Kỳ III: Thước đo từ thực tiễn

Kỳ III: Thước đo từ thực tiễn

Thực tiễn cuộc sống luôn đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi, “ra đề bài” và cũng là thước đo chính xác nhất cho tính đúng đắn, hiệu quả của mỗi chủ trương, chính sách được ban hành, thực thi. Táo bạo, quyết đoán trên cơ sở tôn trọng thực tiễn, lấy lợi ích của người dân làm trung tâm chính là nền tảng vững chắc, điều kiện tiên quyết cho thắng lợi, thành công của mỗi chủ trương, chính sách...

Kỳ III: Thước đo từ thực tiễn

Sinh sống dọc theo tả ngạn sông Đà, từ lâu người dân thị trấn Thanh Thủy đã quen với việc nước giếng bốc hơi nghi ngút, ấm nóng quanh năm. Nhiều đoàn cán bộ về lấy mẫu nghiên cứu, thông báo với bà con rằng có mỏ nước khoáng nóng quý giá nằm sâu dưới lòng đất, có tác dụng rất tốt với sức khỏe, đặc biệt với người ốm dậy. Nghe thì biết vậy chứ khoảng hai thập niên về trước, cuộc sống thiếu đói, người dân chủ yếu sinh sống dựa vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp thuần túy, đầu tắt mặt tối cả ngày ngoài đồng ruộng còn chưa lo đủ cơm ăn áo mặc, mấy ai nghĩ đến chuyện nghỉ dưỡng. Thế mới có chuyện dân làng La Phù “chơi sang” nhất nước khi dùng nước khoáng nóng để... giặt quần áo, nuôi lợn, chăm bò. Dần dà, một vài hộ ven đường cũng cất công xây phòng nghỉ, nhà tắm để đón khách du lịch. Tuy nhiên, cách làm nhỏ lẻ, manh mún, công trình tồi tàn, xập xệ nên lượng khách cũng lèo tèo, thu nhập chẳng đáng là bao...

Trăn trở tìm hướng thoát nghèo, phát triển bền vững, Đảng bộ huyện Thanh Thủy đã xác định phát triển du lịch là hướng mở triển vọng, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ngày 29/1/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết 03-NQ/HU về “Phát triển du lịch Thanh Thủy giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2030”. Đây là địa phương đầu tiên trong tỉnh xác định du lịch là khâu đột phá, ban hành nghị quyết chuyên đề, quyết tâm triển khai thực hiện.

Kỳ III: Thước đo từ thực tiễn

Đáp ứng nhu cầu bức thiết của thực tiễn, bằng nhiều giải pháp hữu hiệu, trong đó có những cơ chế táo bạo, tạo điều kiện thuận lợi thu hút, kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư, Nghị quyết đã thực sự phát huy hiệu quả thiết thực, lan tỏa sâu rộng trong đời sống. Du lịch Thanh Thủy dần khởi sắc, đóng góp tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong 5 năm (2015-2020), Thanh Thuỷ đã thu hút được hơn 7.000 tỷ đồng đầu tư cho kết cấu hạ tầng du lịch. Hạ tầng giao thông kết nối các địa phương trong tỉnh và với thủ đô Hà Nội được chú trọng, tăng 17,2% đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách du lịch. Lần đầu tiên, cơ cấu kinh tế của huyện có sự chuyển dịch mạnh mẽ, các ngành nghề dịch vụ, du lịch chiếm tỷ trọng tới 47,4%. Không còn là huyện thuần nông với các ngành nghề nông nghiệp truyền thống, hoạt động dịch vụ tăng trưởng mạnh với tốc độ bình quân 7,65% mỗi năm. Doanh thu từ các hoạt động du lịch, dịch vụ, kinh doanh nhà hàng, khách sạn... trong 5 năm của huyện Thanh Thuỷ ước đạt 720,7 tỉ đồng, tăng bình quân trên 10% mỗi năm. Lượng du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tăng đột biến với 2,2 triệu lượt người, tạo việc làm ổn định cho khoảng 16.500 lao động địa phương.

Nguồn nước khoáng nóng quý hiếm, có tác dụng chữa bệnh và tăng cường sức khỏe mà thiên nhiên ban tặng, tạo dấu ấn cho vùng đất Thanh Thủy định vị trên bản đồ du lịch Việt Nam được tận dụng, phát huy hiệu quả tích cực. Khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thuỷ đáp ứng đầy đủ các tiêu chí khu du lịch cấp tỉnh.

Kỳ III: Thước đo từ thực tiễn

Cùng với du lịch nghỉ dưỡng, với 36 di tích lịch sử đã được xếp hạng, trong đó có năm di tích lịch sử cấp Quốc gia và 31 di tích lịch sử cấp tỉnh, Thanh Thuỷ đã định hình, tạo dựng được các hoạt động du lịch văn hoá tâm linh độc đáo, thu hút đông đảo du khách thập phương. Điển hình như Đền Lăng Sương - Di tích lịch sử cấp Quốc gia là nơi duy nhất thờ cả gia đình Tản Viên Sơn Thánh, một trong tứ bất tử, được nhân dân tôn vinh là “Thượng đẳng tối linh, đệ nhất phúc thần” trong văn hóa dân gian của người Việt.

Các lễ hội truyền thống mang đặc trưng riêng như Lễ hội rước voi Đào Xá (Lễ hội Đình Đào Xá); Lễ hội bơi chải truyền thống Đền Đào Xá (Đền Tam Công), Đền Quốc Tế; Lễ hội truyền thống Đình Hạ Bì Trung; Lễ hội Đền Lăng Sương với nghi lễ rước nước từ sông Đà; nghệ thuật trình diễn dân gian của đồng bào Mường xã Tu Vũ... đã trở thành thương hiệu, điểm đến hấp dẫn mỗi năm của khách du lịch...

Kỳ III: Thước đo từ thực tiễn

Sau thành công của Tuần du lịch Thanh Thuỷ lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2022, đúng dịp kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9 năm nay, Thanh Thủy đã tổ chức Tuần Du lịch huyện Thanh Thuỷ - Mùa Thu năm 2023 với nhiều hoạt động thiết thực, sôi động, ý nghĩa: Khai trương không gian đi bộ; trưng bày, giới thiệu các sản phẩm du lịch, sản phẩm OCOP, các sản vật đặc trưng của các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn...

Tuần lễ du lịch đã thu hút khoảng 150.000 người tham dự các hoạt động, trong đó có khảng 80.000 lượt khách du lịch, hơn 20.000 khách nghỉ lưu trú. Tổng doanh thu ước đạt trên 65 tỉ đồng. Đến thời điểm này, Thanh Thủy là huyện đầu tiên và duy nhất của tỉnh tổ chức tốt, hiệu quả, ấn tượng các hoạt động “Tuần Du lịch”. Đây là một trong những điểm nhấn, minh chứng cho sự “cất cánh” của du lịch Thanh Thuỷ.

Cùng với những kết quả khả quan đã đạt được, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 03-NQ/HU về “Phát triển du lịch Thanh Thủy giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2030”, đánh giá khách quan, du lịch Thanh Thuỷ phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh. Kiên định mục tiêu, Nghị quyết Đại hội XXVI nhiệm kỳ 2020-2025, Thanh Thủy tiếp tục xác định du lịch là khâu đột phá, tập trung vào: Du lịch nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái, vui chơi giải trí; du lịch văn hóa tâm linh. Quyết tâm phát triển du lịch vươn lên tầm cao mới, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, ngày 16/4/2021, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/HU về phát triển du lịch huyện Thanh Thủy giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, huyện tập trung nguồn lực xây dựng Thanh Thủy thành vùng trọng điểm du lịch, trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng của tỉnh, hướng đến phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Mục tiêu của huyện là phấn đấu đến năm 2030, Thanh Thủy trở thành huyện du lịch, trung tâm du lịch của tỉnh với lượng du khách 2.500.000 lượt/năm, doanh thu từ du lịch - dịch vụ đạt 1.780 tỉ đồng...

Kỳ III: Thước đo từ thực tiễn

Cùng với hàng loạt các giải pháp đồng bộ, hữu hiệu về hỗ trợ, khuyến khích đầu tư cơ sở vậy chất, hạ tầng kỹ thuật; xây dựng sản phẩm, tuyên truyền, quảng bá, hợp tác xúc tiến và phát triển thị trường du lịch,

Đồng chí Nguyễn Minh Tường - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thanh Thủy nhấn mạnh: “Việc lựa chọn khâu đột phá phát triển du lịch và tập trung nguồn lực thực hiện với quyết tâm cao, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị cộng hưởng cùng tinh thần đồng thuận của người dân đã bước đầu phát huy hiệu quả tích cực. Du lịch Thanh Thủy đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng, thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương. Đến nay, 4/4 chỉ tiêu về du lịch đều hoàn thành mục tiêu theo lộ trình kế hoạch. Khách du lịch năm 2023 ước đạt 680.000 lượt, dự kiến đến năm 2025 đạt 1.550.000 lượt. Doanh thu từ du lịch - dịch vụ năm 2023 ước đạt 520 tỷ đồng, dự kiến đến năm 2025 đạt 1.100 tỷ đồng. Toàn huyện hiện có 17.300 lao động cả trực tiếp và gián tiếp; ước đến năm 2025 có 18.000 lao động cả trực tiếp và gián tiếp làm việc trong lĩnh vực du lịch. Cơ cấu lao động trong lĩnh vực dịch vụ đạt 35,3%, dự kiến đến năm 2025 là 45%...”.

Diện mạo huyện du lịch đang dần hình thành. Thanh Thủy hiện có 45 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch với tổng số gần bốn nghìn phòng lưu trú, trong đó có 3.388 phòng đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch được xây dựng đồng bộ, nhiều dự án quan trọng đã và đang được triển khai để phát huy thế mạnh du lịch của huyện và tạo ra các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn. Điển hình là Dự án khu nghỉ dưỡng khoáng nóng 5 sao Wyndham Thanh Thủy đi vào hoạt động tạo điểm nhấn thu hút đông đảo du khách đến nghỉ dưỡng; các dự án khác vẫn tiếp tục phát huy và duy trì hoạt động có hiệu quả như: Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh, Khu du lịch biệt thự sinh thái- nghỉ dưỡng Vườn Vua, Khu nghỉ dưỡng Thanh Lâm Resort, Thanh Thủy Resort, BamBoo Resort...

Kỳ III: Thước đo từ thực tiễn

Các hoạt động du lịch đã tạo nền tảng vững chắc, động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển nhanh, bền vững. Thanh Thủy đã hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới. Chất lượng cuộc sống người dân ngày càng được nâng lên, thu nhập bình quân năm nay ước vượt mức 58 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 2,37%... Đây chính là thước đo chính xác nhất tính đúng đắn, hiệu quả thiết thực từ chủ trương lựa chọn, triển khai khâu đột phá phát triển du lịch của huyện Thanh Thủy.

Lựa chọn đúng, tập trung nguồn lực triển khai đồng bộ với những giải pháp phù hợp, hữu hiệu các khâu đột phá phát triển kinh tế - xã hội là điều kiện cần nhưng chưa phải lúc nào cũng đủ mà trong quá trình thực hiện, tùy theo điều kiện thực tiễn còn cần sự linh hoạt về phương thức, lộ trình trên cơ sở kiên định mục tiêu kế hoạch đề ra.

Kiên định mục tiêu kế hoạch, linh hoạt trong phương thức triển khai phù hợp với điều kiện thực tiễn, chủ trương phát triển du lịch tạo đột phá thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển nhanh, bền vững của huyện Thanh Thuỷ đã và đang phát huy hiệu quả tích cực trong đời sống xã hội. Tiếp nối các thành tích vẻ vang của những chủ trương, chính sách táo bạo, quyết đoán, thêm một lần nữa, khâu đột phá về phát triển du lịch đã chứng minh tính đúng đắn, tư duy sáng tạo, tầm nhìn chiến lược cũng như tinh thần dám nghĩ, dám làm, tôn trọng thực tiễn, lấy lợi ích của người dân làm trung tâm của Đảng bộ tỉnh Phú Thọ.

>>> Kỳ II: Nghị quyết “Khoán” rừng

>>> Kỳ I: Lời khẩn cầu từ xứ đồng chiêm trũng!

Cao Khôi - Cẩm Nhung

1:30:10:2023:14:53 GMT+7

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM