Kỳ 4: Cần có chế tài xử lý

Không phải lần đầu tiên nạn kích điện bắt giun đất nổi lên trên địa bàn tỉnh. Nhiều năm qua, các đối tượng kích giun để bán lại cho chủ lò sấy, thương lái vẫn hoạt động bất chấp sự ngăn chặn của chính quyền, người dân. Để chấm dứt vấn nạn này, rất cần sớm có chế tài cụ thể để các cơ quan chức năng địa phương căn cứ quản lý, giám sát và xử phạt các đối tượng kích điện bắt giun đất.

Kỳ 4: Cần có chế tài xử lý

Kỳ 4: Cần có chế tài xử lý

Gặp khó khi xác định trách nhiệm

Ngay từ tháng 7/2023, ngành NN&PTNT đã có văn bản chỉ đạo các địa phương và cơ quan, ban ngành quyết liệt cùng vào cuộc để ngăn chặn nạn kích giun. Theo văn bản số 1229/SNN-TT&BVTV ngày 26/7/2023, nhằm ngăn chặn hoạt động đánh bắt tận diệt giun đất bằng kích điện trên địa bàn tỉnh, ngành NN&PTNT đề nghị Sở TN&MT báo cáo Bộ TN&MT phối hợp xây dựng các văn bản hướng dẫn chế tài xử lý đối với hoạt động sử dụng kích điện để đánh bắt giun đất; khai thác, mua bán giun đất nhằm mục đích thương mại.

Cùng với đó, kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo thống nhất quản lý, ngăn chặn hoạt động này; phối hợp với các ngành, lực lượng tổ chức thanh, kiểm tra để rà soát, ngăn chặn, xử lý triệt để hoạt động đánh bắt giun đất bằng kích điện.

Kỳ 4: Cần có chế tài xử lý

Tuy nhiên, làm việc với ông Nguyễn Vĩnh An – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) được biết để có thể phối hợp theo đề nghị của ngành NN&PTNT như trên, ngành TN&MT hiện đang gặp khó trong xác định trách nhiệm.

Nguyên nhân là bởi hiện nay chưa có một quy chuẩn, văn bản, quy định cụ thể nào của ngành có thể là căn cứ cho các hoạt động quản lý, xử lý đối với hành vi kích điện bắt giun đất. Khi chưa có những văn bản hướng dẫn cụ thể, ngành TN&MT chưa thể có các phương án phối hợp theo văn bản đề nghị của ngành NN&PTNT.

Theo quy định tại Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, đối với những hành vi bị nghiêm cấm gồm: Khai thác, đánh bắt các nguồn tài nguyên sinh vật bằng phương tiện, công cụ, phương pháp hủy diệt, không đúng thời vụ, sản lượng theo quy định pháp luật nhưng không có chế tài xử lý vi phạm kèm theo. Tuy nhiên, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, mục Những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bảo vệ môi trường lại không còn quy định trên.

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường phân tích thêm: Căn cứ giải thích từ ngữ tại Nghị định 45/2022/NĐ-CP, hành vi đánh bắt giun đất là hành vi khai thác trái phép loài sinh vật. Tuy nhiên, Nghị định 45/2022/NĐ-CP, cũng không có chế tài xử lý vi phạm loài sinh vật (động vật) kèm theo. Hành vi kích giun hủy hoại đất, nhưng hiện chưa có chế tài xử phạt. Nghị định 91/2019, về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đã xác định những hành vi hủy hoại đất, nhưng kích giun bằng điện chưa được quy định rõ.

Kỳ 4: Cần có chế tài xử lý

Được biết, tại Hội nghị giao ban công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường khu vực phía Bắc ngày 18/8, Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Bá Thọ đã nêu những vướng mắc kể trên với đại diện lãnh đạo Bộ TN&MT và đề nghị Bộ sớm có hướng dẫn hoặc kiến nghị bổ sung quy định, thống nhất quản lý đối với việc xử lý tình huống đánh bắt giun bằng kích điện.

Về phía ngành NN&PTNT, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phan Văn Đạo cho rằng: Người nông dân và ngành nông nghiệp là nạn nhân của nạn kích điện bắt giun đất, bởi đây là các chủ thể trực tiếp chịu thiệt hại lớn từ hành vi kể trên.

Tuy nhiên, ngành NN&PTNT cũng đang gặp khó trong việc xác định chế định, chế tài cụ thể để có các biện pháp quản lý hoạt động kích điện bắt giun đất. Ngành NN&PTNT cũng đã kiến nghị với Bộ NN&PTNT xây dựng các văn bản hướng dẫn chế tài xử lý cụ thể cho vấn đề này.

Qua nắm bắt tình hình, chính quyền và cơ quan chức năng địa phương cũng có chung những trăn trở giống như vậy. Không có chế tài xử phạt cụ thể, tình trạng kích điện bắt giun đất chỉ tạm lắng lại khi chính quyền, cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt, sau một thời gian lại rộ trở lại.

Gợi mở hướng đi mới

Một trong những nguyên nhân khiến nạn kích điện bắt giun đất lan rộng là bởi nhu cầu thị trường vẫn rất lớn, mang lại nguồn thu nhập khá so với đại đa số người dân khu vực nông thôn.

Kỳ 4: Cần có chế tài xử lý

Để giải quyết “cái gốc” của bài toán này, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phan Văn Đạo cho rằng có thể đặt ra cách tiếp cận vấn đề mới: Nếu nhu cầu của tiêu thụ giun đất của thị trường lớn, có thể tính đến việc nuôi loài sinh vật này như một vật nuôi thông thường.

Có thể nghiên cứu quy trình, từng bước thử nghiệm để tạo ra nguồn cung giun đất nuôi hợp pháp từ các cơ sở được cấp phép. Tất nhiên để có thể thực hiện hướng đi mới này cần có sự phối hợp nghiên cứu kỹ càng theo đúng các nguyên tắc khoa học.

Kỳ 4: Cần có chế tài xử lý

Kỳ 4: Cần có chế tài xử lý

Cơ sở thu mua, chế biến giun đất của anh Triệu Tiến Dũng tại khu Chiềng, xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn là một trong những cơ sở đầu tiên có bước chuyển sớm từ việc tiêu thụ giun đất kích điện bắt từ tự nhiên sang nuôi giun đất bản địa tại nhà.

“Cơ sở của tôi hoạt động đến nay đã được ba năm. Nguồn thu từ giun đất đã giúp gia đình tôi từ một hộ nghèo có hoàn cảnh vô cùng khó khăn có thể ổn định kinh tế như hiện nay. Gần đây, được chính quyền địa phương tuyên truyền, tiếp cận với nhiều thông tin và hiểu về tác hại của việc kích điện bắt giun đất, tôi quyết định đầu tư vận dụng để thử nghiệm nuôi giun đất thay cho việc tiêu thụ giun của một số người dân đi kích điện” – anh Dũng nói.

Kỳ 4: Cần có chế tài xử lý

Trong giai đoạn ban đầu, anh Dũng học hỏi kiến thức và quây ô chuồng để nuôi giun. Các chuồng được gia cố bằng cọc tre, bao bằng lưới cước có thể thoát nước. Sử dụng trứng giun và chính giống giun bản địa khoẻ mạnh, sớm thích ứng với môi trường tự nhiên, anh Dũng thả khoảng 2 tạ giun giống/ 1chuồng quây.

Anh Dũng cho biết: Ban đầu, tôi ủ phân trâu, bò trộn với rơm rạ trong khoảng 10 ngày, sau đó rải đều vào chuồng nuôi một lớp dày khoảng 15cm. Cứ khoảng 3-5 ngày, tôi lại cho giun ăn một lần bằng cách rải đều lên bề mặt ô chuồng giun một lớp phân dày 3-5 cm. Hàng ngày, tưới nước 1 -2 lần đảm bảo lớp phân trong ô chuồng giun luôn luôn có độ ẩm.

Kỳ 4: Cần có chế tài xử lý

Anh Dũng dự định sẽ làm khoảng 40 ô chuồng nuôi giun, dự kiến sau hai tháng có thể thu hoạch 5 tạ giun/chuồng nuôi. Thu nhập có được từ giun nuôi với sản lượng như vậy đảm bảo cho cơ sở của gia đình anh hoạt động, cung ứng giun khô cho các thương lái. Mặt khác, cũng gợi mở hướng phát triển kinh tế mới cho các hộ gia đình xung quanh vốn trước đây chỉ bắt giun bằng phương pháp kích điện.

Những dự định của anh Dũng mới chỉ là bước đầu tuy nhiên đã cho thấy sự thay đổi về nhận thức và hành động của một số bộ phận người dân trước đây tiếp tay cho hoạt động kích điện bắt giun.

Kỳ 4: Cần có chế tài xử lý

Nhân rộng sự thay đổi này sẽ là biện pháp hữu hiệu góp phần giải quyết tận gốc vấn nạn kích giun suốt những năm qua. Để làm được điều đó cần sự đồng hành chặt chẽ của các ngành chức năng, chính quyền địa phương trong quản lý, hướng dẫn những chủ cơ sở thu mua, chế biến giun đất trở thành những chủ cơ sở nuôi giun hợp pháp.

Mặt khác, cũng vẫn cần có một chế tài hiệu quả để xử phạt thích đáng các đối tượng coi thường sự đa dạng tự nhiên, cố chấp kiếm lời dễ dàng từ hoạt động kích điện bắt giun đất. Có như vậy, giun đất - người bạn của nhà nông từ khi khởi thuỷ mới có thể tiếp tục công việc quan trọng của mình là sống, phát triển trong đất, cần mẫn cải tạo và làm trù phú đất đai, mang đến những mùa thu hoạch bội thu.

>>> "Cuộc chiến" bảo vệ giun đất. Kỳ 3: “Quy ước” bảo vệ giun đất

>>> "Cuộc chiến" bảo vệ giun đất. Kỳ 2: Bỏ “lợi ích” lấy “lợi nhuận” ?

>>> "Cuộc chiến" bảo vệ giun đất. Kỳ 1: Không từ thủ đoạn

Trà My

0:27:08:2023:11:45 GMT+7

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM