Về thăm gia đình cố nhà thơ Bút Tre vào những ngày đầu thu, quê hương Đồng Lương nay đã “thay da đổi thịt”, những con đường bê tông trải thẳng tắp, nhiều nhà cao tầng xây khang trang, dân cư tấp nập,... Hỏi thăm đến khu Dộc Ngoã, chúng tôi được chỉ đến căn nhà mái ngói đơn sơ nằm sau tán cây đang độ thay lá. Phía trước sân vườn, ngôi mộ của nhà thơ Bút Tre nằm lặng lẽ.
"Ông làm việc và sống rất thanh bạch. Mỗi tháng, gia đình được trợ cấp 13 cân gạo, nói là gạo nhưng thực chất là nửa sắn, nửa gạo, nhưng sắn thì bị mốc vì bảo quản trong kho. Thêm vào đó, mỗi tháng được hơn một cân thịt, nhưng ông hào phóng và thoải mái lắm, chia thịt làm ba phần, cho gia đình các con mỗi người một phần...”
Mặc dù gặp nhiều sự phản đối về phong cách thơ của mình nhưng nhà thơ Bút Tre lại chính là người đi tiên phong, khởi xướng cho một trường phái thơ có vần điệu, như những câu hát đối, khoáng đạt, bình dị mà gần gũi như lời ăn tiếng nói hàng ngày.
Điểm nổi bật nhất của Khu lưu niệm là nơi du khách được ngắm nhìn những hiện vật, sách báo, đồ dùng sinh hoạt và kỷ vật gắn liền với hoạt động cách mạng, công tác và cống hiến của ông, từng bài thơ in trên bức tường thơ. Đây sẽ là địa chỉ đỏ để văn nghệ sĩ, du khách, Nhân dân yêu thích thơ Bút Tre đến thăm cũng như tìm hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp của ông.
Đến thăm Khu lưu niệm, du khách vừa có dịp được ngắm nhìn phong cảnh của vùng trung du, đồng thời được tìm hiểu thêm về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của một trong những nhà thơ có phong cách sáng tác độc đáo, tạo nên sự ảnh hưởng thành một trường phái thơ thịnh hành cho đến tận ngày nay.
Cho đến nay, độc giả mới thấu hiểu rằng, thơ ca Bút Tre gây cười, đàm tiếu, nhưng chân thật như chính cuộc đời cách mạng của ông. Đó là những tình cảm nồng hậu và chân thành từ một con người luôn hết lòng với đất nước, với cuộc đời.
Bảo Như
2:24:09:2024:13:49 GMT+7