
{title}
{publish}
{head}
![]() |
Ông Đinh Văn Nhật, người còn lại của phường săn Nưa Thượng. |
(PTĐT) Đã có một thời, cả vùng thượng huyện Thanh Sơn, Hương Cần - Tân Lập - Tân Minh - Yên Sơn... là những dải rừng già thâm u với đủ loài muông thú quí hiếm. Ở đó đã có những tay thợ săn với biệt tài theo dấu thú cả tuần trong rừng, từng là thiên đường cho súng kíp, súng ria tung hoành với đầy huyền tích hoang hoài...
Không thể ngờ rằng người đàn ông gầy gò, hiền lành đang trình diễn nghệ thuật Trống đất - người duy nhất còn giữ được loại hình nghệ thuật dân gian vùng đất cổ này lại từng có thời là tay thợ săn khét tiếng sát thủ. Khẩu súng ria 12 ly trong tay người thiện xạ từng hạ hàng trăm con khỉ, giết chết mấy chục lợn lòi, sơn dương và trong một ngày cũng đã từng hạ cả 3 mẹ con nhà gấu. Ông là Đinh Văn Nhật - người bản Nưa Thượng, nơi có đền Nưa thờ thánh Tản Viên quanh năm mây phủ, nằm khuất nẻo giữa núi rừng thâm u xã Tân Lập, huyện Thanh Sơn. Trong ngôi nhà sàn bóng khói bếp thời gian của ông và nhà của hai người anh ông gần đó (cũng đã một thời là thợ săn khét tiếng của vùng) còn treo la liệt những chiến lợi phẩm. Những chiếc sừng sơn dương đóng trên cột nhà làm giá mắc áo, nơi cột nhà chính treo một chiếc vòng bạc - kiêu hãnh đong đưa chiếc nanh lợn lòi dài hơn 20cm, cạnh đó là một hộp sọ thú đã đen xỉn lủng lẳng treo trên vách... Rít một hơi tụt nõ chiếc điếu cày rồi chậm rãi nhả từng cụm khói tròn vo bay mù mịt khắp gian nhà, những nếp nhăn trên trán mở hết cỡ, mặt bừng bừng sinh khí, Ông kể: “ Ngày xưa rừng chưa bị phá, toàn cổ thụ. Thú nhiều vô kể, hươu nai, lợn rừng, gấu, beo, chó sói... đi từng đàn. Nhà ta, mấy đời là thợ săn thú. 10 tuổi, ta đã tự chế được thuốc độc từ nhựa cây sui để tẩm vào mũi tên rồi vác nỏ vào rừng tự săn gà rừng, thú nhỏ và tham gia cùng cánh trẻ con thổi tù và, khua mõ, khua chiêng, đánh trống cổ vũ cho cánh thanh niên dồn thú mỗi khi làng vào mùa săn. Đến năm 16 tuổi, ta mới được bố và những lão thợ săn trong vùng làm lễ công nhận là thành viên chính thức của phường săn Nưa Thượng sau khi tự mình đã hạ được mấy chục con khỉ, vài con sơn dương và một con lợn lòi. Lúc đó vẫn phải đi săn bằng nỏ và dùng tên tẩm thuốc độc, gian nan và cầu kỳ lắm. Đầu tiên là tìm cho được cây sui già, khi nở hoa, ong về hút mật chết rơi đầy dưới gốc và khi cắm con dao vào thân cây nhựa phải tứa ra đỏ như máu thì độc tố càng lớn, con thú mới mau lịm đi. Sau đó là tìm đường đi của thú (thường là ven các con suối, các mỏ nước nơi con thú xuống uống nước) để phục bắn hoặc đặt bẫy. Ban ngày thì đơn giản hơn, còn ban đêm phải bắt được ánh mắt của thú rồi bắn thẳng vào giữa hai đốm sáng ấy. Nếu là thú nhỏ thì chúng lịm đi, còn thú lớn, khi trúng tên là lúc nó hung dữ nhất. Hươu, nai thì phải 30 phút sau mới lịm hẳn, còn gấu và lợn lòi thì lâu hơn nhiều. Khi ấy cánh thợ săn phải cắm một mũi tên xuống đất hay vào cây cổ thụ để đánh dấu tọa độ, đợi khi trời sáng mới vạch lá khô, theo dấu chân thú mà tìm. Gian nan lắm ...!”. Tay vuốt ve chiếc nỏ đã đen bóng vì thời gian, ông Nhật lại trầm ngâm: “ Dành dụm, chắt bóp mãi, vài năm sau ta mới mua được khẩu súng ria sau khi đã bán đi một con trâu nhà, mấy con hoẵng, vài con lợn lòi mới săn được. Khẩu súng đấy đã theo ta suốt những năm tuổi trẻ khiến ta trở thành người mắc nợ rừng nhiều quá...”.
Có súng tốt, ông Nhật và hai người anh của mình đi săn dài ngày và chuyên nghiệp hơn. Hễ ngơi tay cày, tay cuốc, khi cây lúa trên nương đâm lá xanh là ông và các người anh của mình lại chuẩn bị tay nải lương thực, một bầu nước và dắt lưng vài chục viên đạn, sách súng, sách nỏ đi săn thú đến lúc lúa uốn câu, vàng ươm mới về. Bàn chân trai tráng của ông đã từng leo mòn khắp các cánh rừng già của núi Lưỡi Hái, từ Nưa Thượng sang Hương Cần, Khả Cửu, Thượng Cửu hay vượt dốc Bụt lên Tân Minh, Yên Sơn, có khi vào cả vùng lõi rừng già Xuân Sơn, sang Phù Yên (Sơn La) và ngược lên vùng giáp ranh Đà Bắc (Hòa Bình).
Hớp một ngụm rượu, giọng ông Nhật trầm ngâm: Ngày xưa rừng nhiều muông thú lắm, cứ mỗi độ xuân về, trước khi hạ cây nêu, vào ngày mùng 5 tháng giêng cả bản lại mở hội vào rừng săn bắn. Đi đầu là đàn chó săn, tiếp đó là những người của phường săn và cánh thanh niên. Người có súng đi đầu, người vác nỏ đón lõng còn cánh trẻ em thì làm mõ, thổi sừng trâu đi càn. Chỉ tay ra rừng cọ trước cửa nhà chừng 500m ông Nhật bảo: Kỷ niệm ghi nhớ nhất trong đời săn của ta là lần bắn hạ con lợn lòi đầu tiên. Hồi đó ta mới 16 tuổi, giữa trưa vác nỏ vào rừng cọ kiếm mấy con chồn con sóc thì gặp lợn lòi. Đây là loài thú hung dữ nhất mà ta từng gặp. Khi động rừng, lợn lòi thường vào những nương lúa, nương sắn để cắn phá. Nhìn nương lúa nhà mình đã bị quần nát rộng to như mấy cái nhà ta biết ngay là lợn lòi mới đi qua, nhìn dấu chân để lại mách ta biết rằng đây là con lợn độc (lợn đực lớn nặng cả tạ, thường đi ăn một mình). Không kịp gọi người trợ giúp, ta vác nỏ đuổi theo. Đến rừng cọ thì tiếp cận được nó. Giống lợn lòi có cái mũi cực tinh, mặc dù đã đi ngược chiều gió nhưng ta vẫn bị nó phát hiện ra. Chưa kịp giương tên thì nó quay lại, nhìn ta trừng trừng rồi phi tới. Đối mặt lợn rừng không gì tốt hơn là nhảy lên cây, ta chạy luôn đến cây bồ đề cổ thụ gần đó và đu lên. Không húc được kẻ phá đám, con lợn càng hung; cắn, húc bất kể cái gì mà nó gặp quanh gốc cây bồ đề. Mũi tên thứ nhất vì run bay chệch ra ngoài, mũi thứ hai cũng không trúng đích, mũi tên thứ ba thì trúng gáy. Con lợn càng hăng máu, mắt ngầu đỏ, hộc lên một tiếng dữ tợn, lấy đà rồi cứ thế lao thẳng vào gốc bồ đề có ta đang trú ngụ. Đợi nó mệt, ta chuyền sang mấy cái cây bên cạnh và bỏ chạy về bản. Phát hiện ra, nó theo về tận bản và chỉ sau khi bị thêm một mũi tên nữa vào nách nó mới bỏ đi. Đến chiều, ta và anh trai Đinh Văn Tính lại vác nỏ, vác súng theo vệt máu qua rừng cọ đến khe nước ở chân núi Lưỡi Hái mới tìm được xác nó (cân lên nặng 1,8 tạ). Đêm đó, cả bản say trong tiếng cồng, tiếng chiêng, say trong suối rượu mừng ta trở thành thành viên chính thức của phường săn Nưa Thượng.
Đi săn nhiều, ông Nhật biết hết từng vạt rừng, từng loài thú. Tân Lập bạt ngàn là chuối, cứ mỗi độ chuối chín, ông Nhật lại vác súng ngược đỉnh núi Chẹn, núi Dốc Nèn, núi Lưỡi Hái săn khỉ . “Giống khỉ rất tinh khôn, đi ăn thường đi thành đàn cả chục con, bao giờ cũng có khỉ chúa đầu đàn đi khóa đuôi. Trong khi cả đàn thoải mái vặt quả thì khỉ chúa leo lên cây cao nhất dõi mắt cảnh giới. Săn khỉ phải hạ gục khỉ chúa từ phát đạn đầu tiên. Mất con dẫn đường, bầy khỉ trở nên nháo nhác, đội hình loạn xạ, mình có bắn cũng dễ. Ta cũng không nhớ mình đã giết bao nhiêu là khỉ nữa, có thể là một trăm, nhưng cũng có thể là hơn...”. Chuyện săn sơn dương thì gian nan hơn. Đây là loại thú vốn ưa vùng núi cao. Trên những mỏm đá tai mèo nhọn hoắt hay những vách núi cheo leo, loại thú này vẫn chạy nhảy như thường. Thợ săn muốn săn được sơn dương phải mạo hiểm leo lên những đỉnh núi tai mèo để tìm bãi ăn của chúng. Ở những trảng cỏ lau lách cao và rậm, nếu thấy thân cây bị phạt ngang ngọn và sắc như vết liềm cắt thì đích thị là bãi ăn của sơn dương. Thợ săn chỉ việc tìm quanh những vết chân in hằn trên đá để tìm đường đi của con vật và đặt bẫy hoặc tìm chỗ nấp để dùng súng săn. Có những chuyến đi săn kéo dài cả tuần lễ trong rừng. Được nhiều thú, nếu không mang về được, chúng ta phải làm chòi, xả thịt, sấy khô rồi cho vào gùi khoác về”. Rít tiếp một hơi thuốc lào, lão thợ săn lại trầm ngâm: Ngày xưa hổ cũng về bản bắt bò, bắt lợn nhiều lắm, đang đêm mà thấy mất trâu, sáng ra y như sẽ có dấu chân hổ quanh bản. Mùa đông năm 1962, hỗ vẫn còn về bản. Đêm đó nhà ta mất một con lợn. Sáng hôm sau, hơn 20 thanh niên trai tráng của bản cùng phường săn các xã Tân Lập, Tân Minh, Hương Cần tập hợp theo dấu chân hổ vào rừng. Đến núi Dốc Nên thì đàn chó săn của phường săn xã Tân Minh phát hiện ra mùi của chúa sơn lâm. Tiếng mõ, tiếng tù và, tiếng chó sủa vang vọng cả dải rừng. Bố ta bắn trước, con hổ trúng đạn trèo lên cây, mọi người tập trung bắn, chó săn dồn tới. Trước khi chết, con hổ còn vả và cắn chết 2 con chó săn thiện chiến nhất. Đó là một con hổ vằn, cân nặng được 80kg. Mất chó săn, phường săn Tân Minh từ đó giải tán, còn phường săn Nưa Thượng vẫn duy trì cho đến ngày ta bắn chết 3 mẹ con nhà gấu... Nói đến đây, giọng ông Nhật trầm hẳn xuống, mắt nhìn xa xăm.... Hôm đấy là mùa xuân, làng vừa hạ cây nêu thì chúng tôi vác súng vào rừng. Đến khe suối trên núi Dốc Nên thì gặp 3 mẹ con nhà gấu đang nô đùa. Bạn ta nổ súng, phát đạn trúng ức gấu mẹ. Đúng chỗ hiểm, gấu mẹ chỉ hộc lên một tiếng, đứng thẳng như trời trồng. Hai gấu con lao tới ôm lấy ngực gấu mẹ cũng bị trúng đạn. Thêm loạt đạn thứ hai, ba mẹ con nhà gấu mới đổ nhưng vẫn ôm chặt lấy nhau...! Kể đến đây, ông Nhật sụp suống, mắt ầng ậc nước... Hình ảnh 3 mẹ con nhà gấu cứ ám ảnh ông suốt mấy chục năm qua cả lúc tỉnh cũng như trong giấc mơ. Ông Nhật gác súng săn. Bạn săn của ông từ đấy cũng không bao giờ gặp được thú lớn. Thời gian sau phường săn Nưa Thượng cũng giải tán...
Ông Đinh Quang Tính - Bí thư đảng ủy xã và anh Nông Công Dũng - Trưởng công an xã Tân Lập cũng xác nhận với tôi rằng Nưa Thượng ngày xưa đã từng có một phường săn nổi tiếng của vùng. Cùng với việc lên nương, lên rẫy, một thời nghề săn bắn cũng đã là nghề chính của đồng bào người Mường, người Dao nơi đây. Trong một vài năm trở lại đây, khi Nghị định 47 về công tác quản lý vũ khí - vật liệu nổ và Chỉ thị 12 của Kiểm lâm về công tác quản lý, bảo vệ rừng có hiệu lực. Vả lại, thú rừng ngày càng ít đi và ý thức bảo vệ rừng của người dân đã được nâng cao. Các dự án khoanh nuôi bảo vệ rừng, các dự án cho vay vốn trồng rừng kinh tế, phát triển trang trại… bắt đầu phát huy hiệu quả, từ săn bắt, tận diệt thú rừng, người dân đã quay sang bảo vệ đại ngàn. Trong 3 năm trở lại đây, với sự phối hợp của công an huyện và lực lượng kiểm lâm, người dân Tân Lập đã nộp cho chính quyền 25 khẩu súng săn - thứ tài sản quí giá mà mỗi trai bản ngày trước khi ra khỏi nhà đều khoác theo mình. Trước khi chia tay, chủ tịch xã Đinh Văn Quí cho biết: Đã lâu lắm rồi, rừng Tân Lập đã lắng hẳn tiếng súng săn. Trên núi Chẹn, đã có đàn khỉ về ăn chuối. Bình yên đang hiện hữu trên những cánh rừng Nưa Thượng hôm nay... Đinh Vũ
Thời trai trẻ, anh thanh niên Hà Minh Chất (khu Còn, xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn) là người thợ săn nức tiếng bản trên, xóm dưới với tài bắn nỏ bách phát bách ...
Hàng năm, từ tháng 6 đến tháng 10 dương lịch, các thành viên trong đội “Ong rừng Tân Sơn” lại chuẩn bị đồ dùng, dụng cụ rủ nhau lên rừng săn mật ong. Nghề săn ...
Trên đỉnh Ba Cụm (xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa), phóng tầm mắt ra xa, thấp thoáng những bản làng, những con đường quanh co nép mình bên những sườn ...
Vượt mấy cây số đường rừng dốc đá dựng đứng, dây leo chằng chịt ngăn lối, về đến bản, trái chuối rừng được phơi cho héo vỏ, săn thịt rồi tiếp tục qua bàn tay ...
baophutho.vn Những ngày qua, người dân xã Thu Ngạc, huyện Tân Sơn xôn xao khi Công ty TNHH Dược phẩm Nam Hà Group (trụ sở tại số 14, đường THC 07, phường...
baophutho.vn Tương truyền, 5 loài: Anh vũ, cá lăng, cá dầm xanh, cá chiên và cá bỗng thuộc các loài cá quý dùng để tiến Vua, đã được ghi nhận trong sử sách,...
Trạm trưởng trạm y tế xã Yên Tập (huyện Cẩm Khê) Phan Kim Ninh không giấu được sự lo lắng về căn bệnh ung thư đang hoành hành ở quê mình mấy năm trở lại đây. Mới từ năm 2003...
(PTĐT) "Khát nước” sinh hoạt luôn là nỗi lo thường trực của một số địa phương hiện nay và tình trạng đó đang xảy ra tại một số địa phương của tỉnh như: Chí Đám (Đoan Hùng), Cổ...
(PTĐT) Phú Thọ là một tỉnh có nhiều tuyến sông lớn như sông Lô, Hồng... là địa bàn trung chuyển đường thủy, chủ phương tiện và tầu bè nhiều... do đó, vấn đề ATGT đường thủy...
(PTĐT) Men theo dải hành lang hun hút, tôi tìm đến dãy nhà được quét ve màu gan gà, nằm cuối khuôn viên Bệnh viện tỉnh Phú Thọ. Ông trưởng khoa giải phẫu bệnh lý giới thiệu:...
(PTĐT) Nghèo quá! Khổ quá! Đó là điều đầu tiên tôi nhận thấy khi đặt chân vào bản Bến Thân- một bản thuộc vùng núi heo hút của xã Đồng Sơn-huyện Thanh Sơn. Bản nằm bên núi Cẩn,...
(PTĐT) Trong suốt thời gian dài, nội bộ ban lãnh đạo Công ty cổ phần gốm sứ Thanh Hà mất đoàn kết nghiêm trọng, dẫn đến buông lỏng quản lý kinh tế, kinh doanh thua lỗ, đời sống...