Khắc phục “bệnh” qua loa, đại khái
Lâu nay, trong triển khai thực hiện, thực thi nhiệm vụ, nhìn chung các cấp ủy, tổ chức Đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, lấy sâu sát, quyết liệt làm tư tưởng chủ đạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; lấy sát sao, cụ thể làm phương châm hành động, tác phong công tác; lấy hiệu quả công việc là mục đích cần đạt tới, là thước đo mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi tập thể, cá nhân.
Tuy nhiên, trên thực tế, không phải là không còn tình trạng một bộ phận người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức từ nhận thức đến hành động còn mang tư tưởng qua loa, đại khái, làm việc một cách chung chung, nhạt nhòa, không sâu sát, cụ thể, không nắm sâu, hiểu rõ nội dung công việc, không kiên quyết, triệt để, thiếu kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả triển khai thực hiện dẫn đến hiệu quả không cao, không có sức thuyết phục với quần chúng, thậm chí có thể gây ra những tác hại khó lường, gây lãng phí thời gian, tiền bạc, tài sản, tổn hại đến nền kinh tế, gián tiếp hay trực tiếp làm mất uy tín của tổ chức Đảng, đảng viên.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng đã chỉ rõ những biểu hiện cụ thể của “bệnh” qua loa, đại khái gắn với sự suy thoái của cán bộ, đảng viên, đó là: “Né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả, không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao” (có thể coi là những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị), đi liền với đó là “Quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân” (biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống).
Như vậy, Nghị quyết của Đảng không những chỉ ra, giúp cán bộ, đảng viên nhận diện rõ những biểu hiện của “bệnh” qua loa, đại khái mà còn nêu lên đòi hỏi tất yếu phải chữa trị triệt để “căn bệnh” khá nguy hiểm này. Ngay từ năm 1947, trong cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra phương thức “chữa bệnh” cần thiết: “Gặp mỗi vấn đề, ta phải đặt câu hỏi: Vì sao có vấn đề này? Xử trí như thế này, kết quả sẽ ra sao? Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều. Chớ gặp sao làm vậy”. Bác cũng đã dạy: “Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc đều vì lợi ích của quần chúng, vì cần cho quần chúng. Vì vậy, cách tổ chức và cách làm việc nào không hợp với quần chúng thì ta phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại. Cách nào hợp với quần chúng, quần chúng cần thì dù chưa có sẵn, ta phải đề nghị lên cấp trên mà đặt ra”.
Thấm nhuần lời dạy của Bác và Nghị quyết của Trung ương, thiết nghĩ mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, địa phương, cơ quan, đơn vị cần quán triệt sâu sắc tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, kiên quyết khắc phục tư tưởng qua loa, đại khái, hời hợt, nửa vời; sâu sát, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ đề ra, ngăn chặn kịp thời tình trạng thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; xây dựng tác phong làm việc sát sao, chu đáo, cụ thể, nắm chắc nội dung, yêu cầu công việc, giải quyết một cách căn cơ, triệt để, thấu đáo; lấy hiệu quả công việc, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu phục vụ; đề cao tinh thần vượt khó, dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung của Đảng, Tổ quốc và nhân dân...
Hoàng Anh