Cập nhật:  GMT+7

Dấu xưa trong lễ hội vùng Đất Tổ

Lễ hội lịch sử liên quan tới thời đại Hùng Vương được đánh giá là có quy mô quốc gia rộng lớn vì nó gắn với gần 1.500 di tích xuất hiện ở nhiều tỉnh thành ở Việt Nam trong những giai đoạn xa xưa cho tới ngày nay. Lễ hội lịch sử gợi nhắc những ký ức về lịch sử dựng nước và giữ nước của các dân tộc Việt Nam...

Dấu xưa trong lễ hội vùng Đất Tổ

Con Lạc cháu Hồng trong lễ dâng hương Giỗ Tổ.

Lễ hội lịch sử là những “bài học lịch sử mở” đầy hấp dẫn, thú vị đối với tất cả mọi người, góp phần giáo dục truyền thống, làm nên khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần bảo vệ và phát triển cộng đồng, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Tại tỉnh Phú Thọ, ánh xạ rõ nét vào tâm tưởng dân gian, lễ hội về thời đại các Vua Hùng hằng năm vẫn đều đặn được tổ chức theo vòng quay thời gian và trở thành tâm điểm sinh hoạt cộng đồng, thu hút mọi nhân tài, vật lực, tâm huyết, ước vọng của cộng đồng tại nơi họ đang sinh tụ, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam. Các lễ hội liên quan tới thời đại Hùng Vương tồn tại trong cộng đồng người Việt, tập trung nhất là các ngôi đền: Hạ, Trung, Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh, thành phố Việt Trì.

Nội dung của lễ hội lịch sử phản ánh, tái hiện cuộc đời và chiến công của thời đại Hùng Vương thông qua truyền thuyết về sự kiện lịch sử gắn với những nghi lễ, trận đánh, trò diễn, trò chơi... Bằng cách tái hiện lịch sử một cách nghệ thuật qua lăng kính nguyên hợp của diễn trình lễ hội, các lễ hội lịch sử đã truyền tải cảm nhận của người dân về lịch sử dân tộc thật sống động và gần gũi. Dựa trên những chi tiết trong truyền thuyết về sự kiện lịch sử, người dân đã tiến hành nhiều hoạt động làm cho lễ hội vừa thiêng liêng vừa hấp dẫn, phong phú.

Ở lễ hội lịch sử người ta thường thấy một hoặc nhiều sự kiện trong truyền thuyết được tái hiện trong ngày hội, thường là liên quan tới các vua Hùng, các công chúa, con rể vua, cộng đồng người dân, các trận đánh hay sinh hoạt đời thường.

Vào ngày lễ hội, các sự kiện đó được cách điệu, nghệ thuật hóa, thể hiện qua một trò diễn, một đám rước, một tục lệ đặc biệt nào đó, có khi trở thành hèm thần...để tạo ra nét hấp dẫn riêng của mỗi địa phương. Vì thế, không kể người già hay trẻ, trình độ cao hay thấp, hễ đi hội là người ta có thể hiểu ngay biểu tượng trong lễ hội nói về cái gì hay gắn với sự kiện nào! Đời này qua đời khác, người nọ truyền người kia, cứ như vậy, lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc thấm sâu vào tâm thức của mỗi người một cách vui vẻ, tự nguyện mà sâu sắc. Nhờ đó, dòng truyền thuyết về các anh hùng văn hóa, loại lễ hội lịch sử không những gắn với thời đại các Vua Hùng mà còn tạo ra nền tảng vững chắc cho chủ nghĩa anh hùng tập thể và truyền thống văn hóa. Người dân tham dự lễ hội không đơn thuần tưởng nhớ tổ tiên mà còn để tìm đến sức mạnh thiêng liêng của nguồn cội dân tộc truyền lại cho toàn thể cộng đồng niềm vui mãn nguyện và ước mong về cuộc sống hạnh phúc phồn vinh.

Dấu xưa trong lễ hội vùng Đất Tổ

Diễn xướng dân gian Bách nghệ khôi hài trong lễ rước kiệu về Đền Hùng.

Từ lâu đời, lễ hội Đền Hùng, còn gọi là Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày hội lớn và thiêng liêng của dân tộc mang ý nghĩa cội nguồn lịch sử, tập trung tại Khu di tích lịch sử văn hóa Đền Hùng.

Lễ hội Đền Hùng trước năm 1945 còn lưu giữ rất nhiều tục lệ cổ gắn với lễ hội Rước Vua Hùng (và hệ thống Hùng Vương) về làng nằm liền kề chân núi Nghĩa Lĩnh ăn Tết cùng người dân. Những món lễ vật, trò diễn, trò chơi đặc sắc xoay quanh hệ thống nhân thần thời đại Hùng Vương thể hiện rõ trong lễ hội làng. Để đảm bảo tính trang trọng, thiêng liêng, trước tiên là phải chọn lọc đối tượng tham dự nghi lễ. Dù người chủ tế, bồi tế hay các quan viên, thành phần tham gia tế lễ là người địa phương đều được tuyển lựa theo các tiêu chuẩn của cộng đồng. Phong quang, hoàn thiện, đủ đầy... là tiêu chí tiên quyết bởi những người đó là hình ảnh hoàn mỹ của cộng đồng, đại diện cho cộng đồng thực hiện các nghi lễ.Tiếp đến là lễ vật nhóm đồ chay dâng cúng gồm các sản phẩm nông nghiệp trực tiếp từ địa phương, các món như là hoa quả, mâm gạo tẻ đầy, mâm cháo hoa, buồng cau tươi, lá trầu xanh, bình vôi mới, chai rượu trắng... đặt trên các mâm lót phiến lá chuối xanh, gọi là mâm tế ngọt. Mâm tế mặn gồm các sản phẩm chăn nuôi tại chỗ như xôi gà, thịt thủ lợn ngậm đuôi, thịt lợn nguyên con, bánh chưng xanh...Trò diễn nghi lễ còn gọi là trò thiêng mang tính chất hèm tục được nhiều người nhắc tới như: Chạy “Tùng dí” đầy màu sắc phồn thực, săn lợn, chạy địch vui nhộn và rèn sức khỏe cho các trai tráng..., cùng “rước Lúa Thần”, “Rước chúa Gái”, trò “Bách nghệ khôi hài” để làm vui lòng chúa Gái là con gái yêu quý của Hùng Vương. Đoàn diễn trò gồm người vác cây mía to, người đi câu vai vác sào dài, đầu sào buộc chiếc bánh chưng xanh. Người đi săn vác cây giáo to bằng cả cây tre. Người làm ruộng mang theo những cái cày, cái cuốc, bồ cào... làm bằng gỗ hoặc tre. Có những người đeo mặt nạ đầu trâu kéo theo bừa gãy răng... Đoàn người diễn trò, khuềnh khoàng lắc lư, nghêu ngao múa hát, khiến cho chúa Gái vui. Ai cũng tin rằng nếu chúa Gái cười nhiều thì năm đó dân làng gặp những điều tốt lành.

Tuy nhiên, đặc sắc hơn cả là nghi lễ “Rước tiếng hú” cầu may. Theo lệ, chập tối, dân làng cùng nhau hát Xoan, hát Ghẹo, đến nửa đêm, họ mang đồ lễ ra cây hương cạnh đình Cả - tương truyền là nơi công chúa Ngọc Hoa ngồi ăn trầu trước khi về nhà chồng để “lấy tiếng hú”. Ông trưởng phe (giáp) bê con gà cúng tiến về phía cây hương vái ba vái, sau đó cả đoàn cùng hú/hét vang lừng, khua chiêng gõ trống ầm ĩ, tạo sự huyên náo trong đêm, gọi là “lấy tiếng hú”. Cả đoàn người cùng nhau mang gà về đình, làm cỗ tế lúc nửa đêm để đón giao thừa. Thực hiện xong nghi lễ “lấy tiếng hú” cũng đồng thời là thời điểm chuyển giao may mắn từ năm cũ, mùa cũ, sang năm mới, mùa Xuân, mùa lễ hội mới với đầy ước vọng về an lành, phúc lộc. Theo dân gian truyền nhau, dân làng He, sau tách ra thành hai làng Vi và làng Trẹo vẫn dựa vào tích truyện này để hằng năm tổ chức lễ hội Rước vua Hùng về ăn Tết.

Có ba dạng lễ vật dâng cúng, gồm lễ chay, lễ mặn và lễ diễn làm gia tăng tính thiêng liêng, phổ biến xuất hiện trong lễ hội làng đậm nét văn hóa vùng Đất Tổ Hùng Vương. Từ vùng Đất Tổ, tục lệ thờ cúng Hùng Vương đã lan tỏa xuống vùng đồng bằng và duyên hải ven biển, tạo ra hiệu ứng sóng, ảnh hưởng mạnh mẽ tới các thực hành văn hóa của các lớp cư dân hậu sinh. Từ đó, bản sắc văn hóa Đông Sơn, thời đại Hùng Vương trở nên rõ nét như một trao truyền có quá trình nối tiếp không ngừng cho tới ngày nay, rộn rã khắp miền đều hướng về vùng Đất Tổ Phú Thọ như biểu tượng cội nguồn dân tộc! “Dù ai đi đâu về đâu/ Hễ dịp Giỗ Tổ cùng nhau tìm về!”. “Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba!”.

PGS.TS Phạm Lan Oanh

Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam



 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Đồng bào đội mưa về Giỗ Tổ

Đồng bào đội mưa về Giỗ Tổ
2024-04-18 10:18:00

baophutho.vn Sáng 18/4 (tức mùng 10/3 năm Giáp Thìn), tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, mặc dù trời mưa nặng hạt từ sáng sớm, nhưng số lượng đồng bào và du...

Tự hào nguồn cội

Tự hào nguồn cội
2024-04-10 08:03:00

baophutho.vn Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là loại hình di sản tập quán xã hội, tín ngưỡng và lễ hội được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại...

Lâm Thao trước ngày khai hội Đền Hùng

Lâm Thao trước ngày khai hội Đền Hùng
2024-04-08 10:39:00

baophutho.vn Huyện Lâm Thao đang tích cực hoàn thiện các nội dung tham gia trong khuôn khổ Giổ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất...

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long