Từ gõ trống làm vui, múa Trống đu đã thành nghệ thuật

Từ gõ trống làm vui, múa Trống đu đã thành nghệ thuật

Từ gõ trống làm vui, múa Trống đu đã thành nghệ thuật

Từ gõ trống làm vui, múa Trống đu đã thành nghệ thuật

Trong không khí Xuân rộn ràng những ngày giáp Tết Nguyên đán, chúng tôi về thăm nghệ nhân ưu tú Nguyễn Mạnh Hoạch – người giữ lửa điệu múa Trống đu của xã Đồng Thịnh, huyện Yên Lập. Từ xa, các động tác múa trống cùng tiếng trống mạnh mẽ, dứt khoát vang vọng khắp núi rừng.

Bên ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Mường, các nghệ nhân dân gian say sưa biểu diễn điệu múa Trống đu. Đứng ở chính giữa, nghệ nhân Hoạch trong trang phục truyền thống của người Mường với quần hồng, áo đỏ, đai ngang màu xanh, khăn chít đầu màu đỏ, chân quấn xà cạp đang say sưa với các động tác lăn trống, vần trống, tung trống, vê trống, gõ trống...

Hơn 50 năm gắn bó với Trống đu, nghệ nhân Nguyễn Mạnh Hoạch chia sẻ: Là người dân tộc Mường nên từ nhỏ, các loại trống, mõ, phách đã gắn bó, ngấm sâu vào tâm hồn tôi. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất nhất vẫn là những nhịp Trống đu. Bởi vậy, khi được các tiền nhân truyền dạy, tôi đã say mê tập và biểu diễn múa Trống đu với tất cả sự đam mê của mình.

Từ gõ trống làm vui, múa Trống đu đã thành nghệ thuật

Khi màn múa bắt đầu, người đánh trống cái ra sân khấu nghiêng mình chào khán giả rồi dập trống, sau đó đội múa từ hai bên cánh gà đi ra. Khi hồi trống cái thứ hai nổi lên, các thành viên trong đội múa tay cầm đôi sênh tiền theo nhịp trống cùng hòa thành một bản nhạc đặc trưng, đồng thời biểu diễn các động tác múa theo phong cách người Mường. Tiết tấu của múa Trống đu khi dồn dập, khi uyển chuyển tạo nên âm thanh trầm bổng vừa da diết, lại vừa mãnh liệt. Tiếng trống thể hiện ước vọng về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân lao động.

Hiện nay múa Trống đu đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa của người Mường trong các dịp hội hè, lễ tết, mừng nhà mới, cầu mùa, mừng thọ... Từ gõ trống làm vui, múa trống đã trở thành nghệ thuật. Ban đầu, múa Trống đu chỉ sử dụng 3 hoặc 5 người. Về sau, trong quá trình lan tỏa ra cộng đồng, múa Trống đu được dàn dựng số lượng người tham gia đông hơn để không khí thêm sôi động.

Từ gõ trống làm vui, múa Trống đu đã thành nghệ thuật

Hòa cùng tiếng kèn da diết là những màn trình diễn vui nhộn (đánh thượng, đánh hạ, đánh tả, đánh hữu) của 2 anh mõ lộn, động tác múa sinh tiền của các thiếu nữ Mường uyển chuyển, nhịp nhàng cùng tiết tấu phụ họa khiến cho tiết mục càng thêm cuốn hút.

Với động tác múa say sưa, ông Hoạch như mang lại cho người xem những cảm xúc dồn nén, bứt phá, tung tẩy theo tiếng trống khi khoan thai, lúc vui tươi, khi trầm lắng, vừa da diết, vừa mãnh liệt đến khó tả. Những động tác nằm ôm trống bằng hai chân, tung trống lên cao đón trống bằng chân, bồng trống, cặp trống vào hai chân rồi quay vòng tròn cùng trống giống như hình tượng người cha đang bế đứa con, đùa giỡn, cưng nựng.

Ước mong lớn nhất của ông Hoạch là điệu múa truyền thống của dân tộc mình sẽ được lưu truyền, quảng bá rộng rãi hơn nữa, qua đó giữ gìn những tinh hoa văn hóa của dân tộc đến muôn đời sau. Bởi vậy, từ năm 1986 đến nay, ông Hoạch đã dạy múa Trống đu cho hàng nghìn người yêu thích loại hình này. Đặc biệt, hiện nay các trường học trên địa bàn xã Đồng Thịnh đã đưa điệu múa Trống đu vào giảng dạy mà ông Hoạch chính là người hướng dẫn cho các học sinh. Thông qua những buổi tập luyện, học sinh được tìm hiểu về nguồn gốc và giá trị nghệ thuật của múa Trống đu, từ đó thêm yêu hơn nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

Từ gõ trống làm vui, múa Trống đu đã thành nghệ thuật

Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cho các thế hệ trong cộng đồng người dân tộc Mường Phú Thọ, năm 2023, Sở VH, TT&DL và huyện Yên Lập thành lập các câu lạc bộ, mở các lớp tập huấn, đào tạo truyền dạy từ các nghệ nhân múa Trống đu. Đồng thời, UBND xã Đồng Thịnh đã đưa nghệ thuật múa trống đu vào biểu diễn tại các sự kiện của địa phương; tham gia các kỳ liên hoan, hội diễn, phục vụ tại các sự kiện lớn của huyện, tỉnh. Hằng năm, xã cũng hỗ trợ kinh phí, tạo thuận lợi cho đội văn nghệ luyện tập, biểu diễn. Qua đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật múa Trống đu - di sản quý báu của đồng bào dân tộc Mường ở Đồng Thịnh nói riêng và huyện Yên Lập nói chung.

Thông qua những buổi tập luyện tại đội văn nghệ của khu dân cư, nhiều nam, nữ thanh niên đã hiểu hơn về nguồn gốc, giá trị nghệ thuật và giá trị nhân văn của múa Trống đu, từ đó thêm yêu hơn nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

Thanh Trà

5:16:02:2024:14:56 GMT+7

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM