Kỳ II: Nghị quyết “Khoán” rừng

Kỳ II: Nghị quyết “Khoán” rừng

Kỳ II: Nghị quyết “Khoán” rừng

Cách trục đường chính xuyên qua trung tâm xã cả chục cây số đường rừng, đã có thời khu Lóng trong (xã Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn), nơi sinh sống của hơn ba chục gia đình dân tộc Dao được coi là “rốn nghèo” của huyện, tỉnh với tỷ lệ hộ nghèo tuyệt đại đa số. Giữa núi rừng heo hút, đất nông nghiệp đã ít lại cằn cỗi, bạc màu, cuộc sống người dân trông chờ cả vào các sản vật từ rừng. Lâm sản cạn kiệt, rừng đóng cửa, phần lớn các gia đình người Dao nơi đây lâm vào cảnh thiếu đói triền miên... Vậy mà chỉ trong thời gian ngắn, khu Lóng đã hoàn toàn “lột xác” với những biệt thự sang trọng giá trị xây dựng cả tỷ đồng giữa núi rừng không thua kém gì phố thị. Không vay mượn ngân hàng, những “đại gia” khu Lóng vẫn dáng vẻ khắc khổ, lam lũ, quần áo lao động bạc màu, chân tay chai sạn, dọc ngang vết gai cào, nứa cắt nhưng đang sở hữu các sổ tiết kiệm vài tỷ đồng, có “kho tàng” cả chục tỷ trên đồi.

“Tất cả là nhờ cây quế, giờ cứ có đất rừng, chí thú làm ăn là giàu có, sung túc”- lời khẳng định của đồng chí Phùng Sinh Quyên- Bí thư chi bộ khu Lóng được minh chứng bằng chính cuộc sống gia đình ông và nhiều hộ dân trong khu. Nhận đất lâm nghiệp từ đầu thập niên chín mươi của thế kỷ trước theo chủ trương giao đất giao rừng của Chính phủ, cả chục năm trời, cũng như các hộ dân trong khu, ông Quyên loay hoay không biết làm gì với những quả đồi rậm um lau lách, cỏ dại. Mãi đến năm 1997, trong lần về quê Văn Chấn, Yên Bái, thấy người dân trồng quế khá giả, ông cũng mua cây giống về trồng thử. Vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, đến nay, ông Quyên đã có hơn hai mươi ha quế cho khai thác luân phiên. Giá thị trường ổn định ở mức cao, tính trung bình, mỗi ha quế 15 năm tuổi trở lên sẽ thu được khoảng 500 triệu đồng tiền vỏ, 150 triệu đồng thân gỗ và 50 triệu đồng lá. Cây quế có tuổi đời càng cao thì càng có hàm lượng tinh dầu cao, giá trị càng lớn. Từ nông dân chân lấm tay bùn, ông Quyên cùng các gia đình sở hữu diện tích đất đồi rừng trồng quế lớn ở khu Lóng như ông Phùng Sinh Thịnh (4ha), Phùng Xuân Chấn (5ha), ông Phùng Xuân Cần (3ha), ông Phùng Xuân Thanh (4ha)... đều là những tỷ phú có cuộc sống sung túc, nguồn thu ổn định từ kinh tế đồi rừng.

Cuộc sống sung túc, khá giả của gia đình ông Quyên cùng hàng triệu chủ rừng trên cả nước cũng như hoạt động kinh tế đồi rừng phát triển mạnh mẽ ở các địa phương hiện nay có khởi đầu từ một chủ trương tiên phong, táo bạo của BTV Tỉnh ủy Vĩnh Phúc (nay là tỉnh Phú Thọ) từ hơn bốn thập niên trước.

Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Phú Thọ (tập hai, trang 159-161): Ngày 26/1/1968, tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc hợp nhất thành tỉnh Vĩnh Phú với đất đồi rừng chiếm tới 2/3 diện tích. Đây là tiềm năng, thế mạnh quan trọng để phát triển kinh tế lâm nghiệp. Nhiều chủ trương, giải pháp nhằm quản lý, bảo vệ, phát triển rừng đã được triển khai nhưng kết quả mang lại chưa được như mong muốn, hiệu quả kinh tế chưa cao. Trồng rừng mới chỉ đạt tỷ lệ 40% cây sống, năng suất thấp. Cây công nghiệp, cây ăn quả không đủ cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy trên địa bàn. Rừng bị đốt phá nghiêm trọng, độ che phủ giảm, đất đai bị xói mòn, thoái hóa. Rừng tàng kiệt ngày càng nhiều, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống... Tháng 7/1982, trong dịp về thăm và làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phú, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có nhiều ý kiến tâm huyết, quý báu về tiềm năng phát triển lâm nghiệp của tỉnh. Cố Thủ tướng nhấn mạnh: “Vĩnh Phú là tỉnh có nhiều đất đồi rừng, khai thác hợp lý đất đai, thực hiện nông - lâm kết hợp là vấn đề vô cùng lớn, cực kỳ quan trọng. Vĩnh Phú phải là đơn vị đi đầu làm mô hình khai thác đất đồi, kết hợp nông - lâm. Những kinh nghiệm sáng tạo từ thực tiễn sẽ rất quý báu không chỉ cho tỉnh mà cho cả nước...”.

Kỳ II: Nghị quyết “Khoán” rừng

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, sau thời gian nghiên cứu nghiêm túc, kỹ lưỡng, ngày 7/11/1982, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phú đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TU về “Quản lý và sử dụng đất đồi rừng” với bốn hình thức tổ chức sản xuất là trại rừng, trại cây ăn quả, vườn rừng, vườn cây ăn quả nhằm khai thác, phát huy tốt cả ba hình thức quốc doanh, tập thể và gia đình, trên cơ sở đó tận dụng tối đa tài nguyên đất lâm nghiệp phục vụ cho phát triển kinh tế của tỉnh. Trên cơ sở phân loại đất đai, tỉnh có kế hoạch hướng dẫn các hình thức tổ chức sản xuất theo vùng với quy mô lớn theo phương châm: Tích cực, khẩn trương nhưng phải vững chắc, có bước đi phù hợp với khả năng lao động, tiền vốn, lấy thâm canh lương thực và hiệu quả kinh tế làm mục tiêu... Xác định đây là chủ trương lớn có tầm chiến lược, tác động to lớn đến đời sống kinh tế- xã hội các địa phương, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo nghiên cứu và thực hiện việc quản lý sử dụng đất đồi rừng do đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban, lấy huyện Đoan Hùng làm thí điểm rút kinh nghiệm sau đó nhân ra diện rộng...

Nghị quyết 24 chính là phát pháo hiệu “cuộc cách mạng trên đồi rừng”, xuất phát điểm cho bước đột phá cho kinh tế lâm nghiệp, hồi sinh đất trống đồi núi trọc!

Kỳ II: Nghị quyết “Khoán” rừng

Đồng chí Lê Huy Ngọ- Nguyên là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú thời điểm đó khẳng định: “Lấy lợi ích của người dân, người trồng rừng làm trung tâm trên cơ sở tôn trọng, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, Nghị quyết 24 về “Quản lý và sử dụng đất đồi rừng” đã thể hiện tinh thần sáng tạo, dám nghĩ dám làm của tập thể BTV Tỉnh ủy Vĩnh Phú lúc bấy giờ. Nghị quyết đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả tích cực, tạo bước đột phá về phát triển kinh tế đồi rừng..”.

Kỳ II: Nghị quyết “Khoán” rừng

Đáp ứng kịp thời nhu cầu bức thiết của thực tiễn, mang lại lợi ích thiết thực, được người dân và cả hệ thống chính trị chung sức đồng lòng, sau ba năm triển khai thực hiện Nghị quyết 24, Vĩnh Phú cơ bản hoàn chỉnh quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đồi rừng. Sau 5 năm, toàn tỉnh đã trồng được hơn 16 ngàn ha rừng, tăng 10 ngàn ha so với chỉ tiêu Đại hội. Huyện Đoan Hùng đã trở thành điển hình của cả nước về phát triển kinh tế đồi rừng theo hướng nông - lâm kết hợp, gắn với cơ sở chế biến sản phẩm...”.

Từ thành công ở Vĩnh Phú, chủ trương giao đất giao rừng đã được Chính phủ triển khai rộng rãi trong toàn quốc, khởi đầu cho những thành tựu về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng như ngày hôm nay.

Cùng với các địa phương khác trong cả nước, chủ trương đúng đắn của Nghị quyết 24 đã tạo nền tảng, động lực quan trọng giúp Phú Thọ phát huy hiệu quả kinh tế đồi rừng. Với gần 190 nghìn ha đất lâm nghiệp, chiếm hơn 55% diện tích đất tự nhiên, Phú Thọ có tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển kinh tế đồi rừng.Thế mạnh này đã và đang được Đảng bộ, chính quyền tỉnh đặc biệt quan tâm chú trọng bằng nhiều hành động cụ thể, hữu hiệu. Trong giai đoạn 1998-2010, Phú Thọ là tỉnh nằm trong tốp đầu cả nước về thực hiện Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng và phủ xanh đất trống, đồi núi trọc của Quốc gia. Tiếp nối thành tựu này, tỉnh đã chủ động tập trung nguồn lực triển khai nhiều chương trình trồng rừng hỗ trợ từ ngân sách của địa phương như: Chương trình hỗ trợ trồng rừng theo Nghị quyết 01/2016/NQ-HĐND; hỗ trợ phát triển rừng theo Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh chính sách hỗ trợ chuyển hóa rừng cây gỗ lớn theo Nghị quyết số 22/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh... Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh trồng mới rừng tập trung bình quân 9,3 nghìn ha mỗi năm; cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho 23,8 nghìn ha. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 39,9%...

Đất trống, đồi trọc đã được phủ xanh, đồi rừng đã được hồi sinh. Quan trọng hơn, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và đông đảo người dân về công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng đất đồi rừng đã có sự thay đổi, chuyển biến tích cực. Từ kinh tế đồi rừng, cuộc sống của nhiều gia đình đã thoát khỏi đói nghèo, ngày càng sung túc.

Kỳ II: Nghị quyết “Khoán” rừng

Nghị quyết 24 đã đặt nền móng, tạo bước đột phá cho phát triển kinh tế đồi rừng của tỉnh những năm đầu sau đổi mới và vẫn còn nguyên giá trị cho tới ngày nay. Đó là bài học về việc luôn đổi mới tư duy trên tinh thần vì lợi ích của người dân. Rừng đã được phủ xanh, đời sống người trồng rừng đã được nâng lên nhưng quán triệt tinh thần sáng tạo, đổi mới của Nghị quyết 24, vấn đề quan trọng hiện nay là phải từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả kinh tế đồi rừng.

Đồng chí Đỗ Ngọc Đoàn- Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định: “Thành tựu quan trọng đầu tiên của Nghị quyết 24 là đã thay đổi được ý thức hệ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, doanh nghiệp và người dân từ việc chỉ biết khai thác rừng tự nhiên đến trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc rồi phát triển kinh tế rừng bền vững. Diện tích, chất lượng rừng trồng được nâng cao qua từng năm đã mang lại hiệu quả kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Để tiếp tục phát huy tinh thần Nghị quyết 24, nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế đồi rừng, trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc quản lý, bảo vệ rừng; các quy định của Luật Lâm nghiệp, đặc biệt là Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”. Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu, tham mưu với tỉnh ban hành các chính sách phát triển kinh tế lâm nghiệp có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thực tiễn, mang lại hiệu quả cao. Tập trung nguồn lực phát triển rừng bền vững, tỉnh đang thực thi nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển rừng cây gỗ lớn, nâng cao tuổi rừng, tăng cường trồng rừng phòng hộ, đặc dụng với phương châm phát triển kinh tế đồi rừng đồng thời phát triển hệ sinh thái rừng...”.

Kỳ II: Nghị quyết “Khoán” rừng

Hiệu quả thực tiễn luôn là thước đo chính xác nhất đối với mỗi chủ trương, đường lối, chính sách được đưa ra. Với những thành tích nổi bật đã đạt được trong thời gian qua và hướng mở triển vọng cho kinh tế đồi rừng phát triển lên tầm cao mới, hơn bốn thập niên đã qua, Nghị quyết 24 về “Quản lý và sử dụng đất đồi rừng” của BTV Tỉnh ủy Vĩnh Phú vẫn vẹn nguyên giá trị và ngày càng phát huy hiệu quả tích cực trong đời sống với tầm nhìn chiến lược, tư duy đổi mới, sáng tạo, vì lợi ích thiết thực của người dân...

>>> Kỳ I: Lời khẩn cầu từ xứ đồng chiêm trũng!

>>> Kỳ III: Thước đo từ thực tiễn

Cao Khôi- Cẩm Nhung

6:28:10:2023:10:26 GMT+7

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM