{title}
{publish}
{head}
Dù sinh ở Hà Nội, nhưng “làng Vũ Đại” (làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) lại góp phần nuôi dưỡng tâm hồn nhà văn Trần Quốc Quân.
Mảnh làng hồn hậu với bờ tre, gốc rạ đã chạm khảm, để đêm đêm, giữa miền tuyết hoang vu, vẫn gọi trong anh những niềm thổn thức quê cha. Bởi vậy, dẫu lập nghiệp ở mảnh trời xa lạ- Ba Lan hơn 30 năm, Trần Quốc Quân vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Chuyến bay Việt Nam- Ba Lan, từ thế kỉ trước đã mang theo một trí thức Hà Nội, trong chương trình nghiên cứu sinh. Và những vật lộn khốc liệt ở xứ người tuyết lạnh, đã cất trong anh một kho trải nghiệm sâu sắc, để đến khi không còn tuổi trẻ, quá khứ đã bắt anh cầm bút. Cứ thế, những vết chân trên tuyết, lẫn máu và nước mắt đã hiển hiện trong hơn 500 trang của tiểu thuyết “Tuyết hoang” (Nhà xuất bản Trẻ, in lần thứ 2- 2019). Văn chương đã tìm đến, qua những trang đời phiêu bạt nhưng còn hơn thế, đây còn là một khúc tự truyện. Nhà văn mổ xẻ mình trong sự dồn đuổi của số phận.
Nguyên - nhân vật trung tâm của “Tuyết hoang”, là một trí thức trẻ Hà Nội, đã quyết tâm đổi đời bằng con đường nghiên cứu sinh ở Ba Lan, để lại sau lưng một trời nhớ thương, hy vọng của người vợ trẻ và đứa con thơ dại. Nhưng cuộc sống vốn dĩ không ai biết ngày mai màu gì, Nguyên không hề tưởng tượng nổi, xứ người đem đến cho anh quá nhiều bất ngờ và trắc trở. Có những khi tưởng nắm cả sản nghiệp trong tay, nhưng rồi anh lại trở thành một kẻ trắng tay, kèm theo món nợ triệu đô. Con đường Nguyên đi trong tủi nhục, đắng cay, vinh quang, thất bại, giữa những cơn sóng tình yêu dồi dập của Thủy và Lê, cùng sự ăn năn, thấp thỏm của anh với Hà - người vợ xinh đẹp, tận tụy, dốc cạn vốn đời phụ nữ cho chồng. Anh thấm thía tình bạn chân thành, phản trắc và đi đến tận cùng bản chất của đồng tiền. Bao năm Nguyên bôn ba xứ người, để “bây giờ đây, hai vợ chồng ngậm ngùi rời khỏi “Đất Lành” cùng với một con trai cộng thêm cỗ quan tài kẽm”.
Đi trong âm vang của mười chương, tiểu thuyết “Tuyết hoang” được viết trên nền bối cảnh của hai đất nước Việt Nam và Ba Lan. Tạm biệt Hà Nội với rất nhiều hăm hở, khát vọng, đặt chân sang Ba Lan - xứ sở thiên đường của những nghiên cứu sinh như Nguyên, với rất nhiều cơ hội đổi đời và cả những cái bẫy hiểm nguy giăng sẵn. Lần đầu tiên anh thấy tuyết, không hề lãng mạn như trong sách vở, mà vô cùng khốc liệt. “Cơ man nào là tuyết, tuyết chồng lên tuyết trải khắp đất trời một màu trắng xóa hoang dại. Vạn vật như được bọc trong tuyết. Thảm tuyết được phủ kín mặt đất, hoa tuyết vương đầy cây lá, bông tuyết bay mù mịt không trung, chăn tuyết trĩu nặng kéo võng mây trời. Trên nền tuyết trắng tinh khôi, những dấu giày in thành từng lối nhỏ”. Vật lộn với tuyết là thử thách đầu tiên của Nguyên ở miền đất hứa. Trần Quốc Quân sáng tạo nhân vật Nguyên, cũng chính từ trải nghiệm xương máu của anh. Nên khi đọc tiểu thuyết này, độc giả có cảm giác như từng trang truyện chính là trang đời nhà văn. Đọc Nguyên để hình dung ra phần nào cuộc đời Quân. Đấy chính là sự thú vị độc giả tìm thấy từ tác phẩm.
“Tuyết hoang” được viết bằng giọng kể không theo trật tự về thời gian, không gian, mà bắt đầu bước chân dò dẫm của Nguyên ở xứ lạ “Lần đầu tiên Nguyên thấy tuyết”. Tuyết dẫn đường đến cuộc hẹn “ở một nơi heo hút, trong căn nhà gạch bỏ hoang. Tiếng gió thổi xào xạc qua kẽ lá cũng khiến Nguyên dựng tóc gáy”. Với cách dựng bối cảnh này, tác giả phần nào giúp người đọc hình dung ra số phận Nguyên trên con đường tuyết trắng. Từ đó mở ra những mảnh đời của Nguyên và nhiều người Việt Nam khác trong sự thúc đẩy của cốt truyện, chi tiết này nối tiếp sự kiện tiêu biểu khác, đẩy câu chuyện lên đến đỉnh điểm xung đột. Khiến người đọc nhập cuộc vào tâm trạng, những thành bại của nhân vật. Tác phẩm còn hấp dẫn khi viết về một xứ sở lạ lẫm mà tôi chưa từng đặt chân đến.
Bìa tiểu thuyết “Tuyết hoang”
Đọc “Tuyết hoang” để thấy số phận không tha một ai, trong cuộc bày trò của nó, kể cả những trí thức ưu tú, bản lĩnh như Nguyên. Tuy nhiên, trong tuyệt lộ lại nhìn thấy sinh lộ. Mỗi lần đối diện với khó khăn, thất bại chồng chất, Nguyên lại nảy ra sinh kế mới. Số phận trao vào tay anh nhiều người, trên chặng đường tuyết lạnh, giúp tôi hình dung rõ hơn về Nguyên. Và Trần Quốc Quân, qua nhân vật, anh đã dần lưu vết chân mình nơi xa xứ. Đó là buổi ban đầu thống khổ của người trí thức Việt Nam, vì cuộc mưu sinh không từ bất cứ ai để giáng lưỡi tầm sét.
Nguyên đã có một người bạn tâm phúc là An. An ra nước ngoài để đổi vận và cũng là chạy trốn cuộc hôn nhân bất hạnh. Ban đầu An dửng dưng với việc buôn bán của Nguyên, nhưng khi yêu Mai Lan, trách nhiệm người đàn ông đã bắt anh phải lao mình vào dòng xoáy kim tiền, bắt đầu cuộc mưu sinh nghiệt ngã. Những tưởng An hạnh phúc, khi trái thảo là đứa con trai kháu khỉnh, việc làm ăn suôn sẻ. Nhưng vụ cướp táo tợn đã phá vỡ bức tranh gia đình hạnh phúc. Mai Lan bị giết thảm khốc, đứa bé phải nhập viện, An bị sang chấn tâm lý. Nhưng nỗi đau mới chỉ bắt đầu, nó còn ghê gớm hơn, khi An bị bắt vào tù. Đó thực sự là quãng đời đen tối của An và nỗi sợ hãi của Nguyên. Thực sự, tuyết đã táp những cơn bão vào những người Việt trong khát vọng đổi đời.
Còn hơn cả tù đày, sau đó, Nguyên bị vỡ nợ. Khoản nợ triệu đô, có tưởng tượng phong phú đến đâu thì anh cũng thừa biết mình không thể trả nổi. Nguyên trong cơn bấn loạn vì bị các chủ nợ dồn đuổi, thất vọng tràn trề về bản thân và thấy có lỗi với vợ con. Chưa bao giờ anh thấy mình đơn độc và nhỏ bé đến thế nơi đất khách. Trần Quốc Quân mổ xẻ nỗi đau, sự thất bại thảm hại của các nhân vật, cũng chính là một lối viết đi sâu vào sự thật. Văn chương đẹp và ám ảnh ở chỗ, dù theo lý thuyết “nhà văn là người thư kí trung thành của thời đại”, Trần Quốc Quân tuy viết về những trải nghiệm, nhưng anh lại vẽ nên một đời sống khác trên trang văn khiến độc giả vừa thấy Nguyên là tác giả, lại như thấy tác giả trong Nguyên.
Cách ngào trộn yếu tố tự truyện với sáng tạo, anh đã đem đến cho đứa con tinh thần của mình một gương mặt độc đáo. Để người đọc muốn đuổi theo Nguyên, phập phồng cùng số mệnh của anh. Tác phẩm đầu tay mà dẫn dắt cảm xúc người đọc như Trần Quốc Quân, thực sự là một nỗ lực không nhỏ. Đó là dấu ấn văn chương “làng Vũ Đại” trong anh.
Những gương mặt đàn bà ghé qua đời Nguyên, ghép lại cũng làm đầy xó tối, góc khuất đời sống cũng như cảm xúc bản năng. Từ chị Châu- con đẻ của một gia đình danh giá, lấy quyền lực của bố như một “lệnh bài miễn tử” để làm đầy gia sản. Trong nước, Châu là một đứa con vô đạo, sống cuộc đời buông thả, thì ở Ba Lan, tiền bạc và quyền lực đã là thứ vỏ bọc dày, phô ra cho thiên hạ về một cuộc sống nhung lụa của người đàn bà đẹp. Tài sản và sự quyến rũ chết người của Châu như có ma lực với bất kì người đàn ông nào. Những phi vụ làm ăn, cùng sự thất tiết với Châu đã bồi lên những toan tính, lọc lõi trong Nguyên. Thế rồi Châu - thần tượng của Nguyên và nhiều người Việt sụp đổ, khối tài sản bay sạch, đứa con trai trở nên hư đốn, thậm chí còn dám tự dàn dựng vụ bắt cóc để tống tiền gia đình, chỉ thiếu điều giết bà ngoại để cướp tiền. Trần Quốc Quân đã lột trần mặt trái của đồng tiền, từ phương tiện, trở thành mục tiêu, con người đã bị đồng tiền tha hóa.
Đời Nguyên còn đi qua thanh xuân của Thủy và Lê. Điều đặc biệt là đàn bà nào đi qua đời Nguyên cũng đẹp. Họ như thứ trang sức đời trai của Nguyên, để khắc thêm vẻ tài hoa và hấp dẫn của anh. Ở khía cạnh này, Nguyên cũng chính là bóng dáng của Trần Quốc Quân. Bôn ba đất khách, đến giờ anh đã có một tài sản lớn và vị thế trong cộng đồng người Việt ở Ba Lan, được biết đến là một KOL trên facebook, doanh nhân, nhà văn.
Tác giả Trần Quốc Quân
Thủy và Nguyên va vào nhau trong không gian chật hẹp của căn phòng trọ. Lửa rơm bén mùi, gái trai quen tiếng. Thủy đã lấp đầy những thiếu vắng, trống rỗng của người đàn ông xa vợ, Nguyên thực sự yêu nét dịu dàng, thanh tân của cô. Cho đến khi, vợ anh biết, chuyện tình của họ dừng lại, trong giọt nước mắt éo le, tủi hổ của Thủy. Dù gì, Thủy vẫn phải sống, sau cơn phong ba tình ái quật cho tơi tả. Cũng như Nguyên, lại tiếp tục phiêu lưu với Lê. Giống đực là thế, bản năng, khát khao chinh phục là một phần tất yếu. Lê sinh ra từ nỗi đau gia đình. Cuộc đời thiên kim tiểu thư chấm dứt, khi bố Lê- một cán bộ cao cấp vào tù. Lê trôi dạt ra nước ngoài với anh trai, rơi vào tay một gã thư sinh máu lạnh. Đời con gái bị tước đoạt trong nỗi vất vưởng không người thân, không nhà, không tiền. Thế rồi, tận cùng đau khổ, cô gặp Nguyên. Anh cứ thấy Thủy thấp thoáng trong đôi mắt huyền của Lê, một cô Lê táo bạo, quyết liệt hơn Thủy. Số phận không buông tha, họ đã có khoảng thời gian yêu đương và hợp tác làm ăn rực rỡ. Nhưng thất bại đã đẩy Lê đến cách tự kết liễu bản thân.
Ngòi bút tác giả đã đào sâu vào cuộc đấu tranh nội tâm trong người trí thức trẻ. Một mặt muốn thủ tiết với vợ, nhưng ham muốn bản năng thôi thúc, sự thiếu thốn đã đạp đổ những nỗ lực của Nguyên. Tuy nhiên, với Thủy và Lê, anh cũng có những cảm xúc yêu thương. Hình như thân phận xa xứ cũng là một phần để họ xích lại gần nhau. Giữa những vật lộn mưu sinh, con người vẫn ghé vào nhau để tìm hơi ấm và động lực và ngõ hầu tặc lưỡi cho sự đánh mất mình chăng? “Nguyên không tin có thể yêu một cô gái nào khác ngoài vợ. Nguyên nằm bên Thủy mà tâm trạng ngổn ngang, cảm xúc tràn trề. Một chút lo lắng xen lẫn háo hức, một chút day dứt lẫn rạo rực. Vừa muốn níu kéo vừa muốn buông xuôi. Nhưng Thủy duyên dáng thế, dịu dàng thế, nữ tính thế, Nguyên làm sao chịu nổi”.
Đất khách thực sự đã tung hê Nguyên ở đỉnh cao và vực sâu. Và cơn vỡ nợ triệu đô, khiến sinh mệnh người xa xứ đã như chuông treo chỉ mành, thì cái chết tức tưởi của đứa con trai đầu lòng, đã đặt dấu chấm hết cho khát vọng đổi đời của cặp vợ chồng trí thức Hà thành Nguyên Hà. Bỏ lại tuyết hoang, chôn cất ước mơ, tạ từ những chuỗi ngày vui, buồn, hạnh phúc, bất hạnh “bây giờ đây, hai vợ chồng ngậm ngùi rời khỏi “Đất Lành” cùng với một con trai cộng thêm cỗ quan tài kẽm”.
Giữa những trường đoạn các nhân vật, vật lộn cùng tuyết lạnh, đan xen bi kịch và hỉ kịch, Trần Quốc Quân đã trải lòng thành thật “Trong suốt cuộc đời, con người cứ mải mê tìm kiếm những điều lớn lao phi thường, những giấc mơ vĩ đại. Nhưng họ không biết rằng hạnh phúc ấm áp nhất chính là những điều giản dị nhất, đời thường nhất ở quanh mình”. Doanh nhân thành đạt thì sao, người nổi tiếng thì sao, trong những phút tự cảm, họ cũng ao ước về một điều nhỏ bé, hàng ngày, đời thường. Rằng trong con người thành công ấy, lại ẩn chứa sự giản dị. Có đôi khi mệt mỏi, anh muốn tìm một sự bình an. Thương trường là chiến trường. Điều anh viết, phần nào hé mở một con người lạnh lùng, quyết liệt mà ấm áp đời thường.
Cách kết thúc của anh tưởng như thản nhiên, triệt tiêu cảm xúc, nhưng cũng chính là một thực tế. Đã có bao bi kịch về người Việt Nam trong khát vọng đổi đời ở xứ xa. Kết truyện nhắc độc giả về sự thật cuộc đời luôn hiện hữu, con người chỉ là một chấm nhỏ trong xoay vần thế cuộc, nhưng gieo niềm tin: quê nhà là nơi ta sinh ra, trở về, là chốn nương thân duy nhất, sau những tai ương của số phận.
Tiểu thuyết đầu tay, khi cuộc đời đã đổ bóng thời gian, nhưng lối viết của Trần Quốc Quân đã truyền vào độc giả những cảm xúc lạ lẫm, lôi cuốn; trải nghiệm trả giá bằng xương máu, đã giúp ta hiểu được rằng: thành công không phải là may mắn mà bằng chính giá trị tự thân và khát vọng của anh. Có những điều, tiền bạc cũng bất lực, nhưng khi ngòi bút lên tiếng, ta thêm hiểu và trân trọng hơn những vết chân trên “Tuyết hoang” của người trí thức Hà Nội, trên hành trình chinh phục cuộc sống. Lối kết thúc mở, tạo khoảng trống để người đọc tự điền đầy những liên tưởng về cuộc đời nhân vật Nguyên. Anh chấp nhận trở về quê hương trong tấm áo của kẻ chiến bại, hay lại quăng mình vào “Tuyết hoang” để bắt đầu một cuộc săn tìm mới? Cuốn tiểu thuyết khép lại, nhưng mở ra nhiều cảm xúc, và cuộc mưu sinh khó nhọc giữa trùng trùng lạnh lẽo khiến độc giả nhận rõ hơn mặt sau “tấm huân chương” mà tuyết trắng đã phong tặng cho người trai “làng Vũ Đại”.
Theo Arttimes
“Được học”, “Bà đại sứ”, “Tro tàn của Angela”... là những tác phẩm hay về nghề giáo mà độc giả và các thầy cô nên đọc nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
baophutho.vn Từ ngày 17-18/11, tại sân khấu nhà văn hóa Khu Dù, xã Xuân Sơn, UBND huyện Tân Sơn tổ chức Liên hoan Nghệ thuật quần chúng huyện Tân Sơn.
Sài Gòn ngày xưa, mỗi khi trời mưa, cảnh vật và con người thật lãng mạn. Bọn sinh viên chúng tôi áo dài tơ, guốc thuyền, súng sính trong những chiếc áo mưa trong suốt hoặc màu...
Ngọn khói đồng quê đã bao đời gắn bó với người nông dân cần cù một nắng hai sương... Những đồng lúa vàng, những ngọn khói ban chiều lan toả. Ngọn khói tưởng chừng dửng dưng...
Nhằm thống nhất và chuẩn hóa hệ thống khái niệm và hệ thống thuật ngữ
Tác phẩm mang tên “Đỉnh núi cao nhất miền Nam Việt Nam” được nhiếp ảnh gia Trần Tuấn Việt thực hiện vào một buổi bình minh tháng 10/2023, tại núi Bà Đen, Tây Ninh. Bức ảnh ghi...
Bộ phim " Mất tích đêm 30" đánh dấu lần đầu tiên đạo diễn Hàm Trần thực hiện một dự án phim bộ dài tập, sau khi gây dấu ấn với nhiều tác phẩm điện ảnh chất lượng.
Cuốn sách tập hợp 38 bài viết bằng tiếng Pháp về đời sống văn hóa, phong tục, tập quán người Việt dưới góc nhìn của các học giả, nhà nghiên cứu Việt Nam và Pháp.
Bây giờ đang là mùa hoa Tam giác mạch, trên các nẻo đường Hà Giang đâu đâu cũng thấy một màu hồng rực trong ánh nắng vàng hươm, trải dài ngút ngàn.
Khi đêm lên hương trên đôi môi em. Khi sen ngóng mặt một nụ cười quen. Phố phố say đèn. Yêu thương du dương. Những vẻ đẹp nhân gian trước mắt tôi, có cảm giác chật chội tự bao...
Trong trailer vừa được phía nhà sản xuất hé lộ, có rất nhiều phân đoạn khiến khán giả bật cười nhưng đồng thời cũng có không ít phân cảnh cảm động khi gánh hát cải lương liên...
Tôi trở về thung lũng Tuyết Sơn khi mùa chớm đông sang, con đò tròng trành như dỗi hờn thương nhớ rồi lại lướt đi êm ả bên dòng suối trong veo. Làng quê đẹp và bình yên như một...