Cập nhật:  GMT+7

Ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Trước đây, ở huyện miền núi Yên Lập mỗi khi nhắc đến tên các địa danh như Nhồi, Đâng, Bóp, Gầy, Đồng Măng... nghe xa xôi, cách trở, hầu như ai cũng ngại đến. Thế nhưng bây giờ, các tuyến đường rộng mở đã nối gần bản xa, cuộc sống đồng bào đã có nhiều đổi thay.

Ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu sốƯu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng vùng đồng bào DTTS nhằm rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, giúp bộ mặt huyện miền núi Yên Lập ngày càng đổi mới, khang trang.

Hạ tầng đi trước

Trước đây, từ trung tâm huyện lỵ Yên Lập lên khu vực Sáu Khe của xã Trung Sơn phải mất cả ngày đường, với nhiều loại phương tiện, kể cả đi bộ. Vì thế, vùng đất biệt lập nơi thượng nguồn Ngòi Giành này càng xa xôi cách trở hơn. Giờ thì đường từ Xuân An vượt dốc Cổng Giời vào Trung Sơn dài 14,2km và đường từ trung tâm xã Trung Sơn men theo hồ Ngòi Giành vượt núi Tổng Nhất, núi Tranh Yên lên khu vực Sáu Khe dài 15km đã được nhựa và bê-tông hóa phằng lỳ, rộng thanh thang. "Nhờ con đường mà cuộc sống của bà con ở đây giờ đã khác nhiều rồi. Cái khó không còn quẩn chân bà con nữa" - Phó Chủ tịch xã Trung Sơn Phùng Xuân Liên đón chúng tôi bằng cái bắt tay rất chặt và niềm vui khi kể về những con đường mới.

Sau khi công trình hồ chứa nước Ngòi Giành (dung tích thiết kế gần 37 triệu m3) được hoàn thành, năm 2023, tuyến đường trục chính từ Xuân An vào Trung Sơn cũng được UBND tỉnh cho nâng cấp nên đi lại bớt khó khăn hơn. Cũng nhờ hồ chứa nước Ngòi Giành và con đường mới mà từ chỗ biệt lập giữa núi rừng, Trung Sơn đã được đón nhiều đoàn lữ hành đến tìm hiểu, tổ chức tour du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, điều mà trước đây bà con ở vùng sâu, vùng xa này không dám mơ ước.

Ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu sốĐầu tư xây dựng cầu bê tông kiên cố thay thế các ngầm, tràn qua suối không chỉ tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi mà còn là nền tảng quan trọng phát triển KT-XH các thôn, bản động vùng Sáu Khe, xã Trung Sơn, huyện Yên Lập.

Cùng chung niềm vui từ những con đường mới, Phó Trưởng Phòng Dân tộc huyện Yên Lập Nguyễn Khuyến cho biết thêm: Do địa hình bị phân cách mạnh với nhiều dãy núi cao, độ dốc lớn và hệ thống suối, khe, ngòi hẹp và dốc nên không chỉ ở Trung Sơn mà nhiều xã vùng cao của Yên Lập như Xuân An, Xuân Viên, Mỹ Lung, Mỹ Lương... từ trung tâm xã đến các bản trước đây thường rất xa vì phải đi vòng. Xác định phát triển kết cấu hạ tầng là khâu đột phá có vai trò nền tảng quan trọng trong phát triển KT-XH, huyện Yên Lập đã dồn sức khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh. Đồng thời, huyện cũng tăng cường huy động các nguồn nội lực và sự đóng góp, hỗ trợ từ phía nhân dân, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân... để phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng KT-XH gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Cùng các chương trình, dự án đầu tư của tỉnh, các bộ ngành Trung ương vào huyện, thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là Chương trình 1719) được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt ngày 4/10/2021, huyện Yên Lập đã phân bổ vốn để thực hiện là 116 công trình, trong đó có 63 công trình hạ tầng giao thông, còn lại là các công trình hạ tầng thiết yếu khác, như: Nhà văn hóa khu dân cư, trạm y tế, trường học, công trình thủy lợi... Các tuyến đường liên thôn, liên bản, đặc biệt là các cây cầu thay thế các ngầm, tràn qua suối, qua ngòi được hoàn thành giúp cho việc đi lại của bà con nói chung, học sinh nói riêng thuận lợi hơn rất nhiều. Cũng nhờ đó, chủ trương sáp nhập các điểm trường lẻ được thực hiện khá tốt. Các tiềm năng về kinh tế lâm nghiệp cũng được khai thác tốt hơn.

Ông Đinh Thế Sự - người dân khu 5, xã Mỹ Lung phấn khởi: Do bị ngăn cách bởi dòng ngòi Lao mà trước đây từ khu 4 sang khu 5, người dân phải đi cung đường “vòng thúng” với chiều dài khoảng 15km. Việc nhà nước đầu tư xây dựng cầu Ung không chỉ nối khu 4 với khu 5 mà còn kết nối mạng lưới giao thông xã Mỹ Lung với xã Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, góp phần quan trọng giúp Mỹ Lung tăng tốc trên con đường về đích trong xây dựng nông thôn mới.

Phấn khởi trước sự khởi sắc từ hạ tầng giao thông của địa phương, nữ Bí thư chi bộ kiêm trưởng khu Nhồi, xã Trung Sơn Đinh Thị Linh cho biết: Nhờ hệ thống giao thông liên bản được bê tông hóa, bà con đi lại, bán cây quế, con lợn, con gà, bán gỗ rừng trồng khai thác cũng dễ dàng hơn nên đời sống ngày càng khấm khá. Cũng nhờ đường đi thuận lợi, học sinh ở bản đồng bào dân tộc Mông Khe Nhồi không còn phải học ở điểm trường lẻ nữa mà đã xuống trường tiểu học bán trú Trung Sơn học tập trung, từ đó giúp các cháu dễ hòa nhập hơn, thuận lợi hơn trong việc tiếp thu và nâng cao kiến thức.

Ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu sốCùng nguồn lực đầu tư của Nhà nước, nhiều tuyến đường mới ở xã Xuân Viên được mở mới nhờ sự chung tay, đồng lòng hiến đất mở đường của người dân.

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng để nâng cao đời sống đồng bào

Tính chung từ năm 2021 đến nay, tổng kế hoạch vốn đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc của huyện Yên Lập là trên 114 tỷ đồng, đã giải ngân hơn 105 tỷ đồng, đạt 92,5%. Từ nguồn vốn trên, Ban quản lý đầu tư xây dựng huyện và các địa phương trên địa bàn thực hiện đầu tư xây dựng và duy tu sửa chữa 63 công trình hạ tầng giao thông; 5 công trình xây dựng nhà lớp học; xây mới và nâng cấp hàng chục nhà văn hóa và nhà sinh hoạt cộng đồng tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn; cải tạo, nâng cấp các trạm y tế; đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp mạng lưới chợ vùng đồng bào DTTS và miền núi ở xã Ngọc Đồng và xã Xuân Viên... Đặc biệt, chương trình còn phát huy hiệu quả rõ nét với các chính sác dân tộc được thực hiện đúng, đủ, kịp thời giúp ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân, nhất là đồng bào DTTS.

Tính đến hết năm 2024, thu nhập bình quân đầu người ở Yên Lập đạt 45 triệu đồng/năm; hộ nghèo giảm 1,53% (vượt 0,03% so kế hoạch); hộ cận nghèo giảm 1,55% (vượt 0,55% kế hoạch); tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đạt 97,05% (tăng 1,05% so kế hoạch và tăng 0,15% so cùng kỳ); 100% đồng bào dân tộc tham gia bảo hiểm y tế; 100% trạm y tế được xây dựng kiên cố, 100% xã có đường ô-tô về đến trung tâm rải nhựa hoặc bê-tông... Cơ sở hạ tầng trường, lớp học được đầu tư xây dựng đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn giảng dạy và học tập của học sinh và giáo viên hiện tại và định hướng cao hơn. Các hoạt động văn hóa, thể thao phát triển rộng khắp, chất lượng được nâng lên.

Trao đổi với Báo Phú Thọ, đồng chí Hà Việt Hùng - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Yên Lập cho biết: Trong cơ cấu nguồn vốn thực hiện Chương trình 1719 của Yên Lập đến nay, nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi được giải ngân khá nhất với 92,5%. Điều đó cho thấy, với một địa phương nguồn lực còn hạn chế như Yên Lập thì việc tranh thủ nguồn vốn của Trung ương và tỉnh là điều hết sức quan trọng, nhất là trong đầu tư cơ sở hạ tầng như đường, điện và các công trình dân sinh khác. Đặc biệt, việc đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi thời gian qua ở Yên Lập đã cho thấy, đây chính là giải pháp căn cơ, bền vững nhằm rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ nội lực của đồng bào DTTS và miền núi trên hành trình phát triển.

Thời gian tới, để tiếp tục triển khai chương trình được hiệu quả, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bám sát thực tiễn, thực hiện đồng bộ các giải pháp về huy động vốn, kiểm tra giám sát, huyện sẽ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững theo thứ tự ưu tiên của từng địa bàn đầu tư, đối tượng thụ hưởng, trên nhu cầu giải quyết những vấn đề bức thiết nhất của từng chương trình về kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội và phát triển sản xuất của người dân. Trong đó, năm 2025, Tiểu dự án 4 (Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc) đã được bố trí 33 tỷ đồng, tập trung đầu tư, xây mới các công trình đường đến trung tâm xã, đường liên xã, công trình cầu giao tông kết nối các xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn.

Đinh Vũ


Đinh Vũ

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Trải nghiệm làng hương Phja Thắp

Trải nghiệm làng hương Phja Thắp
2025-01-06 15:29:00

Làng hương Phja Thắp thuộc xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng có lịch sử hơn 100 năm. Hương Phia Thắp làm hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên ở vùng miền núi đá vôi, là...

Men say văn hóa Sán Dìu

Men say văn hóa Sán Dìu
2025-01-02 09:57:00

Giữa nhịp sống hối hả của những ngày cuối năm, ta vẫn tìm được không gian lắng đọng với nhiều cung bậc cảm xúc trong Ngày hội văn hoá các dân tộc xã Thiện Kế, huyện Sơn Dương,...

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long