Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp mới do người trẻ làm chủ từ những nông sản gần gũi, dễ kiếm bằng kiến thức, kỹ thuật, tư duy mới để nâng cao năng suất, chất lượng, xây dựng thương hiệu, nâng tầm giá trị sản phẩm nông nghiệp quê hương. Ðã có nhiều mô hình khởi nghiệp thành công, tạo dựng được chỗ đứng cho thương hiệu, trở thành sản phẩm OCOP tiêu biểu.
Là một trong 43 “nhà nông trẻ” xuất sắc được nhận giải thưởng Lương Định Của lần thứ XVIII năm 2023 của Trung ương Đoàn, với anh Hoàng Trung Thắng (sinh năm 1994) – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp thực phẩm Thanh Lâm Phú Thọ, xã Yên Tập, huyện Cẩm Khê là niềm vinh dự, tự hào lớn lao, phần thưởng xứng đáng cho sự nỗ lực, quyết đoán để tạo dựng thương hiệu uy tín, chất lượng trên thị trường.
Bằng số vốn ban đầu 400 triệu đồng, trong đó có sự hỗ trợ từ nguồn vốn vay 120 là 84 triệu đồng, năm 2020, HTX Nông nghiệp thực phẩm Thanh Lâm Phú Thọ chính thức ra đời với 14 thành viên. Trên con đường khởi nghiệp, từng có những lúc HTX của anh “lao đao” vì dịch bệnh COVID-19 hay thiên tai, dịch bệnh đã làm chết hàng chục con lợn, hàng tấn cá...nhưng anh vẫn luôn kiên trì cùng các thành viên đồng lòng vượt qua khó khăn, mở hướng đi mới để đưa HTX phục hồi, phát triển.
Nhận thấy đồng đất địa phương thích hợp trồng các cây dược liệu, anh Thắng mở hướng phát triển bền vững các loại cây dược liệu này để sản xuất thành các sản phẩm: Trà đu đủ đực – xạ đen tía và trà tía tô. Để tạo vùng nguyên liệu ổn định, anh đã trồng, chăm sóc theo quy trình hữu cơ trên diện tích 8ha tại xã Chương Xá, Phượng Vĩ, huyện Cẩm Khê và đầu tư trang thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại để đóng gói, bảo quản...với tem, nhãn đầy đủ.
Đến nay, sản phẩm “Trà hoa đu đủ đực – xạ tía đen Thanh Lâm” đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, bán trực tiếp tại các cửa hàng đặc sản của huyện và tỉnh, các khu du lịch, qua các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội... cho doanh thu gần 1 tỉ đồng/năm, đồng thời tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với thu nhập bình quân từ 6 – 8 triệu đồng /người/tháng.
Chị Bùi Thị Thanh Hoa (sinh năm 1990) – Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Tân Sơn đã có hành trình khởi nghiệp với ước muốn nâng tầm sản vật địa phương và “chắp cánh” cho du lịch Đất Tổ bay xa. Năm 2022, chị mạnh dạn đầu tư hàng chục tỉ đồng thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Tân Sơn. Đến nay, HTX của chị có tổng số 100 thành viên tham gia, trong đó 60 thành viên là người dân tộc thiểu số và 40 thành viên thuộc hộ nghèo.
Với sản lượng trên 200 tấn cá/năm, chị Hoa đang hướng tới việc đưa cá tầm trở thành đặc sản của tỉnh. Tại xã Minh Tân, huyện Cẩm Khê, HTX nuôi khoảng 10 vạn con cá giống để phục vụ trang trại nuôi cá thương phẩm tại xã Trung Sơn, huyện Yên Lập và xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn. Với hệ thống máy móc hiện đại, HTX hiện nuôi thả 7 vạn con cá bột, 4 vạn con cá thương phẩm tại xã Trung Sơn, huyện Yên Lập, 50 vạn con cá bột, 4 vạn con cá thương phẩm tại xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn, cho lợi nhuận trung bình đạt 6 – 7 tỉ đồng/năm, tạo việc làm cho 14 lao động tại các địa phương với thu nhập từ 10 – 15 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2022, chị Hoa cùng 27 thành viên là người địa phương xây dựng Khu du lịch cộng đồng Bến Thân. Nắm bắt xu thế phát triển của công nghệ thông tin, chị đã tận dụng các nền tảng mạng xã hội để tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch.
Khởi nghiệp đang có sức lan tỏa, thu hút mạnh mẽ người trẻ. Tư duy, nhận thức về khởi nghiệp trong ĐVTN đã có những thay đổi đột phá khi dám vượt khó, sáng tạo vươn lên làm giàu từ chính tiềm năng, lợi thế của địa phương, không chỉ khẳng định hướng đi đúng mà còn truyền cảm hứng cho những bạn trẻ khác....
Để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, Huyện đoàn Lâm Thao đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa như: Tổ chức Ngày hội tư vấn hướng nghiệp – khởi nghiệp, các chương trình tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng... và đẩy mạnh thành lập các câu lạc bộ (CLB), HTX thanh niên phát triển kinh tế. Đây là “mái nhà chung” cho ĐVTN có niềm đam mê, ý chí khởi nghiệp, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Thành công của các HTX, CLB cũng là minh chứng sinh động, thuyết phục, tạo nên dấu ấn, sức lan tỏa rộng khắp, trở thành nguồn động lực, cổ vũ tinh thần, ý chí, thu hút ĐVTN trên địa bàn huyện tích cực tham gia phong trào khởi nghiệp.
Hiện 12/12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện có mô hình CLB tổ hợp tác, HTX thanh niên phát triển kinh tế với 21 mô hình tiêu biểu và hơn 100 ĐVTN tham gia các CLB tổ, đội, nhóm. Nhiều mô hình khởi nghiệp tiêu biểu đã xuất hiện, cho hiệu quả kinh tế tốt, tạo việc làm cho bà con tại địa phương.
Huyện đoàn thực hiện quản lý nguồn vốn vay 120, vốn vay ủy thác hiệu quả, kịp thời kiểm tra, đôn đốc các cơ sở Đoàn thực hiện tốt công tác nhận ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH). Trong năm 2023, tổng dư nợ do Huyện đoàn quản lý đạt trên 68 tỉ đồng, chiếm 20% dư nợ ủy thác.
Là một trong những huyện miền núi còn nhiều khó khăn, Huyện đoàn Tân Sơn xác định phong trào khởi nghiệp, phát triển kinh tế trong ĐVTN là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp, Huyện đoàn đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị định hướng cho ĐVTN thực hiện các mô hình phát triển phù hợp, tiếp cận khoa học kỹ thuật... Tổ chức các hoạt động tham quan, tạo điều kiện cho ĐVTN trao đổi, học hỏi những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo. Khuyến khích, giúp đỡ ĐVTN phát triển các mô hình gắn với công nghệ hiện đại, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Phát huy vai trò “cầu nối” của tổ chức Đoàn, Huyện đoàn phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện tạo điều kiện cho ĐVTN vay vốn phát triển kinh tế. Trong năm 2023, Huyện đoàn Tân Sơn quản lý ủy thác vốn vay với 80 tổ tiết kiệm và vay vốn, 2.874 hộ vay, tổng dư nợ 121 tỉ đồng. Hỗ trợ 6 dự án được vay từ nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia về việc làm của kênh Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với tổng dư nợ 512 triệu đồng.
Hà Trang
4:04:04:2024:15:53 GMT+7