Kỳ 3: Cần “bộ lọc” trên môi trường mạng

Tại phiên họp thường kỳ về Chuyển đổi số đầu tháng 6/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh về việc phải cảnh giác các thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao trong bối cảnh bùng nổ về chuyển đổi số. Cuộc đấu tranh phòng, chống lừa đảo trực tuyến được xác định là một cuộc chiến cam go, đầy thử thách. Điều này đòi hỏi sự phối hợp hành động của các cơ quan quản lý, của các nhà cung cấp nền tảng dịch vụ và ý thức đề cao cảnh giác của người dùng. Cùng với đó là các giải pháp về công nghệ để tạo ra các “bộ lọc” trên môi trường mạng.

Kỳ 3: Cần “bộ lọc” trên môi trường mạngKỳ 3: Cần “bộ lọc” trên môi trường mạng

Tại phiên họp thường kỳ về Chuyển đổi số đầu tháng 6/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh về việc phải cảnh giác các thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao trong bối cảnh bùng nổ về chuyển đổi số. Cuộc đấu tranh phòng, chống lừa đảo trực tuyến được xác định là một cuộc chiến cam go, đầy thử thách. Điều này đòi hỏi sự phối hợp hành động của các cơ quan quản lý, của các nhà cung cấp nền tảng dịch vụ và ý thức đề cao cảnh giác của người dùng. Cùng với đó là các giải pháp về công nghệ để tạo ra các “bộ lọc” trên môi trường mạng.

Kỳ 3: Cần “bộ lọc” trên môi trường mạng

Trong tất cả những phương thức, thủ đoạn lừa đảo bằng công nghệ cao đều phải qua công cụ “dẫn” dòng tiền từ bị hại chuyển cho đối tượng đó chính là tài khoản ngân hàng. Khi định danh được tài khoản đó, sẽ chặn đứng được loại tội phạm chiếm đoạt tài sản của công dân, thu hồi được nguồn tiền trả lại bị hại... Trong thời gian qua, việc làm sạch sim “rác”, tài khoản “ảo” đã góp phần hiệu quả phòng, chống tội phạm lợi dụng công nghệ cao để hoạt động.

Sau khi nhận được văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) về thanh tra diện rộng quản lý thông tin thuê bao di động, Sở TT&TT Phú Thọ đã thành lập đoàn thanh tra đột xuất quản lý thông tin thuê bao di động đối với Mobifone Phú Thọ, VNPT Phú Thọ (Vinaphone), Viettel Phú Thọ.

Bên cạnh đó, yêu cầu các doanh nghiệp thường xuyên tự kiểm tra, đối chiếu cập nhật thông tin thuê bao; doanh nghiệp nhắn tin yêu cầu chủ thuê bao tự cập nhật thông tin qua mạng để doanh nghiệp kiểm tra đối chiếu. Trường hợp CMND của thuê bao trên hệ thống quá 15 năm hoặc phát hiện sai lệch so với cơ sở dữ liệu phải yêu cầu chủ thuê bao đến điểm cung cấp ủy quyền để đăng ký lại theo đúng quy trình. Đây được coi là một trong những giải pháp hiệu quả đối với quản lý Nhà nước trong lĩnh vực viễn thông, góp phần loại bỏ sim rác, hạn chế tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác, tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo.

Đồng chí Lê Quang Thắng - Phó Giám đốc Sở TT&TT cho biết: Sở sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện tình trạng lợi dụng, sử dụng thông tin của người khác để đăng ký sim thuê bao; tình trạng cố tình đăng ký nhiều sim thuê bao để lưu thông ra thị trường nhưng không thực hiện chuyển quyền sử dụng. Qua đó, xử lý triệt để vấn đề sim đã được nhập sẵn thông tin thuê bao, kích hoạt sẵn dịch vụ trên thị trường, quản lý chặt chẽ thông tin thuê bao viễn thông di động.

Theo thống kê, toàn tỉnh Phú Thọ có gần 1,2 triệu thuê bao di động đang hoạt động. Qua rà soát, đến nay đã thu hồi khoảng 3.000 thuê bao di động chưa thực hiện chuẩn hóa thông tin theo quy định.

Đồng hành với loại bỏ sim “rác” là xóa các tài khoản "ảo”. Năm 2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Công an đã ký kết phối hợp triển khai Đề án về kết nối Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và định danh điện tử. Đây là cơ hội để ngành Ngân hàng có thể định danh điện tử khách hàng, bảo đảm thông tin người mở và người dùng tài khoản trùng khớp. Đến nay, đã có khoảng 30 triệu thông tin tín dụng khách hàng vay được xác thực. Dù vậy, vẫn phát sinh tình trạng tài khoản “ảo”, tài khoản “rác”, tài khoản được mở nhằm lừa đảo từ quá trình cho thuê, mượn CCCD hoặc dùng giấy tờ giả...

Do đó, mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 09/2023/TT-NHNN hướng dẫn một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền. Trong đó, quy định khi giao dịch chuyển tiền điện tử từ 500 triệu đồng trở lên, các tổ chức thuộc đối tượng báo cáo phải báo cáo cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền các thông tin cá nhân tham gia giao dịch chuyển tiền điện tử.

Kỳ 3: Cần “bộ lọc” trên môi trường mạng

Tại Phú Thọ, ngành Ngân hàng đang tích cực phối kết hợp với Công an để đối soát tài khoản khách hàng qua kết nối dữ liệu quốc gia về dân cư. Nhờ đó, loại bỏ những tài khoản rác, tài khoản đáng ngờ, tài khoản không chính chủ như được làm từ CMND giả và ngăn chặn các hành vi gian lận, lừa đảo.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thủy – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cho biết: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch số 12/KH-PTH4 kiểm tra về lĩnh vực công nghệ thông tin tại các ngân hàng trên địa bàn tỉnh nhằm đánh giá đúng thực trạng, chất lượng an ninh an toàn hệ thống công nghệ thông tin. Qua đó, kịp thời nắm bất cập, lỗ hổng về cơ chế và chính sách để đưa ra các kiến nghị bổ sung biện pháp xử lý nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả an toàn an ninh thông tin trong hoạt động của ngân hàng.

Tùy vào tính chất, mức độ nghiêm trọng mà người thực hiện hành vi lợi dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử phạt hành chính, căn cứ theo quy định tại Điều 81 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, mức phạt hành chính đối với hành vi sử dụng mạng Internet nhằm chiếm đoạt tài sản cao nhất là mức phạt tiền lên đến 100.000.000 đồng.

Về trách nhiệm hình sự, căn cứ các yếu tố cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự căn cứ theo quy định tại Điều 174 BLHS với mức phạt cao nhất là tù chung thân, hoặc căn cứ theo quy định tại Điều 290 BLHS với mức phạt lên tới 20 năm tù.

Luật sư Đạt Nguyễn - Công ty luật SH Legal Việt Nam

Kỳ 3: Cần “bộ lọc” trên môi trường mạng

Nhằm tăng cường nhận thức, kiến thức về lừa đảo trực tuyến nhằm bảo vệ người dân Việt Nam trước những rủi ro tiềm ẩn trên không gian mạng, Bộ TT&TT đã chính thức phát động Chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến”, triển khai từ ngày 23/6 đến ngày 23/7/2023.

Chiến dịch phủ sóng rộng khắp trên các phương tiện thông tin đại chúng, nền tảng mạng xã hội để cung cấp đầy đủ thông tin, trang bị và phổ biến kiến thức về lừa đảo trực tuyến, đồng thời cung cấp bộ cẩm nang kiến thức phòng tránh để người dân bảo vệ bản thân và gia đình trên không gian mạng.

Ðể ngăn chặn và xử lý lừa đảo trực tuyến, Bộ TT&TT chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ quan liên quan ngăn chặn gần 7.000 website vi phạm pháp luật; trong đó, có hơn 2.000 website lừa đảo. Kết quả này giúp khoảng 7,7 triệu người dân (tương ứng hơn 10% người dùng internet Việt Nam) được bảo vệ trước các tấn công lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng.

Kỳ 3: Cần “bộ lọc” trên môi trường mạng

Từ ngày 1/7/2023, Nghị định số 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân chính thức có hiệu lực đã tạo hành lang pháp lý nhằm bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam một cách hiệu quả, giảm thiểu tối đa những nguy cơ và hệ quả của các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân. Đây là cơ sở để Sở TT&TT tăng cường công tác quản lý, thanh tra, chấn chỉnh đối với các đơn vị sử dụng trái phép thông tin dữ liệu của người dân, góp phần bảo đảm an ninh trật tự và công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân của hiện nay.

Đồng chí Lê Quang Thắng - Phó Giám đốc Sở TT&TT khẳng định: Trong thời gian tới, Sở sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan truyền thông để tăng cường công tác thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng bảo mật thông tin cá nhân cho người dân. Đồng thời, phối hợp cùng Công an tỉnh theo dõi, phát hiện và xử lý kịp thời việc mua bán thông tin, qua đó hạn chế tối đa các vụ lừa đảo trực tuyến.

Theo số liệu của Bộ Công an, trong 5 năm qua đã phát hiện, đấu tranh, xử lý hơn 2.300 chuyên án, khởi tố hơn 1.100 vụ với hơn 1.000 đối tượng và xử phạt hành chính 51 vụ liên quan tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh đã triển khai đồng bộ các mặt công tác bảo vệ an ninh mạng và trấn áp tội phạm sử dụng công nghệ cao, đặc biệt là hoạt động phạm tội có tính chất ổ, nhóm, hoạt động quy mô lớn, liên tỉnh. Năm 2022, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh cũng đã triệt phá nhiều đường dây mua bán tài khoản với số lượng lớn mà đối tượng bị truy tố là sinh viên các trường Đại học ở Hà Nội.

Kỳ 3: Cần “bộ lọc” trên môi trường mạng

Trao đổi với phóng viên, Thiếu tá Đỗ Văn Quỳnh – Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh cho biết: Để tăng cường nhận diện các hình thức lừa đảo, người dân cần cảnh giác trước các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là Công an, Viện kiểm sát, cán bộ các cơ quan nhà nước, tiến hành tố tụng để thông báo, điều tra vụ án hoặc khởi tố, bắt tạm giam, yêu cầu chuyển tiền để điều tra qua điện thoại; thông báo vi phạm giao thông, lỗi phạt nguội, va chạm gây tai nạn giao thông rồi đề nghị cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng để dẫn dụ, đe dọa yêu cầu chuyển tiền.

• Tuyệt đối không chụp ảnh và cung cấp các thông tin như họ tên, số CMND/CCCD, số tài khoản ngân hàng, mã OTP ngân hàng gửi về cho người khác.

• Không bấm vào các đường link lạ được chia sẻ trên mạng Internet để tham gia bình chọn tài năng nhí, hình ảnh đẹp...

• Không giao dịch tài sản qua mạng với những người không biết rõ nhân thân, lai lịch. Khi nhận được yêu cầu vay mượn tiền của người thân qua mạng xã hội Facebook, Zalo cần phải kiểm tra, xác minh kỹ để xác nhận tránh bị mất tiền.

• Khi nhận các cuộc gọi có mã vùng quốc tế như +0084, +0068, +021, +028, cần rà soát các mối quan hệ ở nước ngoài để kiểm tra, đối chứng. Đồng thời, không cài đặt các ứng dụng (app) trên điện thoại để vay tiền qua mạng Internet.

Ngày 12/5/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1687/KH-UBND về chuyển đổi số tỉnh Phú Thọ năm 2023, trong đó, tỉnh sẽ thành lập Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng của tỉnh theo hướng chuyên nghiệp, cơ động, đảm bảo số lượng chuyên gia an toàn thông tin mạng đáp ứng chuẩn kỹ năng về an toàn thông tin do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định. Đồng thời, khai thác và sử dụng hiệu quả Trung tâm điều hành giám sát an ninh mạng để cảnh báo sớm về nguy cơ an ninh mạng nhằm bảo đảm an toàn thông tin phục vụ hoạt động chính quyền số.

Để tăng cường phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền về các hình thức lừa đảo sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng, giúp người dân nâng cao nhận thức, hiểu biết và phòng tránh trước các hành vi lừa đảo, cũng như biết cách ứng phó khi bị lừa đảo. Đồng thời, cần có quy định về trách nhiệm, cơ chế phối hợp đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông, mạng xã hội, ngân hàng, trung gian thanh toán... trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, xử lý tội phạm. Đặc biệt, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật phù hợp với thực trạng hiện nay, đảm bảo căn cứ pháp lý vững chắc và có những mức xử phạt nghiêm khắc và mang tính răn đe hơn.

>>>Cạm bẫy 4.0 Kỳ 2: Khó truy vết ma trận lừa đảo công nghệ

>>> Cạm bẫy 4.0 Kỳ 1: Đầu tư ra "nước mắt"

Thanh Trà

4:24:08:2023:08:00 GMT+7

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM