Hội tụ các điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng... cho sự sinh trưởng của cây chè, Phú Thọ là một trong những tỉnh có diện tích chè lớn nhất cả nước với trên 14.000ha. Trải qua thời gian dài “bám rễ” trên mảnh đất trung du, cây chè đã phát triển mạnh, trở thành cây trồng trọng điểm, đóng góp quan trọng cho kinh tế của tỉnh.
Chè Phú Thọ ngoài những lợi thế về chất lượng, yếu tố sản xuất, tiêu dùng mang tính văn hóa, truyền thống thì hướng phát triển gắn với thương hiệu, nhãn hiệu là hướng đi phù hợp, trở thành công cụ hiệu quả trong phát triển bền vững sản xuất và thị trường. Các địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phát triển vùng chè an toàn và bền vững, gắn liền vùng sản xuất với tiêu thụ để từng bước nâng cao sản lượng, giá trị và hiệu quả sản phẩm chè.
Theo xu thế thị trường, các vùng chè trong tỉnh đang có những bước chuyển đổi để hòa nhịp. Bên cạnh vùng nguyên liệu chế biến chè đen, bước đầu đã hình thành các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến chè xanh, trồng bằng các giống LDP1, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên. Phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn tạo tiền đề để phát triển bền vững các làng nghề, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè.
Với diện tích hơn 900ha, chè là cây trồng chủ lực của xã Yên Kỳ, huyện Hạ Hòa. Sản phẩm Chè xanh Yên Kỳ của HTX sản xuất và chế biến chè Yên Kỳ đã được công nhận nhãn hiệu tập thể và đạt chuẩn OCOP 3 sao. Hiện nay, HTX đang chú trọng xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu đạt chuẩn để nâng hạng sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao.
Nhờ có chất đất, khí hậu phù hợp và kinh nghiệm chế biến của người dân nên sản phẩm chè của nhiều HTX, làng nghề trong tỉnh có màu sắc, hương thơm, vị đượm đặc trưng, ngày càng được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Sản xuất và chế biến chè trên địa bàn tỉnh có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Những làng nghề, HTX vẫn giữ bí quyết sao chè riêng với đôi bàn tay khéo léo và sự cảm nhận tinh tế. Cũng có lẽ từ bí quyết này dần làm nên thương hiệu của các làng nghề, HTX như: Chè Phú Hộ, chè Thành Nam, chè Đá Hen, chè Long Cốc, chè Cẩm Mỹ... Trải qua nhiều năm gắn bó với cây chè, người dân làng nghề đã đúc rút ra nhiều kinh nghiệm về phương thức sản xuất, chế biến chè.
Từ những mẻ chè trên chảo lửa được sao bằng tay, giờ đây đã có những nhà máy chè hiện đại cho ra sản lượng cao gấp nhiều lần. Nhiều doanh nghiệp với quy trình sản xuất nghiêm ngặt từ khâu chăm sóc, thu hái, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Một số doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến hiện đại, sản xuất theo hướng đa dạng hóa sản phẩm.
Năm 2020, nhãn hiệu chứng nhận “Chè Phú Thọ” đã được cấp văn bằng bảo hộ góp phần nâng cao uy tín, giá trị kinh tế, sức cạnh tranh của các sản phẩm chè trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần tăng giá trị sản phẩm, xây dựng vùng sản xuất chè có thương hiệu, khẳng định tính nhất quán của sản phẩm nổi tiếng đã qua nhiều thế hệ. Cùng với đó, phát triển chè theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP mở ra nhiều hướng đi mới cho sản phẩm chủ lực, thế mạnh của địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có 1 sản phẩm chè đạt OCOP 5 sao cấp Quốc gia và khoảng 20 sản phẩm chè đạt OCOP hạng 4 sao cấp tỉnh.
Chất lượng từng bước được nâng cao, mẫu mã được hoàn thiện, vượt qua sự bó hẹp địa lý, sản phẩm chè Phú Thọ đã dần tạo dựng được thương hiệu, vươn mình đến mọi miền của đất nước và xuất khẩu.
Nhóm PV Kinh tế
5:31:05:2024:16:12 GMT+7