Cập nhật: Thứ 5, 22/01/2009 | 08:19 GMT+7

Khu di tích lịch sử đền Hùng: Tâm nguyện trước mùa lễ hội

Khu di tích lịch sử đền Hùng:

Tâm nguyện trước mùa lễ hội

Vinaconex 7 tập trung lực lượng thi công kè cống sạt lở Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

PTO- Chỉ còn ít ngày nữa, Chương trình Du lịch Về cội nguồn năm 2009 do ba tỉnh Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai phối hợp tổ chức sẽ chính thức khai mạc tại sân trung tâm lễ hội Khu di tích lịch sử đền Hùng. Nơi đây, hàng trăm cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật của Công ty xây dựng Vinaconex 7 và các nghệ nhân thuộc Công ty bảo tồn di tích và thiết bị văn hoá - Bộ VH-TT&TT vẫn hối hả, khẩn trương thêm giờ, thông ca đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành những công đoạn cuối cùng của công trình Trung tâm lễ hội, cải tạo sân trước cổng đền và một số hạng mục tôn tạo, tu bổ Đền Thượng, đón con Lạc cháu Hồng hành hương về cội…

Những ngày cuối tháng chạp Mậu Tý, trời rét buốt, nhưng trên công trường xây dựng Trung tâm lễ hội và cải tạo sân trước cổng đền – Khu di tích lịch sử đền Hùng những người thợ vẫn cần mẫm làm việc. Tất cả đang dốc sức chạy đua với thời gian để hoàn thiện những công việc cuối cùng cho kịp tiến độ bàn giao, đưa công trình vào phục vụ lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng vào đêm 30 Tết và khai mạc chương trình du lịch về cội nguồn năm 2009 diễn ra vào tối ngày mùng 6 tháng Giêng năm Kỷ Sửu. Chỉ huy trưởng công trường, kỹ sư Nguyễn Xuân Sơn - Phó Giám đốc Vinaconex7, đưa chúng tôi ra công trường trong tiếng máy, tiếng xe và đầy bụi bặm: “Sau khi hoàn thiện công trình sân Trung tâm lễ hội (giai đoạn 1), Vinaconex 7 tiếp tục trúng thầu thi công tiếp công trình cải tạo sân trước cổng đền... Do thời gian quá gấp, chỉ có 25 ngày để hoàn thiện giai đoạn 1 công trình kịp phục vụ lễ dâng hương đêm giao thưa tết Kỷ Sửu và khai mạc chương trình du lịch về cội nguồn năm 2009 nên chúng tôi đã tập trung phần đông lực lượng kỹ sư, lao động lành nghề có kỷ luật lao động tốt, có kinh nghiệm thực tế cao và hàng chục thiết bị, phương tiện hiện đại khắc phục khó khăn đẩy nhanh tiến độ công trình, đảm bảo tính chính xác cao. Sau 20 ngày thông ca, thêm giờ, giai đoạn I đã cơ bản hoàn thành với việc đổ bê tông xong phần tường chắn, hệ thống cấp thoát nước, điện chiếu sáng, nền đường giao thông. Phần việc đòi hỏi nhiều kỹ thuật nhất là ốp lát sân đường cũng đang được tiến hành khẩn trương. Công ty đã phát động phong trào thi đua 25 ngày đêm không nghỉ, phấn đấu hoàn thiện phần xây lắp thô xong trước tết nguyên đán, trong đó phần ốp lát đá sân đường và đường giao thông, hệ thống cấp thoát nước, điện chiếu sáng phải hoàn thiện hoàn chỉnh”. Một quảng trường rộng được lát đá, trồng cỏ và cây xanh đã hiển hiện bề thế giữa thế núi, thế đồi và mầu xanh của rừng thiêng Nghĩa Lĩnh. Ngoài hơn 26 ngàn m2 sân Trung tâm lễ hội với trục hành lễ lát đá granít Bình Định và đá vôi Thanh Hoá có diện tích hơn 4.300 m2, hai bên là hai khán đài sức chứa hàng chục ngàn người đã hoàn thiện, để kịp tiến độ, gần 200 kỹ sư, công nhân kỹ thuật của Vinaconex 7 và hơn 100 lao động địa phương đang tiếp tục đào bóc, san ủi trên 10.000m3 đất đá; đổ trên 1.000m3 bê tông, đặc biệt là ốp đá hơn 2.000 mét dài bậc tam cấp và gần 1.800 mét khối đá sân sát cổng đền với yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt là không được để lộ nét vữa và phải hài hoà với cảnh quan thiên nhiên xung quanh.

Công nhân Công ty Vinaconeyz thi công sân trước cổng đền.

Trong cái hối hả, gấp gáp của công trình kỳ nước rút, giữa ngổn ngang, bề bộn của công trường, chúng tôi theo Phó Giám đốc Sơn ra khu vực lát đá sân sát cổng đền nghe giới thiệu về qui mô, tổng thể công trình, về những người thợ đang nỗ lực hết mình nơi đây. Tại đây chúng tôi gặp kỹ sư Nguyễn Trọng Tấn - Giám đốc Công ty Vinaconex7 khi ông đang cùng các kỹ sư của mình giao ban “nóng” ngay trên công trường. Với tác phong người lính, giám đốc Tấn cho biết: “Xác định tầm quan trọng của công trình nên mặc dù gặp nhiều khó khăn về nguồn vật tư và giá cả không ổn định, thời gian thi công quá ngắn lại gặp thời tiết bất lợi nên cả nhà thầu và chủ đầu tư đều phải hợp sức vượt qua khó khăn. Vì vậy tiến độ thi công giai đoạn 1 đã được rút ngắn từ 2 tháng xuống còn 1 tháng trong khi kỹ thuật, mỹ thuật và chất lượng công trình vẫn phải đảm bảo, kịp phục vụ khách hành hương về dự lễ dâng hương đêm giao thừa và khai mạc chương trình du lịch của ba tỉnh Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai đồng tổ chức vào dịp đầu xuân. Để đảm bảo tiến độ, chúng tôi đã tập trung tại đây 8 kỹ sư thi công phối hợp chặt chẽ với các kỹ sư giám sát của chủ đầu tư, nhà tư vấn đôn đốc công việc. Từng công việc đều được kiểm tra, nghiệm thu đánh giá cụ thể sau đó mới chuyển sang công việc khác”. Đi khắp công trường, đâu đâu tôi cũng bắt gặp không khí khẩn trương trong từng động tác và nụ cười ngời trên khuôn mặt của những người lao động. Tranh thủ ít phút nghỉ ngơi sau khi hoàn thiện xong phần dựng côt thép hạng mục kè chống sạt và tường chắn kết hợp khán đài sát nhà điều hành Khu di tích, bác Nguyễn Anh Tài (54 tuổi) - công nhân xây dựng bậc 7/7 cho biết: “Hơn 20 năm đầu quân cho Vinaconex 7, từ khi Công ty còn gọi là VINAOFSTROL, có trụ sở đặt tại Sôphia nước CH Bungari, chuyên nhận thầu xây dựng các công trình công nghiệp và dân dụng tại thủ đô Sôphia đến giờ, tôi đã tham gia hàng trăm công trình lớn nhỏ trong và ngoài nước nhưng có lẽ Công trình Trung Tâm lễ hội Đền Hùng là công trình có ý nghĩa nhất trong cuộc đời làm thợ của tôi. Được về đất Tổ, xây dựng các công trình tri ân công đức tổ tiên nơi cội nguồn dân tộc mình là vinh dự không phải người thợ nào cũng có…”. Còn kỹ sư Nguyễn Đại Dương (25 tuổi) người Hải Phòng - phụ trách phần lát đá lại thể hiện tình cảm của mình với đất Tổ bằng câu nói thể hiện quyết tâm cùng công ty đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo kỹ thuật, chất lượng công trình. Đây cũng là công trình thứ hai mà Dương tham gia sau khi tốt nghiệp đại học Xây dựng về đầu quân cho Vinaconex từ tháng 8/2007. Trong câu chuyện với chúng tôi Dương cho biết: Việc lát đá công trình sân, đường đền Hùng khác hẳn việc lát đá các bậc cầu thang hay ốp đá lên các công trình xây dựng công nghiệp. Thông thường mỗi phiến đá lát ở các công trình dân dụng chỉ dày 2 phân và nặng từ vài kg đến hơn chục kg, nhưng đá lát sân của Đền Hùng là loại đá Granít xanh của Bình Định. Mỗi phiến đá đều có độ dày 18 phân, nặng từ 1,1 tạ trở lên và đều được đo đạc kỹ càng theo từng modum riêng biệt; mặt đá được xử lý, băm, đục cẩn thận tạo độ nhám, còn các thành thì được xẻ, bào cẩn thận, đảm bảo sự liền khít từng viên đá khi được lát, ghép vào với nhau. Riêng bậc tam cấp, toàn bộ bằng đá khối dài 1m, rộng 50cm, cao 18cm. Cùng với tiến độ thì chất lượng công trình cũng được chúng tôi đặt lên hàng đầu. Việc lát đá phải cẩn thận ngay từ khi xử lý viên đá nhằm đảm bảo sự chính xác, vuông vắn từng ly để khi xếp lên không lộ mạch vữa và đảm bảo yếu tố tự nhiên...

Chia tay những người thợ Vinaconex, chúng tôi theo 499 bậc đá hướng về đỉnh Nghĩa Lĩnh - nơi những nghệ nhân thuộc Công ty bảo tồn di tích và thiết bị văn hoá (Bộ VH-TT&DL) đang trùng tu, tôn tạo Đền Thượng. Chiều dần buông, khách hành hương lặng lẽ xuống núi nhường chỗ cho sự thâm trầm, sâu lắng vốn có của những đền, chùa, lăng miếu cổ nép mình dưới bóng cổ thụ. Trong hậu cung đền Thượng, hàng chục thợ mộc, điêu khắc, sơn mài… đến từ các làng nghề nổi tiếng của Hà Nội, Bắc Ninh, Ninh Bình vẫn miệt mài, cần mẫn với những những cột, những bệ, hoành phi, câu đối, ngai thờ... Anh Phương Tất Vinh - Cán bộ kỹ thuật của Công ty bảo tồn di tích và thiết bị văn hoá cho biết. Mặc dù thời gian rất gấp nhưng việc tu bổ nhà tiền tế, nhà quản cư, vườn hoa bằng đá đã hoàn thành đúng tiến độ. Phần kiến trúc đền Thượng cũng đã cơ bản hoàn thành với việc thay toàn bộ cột đá ong bằng cột gỗ lim đường kính 40cm2, làm mới hậu cung và xây lại tường bằng vật liệu chắc chắn. Hiện tại, Công ty đang hoàn tất những bước cuối cùng của gói thầu thứ hai - hoàn thiện phần nội thất và đồ thờ của đền Thượng, bao gồm sơn son thiếp vàng toàn bộ nhà tiền tế, hoành phi câu đối, ngai thờ, các cửa và ván gió đục trạm; vẽ ám hoạ cột, trần và tường… Do đặc trưng riêng của nghề trùng tu, tôn tạo di tích, đặc biệt khâu sơn son thiếp vàng là cần thời gian và phải đúng qui trình nên không thể đổ người vào làm gấp được. Đơn giản như việc sơn cột cũng phải hơn 1 tháng mới hoàn thiện được một cột. Mỗi cột phải sơn 9 lớp sơn ta, mỗi lớp đều phải đợi khô rồi đánh giấy ráp cho nhẵn, 2 - 3 ngày sau mới được sơn tiếp lớp tiếp theo. Sau 9 lớp sơn là 3 lớp son, sau đó mới vẽ ám hoạ… Những công việc này không thể làm tắt được mà phải tỉ mỉ, đúng qui trình. Phần việc nặng nhất và nan giải nhất là đưa 3 bệ thờ bằng đá khối (mỗi bệ nặng 8,5 tấn) và 2 Rồng đá do các nghệ nhân làng đá Ninh Vân (Hoa Lư - Ninh Bình) và làng đá Chùa Trầm (Hà Nội) trạm khắc lên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũng đã hoàn tất. Gần 20 nghệ nhân của làng Sơn Đồng (Hoài Đức - Hà Nội) cũng mới được tăng cường đang hoàn tất những công việc cuối cùng là thiếp vàng các ngai thờ của đền Thượng. Chúng tôi phấn đấu sẽ hoàn tất công việc trước đêm 25 tháng chạp này.... Ông Nguyễn Doãn Hồng, 50 tuổi, thợ cả phụ trách một cánh thợ sơn 9 người ở xã Sơn Đồng (Hoài Đức - Hà Nội) bảo: “Làm nghề từ nhỏ và được tham gia trùng tu, tôn tạo, thi công mới nhiều công trình lớn của đất nước như Văn Miếu Quốc Tử Giám, đền thờ Chu Văn An, đền thờ Nguyễn Trãi, cố đô Huế…nhưng chưa ở đâu tôi thấy mình thư thái, bớt cáu gắt, nóng giận, còn tâm hồn thì thanh thản, nhẹ nhàng hơn như khi thi công công trình này”.

Có thể, niềm tin đã tạo ra cảm giác “kỳ lạ” như... ảo giác đó. Song, về mặt tâm linh, sự linh thiêng kỳ diệu ấy có lẽ chỉ tìm thấy được trong một sự quy tụ tâm linh nơi đất Rồng nước Tiên giao hòa này. Đinh Vũ



 Từ khóa:
 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Thép Sông Hồng đã ra lò

Thép Sông Hồng đã ra lò
07:33 14/01/2009

PTO- Công ty Cổ phần thép Sông Hồng (SHS) đang nỗ lực chuẩn bị cho ngày khánh thành vào cuối tháng 1-2009 này. Đây là sự kiện quan trọng, thu hút sự quan tâm rất lớn của dư...

Về Văn Lang nghe… nói khoác

Về Văn Lang nghe… nói khoác
01:58 09/01/2009

PTO- Như có một mạch ngầm len lỏi, trong sáng, những câu chuyện hài hước, tiếu lâm, dí dỏm của người dân Văn Lang (Văn Lương - Tam Nông) gắn liền với đời sống con người.

Mầm xanh nơi lũ quét

Mầm xanh nơi lũ quét
06:50 06/01/2009

PTO- Qua quốc lộ 70, con đường gập ghềnh, đưa chúng tôi về Minh Lương, một xã nghèo của huyện Đoan Hùng. Nơi đây, trận lũ lịch sử đã đi qua gần năm tháng nhưng hậu quả của nó...

Lên Xuân Sơn ngày cuối năm

Lên Xuân Sơn ngày cuối năm
02:46 02/01/2009

PTO- Đã lâu lắm rồi tôi mới có dịp trở lại Xuân Sơn (Tân Sơn) - mảnh đất huyền thoại có gà chín cựa, có vườn Quốc gia hùng vĩ với nhiều hang động và một hệ thảm thực vật đa...

Trên đỉnh Tu Tinh

Trên đỉnh Tu Tinh
00:40 30/12/2008

PTO- Bỏ lại đằng sau là phố xá, với bao bộn bề công việc của những ngày giáp Tết Kỷ Sửu, chúng tôi ngược rừng vượt núi Tu Tinh - một trong những dải núi hiểm trở nhất của xã...

Xuân về bản Dao

Xuân về bản Dao
02:54 29/12/2008

PTO- Bí thư Đảng ủy xã Đinh Quang Tính và Phó Chủ tịch MTTQ xã Ngọc Thanh Bằng dẫn tôi và anh bạn đồng nghiệp bên Đài truyền hình tỉnh lên núi vào bản người Dao Hạ Thành.

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

21°C - 24°C
Nhiều mây, không mưa
  • 21°C - 24°C
    Nhiều mây, không mưa
  • 23°C - 28°C
    Có mây, không mưa
POWERED BY
Việt Long