
{title}
{publish}
{head}
Trong một buổi chiều đầu hạ, khi nắng còn le lói trên những rặng núi đá vôi bao quanh xã Mai Hạ (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình cũ), ông Khà Văn Nhị ở xóm Nghẹ phấn khởi khoe: “Bán hai con cá dầm xanh được 7kg, thu về gần 2 triệu đồng”. Với ông, việc bán được cá không chỉ là một khoản thu nhập, mà còn là thành quả của cả một quá trình kiên trì nuôi dưỡng giống cá quý này giữa lòng núi.
Loài cá đặc biệt từ dòng nước sạch
Cá dầm xanh hay còn được người dân địa phương gọi là cá bỗng vốn là loài cá đặc sản chỉ xuất hiện ở những vùng nước sâu, trong và có dòng chảy mạnh. Chị Hà Thị Lan, một người chuyên cung cấp cá giống ở xóm Lọng, kể rằng: “Ngày xưa, người dân chỉ tình cờ bắt được loài cá này trong sông, suối. Sau đó mang về thả trong ao. Thấy cá sống khỏe, lớn chậm nhưng chất lượng thịt ngon nên dần dần nhiều người làm theo”. Nhờ những mạch nước ngầm chảy ra từ các khe núi, môi trường sống tại Mai Hạ trở nên lý tưởng để loài cá “khó tính” này sinh trưởng. Tuy cá dầm xanh lớn chậm phải nuôi từ 2 đến 3 năm mới đạt trọng lượng khoảng 2kg nhưng bù lại, đây là giống cá có giá trị kinh tế cao, thịt ngon, thơm và được ưa chuộng bởi các nhà hàng cũng như người tiêu dùng khó tính. Mỗi kg cá dầm xanh có thể bán từ 200.000 đến 300.000 đồng, thậm chí cao hơn vào những dịp lễ tết. Mức giá này khiến nhiều hộ dân kiên trì nuôi, vì thức ăn của cá hoàn toàn tự nhiên như lá sắn, cỏ, thân cây chuối thái nhỏ không tốn kém mà cá lại cho thịt sạch, chất lượng.
Cán bộ Trung tâm Ứng dụng và Đổi mới sáng tạo - Sở KHCN hướng dẫn người dân tiếp cận các thông tin nhãn hiệu bảo hộ “Cá dầm xanh Mai Châu” do Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KHCN cấp.
Gia đình ông Khà Văn Quang ở xóm Lọng là một trong những hộ đi đầu trong nuôi cá dầm xanh tại Mai Hạ. Với diện tích ao hơn 1.200m2, mỗi năm ông xuất bán hàng tấn cá thương phẩm, thu về hàng trăm triệu đồng. Ngoài gia đình ông Quang, ở Mai Hạ còn có hàng chục hộ gia đình khác cũng đang có nguồn thu ổn định, góp phần nâng cao đời sống.
Đáng nói hơn, sau khi xã Mai Hạ mới được thành lập từ việc sáp nhập các xã Vạn Mai, Mai Hịch, Mai Hạ và Chiềng Châu, phong trào nuôi cá dầm xanh càng được mở rộng. Đặc biệt, tại xã Sơn Thủy (nay là xã Tân Mai), nơi cũng có điều kiện và mạch nước ngầm tương tự, việc nuôi giống cá đặc sản này cũng mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Nhất là đối với các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, do đặc thù về điều kiện chăn nuôi nhỏ lẻ nên sản lượng chưa lớn và đầu ra còn phụ thuộc vào khách du lịch hay các nhà hàng quen, việc tiêu thụ cá dầm xanh vẫn còn có những hạn chế nhất định.
Thức ăn của cá dầm xanh hoàn toàn tự nhiên như lá sắn, cỏ, thân cây chuối thái nhỏ không tốn kém mà cá lại cho thịt sạch, chất lượng. Từ con cá dầm xanh, đời sống gia đình chị Hà Thị Lan ở xóm Lọng đã từng bước được nâng lên.
Xây dựng thương hiệu để cá dầm xanh “bơi” xa
Trăn trở trước việc con cá đặc sản của địa phương chưa có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, cấp ủy, chính quyền xã Mai Hạ đã phối hợp với Trung tâm Ứng dụng và Đổi mới sáng tạo (Sở KHCN tỉnh) để xây dựng nhãn hiệu bảo hộ “Cá dầm xanh Mai Châu”. Theo đồng chí Trần Tiến Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Mai Hạ, đây là bước ngoặt giúp khẳng định giá trị sản vật địa phương. Chúng tôi không chỉ dừng ở việc phát triển sản phẩm mà còn đặt tên, định danh rõ ràng, giúp cá dầm xanh có hệ thống nhận diện và được bảo hộ về sở hữu trí tuệ. Việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận giúp cá dầm xanh có tem truy xuất nguồn gốc, dễ dàng tiếp cận với các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, nhà hàng cao cấp. Không những thế, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, truyền thông, sản phẩm này đã tiếp cận tới người tiêu dùng ngoài tỉnh, mở rộng thị trường tiêu thụ vượt ra khỏi địa phương.
Đồng chí Bùi Đức An, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Đổi mới sáng tạo cho biết: Trước kia, người dân nuôi cá không có định hướng thị trường, tiêu thụ manh mún nên giá trị sản phẩm không cao. Giờ đây, sau khi được công nhận nhãn hiệu, có hệ thống nhận diện, sản lượng và giá bán đều tăng mạnh. Cá dầm xanh đã có khả năng cạnh tranh và được khách hàng tin tưởng lựa chọn.
Điều đó đã mang lại hiệu quả rõ rệt sau khi “cá có tên”. Theo đồng chí Vì Văn Minh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mai Hạ thì: sau khi có chứng nhận nhãn hiệu tập thể, sản lượng tiêu thụ cá dầm xanh đã tăng gấp 3 đến 4 lần so với trước. Dù giá cao, từ 200 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng/kg, lượng khách hàng vẫn tăng đều, chủ yếu là người mua từ các tỉnh khác. Không chỉ tăng sản lượng, việc xây dựng nhãn hiệu còn thúc đẩy sản xuất có tổ chức hơn, liên kết theo chuỗi giá trị, từ khâu con giống, nuôi trồng, chế biến đến tiêu thụ. Một số hộ đã mạnh dạn mở rộng ao, đầu tư hệ thống dẫn nước sạch từ khe núi để đảm bảo chất lượng môi trường cho cá. Các mô hình nuôi cá dầm xanh thương phẩm đang dần hình thành quy mô bền vững, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.
Với loại cá có trọng lượng từ 3kg trở lên đang được bán với giá từ 250 nghìn đồng đến 300 nghìn đồng/kg tùy từng thời điểm.
Cá dầm xanh không chỉ đơn thuần là một sản phẩm nông nghiệp, mà đang dần trở thành hình ảnh đại diện cho sự nỗ lực vươn lên của người dân vùng cao. Từ một loài cá hiếm gặp trong tự nhiên, đến nay cá dầm xanh đã trở thành một thương hiệu đặc sản có chứng nhận, có nguồn gốc rõ ràng và có mặt trên thị trường rộng lớn. Với đà phát triển hiện tại, nếu tiếp tục được đầu tư bài bản từ hạ tầng ao nuôi, kỹ thuật giống, đến truyền thông và kết nối tiêu thụ, “sản vật” cá dầm xanh hoàn toàn có tiềm năng trở thành một sản phẩm OCOP tiêu biểu, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương và bảo tồn những sản vật quý giá của vùng đất Mai Hạ. Trong dòng nước mát chảy ra từ khe đá, từng đàn cá dầm xanh đang ngày một lớn lên, như chính những ước mơ của người dân nơi đây về một cuộc sống no đủ.
Mạnh Hùng
baophutho.vn Từ lâu, thủy điện Hòa Bình đã trở thành một điểm đến ưa thích của nhiều người vì vẻ đẹp hùng vỹ của công trình. Báo Phú Thọ điện tử gửi đến Quý...
baophutho.vn Hợp nhất từ ba tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, du lịch Phú Thọ trong không gian phát triển mới giữ vai trò ngày càng quan trọng trong cơ cấu...
baophutho.vn Từ món ăn truyền thống trong các dịp lễ, Tết của người Mường, thịt chua nay đã trở thành đặc sản mang thương hiệu OCOP tại huyện Lạc Sơn, tỉnh...
baophutho.vn Bộ VHTT&DL vừa quyết định đưa Lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Doi của người Mường xã Thu Cúc và Lễ hội cướp kén xã Dị...
baophutho.vn Sinh ra và lớn lên nơi thung lũng Hang Kia - vùng đất được mệnh danh là “thiên đường săn mây” của Mai Châu (cũ), chàng trai người Mông Giàng A...
baophutho.vn Trong giai đoạn ngành du lịch Việt Nam trên đà tăng trưởng mạnh mẽ, nhu cầu tái cấu trúc sản phẩm và định hướng chiến lược phát triển trở nên...
baophutho.vn Khi tiếng sấm đầu mùa vang vọng giữa thung lũng, rừng già khu vực tỉnh Hoà Bình (cũ) nay là tỉnh Phú Thọ (mới) trở mình thức dậy. Trong bóng...