Với vị trí vai trò quan trọng, nơi đặt các cơ quan đầu não của Quân khu 2, Phú Thọ được coi là “trái tim” của Quân khu, chính vì thế để giữ thế chủ động, đảm bảo an toàn, Phú Thọ đã tháo gỡ những khó khăn, thực hiện tốt các nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, giữ vững hệ thống phòng thủ chung của quân khu và cả nước, hợp thành của nền quốc phòng toàn dân, giữ vị trí chiến lược trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Một nội dung quan trọng trong nhiệm vụ, giải pháp cơ bản để đưa đất nước ta bước vào một giai đoạn phát triển mới được nhấn mạnh trong văn kiện Đại hội XIII là: “Xây dựng "thế trận lòng dân", thế trận quốc phòng toàn dân (QPTD) và thế trận an ninh nhân dân (ANND) vững chắc làm nền tảng cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc”. So với các kỳ đại hội trước, “thế trận lòng dân” được đặt lên hàng đầu trong mối quan hệ với thế trận QPTD và thế trận ANND. Đây không đơn thuần là sự sắp xếp cơ học mà đó là sự khẳng định, bổ sung, có sự phát triển mới trong tư duy của Đảng ta về đường lối quân sự, quốc phòng và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Bám sát quan điểm đó, thời gian qua, Bộ CHQS tỉnh thường xuyên chỉ đạo các đơn vị địa phương xuống cơ sở, xây dựng, củng cố địa bàn, giúp đỡ nhân dân, củng cố “thế trận lòng dân”. Còn nhớ những ngày đầu năm 2021, khi chúng tôi về xã Võ Miếu đúng ngày lực lượng vũ trang huyện Thanh Sơn cùng với dân quân các xã Võ Miếu, Địch Quả, Thục Luyện, Cự Thắng ra quân làm đường bê-tông, sửa chữa, xây dựng nhà ở cho các gia đình chính sách. Sau hơn một tháng triển khai, hơn 3km đường được bê tông; ba hộ gia đình chính sách và hai nhà văn hóa khu được hỗ trợ ngày công xây dựng đã hoàn thành; nhiều buổi giao lưu văn nghệ, thể thao được tổ chức với sự tham gia của quần chúng nhân dân và LLVT đã tạo niềm tin, phấn khởi gắn kết tình nghĩa quân dân.
Củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, với quân đội, LLVT tỉnh đã xây dựng nhiều hoạt động sáng tạo như: Tổ chức huấn luyện kết hợp với hoạt động dân vận; “Tết Quân Dân”; “LLVT chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách xã hội, nhất là hệ thống chính sách phục vụ cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc như: Chính sách hậu phương quân đội, chính sách gia đình liệt sỹ và người có công, chính sách đối với việc thực hiện luật về quốc phòng, an ninh.
Đặc biệt, “Tết Quân Dân” là hoạt động đã được LLVT tỉnh phối hợp với các đơn vị và các địa phương tổ chức hằng năm trở thành nét đẹp văn hóa của LLVT tỉnh trong dịp Tết đến, xuân về; nhưng quan trọng hơn cả là giúp người dân thêm niềm tin, gắn kết hơn với Đảng, với LLVT nhân dân; tô thắm thêm hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”.
Thao trường huấn luyện là yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng huấn luyện, khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang trong KVPT. Tuy nhiên, vấn đề quy hoạch, bố trí thao trường huấn luyện của các xã, phường, thị trấn tại các huyện, thành, thị còn gặp không ít khó khăn. Tại TP Việt Trì, mỗi khi huấn luyện cho lực lượng dân quân, tự vệ các đơn vị, địa phương đều phải tận dụng một số công trình như sân vận động, trường học, những cụm khu di tích, hay những khu vực trồng hoa màu của nhân dân, nên đã ảnh hưởng tới chất lượng huấn luyện.
Cũng như thành phố Việt Trì, việc quy hoạch đất cho thao trường huấn luyện theo Chỉ thị số 35/CT-TM ngày 8/6/2003 của Bộ Quốc phòng về chủ trương quy hoạch hệ thống trường bắn, thao trường huấn luyện là khó khăn chung của các địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có tổng số 60 vị trí đóng quân thì mới có 42 vị trí có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giấy; 18 vị trí chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 4 vị trí có diện tích tranh chấp, lấn chiếm, cấp chồng nên việc triển khai xây dựng các công trình của thế trận KVPT, hệ thống công sự trận địa, các khu căn cứ và các công trình phụ trợ phục vụ cho thế trận phòng thủ còn chậm tiến độ so với quy định.
Cùng với xây dựng thao trường huấn luyện, giáo dục quốc phòng và an ninh (QP&AN) là nội dung, yêu cầu không thể thiếu trong chương trình giảng dạy chính khóa của các nhà trường. Để tăng tính hiệu quả của môn học, năm 2020, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 46/2020/TT-BGDĐT ban hành Chương trình môn giáo dục QP&AN cấp THPT, áp dụng từ ngày 11/1/2021 và Đề án “Đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục QP&AN giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo” thay thế cho Đề án 607 theo đó, giáo viên giảng dạy môn QP&AN phải được chuẩn hóa đây là vấn đề đặt ra đối với các trường THPT.
Đồng chí Nguyễn Quang Hiển- chuyên viên Phòng Trung học, Sở GD&ĐT tỉnh cho biết, trong tổng số 120 giáo viên giảng dạy môn QP&AN ở các trường THPT, có hơn 40 giáo viên được đào tạo chính quy, còn lại là giáo viên mới được đào tạo cấp chứng chỉ để giảng dạy môn QP&AN trong nhà trường. Theo đề án mới, tới đây giáo viên dạy môn giáo dục QP&AN sẽ phải có bằng cử nhân hệ chính quy hoặc văn bằng hai trình độ cử nhân về đào tạo QP&AN thì mới được đứng lớp. Yêu cầu này sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục QP&AN cho HSSV.
Bên cạnh đó, do tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, nhất là trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần…việc thành lập và tổ chức huấn luyện lực lượng tự vệ còn khó khăn. Toàn tỉnh hiện có trên 5.600 doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước, hơn 180 doanh nghiệp có tổ chức Đảng, đến nay mới có 248 doanh nghiệp thành lập được lực lượng tự vệ; trong đó có 4 đơn vị tự vệ ở doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và liên doanh với nước ngoài. Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo dây truyền khép kín, để tổ chức huấn huấn luyện sẽ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh nên nhiều công ty, doanh nghiệp không muốn thành lập đơn vị tự vệ; với những doanh nghiệp đã thành lập được lực lượng tự vệ thì không muốn tổ chức huấn luyện.
Trong Pháp lệnh động viên Công nghiệp, sản phẩm của động viên công nghiệp chỉ giới hạn bao gồm các loại vũ khí, khí tài, phương tiện có trong biên chế của Quân đội, chưa bao hàm các loại trang bị cho lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng tác chiến trong khu vực phòng thủ của tỉnh. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp thuộc quyền quản lý của các bộ, ngành, Tổng công ty không thực hiện chế độ báo cáo với cơ quan quản lý địa phương nên khó tổng hợp và nắm bắt toàn bộ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây là những khó khăn ảnh hưởng trực tiếp đến xây dựng, duy trì hoạt động của KVPT tỉnh.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng ngày 28/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; sức mạnh tổng hợp của đất nước cả về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, lực lượng vũ trang làm nòng cốt.
Thiếu tướng Vũ Kim Hà - Phó Tư lệnh Quân khu 2: Đây chính là quan điểm, chủ trương thể hiện sâu sắc sự phát triển tư duy mới của Ðảng đối với nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, là định hướng chiến lược để toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Phú Thọ là tỉnh có sự phát triển KT-XH nhanh của khu vực, lại có vị trí chiến lược quan trọng trong thế trận QP-AN của Quân khu, là cửa ngõ giữa thủ đô Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc rộng lớn. Vì thế LLVT tỉnh Phú Thọ cần không ngừng nâng cao năng lực, trình độ tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng bộ và toàn dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, kết hợp với xây dựng KVPT các cấp ngày càng vững chắc, xây dựng cơ sở xã, phường, thị trấn vững mạnh an toàn, làm chủ. Nâng cao sức mạnh tổng hợp của LLVT, lấy xây dựng chính trị làm cơ sở, huấn luyện SSCĐ làm trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt.
Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh Phú Thọ cũng xác định “Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị hướng dẫn của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện ngày càng vững chắc”. Trong đó yêu cầu tập trung đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; xây dựng Bộ Chỉ huy quân sự, Công an tỉnh chính quy, tinh nhuệ; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên có số lượng hợp lý, chất lượng cao.
Thời gian này, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đang tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục xây dựng các công trình chiến đấu, thực hiện tốt quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2025 theo Quyết định số 2412/QĐ-TTg ngày 19/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện tốt công tác quản lý, quy hoạch sử dụng hệ thống công trình nhà cao tầng, công trình ngầm, nhất là các huyện, thành phố có khu công nghiệp, khu đô thị. Các đơn vị đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện, diễn tập sát với thực tế chiến đấu cho các đối tượng: Bộ đội, dân quân tự vệ, dự bị động viên, công an. Trong diễn tập khu vực phòng thủ, phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm của các thành phần, chú trọng các nội dung thực hành sơ tán bảo vệ dân, nội dung xử trí tình huống bạo loạn chính trị kết hợp bạo loạn vũ trang, thiết quân luật trong giai đoạn thi hành tình trạng khẩn cấp về quốc phòng.
Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp quan tâm, đầu tư xây dựng khu vực phòng thủ phù hợp với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0; giữ vững sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Quốc gia trên không gian mạng. Thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền quảng bá hình ảnh thân thiện của địa phương với bạn bè quốc tế.
Việt Hà- Huy Thắng
Trình bày eMagazine: Ngọc Tùng
0:25:07:2021:15:17 GMT+7