Cập nhật:  GMT+7

Miền tiên cảnh Từ Thức

Chỉ nghe đến những cái tên như động Từ Thức, động Bạch Ái, Phủ Trèo, Thần Phù, chùa Tiên, vườn Đào Tiên hay hồ Đồng Vụa... người ta đã hình dung và tưởng tượng về một miền tiên cảnh với những câu chuyện huyền sử một thời của dân tộc.

Miền tiên cảnh Từ ThứcNgay cửa hang là bia đá “Đề Từ Thức động” của Lê Quý Đôn được người sau khắc vào năm 1905.

Giới thiệu với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Minh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trên địa bàn huyện Nga Sơn có tới 250 di tích văn hóa trong đó 42 di tích đã được xếp hạng. Các di tích ấy đều gắn liền với những truyền thuyết mà mỗi chúng ta thường được nghe bà, nghe mẹ kể từ thuở bé thơ.Nằm cách TP Thanh Hóa về phía Đông Bắc khoảng 50km, ẩn mình trong dãy núi Thần Phù, động Từ Thức hay còn gọi là động Bích Đào, động Bồng Đào gắn liền với truyền thuyết về cuộc tình duyên lãng mạn giữa chàng Từ Thức và nàng Giáng Hương.

Chuyện xưa kể rằng, quan tri huyện Từ Thức vốn người huyện Tống Sơn (nay là huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa). Sau khi từ quan, nhân lúc nhàn rỗi ra chơi cửa biển Thần Phù, đi qua núi thấy một cái động đẹp nên vào xem và gặp nàng Giáng Hương. Hai người nên nghĩa vợ chồng, sống với nhau hạnh phúc ở trong động tiên. Lâu ngày nhớ nhà, Từ Thức trở về thăm quê, người xưa cảnh cũ không còn, hỏi ra mới biết mình đã đi quá lâu. Buồn lòng, chàng quay lại cõi tiên nhưng về đến nơi thì động tiên đã khép, vợ cũ cũng chẳng còn.

Truyền thuyết xa xưa là vậy, còn nay, men theo những bậc đá mòn, xung quanh là cành cây tỏa lan, bước nhẹ từng bước, tưởng như đường lên tiên thật gần. Thêm vài bước chân vào động, du khách có thể òa lên bởi một không gian rộng rãi có hình vòng cung trông như một chiếc bát úp khổng lồ, trên trần có nhũ đá hình trái đào tiên rất đẹp, dưới nền động còn lưu lại vết tích ban thờ Từ Thức và những thạch nhũ lấp lánh được ví như kho vàng, kho bạc của nhân gian. Đi theo hành lang hẹp, du khách vào sâu trong động. Khắp động là những nhũ đá muôn hình lóng lánh, gợi lên những hình ảnh gắn liền với tình yêu của Giáng Hương và Từ Thức như: buồng tắm của Giáng Hương và thư phòng của Từ Thức, bàn cờ tiên, đôi chim thạch nhũ, mâm ngũ quả, dàn nhạc cụ...

Càng vào sâu, khung cảnh càng đẹp, chẳng khác nào cõi tiên. Du khách bắt gặp ngay hồ nước nhỏ trong vắt, rải rác đây đó là những hòn cuội trắng, kề bên là hình dáng ao bèo bằng đá, điểm xuyết những chùm hoa đá màu trắng lục, rồi những tượng đá hình ông chầu, ếch tọa... như được bàn tay tạo hóa khéo léo sắp đặt. Cuối động Từ Thức là 2 ngã rẽ. Một ngã với những bậc đá đều nhau, tương truyền là đường lên cõi tiên trên trời. Ngã còn lại rẽ sâu xuống lòng núi theo đường xoáy ốc với những bậc đá gập ghềnh, tối tăm, ẩm ướt là đường xuống âm ti địa phủ, dễ khiến du khách lo sợ mà nhanh chóng quay ra...Ai bảo đá vô tri?.

Trong không gian lung linh, huyền ảo ấy, người ta chợt thấy đá cũng có linh hồn, đá và người, cảnh và tình đan xen vào nhau tạo nên những cung bậc cảm xúc đa chiều. Xa xa là hình ảnh chàng Từ Thức đang đứng bần thần với chiếc áo trên tay, nhìn về trần gian với nỗi nhớ day dứt khôn nguôi. Cảnh tiên và cảnh trần ấy khiến người ta ngạc nhiên về vẻ đẹp kỳ thú mà tạo hóa đã ban tặng cho mảnh đất Nga Sơn huyền bí. Chạm tay vào thạch nhũ, lắng nghe câu chuyện hư hư, thực thực, du khách tưởng thời gian như ngừng trôi và không khỏi ngẩn ngơ tiếc một câu chuyện tình đẹp.

Nhà nghiên cứu Hoàng Bá Tường khẳng định: “Khi nói về những địa danh có truyền thuyết nổi tiếng, giới văn hóa cho rằng: không có nơi đâu trên đất Việt Nam ta ở một miền quê như ở Nga Sơn mà có tới hai câu chuyện đẹp, chuyện thứ nhất là Mai An Tiêm và sự tích quả dưa đỏ, chuyện thứ hai là Từ Thức gặp tiên. Có phải các thế hệ người Nga Sơn xưa vì quý yêu mảnh đất này mà với trí tưởng tượng và lòng mong ước chắp cánh, cha ông đã sáng tạo nên những câu chuyện tuyệt tác này”. Nếu truyền thuyết về Mai An Tiêm với sự tích quả dưa đỏ trên đất Nga Sơn ngợi ca ý chí, nghị lực và sự lao động sáng tạo của con người đầu tiên khai phá đất này, phản ánh hành trình mở cõi, chinh phục biển cả và mở ra con đường giao thương hàng hải thì truyền thuyết về Từ Thức vừa là mong ước của con người về cõi tiên, vừa là sự dùng dằng, chênh vênh giữa hai thế giới tiên và thực.

Chuyện về Từ Thức có thể là sản phẩm của trí tưởng tượng và sự sáng tạo của con người, nhưng phải nói rằng, nếu cảnh không đẹp, người không tình, thì dù sức sáng tạo cỡ nào cũng khó có thể dệt thay thiên nhiên một miền tiên cảnh như nơi đây. Ngẫm lại về hai bài thơ được đề khắc trên bia đá ngay trước động Từ Thức ta càng thấy sức hấp dẫn của phong cảnh nơi đây.

Lê Quý Đôn, trong bài “Đề Từ Thức động”, có viết: Thế nhân khổ tác Thiên Thai mộng, Thùy thức Thiên Thai diệc hí trường. (Nhiều người cho rằng Từ Thức gặp tiên cũng như chuyện (Lưu Nguyễn) vào Thiên Thai Nhưng ai ngờ Thiên Thai chỉ là một câu chuyện đùa). Rồi Chúa Trịnh Sâm, với bài “Ngự chế đề Từ Thức động”: Chu trình thừa hứng phỏng Từ lang, Động khẩu y nhiên tỏa tịch dương. Bích quải nghê thường quang ỷ tú, Thạch xao phụng quản hưởng cung thương. (Nhân nhàn rỗi đi thuyền tới thăm Từ Thức, Cửa động khép lại sau bóng chiều tà Xiêm áo như treo trên cao sáng lấp lánh Gió mưa gõ vào đá vang lên điệu cung thương). “Không phải không có duyên cớ gì mà chúa Trịnh Sâm với “đôi mắt xanh” đã tạc vào đá chữ “thần” trên vách núi Eo Hai về miền đất tích tụ linh khí của đất trời, lưng tựa vào núi, mặt hướng ra biển khơi đầy khí phách này. Đến bất cứ nơi đâu trên miền đất cổ được phù sa bồi đắp cho luôn tươi trẻ đều bắt gặp những danh thắng đẹp, mang đậm hồn người như động Bích Đào - động đẹp nhất trời Nam, cõi tiên cảnh Từ thức gặp Giáng Hương” (Hoàng Bá Tường).

Miền tiên cảnh Từ ThứcMột góc động Từ Thức.

Nhưng, suy cho cùng thế giới ấy có đẹp thế nào thì con người vẫn phải quay về thực tại. Du khách sau khi thả hồn vào cảnh tiên, lang thang chìm đắm với những vẻ đẹp mê hồn trong lòng động tiên Từ Thức, bước ra khỏi động là quay về cõi thực, ngắm nhìn trời đất bao la với một vùng không gian thanh bình, có những thửa ruộng vuông như ô bàn cờ, dòng sông quanh co uốn lượn, cảnh làng quê dân dã ẩn mình dưới lũy tre xanh... Chẳng khác nào chàng Từ Thức năm xưa mãi vui lạc bước chốn thần tiên, bỗng một ngày giật mình nhớ tới quê hương chốn cũ muốn quay về.

Theo bà Đinh Thị Nhung, chuyên viên Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Nga Sơn: Trên địa bàn xã Nga Thiện hiện có 4 di tích đã được xếp hạng. Ngoài 3 di tích cấp tỉnh: đền thờ, mộ Trịnh Minh; đền thờ, bia Lê Thị Hoa - nữ tướng thời Hai Bà Trưng; động Bạch Á; còn có động Từ Thức, di tích thắng cảnh cấp quốc gia. Những năm vừa qua cùng với sự quan tâm trùng tu, bảo tồn của Nhà nước, di tích không chỉ được giữ gìn khá nguyên vẹn mà còn phát huy được giá trị, là điểm đến không thể thiếu trong hành trình du khách tìm hiểu về đất và người Nga Sơn.

Nhiều thế kỷ đã trôi qua, dấu tích về cuộc tình duyên năm nào vẫn hiện hữu, thậm chí qua thời gian, từng phiến nhũ đá trong động Từ Thức lại được phủ thêm những câu chuyện hư - thực. Bởi, xưa kia Từ Thức dù sống ở cảnh tiên vẫn không quên làng quê yêu dấu; và nay người Nga Thiện nói riêng, Nga Sơn nói chung “luôn coi trọng nghĩa hiếu hòa, cùng cộng cư, cộng mệnh và cộng cảm”. Điều đó chỉ để nhắc nhớ chúng ta rằng trong mỗi con người vẫn chấp chới giữa hai bờ hư thực, vẫn mơ về một miền tiên cảnh, để rồi biết trân trọng những gì mình đang có, biết giữ gìn di sản mà thiên nhiên và cha ông để lại.

TK (Theobaothanhhoa.vn)



 Từ khóa:
 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Định vị thương hiệu du lịch Bắc Giang

Định vị thương hiệu du lịch Bắc Giang
2024-11-20 14:53:00

Từ “vùng trũng” trên bản đồ du lịch Việt Nam, đến nay, du lịch tỉnh Bắc Giang đã có thương hiệu, sở hữu nhiều điểm đến thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Nỗ lực lưu truyền điệu hát Trống quân

Nỗ lực lưu truyền điệu hát Trống quân
2024-10-22 08:39:00

Hát Trống quân Liêm Thuận (xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) là nét sinh hoạt văn hóa độc đáo và đặc sắc gắn bó mật thiết với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của...

Nuôi nhộng móc vừa đơn giản, vừa cho thu nhập khá

Nuôi nhộng móc vừa đơn giản, vừa cho thu nhập khá
2024-10-21 08:52:00

Để tự chủ về tài chính, phù hợp với sức khỏe, nhiều người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã lựa cho bản thân hướng phát triển kinh tế mới và mang lại hiệu quả. Ghi nhận tại...

Về miền Tây mùa nước nổi

Về miền Tây mùa nước nổi
2024-10-21 08:20:00

Theo con nước từ thượng nguồn Mekong, hằng năm từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch, miền Tây vào mùa nước nổi. Mùa nước nổi trở thành một phần của văn hóa sông nước gắn liền với...

Nghề thủ công ở Tây Ninh

Nghề thủ công ở Tây Ninh
2024-10-17 16:40:00

Mỗi làng nghề là một bản sắc, một nét đẹp truyền thống mang lại thu nhập cho người dân địa phương.

Kinh nghiệm khám phá làng gốm Phù Lãng Bắc Ninh

Kinh nghiệm khám phá làng gốm Phù Lãng Bắc Ninh
2024-10-17 15:07:00

Làng gốm Phù Lãng là một trong những làng nghề có tuổi đời hàng trăm năm, tọa lạc tại xã Phù Lãng, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Làng gốm nằm cạnh bên con sông Lục Đầu, rất...

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long