Đó là câu mở đầu trong lễ đón dâu mới trong đám cưới truyền thống của người Tày vừa được phục dựng tại nhà thôn 1 Thái Thuỷ, xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang.
Đoàn nhà trai đến đón dâu.
Ngôi sàn của ông Nguyễn Quang Nhung, thôn 1 Thái Thuỷ là nơi diễn ra buổi phục dựng lễ đón dâu mới. Chú rể là anh Triệu Việt Trường, cô dâu Vương Thị Tươi cùng phù râu, phù rể. Lễ đón dâu được phục dựng theo nghi lễ truyền thống của dân tộc Tày. Đoàn nhà trai, nhà gái đều có quan làng.
Đến cổng nhà gái, nhà trai phải trải qua các thử thách của nhà gái gồm: Lụa chắng tàng (chăng dây tơ hồng); Nặm làng Tin (rửa chân lên nhà), thảng dày (cái đó chặn cửa), phục tẳng (chiếu dựng), so phép nằng (xin phép ngồi).
Thử thách chăng dây tơ hồng.
Trong căn nhà sàn, nhà trai nhà gái làm các thủ tục trao dâu. Sau khi rót nước, mời trầu, cô dâu chú rể tiến hành lễ bái tổ tiên, tạ ơn cha mẹ. Sau đó, nhà gái nhận lễ vật nhà trai. Nhà trai hát xin dâu và đón dâu. Sau đó là cuộc giao lưu hát hát si, cọi, lượn... để chúc mừng cô dâu chú rể.
Theo bà Kiều Lan Thiên, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Thái Sơn, việc phục dựng đảm bảo đúng nghi lễ truyền thống của dân tộc Tày, trong nghi lễ chủ yếu là hát quan làng. Làn điệu quan làng chỉ dùng trong đám cưới của dân tộc Tày có từ xa xưa. Người được cử làm quan làng là ông bà đón dâu, đưa dâu, phù dâu, phù rể thuộc các bài hát quan làng. Trong đám cưới họ phải hát để trải qua các cửa thách thức của nhà gái.
Muốn có nước rửa chân, nhà trai phải hát quan làng đối đáp với nhà gái.
Quan làng hát để nhà gái phải bỏ dây tơ hồng chắn lối vào cổng, vào nhà. Rồi lên cầu thang chỗ máng nước rửa chân khô cạn chỉ có khay rượu, ông quan làng phải hát để người nhà gái cất rượu, đổ nước vào máng rửa chân để bước lên cầu thang. Đến cửa nhà, nhà trai gặp phải vô vàn chướng ngại vật như gốc củi, cặp bếp, chổi... Khi vào nhà lại phải hát quan làng để nhà gái trải chiếu, mời nước, mời trầu. Gặp mỗi hoàn cảnh cụ thể, quan làng lại phải hát đối đáp, ứng phó kịp thời.
Cô dâu chú rể sánh bước bên nhau.
Bà Kiều Lan Thiên cho biết thêm, nguyên bản lễ đón dâu có 29 nội dung nhưng trước mắt, xã phục dựng 10 nội dung cơ bản nhất. Trong lễ phục dựng, Hội cũng nhận thấy một số vấn đề cần rút kinh nghiệm như: trang phục của đoàn rước râu chủ yếu vẫn là trang phục biểu diễn, chỉ có một vài người mặc trang phục truyền thống. Việc hát quan làng cần được sưu tầm, tiến tới tổ chức các buổi học hát quan làng. Sau buổi phục dựng, Hội Người Cao tuổi xã sẽ tuyên truyền, vận động, khuyến khích các gia đình tổ chức đám cưới truyền thống, qua đó góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.
Hoàng Anh (Báo Tuyên Quang)