Cập nhật:  GMT+7

Thế giới không... xô lệch

(Ấn tượng đọc “Rừng xanh Đá đỏ”, tiểu thuyết của Nguyễn Thanh Cải, Nxb Văn học, 2016)

Ba mươi năm dồn tâm huyết viết tiểu thuyết

Theo như niên đại ghi cuối sách thì Rừng xanh Đá đỏ được tác giả “thai nghén” và “sinh thành” trong vòng... 30 năm (Tam Đảo, những năm Bảy mươi – Chí Linh, những năm Hai nghìn).

Tôi không nghĩ, khi viết và ghi chú như thế, tác giả muốn làm “phách”! Nhân một cơ hội hiếm có, tôi gặp Nguyễn Thanh Cải từ Hải Dương lên Thủ đô, tại Tòa soạn Thời báo Văn học Nghệ thuật. Anh kém tôi một tuổi (sinh Nhâm Thìn, ghê lắm đấy!) nhưng trông từng trải, già dặn hơn một ông giáo loanh quanh đèn sách, chữ nghĩa trong một môi trường ít va đập xã hội và sống theo triết lý lão thực. Lại thấy thêm cả sự tự tin đúng mực của một người lăn lộn thực tiễn (từ đời sống, nghề nghiệp, đến trường văn trận bút). Xem bìa 4 thì phải dừng lại, chú ý: Rừng xanh Đá đỏ là 1/18 tác phẩm (gồm thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện vừa và kịch bản sân khấu) của tác giả Nguyễn Thanh Cải; nói theo ngôn ngữ tuổi teen thì “không phải dạng vừa đâu”.

Thế giới không... xô lệch

Bìa tác phẩm “Rừng xanh Đá đỏ”

Trong tâm cảm của tôi, nhà văn (viết văn xuôi) phải “sinh thành” được tiểu thuyết (thể loại căn cơ nhất của bất cứ nền văn chương nào). Nhưng viết tiểu thuyết, giống như nhà giàu, của nả (vốn sống) phải phong lưu, đã đành, cộng thêm khả năng “điều binh khiển tướng” (tổ chức viết) để có bột gột được nên hồ. Từ truyện ngắn, đến truyện vừa, sang tiểu thuyết, là cách thức “rèn bút” của tác giả. Tôi đồ rằng, sau khi hoàn thành Rừng xanh Đá đỏ, tác giả mới thấy mình thực sự “bập” vào nghề viết văn vốn lắm chông gai, thử thách, dễ ít khó nhiều, mà đôi khi thành công và danh tiếng vẫn cứ xa vời vợi. Một cuốn tiểu thuyết ngót 600 trang, chắc hẳn đã lấy đi nhiều thời gian và công sức của người viết. Nhưng đó là dấu chỉ, căn cước của một người có cái chí dấn thân vào nghiệp văn, nghề chữ (đòi hỏi đi - đọc - viết đều phải nỗ lực, dụng công hơn người bình thường).

Đọc Rừng xanh Đá đỏ, tôi thực sự vui mừng vì bạn văn chương có nhiều tinh thần tận hiến hơn tận hưởng kể từ khi tự giác cầm bút, vì công việc này chẳng ai ép buộc, cũng chẳng ai cổ súy nếu không có tâm thế chia sẻ, cảm thông, thấu hiểu và thấu cảm. Cũng chưa hẳn đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên và là cuối cùng của tác giả Nguyễn Thanh Cải, nhưng rõ ràng đây là một “trận đánh lớn” của tình cảm và chữ nghĩa. Tôi, trong vai một người viết phê bình văn học, luôn muốn động viên những người như tác giả Nguyễn Thanh Cải. Tại sao không (?!).

Dòng đời bất tận

Câu chuyện được kể lại trong Rừng xanh Đá đỏ, theo cách viết của tác giả, là “chuyện thường ngày ở huyện”. Cũng không có gì to tát hay đao to búa lớn, dẫu cho cái “phông nền” là bối cảnh chiến tranh phá hoại của Mỹ ở miền Bắc thời kỳ từ sau tháng 8/1964. Những con người (nhân vật) hoạt động trong một nông trường (đa số là phụ nữ) và đoàn địa chất thăm dò khoáng sản tài nguyên cho đất nước (những kỹ sư, công nhân của một ngành luôn ở nơi heo hút gió, đèo cao và núi thẳm, chốn thâm sơn cùng cốc). Nếu không có một cơn cớ, động lực nào đó thôi thúc từ nội tâm thì họ sẽ kéo dài cuộc sống cô liêu, thanh đạm, buồn tẻ trong trôi đi của thời gian dòng đời bất tận. Mấy ai quan tâm đến họ nếu không có nhà văn.

Còn nhớ, thuở thiếu thời, chúng tôi rất thích ca khúc Bài ca người thợ rừng của nhạc sĩ Phạm Tuyên, với ca từ giản dị: “Ai bảo rừng xanh là quái ác (...)/Tôi bảo rừng xanh là quý giá”. Nhưng đừng nghĩ, những con người bình thường, giản dị ấy đã lâm vào thế cùng. Vốn dĩ, sự sống chẳng bao giờ chán nản. Tác giả không né tránh cái quanh co, phức tạp, đôi khi hỗn mang của đời sống nơi khó khăn nhiều hơn thuận lợi, nơi đến thì dễ mà về thì khó. Rất nhiều nhân vật đủ mọi trình độ, thành phần, giới tính, tuổi tác, địa vị, khẩu khí, quan niệm, cá tính dù cho ngẫu nhiên hay tất nhiên mà hội tụ trong một không gian sống đặc trưng có tên “người thợ rừng” (dẫu là công nhân hay kỹ sư, dẫu là quần chúng hay đảng viên).

Ở đâu có con người dĩ nhiên ở đấy sinh ra cọ xát, va đập, mâu thuẫn, đấu tranh, thỏa hiệp. Đời sống được miêu tả trongRừng xanh Đá đỏđủ các cung bậc tình cảm, màu sắc, âm thanh, đường nét, mùi vị. Phải nói cho rõ hơn, tác phẩm giàu “chất sống”, được viết bởi một người vừa nhiều trải nghiệm đời và trải nghiệm văn hóa.

Riêng tôi thích, bộ ba nhân vật nữ (không phải là “khuynh nữ” đâu): Kỹ sư Thu Hường (Tổ trưởng nghiên cứu thổ nhưỡng) – Thu Huệ (Kỹ thuật viên) – Ngọc Thịnh (Đảng viên duy nhất trong tổ). Đúng là như cổ nhân nói, “sống mỗi người một nết, chết mỗi người một kiểu”. Không ai quá tốt, cũng không ai quá xấu. Họ sống đúng với bản ngã của mình (Trời sinh ra thế biết là tại đâu). Họ chính là phiên bản của cuộc đời tự nhiên, đôi lúc nhi nhiên. Không sao! Tạo hóa vốn anh minh và công bằng. Cái sự thể cắc cớ, rắc rối, loanh quanh, eo xèo của đời sống, theo tôi, lại “bập” vào các nhân vật thuộc phái nam nhiều hơn như Đoàn trưởng Đắc, Phó Giám đốc Cường, Trần Sùng, Kỹ thuật trưởng Bùi Hồng Việt khiến cho mọi người trong cái tập thể rộng lớn ấy cứ thắc thỏm “để xem con tạo xoay vần đến đâu?”. Họ không phải là người không tốt, nhưng cũng không thể hoàn mỹ. Nhưng họ như những con thuyền lớn tạo sóng gió to. Cũng phải thôi, tác giả nếu trút gánh nặng của nhân tình thế thái, của kiếp nhân sinh nhọc nhằn thì cũng lường được sức chịu đựng của những đấng nam nhi, sẵn sàng gánh trên vai trọng trách với đời, với người, với việc.

Một kết thúc có hậu, có lẽ là quan niệm sống của thế hệ chúng tôi, nên tác giả đã mở lòng cùng nhân vật: “Huệ nghe bà Thịnh nói mà lòng thấy phấn chấn, niềm vui như được đắp đầy. Gió lại thổi mơn man trên những vạt đồi cây xanh. Phía bên kia dãy Tam Tam là tiếng máy khai thác quặng mỏ vọng tới những âm thanh sôi động. Sự sống ở Tam Tam không còn đơn côi, xiêu lệch như xưa nữa”. Nên, nếu như ở phần đầu tiểu thuyết, độc giả có cảm tưởng mơ hồ về một “thế giới xô lệch”, thì nhờ cái kết có hậu mà nó trở lại thế cân bằng. Đó chính là ý tứ của câu chuyện được kể lại trong hình thức tiểu thuyết, vốn được coi là một “câu chuyện bịa y như thật”.

Thế giới không... xô lệch

Ảnh minh họa

Nương theo truyền thống

Tác giả Nguyễn Thanh Cải viết Rừng xanh Đá đỏ theo phép truyền thống, tạm gọi là “thi pháp chân thành”. Anh không màu mè, chạy theo các trend (xu hướng) đang là mode (Hậu hiện đại, Hậu thực dân, Phân tâm học, Phi lý... đang như nấm mọc sau mưa, ám tượng không ít người viết văn của ta hiện nay, nhất là người trẻ). Anh cũng không quá “cổ” (hiểu là cũ). Anh đứng giữa dòng văn chương chảy xiết, viết từ sự ứ đầy của cảm xúc và vốn sống, nên cảm thấy không thể không cầm bút.

Tiểu thuyết được kết cấu theo phép “tuyến tính” (nương dựa trình tự thời gian câu chuyện được kể); ít đồng hiện, lắp ghép, dán cắt (những thủ pháp được gọi là hiện đại); đời sống được miêu tả trong tác phẩm không rơi vào trạng thái “mê lộ”, “mê cung”, mang tính hỗn mang, phi trật tự.

Nhân vật được thể hiện chủ yếu qua hành động, nói thế không có nghĩa là sơ sài và nông cạn về tâm lý, nội tâm. Ngọc Thịnh là một dấu chỉ nhân vật tiểu thuyếtRừng xanh Đá đỏ. Con người này lúc nào cũng như một hỏa diệm sơn, chỉ chực phun trào. Có bốp chát, thẳng ruột ngựa, thậm chí đôi lúc hơi thô lỗ nhưng rất hồn nhiên, sống nghiêng về bản năng, thích bộc lộ bản ngã. Nếu có sự nuối tiếc nào đó là ở chỗ, giá như tác giả tạo ra một “cú đấm nghệ thuật”(tập trung vào một vài nhân vật nòng cốt, như Thu Hường và Bùi Hồng Việt, chẳng hạn). Tôi cứ hình dung, tác giả như những người làm cha, làm mẹ trong một gia đình đông con nên tình cảm và của nả cứ phải chia đều, theo tập quán “ăn đều kêu sòng” (theo lối dân chủ bình quân chủ nghĩa). Nhưng, thiết nghĩ, hai chữ “giá như”, đôi khi còn có thể làm lịch sử thay đổi, huống hồ văn chương. Đành lòng vậy, cầm lòng vậy.

Tác giả Nguyễn Thanh Cải có lối kể chuyện “có đầu có đuôi” như trong tích dân gian. Tôi cứ hình dung, đọc tiểu thuyết như nghe tác giả vừa đi đâu về chứng kiến một sự việc, câu chuyện còn tươi rói đã kịp kể lại cho mọi người nghe. Thẳng thắn và chân thành. Thêm vào, tác giả sử dụng vốn ngôn từ thuần Việt, nên dễ tiếp nhận với người đọc thuộc mọi thành phần xã hội và trình độ. Có thể nói tính đại chúng của tác phẩm rất dư dả. Nhưng đại chúng và nâng cao lại là “cặp đôi hoàn hảo” trong sáng tác văn chương. Đó là cái đích không riêng gì tác giả Nguyễn Thanh Cải cần thiết vươn tới.

Theo Arttimes


Theo Arttimes

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long