Chợ quê

Chợ quê

Chợ quê

Không chỉ là nơi trao đổi, mua bán hàng hóa phục vụ đời sống sinh hoạt thường nhật, chợ Tiên Kiên là một không gian văn hóa đặc sắc, phản ánh sinh động nhịp sống nông thôn truyền thống. Đặc biệt chợ sẽ họp 6 phiên chính/tháng, vào các ngày âm lịch: 3, 8, 13, 18, 23, 28, thu hút đông đảo người dân trong vùng.

Chợ quê

Hầu hết các mặt hàng trong chợ đều do chính tay người dân địa phương nuôi trồng, chăm sóc, tự tay làm ra.

Với bà Nguyễn Thị Kiện (khu 8, xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao) đoạn đường dài gần 2km từ nhà đến chợ Tiên Kiên dường như quá đỗi quen thuộc. Dù đã 73 tuổi nhưng cứ đến ngày chợ phiên bà Kiện lại được con cháu đưa ra chợ từ sáng sớm để mua sắm.

Chợ quê

Hầu hết các mặt hàng trong chợ đều do người dân địa phương làm ra. Đó là những nải chuối vừa chín, rổ rau hái trong vườn, con gà nuôi thả hay chục trứng gà mái ta. Đến chợ quê, không khó để bắt gặp hình ảnh chảo bánh rán bốc khói nghi ngút, tiếng lách tách của dầu nóng hay mùi thơm của bánh chưng, bánh tẻ, bánh tai, bánh đúc lan tỏa khắp không gian. Những thức bánh dân dã, giản dị, đậm đà hương vị quê nhà, gợi nhớ ký ức tuổi thơ và chỉ thực sự trọn vẹn khi được thưởng thức trong không khí đậm chất làng quê của phiên chợ truyền thống.

Chợ quê

Những thức bánh dân dã, giản dị, đậm đà hương vị quê hương.

Tay thoăn thoắt gói bánh cho khách, chị Trần Thị Sản, 54 tuổi (xã Thạch Sơn, huyện Lâm Thao) chia sẻ: “Mỗi sáng, khoảng 4 rưỡi, tôi đã có mặt tại đây với hai chiếc bàn gỗ bày đầy các loại bánh tự làm như: Bánh chưng, bánh tẻ, bánh tai, bánh dặm, bánh gio, bánh rán... Giá cả thì phải chăng, từ 5.000 đồng đến 30.000 đồng/chiếc. Công việc này giúp tôi có thu nhập khoảng 5-6 triệu đồng/ tháng, không lãi nhiều nhưng đủ để trang trải cuộc sống và nuôi bốn người con suốt 20 năm nay. Dù vất vả nhưng tôi thấy vui vì có thể tự tay lo cho các con ăn học và trưởng thành”.

Chợ quê

Giống như chị Sản, có những người đã gắn bó với chợ quê hàng chục năm như bà Hà Thị Quyền, 71 tuổi (xã Chu Hóa, TP Việt Trì). Bà Quyền cho biết: “Tôi đã bán rau ở chợ Tiên Kiên hơn 30 năm nay. Mỗi tháng chợ họp 6 phiên, buổi nào tôi cũng có mặt từ sáng sớm. Nếu không bán ở đây, tôi sẽ bán ở chợ quê gần Đền Hùng".

Chợ quê

Chợ quê

Ở chợ mới Tiên Kiên sẽ không khó để bắt gặp hình ảnh những hàng rau theo mùa xanh tốt giống như hàng rau của bà Quyền được các bà, các mẹ mang ra chợ bán. Mùa đông có cải cúc, su hào, bắp cải, súp lơ...; mùa hè là rau đay, mồng tơi, rau dền, rau muống,... Những bó rau còn đọng sương, được buộc bằng lạt mềm hay dây chuối khô, sắp ngay ngắn trên tấm bao tải cũ.

Chợ quê

Giữa nhịp sống hiện đại, những vật dụng làm thủ công truyền thống vẫn được duy trì và phát triển.

Chị Thanh Hồng, 65 tuổi (xã Phú Lộc, huyện Phù Ninh) chia sẻ: “Tôi gắn bó với nghề đan lát từ khi còn nhỏ, được bố mẹ dạy nghề từ lúc 5 tuổi. Sau này lấy chồng, cả hai vợ chồng cùng làm nghề này. Chúng tôi thường xuyên đan các vật dụng như: Bồ đựng muối, lờ tôm, lờ trê, nơm, giỏ, bu gà, chõng tre cho trẻ con...

Ngày nay, các sản phẩm làm từ nhựa hay inox với giá thành rẻ, mẫu mã đa dạng ngày càng phổ biến, khiến cho đồ dùng truyền thống ít được chú ý hơn. Tuy vậy, nhiều vật dụng bằng mây tre đan vẫn giữ được chỗ đứng riêng nhờ sự tiện dụng, thân thiện với môi trường và gắn bó mật thiết với đời sống nông thôn. Chỉ cần còn người cần đến, còn khách tìm mua, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục làm và mang ra chợ bán như một cách gìn giữ nghề truyền thống của gia đình".

Chợ quê

Với những phiên họp định kỳ, những sản vật giản dị và những con người chân chất, vẫn âm thầm gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống giữa dòng chảy hiện đại, dù thời gian trôi qua với nhiều đổi thay, chợ Tiên Kiên vẫn giữ được nhịp sống mộc mạc, gần gũi, là minh chứng sinh động cho sức sống bền bỉ của văn hóa chợ quê giữa lòng nông thôn đang chuyển mình.

Bảo Thoa

4:15:05:2025:08:31 GMT+7

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM