đâu thì cũng phải có điều gì gắn kết mình với núi. Khát vọng đổi thay nào cũng ẩn chứa những lắng lo, nhất là với người phụ nữ bé nhỏ giữa núi như cô.
Tản văn của Thùy Giang (Thời báo Văn học Nghệ thuật)
“Được học”, “Bà đại sứ”, “Tro tàn của Angela”... là những tác phẩm hay về nghề giáo mà độc giả và các thầy cô nên đọc nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
baophutho.vn Từ ngày 17-18/11, tại sân khấu nhà văn hóa Khu Dù, xã Xuân Sơn, UBND huyện Tân Sơn tổ chức Liên hoan Nghệ thuật quần chúng huyện Tân Sơn.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày ký kết Hiệp định Geneva (21/7/1954-21/7/2024) và 70 năm giải phóng Vĩnh Linh (25/8/1954-25/8/2024),
Ban tổ chức sẽ chọn 117 tác phẩm vào vòng chung khảo: Báo in chọn 25 tác phẩm; Báo điện tử chọn 25 tác phẩm; Phát thanh chọn 22 tác phẩm; Truyền hình chọn 25 tác phẩm; Ảnh báo...
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long vừa ký ban hành Quyết định số 598/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích lịch sử và kiến trúc - nghệ thuật quốc gia...
Ngoài kiến thức, các “sĩ tử” có thể nhận gì từ những năm tháng dưới mái trường đại học? - câu trả lời sẽ được giải đáp phần nào trong cuốn sách “Mong gì từ Đại học?” do TS Giáp...
(Ấn tượng đọc “Rừng xanh Đá đỏ”, tiểu thuyết của Nguyễn Thanh Cải, Nxb Văn học, 2016)
“Mực tàu giấy bản” là tập truyện sinh hoạt với nhân vật chính là trẻ em, đời sống và thế giới tinh thần của các em. Sau gần một thế kỉ, đọc lại, những trang miêu tả chân thực,...
Cuốn sách thể hiện những hoạt động nổi bật nhất của Thủ tướng Phan Văn Khải trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa-xã hội, giáo dục, ngoại giao qua các tài liệu, tư liệu được chọn lọc...
Cuốn sách “Lịch sử chữ quốc ngữ 1615-1919” của Tiến sỹ Phạm Thị Kiều Ly đưa người đọc trở về buổi bình minh của ngôn ngữ tiếng Việt.
Vừa qua, tại thủ đô Moskva, Liên bang Nga, đã diễn ra lễ ra mắt sách tiếng Nga “Liên Xô và Việt Nam trong những năm Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai 1959-1975: Tuyển tập các...
“Cánh chim Phượng Hoàng” là tên MV vừa được ca sĩ Tùng Dương cùng ê-kip ra mắt chiều 17/6 tại Hà Nội. Với cách tôn vinh đầy ấn tượng, mới mẻ và tinh tế về hình tượng người phụ...