Kỳ 2: Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu

Kỳ 2: Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu

"Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”- với tư tưởng này, những người có uy tín trong cộng đồng đã tiên phong vận động đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) loại bỏ lề xưa thói cũ, loại bỏ hủ tục lạc hậu, đói nghèo. Diện mạo nông thôn, chất lượng cuộc sống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đang tốt lên từng ngày.

“Hành lang” hương ước, quy ước

Xác định vai trò quan trọng của đội ngũ người có uy tín (già làng, trưởng bản, cán bộ cốt cán, nhân sĩ, trí thức...) trong xây dựng khối đại đoàn kết vùng đồng bào DTTS, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã thực hiện nhiều chính sách để động viên, khích lệ lực lượng đặc biệt này. Với tình yêu, sự gắn bó với quê hương, xóm làng cộng hưởng với nguồn động lực to lớn, người có uy tín đã phát huy vai trò nòng cốt, thực sự là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy chính quyền với nhân dân, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Kỳ 2: Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu

Kỳ 2: Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu

Khu Nhồi, xã Trung Sơn, huyện Yên Lập có 462 nhân khẩu thì một nửa là người dân tộc Mông. Trưởng khu Đinh Thị Linh đã có 20 năm tâm huyết với công tác tuyên truyền, phản đối tình trạng tảo hôn, lập gia đình sớm của thiếu niên người Mông nơi đây.

Là người con sinh ra và lớn lên ở bản Nhồi, cũng giống như các mẹ, các bà của mình, 17 tuổi, Đinh Thị Linh đã lấy chồng, 38 tuổi đã lên chức bà nội. Từng trải nên chị hiểu rõ hơn ai hết sự cơ cực, nhọc nhằn của việc lấy chồng sớm nên nữ trưởng khu đã tích cực phối hợp với các đoàn thể địa phương tuyên truyền tới các hộ gia đình có con cái đến tuổi cập kê. Chỉ cần nghe nói nhà nào, cặp đôi nào có ý định “theo” nhau khi chưa đủ tuổi là trưởng khu Đinh Thị Linh sẽ đến nhà, lắng nghe tâm tư, trao đổi với người lớn, khuyên bảo lớp trẻ.

“Với con gái, mình dùng kinh nghiệm bản thân đã từng trải qua mà nói chuyện. Với con trai, mình phải dùng hiểu biết về pháp luật mà phân tích những hệ quả mà các bạn nam có nguy cơ phải đối mặt khi phát sinh quan hệ với bạn nữ chưa đủ tuổi” - Chị Linh cho biết.

Kỳ 2: Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu

Kỳ 2: Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu

Khoảng 20 năm trở về trước, khu Nhồi ở xã Trung Sơn có đến 90% phụ nữ lấy chồng, sinh con khi chưa đủ tuổi. Hiện nay, con số này đã giảm xuống rất thấp. Lứa tuổi sinh năm 2005 - 2008, lập gia đình trước năm 18 tuổi còn khoảng 4 - 5 trường hợp. Những năm trở lại đây, đồng bào Công giáo người Mông đã đặt ra quy ước chung: Đối với nhà có con cái kết hôn khi chưa đủ tuổi, không đăng ký kết hôn thì dân làng sẽ không đến ăn cưới và chúc phúc cho cô dâu, chú rể. Sự phản đối không chỉ mang tính chất truyền miệng mà nay đã trở thành tư duy xã hội, quy ước chung của bản làng.

Toàn tỉnh đã xây dựng 2.296 quy ước tại 2.328 khu dân cư, đạt 98,6%.

Khu Minh Nga, xã Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn có 145 hộ người Dao, trong đó có 50 hộ nghèo và cận nghèo. Trưởng khu Phùng Thị Toàn gặp chúng tôi tại lớp tập huấn phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho đối tượng trưởng khu dân cư do Phòng Dân tộc huyện tổ chức. Chị chia sẻ: Từ năm 2022 đến nay, cả khu chỉ còn một cặp đôi lập gia đình khi chưa đủ tuổi. Khu Minh Nga đã họp và xây dựng hương ước quy định: Gia đình cho con cái kết hôn khi chưa đủ tuổi, làng sẽ không cho thầy mo đến làm lễ cúng, cán bộ, đảng viên ở địa phương không được đến uống rượu mừng.

Bằng những biện pháp cụ thể, quyết liệt, tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện Tân Sơn đã được đẩy lùi. Từ năm 2019 đến năm 2021, toàn huyện có 1.419 cặp kết hôn thì chỉ có 20 vụ tảo hôn (chiếm 1,4%), hôn nhân cận huyết thống đã được xóa bỏ hoàn toàn.

Kỳ 2: Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu

Kỳ 2: Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu

Thượng tá Nguyễn Kiên Cường – Phó Trưởng Phòng An ninh nội địa, Công an tỉnh cho biết: Phòng đã tham mưu xây dựng, củng cố nâng cao chất lượng các tổ chức và Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong vùng đồng bào DTTS; kiện toàn và duy trì hoạt động của 967 ban ANTT, 5.247 tổ liên gia tự quản và nhân rộng các mô hình, điển hình trong công tác đảm bảo ANTT vùng tập trung đông đồng bào DTTS. Thông qua phát huy vai trò của người uy tín tại các tổ chức, mô hình đã góp phần đưa các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào DTTS, tạo thế trận an ninh nhân dân liên hoàn, khép kín, tạo sự chuyển biến tích cực về trật tự an toàn xã hội.

Để Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong vùng đồng bào DTTS thật sự đi vào chiều sâu, bên cạnh việc tổ chức các chương trình thăm hỏi, tặng quà người có uy tín, các cán bộ chiến sĩ công an còn vận động, khích lệ lực lượng này tham gia các hoạt động phòng chống tội phạm, giữ gìn ANTT và làm nòng cốt cho các phong trào tại địa phương.

“Tống cựu nghinh tân”

Đồng bào dân tộc Mông ở bản Mỹ Á, xã Thu Cúc từ thuở xa xưa đã lưu truyền một câu nói: “Luật tục của người Mông như con dao chém vào đá, như mũi tên rời khỏi nỏ, ngàn đời chẳng thế thay đổi”. Ấy vậy, già làng Mỹ Á Sùng A Vang lại vận động người dân xóa bỏ hủ tục lạc hậu, tạo lập nếp sống mới văn minh.

Kỳ 2: Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu

Kỳ 2: Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu

Già làng A Vang sinh năm 1959, trưởng thành trong gia đình “cha truyền con nối” hành nghề thầy cúng. Trái ngược với suy nghĩ của nhiều người, thầy cúng người Mông là hiện thân cho tư duy, thành kiến lạc hậu, sáo mòn nhưng ông Vang lại tiên phong khuyên dân bản không được làm đám tang nhiều ngày.

Đám tang ở Mỹ Á hiện nay theo nếp sống mới, cho vào quan tài, để trong nhà tối đa hai ngày là đem chôn. Gia đình chỉ làm cơm thiết đãi khách theo điều kiện. "Bây giờ, đám tang hay đám cưới đều tổ chức đơn giản, không cầu kỳ, tốn kém, kéo dài. Phong tục, truyền thống tốt đẹp thì mình giữ lại. Cái nào rườm rà, lạc hậu thì mình bỏ đi, học nếp nghĩ, cách làm văn minh dưới xuôi” đó là lời khẳng định chắc nịch của già làng A Vang.

Cuộc sống của người dân bản Mỹ Á những năm gần đây đã tốt hơn trước rất nhiều. Đường sá thuận lợi, trẻ em được đến trường. Ánh sáng của con chữ, của tri thức đã soi đường cho người Mông. Già làng Vang có bảy người con trai thì đến người con thứ tư, ông đặt ra quy tắc phải trên 20 tuổi mới được phép lấy vợ, lập gia đình.

Năm 2022- 2023, huyện Tân Sơn đã dành nguồn vốn sự nghiệp gần một tỉ đồng để giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Hàng chục lớp tập huấn, chiến dịch truyền thông, tọa đàm, hội thi đã được tổ chức cho hàng trăm lượt cán bộ, trưởng khu dân cư, đồng bào dân tộc tiếp cận về quy định liên quan đến phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Đặc biệt thời gian qua, lực lượng công an đã quan tâm, xây dựng lực lượng công an chính quy là người DTTS có phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Năm 2022, Công an tỉnh đã bổ nhiệm 24 cán bộ là người DTTS giữ các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy trong lực lượng Công an tỉnh, mở lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc cho 35 cán bộ, chiến sĩ.

Kỳ 2: Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu

Công an xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn giúp đồng bào gặt lúa

Với Thượng úy Hà Hữu Hải - Phó Trưởng Công an xã Đồng Sơn, huyện Tân Sơn được về công tác tại mảnh đất quê hương là điều anh hằng mong mỏi. Từ khi lực lượng công an chính quy về xã, anh đã cùng cán bộ tuyên truyền cho bà con bỏ được hủ tục mời thầy cúng giải bệnh, giết lợn cúng con ma nhà mỗi khi đau ốm của bản người Dao nơi đây. Người Dao ở Đồng Sơn giờ ốm đau đều đến Trạm y tế để bác sĩ thăm khám và lấy thuốc. Trong ba năm, không chỉ giúp nhân dân loại bỏ hủ tục, lực lượng công an xã cùng nhân dân làm 5km đường giao thông nông thôn, lắp đặt hệ thống bóng điện chiếu sáng đường quê, góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn.

Trưởng khu Đinh Thị Linh, Phùng Thị Toàn hay già làng Sùng A Vang là những con người của thế hệ cũ nhưng mang tư duy đổi mới, hành động quyết liệt với mong muốn cháy bỏng thế hệ sau có cuộc sống ấm no, tốt đẹp hơn trước. Họ là những điển hình trong tổng số 565 người có uy tín trong cộng đồng người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Thấu hiểu và ghi nhận những nỗ lực đó, ngày 6/4/2023, tỉnh Phú Thọ là một trong những địa phương sớm nhất trên cả nước ban hành Kế hoạch 1194/KH-UBND để biểu dương, tôn vinh những điển hình tiên tiến, phát huy vai trò của người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2022- 2025, trên địa bàn toàn tỉnh với nhiều việc làm cụ thể như: Định kỳ 2 năm/lần tổ chức biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến (già làng, trưởng bản, người có uy tín...) trong đồng bào DTTS; 3 năm/lần tổ chức hoạt động giao lưu, học tập kinh nghiệm, tặng quà, biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến; khảo sát đối tượng để xây dựng, quản lý, phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín.

Hành động, việc làm mang theo tư duy đổi mới của người già đại diện cho thế hệ cũ đã truyền động lực và khát vọng cho người trẻ đại diện cho thế hệ mới, “mở đường” để người trẻ vươn lên xây dựng đời sống mới, đóng góp chung vào bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng người DTTS ở Phú Thọ.

>>> Kỳ 1: Nét chì còn vương

>>> Kỳ 3: Chủ trương đúng, trúng lòng dân

Thanh Trà - Thùy Trang - Thu Hương

3:28:08:2024:11:00 GMT+7

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM