Đến thăm gia đình CCB Bùi Văn Bình khi ông đang cẩn thận, tỉ mỉ lau chùi, sắp xếp những món kỷ vật gọn gàng, ngăn nắp, dễ thấy trong chiếc tủ kính gắn trên tường. Người CCB với mái tóc bạc trắng, đôi tai một bên nghe rõ còn một bên không do hậu quả của chiến tranh để lại nhưng vẫn giữ nguyên tác phong nhanh nhẹn, khỏe khoắn của một người lính Cụ Hồ đã ngược dòng thời gian, kể cho tôi nghe ngày mà ông luôn khắc ghi trong cuộc đời: Ngày 25/12/1971 - ngày mà chàng thanh niên 18 tuổi Bùi Văn Bình gác lại hoài bão thanh xuân đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.
Qua 6 tháng huấn luyện, chàng trai Bùi Văn Bình khi ấy đã trở thành lính bộ binh, được đi B với tinh thần: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Trong những ngày chiến đấu đầy quả cảm, anh dũng tại Thành cổ Quảng Trị, ông may mắn 2 lần thoát chết, nhưng những khi nhìn đồng đội nằm xuống cứ mãi ám ảnh, day dứt trong ông cho tới tận hôm nay. Chính suy nghĩ đó đã thôi thúc người chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm xưa dành trọn thời gian sau khi về hưu “lặn lộn” khắp trong, ngoài tỉnh để tìm kiếm, sưu tầm những kỷ vật chiến tranh.
Trong căn nhà rộng chừng 80m2, hơn 1.500 hiện vật của 233 người trong các thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ, Nhật, trong đó đến 80% là của Hội chiến sĩ thành cổ Quảng Trị với rất nhiều hiện vật như: Quần áo, mũ, bình tông, ca cốc, vỏ đạn, vỏ mìn, máy thông tin, máy đánh chữ... được phân loại theo từng nhóm riêng và cất trang trọng trong những chiếc tủ kính.
Những kỷ vật được ông trân trọng lưu giữ, bảo quản và trưng bày một cách bài bản, khoa học, được đánh số thứ tự và có lý lịch rõ ràng, chủ kỷ vật đều được ông chụp ảnh, ghi chú họ tên, địa chỉ và lưu giữ cẩn thận trong những cuốn sổ. Các đồ vật bằng kim loại được ông thường xuyên bảo dưỡng bằng cách lau dầu mỡ, kê cao không để ẩm ướt nhằm tránh hoen rỉ; còn các đồ bằng cao su, vải thì không được để mưa, nắng hắt vào làm chảy nhựa, mục nát...
Đây là những lời mà liệt sĩ Hoàng Thanh Giản gửi về cho người con gái hậu phương trong những ngày bom rơi, lửa đạn ác liệt - kỷ vật số 87 được lưu giữ ở “Bảo tàng ông Bình”. Lá thư kể về những chuyện dọc đường hành quân của người lính trẻ. Tình yêu đã giúp người chiến sĩ quên đi mọi khó khăn, nhọc nhằn... để chiến đấu, hy vọng và tin tưởng. Trên gam màu tàn khốc của chiến tranh, họ vẫn dành một góc trong tâm hồn mình để yêu, để nhớ, để khát vọng về hòa bình, về một ngày mai đẹp đẽ - tương lai mà các anh sẵn sàng hy sinh cả sự sống của mình để có được.
Cất gọn lá thư của liệt sĩ Hoàng Thanh Giản, ông Bình lấy cho chúng tôi xem kỷ vật số 185 - chiếc lưỡi lê do Nhật Bản sản xuất được sử dụng trong kháng chiến chống Nhật có tuổi đời gần 100 năm và cũng là kỷ vật có tuổi đời lớn nhất tại bảo tàng của ông. Chiếc lưỡi lê 4 cạnh có chiều dài khoảng 30cm được làm bằng thép đen, cán bằng đồng, được sử dụng để gắn ở nòng súng, phục vụ cho việc đánh giáp lá cà. Đây là kỷ vật mà gia đình ông Nguyễn Văn Đê ở khu 6, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao trao tặng. Chiếc lưỡi lê luôn được ông Bình lau chùi, bảo dưỡng dầu mỡ thường xuyên nên đến nay vẫn gần như giữ nguyên trạng.
Hay như chiếc hòm kẽm - kỷ vật số 295 được sử dụng năm 1973 của Tổng cục 2, Bộ Quốc phòng do ông Hoàng Minh Biên, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao trao tặng. Đây là chiếc hòm mà lực lượng tình báo của ta đã sử dụng đựng tiền để đưa vào miền Nam. Chiếc máy thu phát PRC - 25, loại thiết bị thông tin vô tuyến điện cỡ nhỏ do Mỹ sản xuất, là chiến lợi phẩm ta thu được trên chiến trường miền Nam, được các chiến sĩ thông tin của ta sử dụng thời kỳ chống Mỹ... vẫn luôn được ông Bình cẩn thận giữ gìn và nhiệt tình thuyết minh về lịch sử của kỷ vật mỗi khi có khách hay đồng đội tới tham quan.
Những năm gần đây, “bảo tàng” của ông được nhiều người biết đến, trở thành một điểm đến cho những người muốn hồi tưởng lại quá khứ, là địa chỉ đỏ góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cho đoàn viên thanh niên, thiếu nhi trên địa bàn. Đặc biệt vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4; Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5, Quốc khánh 2/9, Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12...
Hà Trang
4:19:12:2024:14:26 GMT+7