{title}
{publish}
{head}
Hát Trống quân Liêm Thuận (xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) là nét sinh hoạt văn hóa độc đáo và đặc sắc gắn bó mật thiết với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân nơi đây từ rất xa xưa. Từng có thời gian bị quên lãng, mai một... đến năm 2006, bằng nỗ lực, tâm huyết và tình yêu của những người mong muốn lưu giữ, phát huy điệu hát đặc sắc của quê hương, được sự quan tâm tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương câu lạc bộ (CLB) hát Trống quân xã Liêm Thuận được thành lập.
Từ đó đến nay, những điệu hát Trống quân của quê hương Liêm Thuận đã được các thành viên trong CLB luyện tập, biểu diễn, giới thiệu ở nhiều nơi, được người dân trong và ngoài tỉnh biết đến. Đặc biệt, hát Trống quân của Liêm Thuận đã được công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia”.
Các thành viên CLB hát Trống quân Liêm Thuận luôn tự hào và nỗ lực bảo tồn, lan tỏa vốn quý Di sản văn hóa của quê hương.
Nguồn gốc của hát Trống quân Liêm Thuận
Về Liêm Thuận, qua tìm hiểu được biết, tiếng hát Trống quân bắt nguồn từ tiếng hát trống canh của những người lính đi tuần trên sông nước xưa. Tôi từng có dịp cùng Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đình Lâu - người có công nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ các điệu hát Trống quân cổ ở Liêm Thuận về đình làng Gừa (xã Liêm Thuận) tìm hiểu về nguồn gốc của hát Trống quân. Đình làng Gừa thờ ông Trương Viết Nguyên - đây là vị tướng tài thời vua Đinh Bộ Lĩnh.
Theo các vị cao niên của làng Gừa, hát Trống quân bắt nguồn từ câu hát trống canh của những người lính gác thời cụ Trương Nguyên. Còn theo các vị cao niên của làng Chảy, hát Trống quân Liêm Thuận có từ thời Trần... Tuy nhiên, họ đều chung một quan điểm: hát Trống quân được hình thành từ câu hát trống canh của những người lính gác trên sông nước. Qua thời gian, với sự vận dụng linh hoạt và sáng tạo của người dân đã trở thành câu hát Trống quân ngọt ngào, say đắm gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân.
“Thoạt vào tôi chào Trống quân/ Chào các quan khách xa gần ngồi chơi/ Tôi chào tất cả mọi người/ Làng trên xóm dưới đông vui hội này/ Mừng trống ta lại mừng dây/ Mừng thuyền mừng nước mừng cây sào dài”; “Nhà em có bụi tre cao/ Thuyền anh qua đấy hôm nào cũng trông/ Càng trông anh lại càng mong/ Càng mong mỏi mãi càng không thấy người/ Hôm qua nghe tiếng em cười/ Anh vòng thuyền lại nhưng rồi vắng teo/ Nhà em có bụi tre cao/ Thuyền anh qua đấy hôm nào cũng trông”; “Mồng tám chợ Vạn vui thay/ Bên đông có chợ bên tây có chùa/ Trên bắc có đền thờ vua/ Rủ nhau đi chợ, đi chùa có đôi”... gửi được nỗi lòng, tình yêu... vào những lời ca chân thành, mượt mà, lắng đọng.
Hát Trống quân dần trở thành nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của mảnh đất, con người vùng đồng chiêm Liêm Thuận.
Nét độc đáo của hát Trống quân
Nói đến hát Trống quân Liêm Thuận là nói đến nét độc đáo ở nhạc cụ. Trống ở Liêm Thuận không làm từ gỗ mít, mặt bưng bằng da trâu như các loại trống thông thường. Rất sáng tạo, người dân Liêm Thuận sử dụng vò sành (hoặc vại sành) làm trống. Mặt trống là một tấm ván mỏng đậy kín khít lên miệng vò. Sau đó, căng sợi dây thừng đi ngang qua chính giữa miệng vò sành. Hai đầu dây thừng được kéo ra buộc chắc, chặt vào hai bên thang thuyền.
Tiếp đến dùng thanh tre dài khoảng hai, ba mươi phân, một đầu chống vào tấm gỗ mỏng, một đầu chống lên sợi dây thừng đi ngang qua mặt trống. Sao cho dây thừng thật căng, để khi gõ bật lên có âm thanh “thì, thình” độc đáo và đặc sắc... Nhìn qua, cách làm Trống quân rất đơn giản nhưng để tuyển được hai âm “thì, thình” cao thấp vừa ý phải là người thực sự sành chơi mới làm được. Âm thanh “thì, thình” được phát ra từ sợi dây thừng truyền vào lòng vò, vại sành, rồi truyền vào lòng thuyền, cứ thế lan tỏa vào đồng nước mênh mông. Âm thanh vang vang, trầm ấm kết hợp với những lời hát ngọt ngào, say đắm gắn kết tình người, tình đời, tình quê hương... làm cho cuộc sống của người dân Liêm Thuận thêm phần tươi đẹp và ý nghĩa hơn.
Hát Trống quân Liêm Thuận không gắn với tín ngưỡng, tâm linh mà câu hát như lời tâm sự, bộc bạch chân thành của những người dân quanh năm chân lấm tay bùn được sáng tác hoàn toàn ngẫu hứng, tự biên, tự diễn. “Tháng Tám em đi du Xuân/ Làng Chảy mở hội trống quân em vào/ Trống quân mắc giữa trời cao/ Đông tây nam bắc ai chơi thì vào/ Trống quân mắc ở bờ ao/ Có anh chưa vợ đi vào đi ra/ Trống quân mắc ở ngã ba/ Có anh chưa vợ giở ra giở vào”; “Trống quân đã mắc lên rồi/ Sao em còn đứng còn ngồi ở đây/ Trầu người ăn phải mà say/ Tưởng tơ đợi gió chờ mây với người”; “Trống quân ai mắc nên dây/ Trời xe em xuống hát đây với chàng/ Trống quân anh mắc mở hàng/ Trời xe em hát với chàng chàng ơi”; “Rau răm sào ốc thơm cay/ Củ chuối nấu ốc nói đây lại thèm/ Ốc sang làm mọc làm nem/ Ốc hèn đem nướng reo lên sèo sèo”; “Cua kho ăn với lộc vừng/ Ngậy bùi ai nhớ xin đừng quên ai/ Bìm bìm mà nấu canh trai/ Ăn vào mát ruột đến mai lại bìm”... Những câu hát Trống quân của người dân Liêm Thuận mộc mạc, chân thành, gần gũi, gắn bó mật thiết với cuộc sống, lại thấm đẫm tình người, tình đời, đậm tính nhân văn sâu sắc.
Bảo tồn và phát huy điệu hát Trống quân
Liêm Thuận xưa là vùng chiêm trũng, “4 tháng đi chân, 8 tháng đi tay” (đi bằng thuyền, tay chèo mái). Ngày ấy, nhà nào cũng có thuyền để làm phương tiện đi lại. Mùa mưa đến, nước ngập mênh mông, bước chân lên thuyền là người dân cất tiếng hát, gửi vào trong đó bao nỗi niềm vui buồn trong lao động sản xuất, trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày... Câu hát Trống quân thân quen gần gũi đã ăn sâu vào đời sống văn hóa và nếp sống thường nhật của người dân.
Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Huệ, Chủ nhiệm CLB hát Trống quân Liêm Thuận vui vẻ cho biết: Không còn cảnh mùa mưa nước ngập mênh mông như trước, diện mạo miền quê Liêm Thuận giờ đã đổi thay tích cực, làng xóm khang trang sạch đẹp, đời sống của người dân được nâng cao. Để lưu giữ và lan tỏa điệu hát Trống quân, thời gian qua, các thành viên CLB hát Trống quân Liêm Thuận luôn nỗ lực, tâm huyết, trách nhiệm trong luyện tập, biểu diễn, giới thiệu các tiết mục hát Trống quân của quê hương. Bên cạnh những làn điệu hát Trống quân cổ, CLB còn sáng tác, luyện tập, biểu diễn những tiết mục mới dựa trên làn điệu hát Trống quân cổ vừa để phục vụ nhiệm vụ chính trị, vừa đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn nghệ của người dân.
Là giáo viên mầm non, nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Huệ thường hát cho trẻ nghe những làn điệu Trống quân, hướng dẫn các em nhỏ tập đánh Trống quân bằng tay không theo nhịp... giúp trẻ biết đến điệu hát truyền thống của quê hương ngay từ thời còn thơ bé.
Đầu tháng 10, chúng tôi về Liêm Thuận đúng dịp CLB đang luyện tập các tiết mục văn nghệ để chuẩn bị cho ngày đón nhận “Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia” đối với hát Trống quân. Các thành viên CLB chia sẻ: Chúng tôi phần lớn vẫn đang gắn bó với công việc đồng áng. Đây là thời điểm vào vụ gặt, tuy có bận rộn nhưng chị em vẫn dành thời gian luyện tập các tiết mục để biểu diễn... Rồi các chị cùng cất lời: “Ai về Liêm Thuận quê tôi/ Trống quân câu hát ngọt lời dân ca/ Trống thừng nếp của ông cha/ Đã thành “Di sản Quốc gia” tự hào/ Thì thình vang vọng trời cao/ Ngân nga câu hát dạt dào tình quê/ Lung linh một quãng đi về/ Sân tre, mái rạ, lời thề nước non/ Quê hương một chấm vàng son/ Nét văn hóa cổ mãi còn vang xa/ Trống quân Liêm Thuận quê ta/ Thì thình nhịp bảy nhịp ba thì thình/ Hát cho cong vút mái đình/ Trống cho rạng rỡ quê mình Trống quân”.
TK (Theo Baohanam.vn)
Cùng với việc đẩy mạnh phát triển KT - XH, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Quản Bạ (tỉnh Hà Giang) có nhiều giải pháp tích cực trong việc khơi dậy, giữ gìn...
Như một quy luật tất yếu, những thiên đường nghỉ dưỡng nổi tiếng toàn cầu đều hội tụ những yếu tố cốt lõi: Thiên nhiên tuyệt mỹ - kết nối thuận lợi - đa dạng dịch vụ. Và tất cả...
Để tự chủ về tài chính, phù hợp với sức khỏe, nhiều người cao tuổi trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã lựa cho bản thân hướng phát triển kinh tế mới và mang lại hiệu quả. Ghi nhận tại...
Với diện tích hàng nghìn ha trải dài, uốn lượn giữa các sườn núi, lưng đồi, ven suối, hệ thống ruộng bậc thang ở huyện Lạc Sơn (tỉnh Hòa Bình) mang vẻ đẹp hùng vĩ và quyến rũ....
Thời gian qua, cùng với các tỉnh phía Bắc, Hà Giang là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa, lũ, một số sự kiện văn hóa, du lịch (DL) phải dừng tổ chức,...
Theo con nước từ thượng nguồn Mekong, hằng năm từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch, miền Tây vào mùa nước nổi. Mùa nước nổi trở thành một phần của văn hóa sông nước gắn liền với...
Trong 2 ngày 18 - 19/10, UBND huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên tổ chức Lễ hội mừng cơm mới dân tộc Thái bản U Va, xã Noong Luống năm 2024.
Với tiềm năng thế mạnh là sản xuất nông nghiệp, những năm qua, huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa) đã nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa...
Mỗi làng nghề là một bản sắc, một nét đẹp truyền thống mang lại thu nhập cho người dân địa phương.
Làng gốm Phù Lãng là một trong những làng nghề có tuổi đời hàng trăm năm, tọa lạc tại xã Phù Lãng, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Làng gốm nằm cạnh bên con sông Lục Đầu, rất...
Thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Đồng Nai đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp chặt chẽ, thống nhất nội dung, chương trình tổ chức hội nghị kết nối, xúc tiến đầu tư...
Hồ Hoà Bình có diện tích mặt nước khoảng 9.000 ha, dung tích 9,45 tỷ m3, trải dài trên 200 km từ Hoà Bình tới Sơn La. Con sông Đà hung dữ xưa kia nay trở thành hồ nhân tạo lớn,...