Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ban đầu, các chiến khu hầu hết là do một nhóm người yêu nước lập nên. Dần dần, lực lượng tham gia ngày càng đông đảo, tập hợp những người dân yêu nước quanh vùng, tạo nên một sức mạnh tổng hợp và có ảnh hưởng tích cực tới các địa bàn khác, kêu gọi, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám.
Khởi đầu cho sức mạnh của lực lượng ở các chiến khu đó là sự hoạt động mạnh mẽ và sáng tạo của các đội du kích được thành lập trong lòng chiến khu. Tại những vùng rừng núi của huyện Yên Lập, Cẩm Khê, Hạ Hòa, các đội du kích phát triển ngày càng đông đảo, liên kết sức mạnh giữa các chiến khu và một số tỉnh bạn như: Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Vĩnh Phúc để tạo nên những vành đai lực lượng, tạo thế uy hiếp kẻ thù những ngày tiền khởi nghĩa.
Tại xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ cùng làng Vần, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái, chiến khu Vần - Hiền Lương được thành lập từ chủ trương tại Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ là phát triển chiến tranh du kích, xây dựng căn cứ địa chống Nhật để chuẩn bị Tổng khởi nghĩa cho kịp thời cơ. Chiến khu Vần - Hiền Lương là một trong bảy chiến khu quan trọng trong cả nước, tạo sự liên lạc giữa các chiến khu, làm nên những “bàn đạp” cho cuộc Tổng khởi nghĩa.
Hưởng ứng chủ trương của Đảng phá kho thóc Nhật cứu đói cho dân, đội du kích Âu Cơ đã bí mật phá kho thóc Nhật ở gần đầm Vân Hội vào ngày 13/6/1945 và đã thu được hàng trăm tấn thóc, giải quyết nạn đói cho Nhân dân. Tiếp theo đó, vào rạng sáng ngày 2/8/1945, đúng theo kế hoạch, mặc dù nước lũ dâng cao nhưng lực lượng vũ trang của đội du kích Âu Cơ đã phân chia làm các tổ chặn đường tấn công của Nhật, tước khí giới, khiến cho toán quân Nhật tan tác, một số phải bỏ chạy về Yên Bái.
Tại làng Vạn Thắng, xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, đêm 23/6/1945, đội tự vệ trên 80 người đã long trọng tuyên bố thành lập chiến khu cách mạng với tôn chỉ quyết chiến đấu giành độc lập tự do cho dân tộc. Đội du kích chiến khu Vạn Thắng là lực lượng vũ trang nòng cốt thực hiện khởi nghĩa giành chính quyền tại Cẩm Khê, Tam Nông, Thanh Sơn và tỉnh lỵ Phú Thọ. Thời kỳ đầu, đội chỉ có vài chục người, rồi tăng dần đến 125 người. Ngày 20/8/1945, lực lượng du kích Vạn Thắng đã tham gia giành chính quyền ở huyện Cẩm Khê. Tiếp đó, chiều ngày 21/8/1945, lực lượng du kích Vạn Thắng đã tập trung tại gốc đa xóm Đồi, xã Đồng Lương làm lễ tuyên thệ và tiến quân về thị xã Phú Thọ. Ngày 24/8/1945, lực lượng vũ trang Vạn Thắng tham gia cùng các đội tự vệ vũ trang trong tỉnh giành chính quyền ở thị xã Phú Thọ.
Chiến khu Phục Cổ Minh Hòa ở xã Minh Hòa, huyện Yên Lập là một trong ba chiến khu cách mạng trên quê hương Đất Tổ, đúng ngày 10/6/1945 (tức ngày 1/5 âm lịch) - ngày lễ cầu hạ điền truyền thống của người dân nơi đây, tại Đình làng Phục Cổ, lá cờ đỏ sao vàng được giương cao, toàn thể lực lượng vũ trang của chiến khu Phục Cổ đã long trọng ra mắt tuyên thệ trước đông đảo Nhân dân.
Cùng với căn cứ Vạn Thắng, căn cứ du kích Phục Cổ đã trở thành một trong những địa bàn đầu tiên của lực lượng vũ trang tỉnh Phú Thọ. Phối hợp với lực lượng du kích chiến khu Vần - Hiền Lương, ngày 18/8/1945 trung đội du kích Phục Cổ gồm 70 chiến sĩ đã tiến về khởi nghĩa giành chính quyền huyện Yên Lập. Hai ngày sau, trung đội du kích Phục Cổ cùng du kích Vạn Thắng tiếp tục tham gia khởi nghĩa giành chính quyền huyện Cẩm Khê. Ngày 25/8/1945, cùng với du kích Chiến khu Vạn Thắng, du kích Phục Cổ tiến về phối hợp, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh Phú Thọ cùng Nhân dân cả nước làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại, trang sử vàng trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương anh hùng, những chiến khu xưa của vùng Đất Tổ thay da đổi thịt trên từng con đường, nếp nhà. Cùng với sự đổi thay của đất nước, Đảng bộ và Nhân dân các xã đã nỗ lực phấn đấu giành được nhiều thành tích quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Trong kháng chiến, người dân Hiền Lương một lòng theo Đảng và là căn cứ địa cách mạng. Nay bước vào thời kỳ đổi mới, người dân Hiền Lương lại tập trung vào phát triển kinh tế, xã hội làm giàu trên mảnh đất quê hương mình. Trong 6 tháng đầu năm, thu nhập bình quân đầu người của xã ước đạt: 51 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo 4,66% giảm 0,86% so cùng kỳ; tỷ lệ hộ cận nghèo 4,45% giảm 0,08% so cùng kỳ; xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023; tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao đạt 5/19 tiêu chí, 49/75 chỉ tiêu...
Đặc biệt, Hiền Lương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch như: Đền Mẫu Âu Cơ - điểm đến nổi bật nhất của du lịch tâm linh ở huyện Hạ Hòa, di tích lịch sử văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia được xếp hạng năm 2018; đầm Ao Châu; khu sinh thái Ao Giời – Suối Tiên...
Ngày nay, đời sống của người dân trên mảnh đất chiến khu Vạn Thắng cũng đã có nhiều đổi thay. Là xã miền núi, xuất phát điểm thấp và triển khai xây dựng nông thôn mới khá muộn so với các xã trong huyện, nhưng đến nay Đồng Lương đã đạt chuẩn nông thôn mới... Hoạt động tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ tiếp tục được phát triển, góp phần thu hút nhiều lao động, tăng thu nhập, nâng cao đời sống Nhân dân.
Tổng số hộ hoạt động tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, ngành nghề khác khoảng 285 hộ thu hút khoảng trên 550 lao động. Hoạt động của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn ổn định, sử dụng khoảng trên 100 lao động địa phương, thu nhập bình quân từ 6-8 triệu đồng/người/tháng, tiêu biểu như: Làng nghề sản xuất và chế biến Chè Đá Hen; làng nghề sản xuất trứng và nuôi tằm lá sắn Thống Nhất...
Còn tại xã Minh Hòa, huyện Yên Lập hiện đường sá được đầu tư nâng cấp, nhiều ngôi nhà kiên cố được xây dựng góp phần mang lại diện mạo mới cho vùng đất chiến khu xưa. Đặc biệt, nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, kinh tế của xã từng bước phát triển. Văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục ngày càng được quan tâm, đời sống người dân nơi đây được cải thiện...
Như Quỳnh
6:17:08:2024:12:26 GMT+7