Cập nhật:  GMT+7

Về xứ Quảng

Danh hiệu di sản văn hóa thế giới đã biến Hội An trở thành trung tâm du lịch của Miền Trung.

PTĐT - Gần 20 năm kể từ ngày Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn (Duy Phú, Duy Xuyên) được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (12-1999), du lịch Quảng Nam đã có sự bứt phá, tăng tốc mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm trên 15%.

Ấn tượng những con số

Năm 2017, lần đầu tiên Hội An đón trên 3,22 triệu lượt khách tham quan lưu trú, tăng hơn 21% so với năm 2016; trong đó khách tham quan phố cổ đạt 2,38 triệu lượt, tăng trên 28% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu bán vé gần 227 tỷ đồng. Đây là con số khá ấn tượng nếu biết năm 1997 (năm tách tỉnh giữa Quảng Nam và Đà Nẵng) chỉ khoảng 150 nghìn lượt khách du lịch đến Hội An. Tương tự, với khu đền tháp Mỹ Sơn danh hiệu Di sản văn hóa thế giới đã đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ du lịch nơi đây với lượng khách tăng đột biến hàng năm từ 20% - 30%, riêng năm 2017 Khu Di sản văn hóa Mỹ Sơn đón hơn 342 nghìn lượt khách, doanh thu bán vé đạt trên 54 tỷ đồng.

Ông Phan Hộ - Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn khẳng định, danh hiệu Di sản văn hóa thế giới đã có tác động rất lớn đối với sự phát triển du lịch của Mỹ Sơn. Thông qua “thương hiệu” này không chỉ lượng du khách đến Mỹ Sơn gia tăng mà còn giúp thu hút nguồn lực hỗ trợ từ chính phủ và các tổ chức quốc tế trong việc bảo tồn, trùng tu di tích và hoàn thiện hạ tầng, dịch vụ du lịch. “Tác động của danh hiệu di sản đối với phát triển du lịch là điều chắc chắn và thực tế Mỹ Sơn đã thay đổi rất nhiều, kể cả trên lĩnh vực bảo tồn”, ông Hộ nói.

Với Hội An, điểm đến nổi bật của du lịch Việt Nam và thế giới, danh hiệu di sản đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Những năm gần đây ngành thương mại dịch vụ, du lịch luôn chiếm tỷ trọng từ 65% - 70% trong tổng cơ cấu kinh tế của thành phố. Thống kê cho thấy, từ năm 1999 đến nay, tốc độ phát triển du lịch bình quân đạt từ 15% - 20%, điều này đã minh chứng rõ nét tính hiệu quả của thương hiệu di sản kể từ khi phố cổ được UNESCO vinh danh. Du lịch phát triển đã thúc đẩy nhiều hoạt động thương mại dịch vụ thành phố phát triển, góp phần hình thành các cơ sở kinh tế, thu hút nguồn lực cộng đồng. Cùng với đó, không gian du lịch cũng được mở rộng phát triển ra vùng ngoại vi như Cù Lao Chàm, Cẩm An, Cẩm Thanh, Cẩm Kim, Thanh Hà… với các dịch vụ, sản phẩm đa dạng (làng nghề, sinh thái, trải nghiệm văn hóa…), góp phần tạo sinh kế, thu nhập cho người dân địa phương.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, thành công nhất của Hội An từ khi du lịch di sản phát triển chính là đã thay đổi nhận thức của cộng đồng cũng như đội ngũ những lãnh đạo thành phố, thể hiện qua việc ban hành các quy chế phù hợp, tạo môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp đầu tư kinh doanh, phát triển du lịch, góp phần bảo tồn tốt các giá trị văn hóa.

Áp lực di sản

Không phủ nhận, vai trò của di sản trong phát triển du lịch là quan trọng, rõ nét nhất là lượng khách đến hai di sản ngày càng đông, qua đó tạo điều kiện thúc đẩy nhiều hoạt động xã hội liên quan như phát triển sản phẩm làng nghề; gìn giữ bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, đặc biệt giúp lan tỏa du lịch ra các địa phương và vùng lân cận. Tuy nhiên, thách thức của phát triển du lịch lên di sản là không tránh khỏi. Nếu như khu đền tháp Mỹ Sơn áp lực chủ yếu là những tác động vô hình ảnh hưởng đến công tác bảo tồn, thì tại Hội An áp lực từ du lịch thể hiện rõ nét lên hạ tầng, giao thông, môi trường, xã hội. Lượng khách gia tăng và xu thế đô thị hóa kéo theo những biến động về cơ cấu dân cư, mật độ dân số, nghề nghiệp, môi trường sống, tâm lý xã hội, kể cả sức ép từ bảo tồn di tích, bảo vệ môi trường, nhu cầu về đất đai, nhà cửa, đi lại... tác động mạnh mẽ, liên tục cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực đến những giá trị nhân văn, sinh thái, cảnh quan...

Để giảm áp lực lên di sản, những năm qua, không gian du lịch Hội An không ngừng được mở rộng ra các vùng ven, vùng nông thôn, làng nghề, biển đảo. Hàng loạt sản phẩm làng nghề lần lượt ra đời gắn với các làng quê như gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, rau Trà Quế, dừa nước Cẩm Thanh… giúp tạo nên sự đa dạng, mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm và chọn lựa. Ông Nguyễn Văn Sơn cho rằng, mở rộng không gian du lịch, giảm áp lực phố cổ, tạo sự đa dạng điểm đến đã trở thành hướng đi chủ đạo mang lại lợi ích cho nhiều phía và phù hợp với xu hướng hiện nay. Sau thành công của những chương trình du lịch sinh thái, làng nghề việc hình thành các tour bên ngoài di sản luôn được chính quyền địa phương quan tâm, khuyến khích. Chỉ riêng trong năm 2016 việc khai trương một số sản phẩm như “Về Hội An đi xe đạp”; khai trương điểm tham quan làng An Mỹ (Cẩm Châu); Đi bộ dưới đáy biển ngắm san hô Cù Lao Chàm... bước đầu mang lại hiệu ứng tốt.

Khu Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn mỗi năm đón hàng trăm nghìn lượt khách.

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới như du lịch xanh, mang tính trải nghiệm; các sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao nhằm thu hút và đa dạng thị trường khách cũng đang được thành phố triển khai. “Thẳng thắn nhìn nhận là Hội An chỉ thật sự khởi sắc sau khi khu phố cổ được công nhận là Di sản văn hóa thế giới và suốt hành trình từ đó đến nay Hội An luôn xác định phát triển du lịch theo hướng văn hóa, sinh thái. Thành phố chỉ chọn lựa các dự án không làm phá vỡ cảnh quan, môi trường, thiên nhiên cho dù dự án đó có giá trị rất lớn và có thể giải quyết được nhiều lao động, nhưng xét về yếu tố bền vững Hội An vẫn từ chối để lựa chọn những dự án đảm bảo cho định hướng phát triển bền vững của mình. Điều này cũng sẽ là hướng đi chủ đạo của thành phố hiện nay và những năm đến”, ông Sơn chia sẻ.

Ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH - TT&DL Quảng Nam nhìn nhận, vai trò của di sản nói chung và Di sản văn hóa thế giới nói riêng đối với phát triển du lịch là rất quan trọng và mang tính đột phá, điều này đã được Hội An và Mỹ Sơn minh chứng rõ nét gần 20 năm qua. “Du lịch di sản không chỉ có ý nghĩa ở con số lượng khách gia tăng hay doanh thu mà còn thể hiện ở việc thu hút thêm các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài. Tuy nhiên, phát triển cũng ảnh hưởng đến di sản như áp lực trong việc bảo vệ di tích, bảo vệ giá trị văn hóa phi vật thể, vì quá trình du lịch phát triển sẽ dẫn đến sự trao đổi giao lưu văn hóa, dễ làm mất bản sắc vì bản sắc cũng là một tài nguyên du lịch gắn với di sản nên việc gìn giữ bản sắc trong phát triển du lịch là rất cần thiết hiện nay”, ông Cường cảnh báo.

Có thể khẳng định, danh hiệu di sản đã tạo nên những động lực mới trong phát triển du lịch của tỉnh, để Quảng Nam từ “vùng lõm” du lịch trở thành một trong những trung tâm du lịch nổi bật của miền Trung cũng như Việt Nam với lượng khách không ngừng gia tăng (năm 2017 đạt 5,3 triệu lượt khách), hướng đến mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong vài năm tới.

Khánh Linh


Khánh Linh

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Việt Trì - tiềm năng mời gọi, thu hút du lịch

Việt Trì - tiềm năng mời gọi, thu hút du lịch
2018-03-27 08:03:15

PTĐT - Nằm trên tuyến hành lang kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Lào Cai - Côn Minh; thành phố Việt Trì có mạng lưới giao thông tương đối thuận tiện; bao gồm cả đường bộ, đường...

Để làng nghề “níu chân” du khách

Để làng nghề “níu chân” du khách
2018-03-24 08:55:34

PTĐT- Những năm qua, thực hiện chủ trương phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh đã dành sự quan tâm lớn đến công tác phát triển làng nghề nói chung, sản...

Việt Trì đẩy mạnh dịch vụ du lịch

Việt Trì đẩy mạnh dịch vụ du lịch
2018-03-20 15:50:40

PTĐT - Phát triển ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch được thành phố Việt Trì xác định là 1 trong 3 khâu đột phá để từng bước xây dựng Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về...

Lễ rước voi Đào Xá

Lễ rước voi Đào Xá
2018-03-16 11:05:14

PTĐT- Đình Đào Xá thờ Hùng Hải là em thứ 19 của Vua Hùng. Tương truyền thời dựng nước, Hùng Hải được cử về cai quản vùng Tam Giang (nơi tiếp giáp sông Đà, sông Hồng, sông Bứa)...

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long