Cập nhật:  GMT+7

Đảm bảo sức khỏe cho sĩ tử trong mùa thi

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025 sẽ diễn ra từ ngày 6 - 8/6. Đây là Kỳ thi quan trọng nên ngoài việc ôn tập, chuẩn bị kiến thức thì các sĩ tử và gia đình nên chú ý về chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt để đảm bảo sức khỏe, đạt được kết quả tốt nhất. Phóng viên Báo Phú Thọ đã có cuộc trao đổi với Ths.BS Hà Thế Linh - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh để có thêm tư vấn hữu ích dành cho sĩ tử và gia đình.

Đảm bảo sức khỏe cho sĩ tử trong mùa thi

Ths. BS Hà Thế Linh - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh

PV: Thưa bác sĩ, nhiều phụ huynh cho biết do thức khuya ôn tập nên các cháu có sử dụng thức uống chứa caffeine như cà phê, trà. Vậy xin hỏi, lượng dùng ra sao và nếu lạm dụng thì có tác hại như thế nào?

Ths.BS Hà Thế Linh: Caffeine có thể giúp cơ thể tỉnh táo, tăng hiệu suất hoạt động, là thức uống của các sĩ tử trong mùa thi. Nhưng nếu lạm dụng trong thời gian dài thì sẽ gây ra một số vấn đề cho sức khỏe như suy nhược thần kinh, đau đầu, mất ngủ, làm tim đập nhanh, tăng cảm giác lo lắng, hồi hộp, khá ảnh hưởng đến tâm lý vào phòng thi. Vì vậy, các bạn học sinh nên sử dụng lượng có hạn 1 lần/ngày, uống sau khi ăn.

PV: Những nhóm chất nào cần thiết cho não bộ mà phụ huynh nên bổ sung cho sĩ tử trong thời gian thi cử?

Ths. BS Hà Thế Linh: Nhu cầu năng lượng cho học sinh vào mùa thi là rất cao. Những nhóm chất dinh dưỡng cần thiết cho não bộ, giúp tăng cường trí nhớ như: chất đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Chất đường bột có trong (cơm, mỳ, phở, ngũ cốc...) đóng vai trò là nguồn cung cấp năng lượng trực tiếp đến não bộ. Tuy nhiên, không nên tiêu thụ quá mức nhất là các loại đường tinh chế trong đồ ngọt như bánh kẹo, trà sữa, nước ngọt...Chất béo hình thành nên các chất dẫn truyền thần kinh, chống lại tác nhân gây lo âu, căng thẳng. Chất béo không bão hòa như Omega 3, Omega 6 có tác dụng tăng cường trí nhớ và khả năng tập trung có nhiều trong cá hồi, cá thu, quả óc chó, hạt chia, dầu oliu, quả bơ.. Chất đạm, các vitamin, khoáng chất được cung cấp đầy đủ góp phần tạo nên hệ miễn dịch khỏe mạnh. Đồng thời, bổ sung đủ nước, điện giải cho cơ thể, tránh mất nước nếu thời tiết nắng nóng.

Đảm bảo sức khỏe cho sĩ tử trong mùa thi

Nhóm thực phẩm tốt cho não bộ nên bổ sung vào mùa thi (Ảnh minh họa)

PV: Bác sĩ có thể tư vấn chế độ sinh hoạt phù hợp cho các sĩ tử trong mùa thi?

Ths.BS Hà Thế Linh: Áp lực bài vở cộng thêm tâm lý căng thẳng khiến các em nghĩ rằng càng học nhiều càng tốt. Tuy nhiên, việc thức khuya triền miên, thiếu ngủ dẫn đến tình trạng não làm việc quá độ, không hiệu quả. Do vậy, sĩ tử nên ngủ đủ 8 tiếng/ngày, ngủ sớm, dậy sớm. Nhiều báo cáo khoa học chỉ ra, ôn bài trong khoảng thời gian từ 6h - 8h sáng hiệu quả hơn so với việc thức khuya. Cùng với đó, phân bố thời gian học bài hợp lý, ôn thi 2 - 3 tiếng thì nên nghỉ khoảng 30 phút rồi tiếp tục. Ngoài ra, hoạt động thể dục thể thao giúp lưu thông máu tốt, mang ô xi và dưỡng chất tới não nhiều hơn.

Đảm bảo sức khỏe cho sĩ tử trong mùa thi

Cô và trò trường THCS Gia Cẩm, TP Việt Trì ôn tập chuẩn bị cho Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 - 2025

PV: Đề phòng thời tiết diễn biến thất thường, sĩ tử và phụ huynh nên làm gì để hạn chế tình trạng sốc nhiệt, say nắng, say nóng nếu có nắng nóng xảy ra?

Ths. BS Hà Thế Linh: Sĩ tử và người nhà nên hạn chế đứng lâu ngoài trời trong thời tiết khắc nghiệt từ 11h - 15h. Khi cần ra ngoài nên có biện pháp che chắn, chống nắng đầy đủ, bổ sung đủ nước khi ở ngoài đường dưới thời tiết nắng nóng. Nhận biết dấu hiệu cơ thể khi bị sốc nhiệt cũng rất quan trọng. Dấu hiệu phổ biến là: Đau đầu, chóng mặt, choáng váng, da đỏ, nóng, khô, yếu cơ, chuột rút, buồn nôn, ói mửa, nhịp tim nhanh... Khi phát hiện thí sinh bị sốc nhiệt, cần nhanh chóng chuyển thí sinh ra khỏi khu vực nắng nóng, đưa vào khu vực mát, cởi bớt quần áo, dùng các biện pháp hạ nhiệt bằng quạt, lau khăn ẩm nước mát toàn thân, nếu bệnh nhân tỉnh cho uống nước mát để bù nước, cố gắng hạ thân nhiệt bệnh nhân xuống, nhanh chóng gọi cấp cứu 115 hoặc bố trí phương tiện phù hợp đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sỹ có thể khám, đánh giá toàn trạng bệnh nhân, hạ sốt, truyền dịch...

PV: Xin cảm ơn bác sĩ về những chia sẻ hữu ích vừa rồi!

Thùy Trang (Thực hiện)


Thùy Trang (Thực hiện)

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Những ai không nên ăn nhiều rau má?

Những ai không nên ăn nhiều rau má?
2024-06-03 14:37:00

Trong y học cổ truyền rau má là một vị thuốc mát, vị ngọt, hơi đắng, tính bình, có tính chất giải nhiệt, giải độc, thông tiểu... nhiều người đặt câu hỏi ăn rau má thế nào thì tốt?

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long