Với những công cụ thô sơ, một chỗ ngồi khiêm tốn bên hiên nhà, suốt nhiều năm qua, nghệ nhân Triệu Hoàng Giang (xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao) đã miệt mài sáng tác hơn 30 tác phẩm điêu khắc nổi trên đá để khắc họa về cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Con người và sự nghiệp cách mạng cao cả, vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là đề tài, nguồn cảm hứng vô tận trong các sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sĩ Việt Nam. Đối với nghệ nhân Triệu Hoàng Giang, không dừng lại ở nguồn cảm hứng, hình ảnh Bác Hồ còn là nguồn động lực lớn lao, đồng hành xuyên suốt với ông từ khi bắt đầu với con đường sáng tạo nghệ thuật đến tư tưởng và phong cách sống.
Tới thăm nhà riêng của ông, khách tham quan sẽ ngay lập tức bị thu hút bởi bộ sưu tập đặc biệt được trưng bày trang trọng trong phòng khách. Bên cạnh những bức thư khen và ảnh kỷ niệm với các vị nguyên thủ, những bức tranh đá được xếp ngăn nắp hai bên tạo cảm giác như đang được sống lại trong không gian của lịch sử, được nhìn thấy Bác sinh động, gần gũi.
Với gia đình nghệ nhân Triệu Hoàng Giang, đây chính là những báu vật vô giá không chỉ là để lưu giữ hình ảnh Bác Hồ trường tồn cùng năm tháng mà còn phần nào gửi gắm trong đó tấm lòng, sự biết ơn không bao giờ vơi đối với công lao trời biển của Người.
Để hoàn thành được bộ tranh khắc đá kỳ công này, cùng với sự kiên trì, tâm huyết của bản thân nghệ nhân còn có trong đó là nguồn động lực từ rất nhiều người. Từ khi bắt đầu, nhờ ý tưởng “kể chuyện Bác Hồ” trên chất liệu đá, nghệ nhân đã may mắn có cơ hội được gặp, trò chuyện và lắng nghe góp ý, tư vấn từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong quá trình hiện thực hóa và làm nên bộ tác phẩm để đời của mình.
Sau khi bộ tác phẩm hoàn thành và tạo được tiếng vang lớn, nhiều người với lòng yêu Bác nồng nàn đã tìm đến ông. Từ nguyên thủ quốc gia, cán bộ Trung ương, địa phương đến người dân, những người thành tâm, ông Giang đều nhớ rõ. Ông chia sẻ: “Trong nhiều năm sáng tác, tôi may mắn gặp được những người bạn có tâm, nhiều người đã cùng đồng hành hơn cả chục năm nay. Như hệ thống điện chiếu sáng phục vụ trưng bày trong nhà là nhờ có anh Trần Quyết Chiến, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ giúp tôi bố trí, hay anh Vũ Trung Hiếu, Trạm trưởng Trạm cung cấp điện huyện Lâm Thao cũng là một người bạn bao năm nay vẫn luôn giúp tôi rất nhiều về mặt tinh thần. Được sự ủng hộ từ những người có chung lòng kính yêu Bác cũng giúp tôi thêm nhiệt huyết với việc mình làm”.
Cùng với đó không thể không kể đến yếu tố gia đình, đặc biệt là vợ ông, bà Bùi Thị Tình, hậu phương vững chắc suốt thời gian qua đã ủng hộ hết mình, góp phần không thể thiếu trong mỗi tác phẩm của ông. Chính họ là niềm động viên to lớn, tạo động lực cho ông tiếp tục nỗ lực cống hiến sức lực, trí tuệ.
Từ điều mà ông gọi là “duyên nguyện” trời cho để có được cảm hứng và tạo nên những tác phẩm vượt thời gian về Bác, đến nay, tuy tuổi đã cao, sức khỏe có nhiều hạn chế, nhưng nhờ những điểm tựa tinh thần đó, ông Giang vẫn miệt mài sáng tác với niềm kính yêu vô bờ dành cho vị cha già của dân tộc Việt Nam.
Bắt đầu thực hiện tác phẩm đầu tiên từ năm 1996, tới nay đã gần 30 năm nhưng “xưởng” khắc đá của người nghệ nhân 63 tuổi vẫn luôn sáng đèn. Song song với công việc của một thợ sửa đồng hồ vào buổi sáng, cứ mỗi tối đến, ông Giang lại miệt mài với tay đục tay mài, thổi hồn vào những khối đá thô sơ.
Với tâm thế của một người “chép sử”, chọn chất liệu đá và tự tay tỉ mẩn từng nét cũng là để giữ lại lịch sử muôn đời, ông Giang không cho phép mình sai lệch bất cứ chi tiết nào, từng cử chỉ, động tác, đến cả chiếc lá trong tranh cũng phải đúng, phải đủ.
Ấp ủ một tác phẩm nhân kỷ niệm 20 năm hoàn thành tấm bia đá ghi lại lời dặn bất hủ của Bác Hồ ở Đền Giếng, suốt 3 năm qua, bức tranh Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên Phong ở Đền Giếng đã được ông kỳ công thực hiện. Tuy nhiên, do sức khỏe không đảm bảo nên không kịp xong trước thời gian dự kiến. Dù vậy, người nghệ nhân vẫn đặt nhiều tâm huyết với tác phẩm, khắc họa đầy đủ từng chi tiết, từng nhân vật được chụp lại trong bức ảnh quý.
Hàng năm, nhiều trường học trong huyện đã tổ chức nhiều tiết học trải nghiệm, đưa đoàn các em học sinh tới tham quan những bức tranh đá tại nhà của nghệ nhân, đồng thời tìm hiểu thêm về lịch sử cách mạng và những câu chuyện về Bác Hồ.
Là con cháu trong một gia đình có truyền thống yêu nước, em Triệu Thị Bảo Trâm, cháu gái nghệ nhân Triệu Hoàng Giang từ sớm đã có tình yêu với Bác và tự hào về những tác phẩm của ông. “Tranh này ông tớ mất tận 2 năm để làm đấy”, “Tớ thích nhất là bức này này”, “Tượng Bác Hồ kia cũng là ông tớ làm bằng tay đó nhé”, đó là những câu nói hồn nhiên mà chất chứa tự hào của em khi có dịp dẫn các bạn tới thăm nhà, ngắm nhìn các tác phẩm của ông.
Trong đôi mắt trẻ thơ, hình ảnh Bác mà bấy lâu nay các em chỉ nghe chuyện kể, nhìn thấy trong tranh nay được chạm vào tận tay bỗng trở nên sống động, ý nghĩa biết bao. Những ấn tượng ấy có thể sẽ trở thành một kí ức đẹp, xây dựng trong tiềm thức các em về vị cha già kính yêu, về lịch sử, bồi đắp lòng yêu nước, sự biết ơn sau này.
Bày tỏ về nguyện vọng của mình trong tương lai, nghệ nhân Triệu Hoàng Giang bộc bạch: “Tôi mong rằng các tác phẩm sẽ sớm được trưng bày ở một vị trí hợp lý, xứng đáng, từ đó góp phần làm nổi bật thêm vùng Đất Tổ Phú Thọ, đồng thời lan tỏa cho người dân trong nước và cả bạn bè quốc tế về hình ảnh của Bác, thể hiện tình yêu không phải riêng của cá nhân tôi mà là tình yêu trường tồn của nhân dân Việt Nam với Người”.
Bình Nhi
5:17:05:2024:16:39 GMT+7