Cập nhật: Chủ nhật, 14/04/2019 | 09:35 GMT+7

Đậm nét văn hóa Hùng Vương ở Đồng Nai

Công viên văn hóa Hùng Vương ở huyện Trảng Bom.

PTĐT - “Chim có tổ, người có tông”. Là con cháu Vua Hùng, dù đi đâu, ở đâu, làm gì, tâm khảm mỗi người con đất Việt luôn hướng về nguồn cội. Ngoài Đền Hùng linh thiêng, tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng còn được phủ rộng nhiều nơi trên khắp đất nước. Nằm cách Đất Tổ gần 2.000km, tỉnh Đồng Nai thuộc khu vực Đông Nam bộ, hội tụ dân cư đến từ tất cả 63 tỉnh, thành của cả nước sinh sống. Các thế hệ người dân nơi đây luôn bái vọng Quốc Tổ với tất cả lòng thành kính, vun đắp và lưu truyền tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương để thể hiện sự biết ơn với vị thủy Tổ, cũng như mong được phù hộ cho quốc thái - dân an.

Do an cư lạc nghiệp phương xa, ngăn sông cách núi không về được, người Đồng Nai lập đền thờ vọng, phỏng theo các nghi thức cổ truyền ở Đền Hùng Đất Tổ, để không cảm thấy mình cách biệt với cội nguồn. Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương được lập ở một số nơi trong tỉnh, trong đó, địa chỉ sớm trở thành trung tâm văn hóa tâm linh tưởng nhớ công đức các vua Hùng của cư dân trên địa bàn phải kể đến Đền Hùng Vương tọa lạc tại khu phố III, phường Bình Đa, thành phố Biên Hòa.

Công trình được người dân phụng lập trong những năm tháng chiến tranh ác liệt và chính thức khánh thành vào năm 1971. Qua thời gian được trùng tu, tôn tạo, nay đền hiện diện uy nghi, song cảnh sắc vẫn toát lên nét hài hòa giữa sự tôn nghiêm và vẻ đẹp trữ tình. Cổng đền gắn dòng chữ “Đền Hùng Vương’’ màu đỏ nổi bật trên nền vôi trắng. Phía góc sân, cây cổ thụ bồ đề ngang tuổi với ngôi đền, trầm mặc tỏa bóng mát rượi. Nhìn bên ngoài, ngôi đền vững chãi với mái sọc hai tầng viền cong hình mũi hài, tạo dáng cổ kính đậm màu sắc mỹ thuật Á Đông, trên đỉnh có hình ngọc châu tỏa sáng. Nội điện gồm 5 gian rộng, với lối kiến trúc vừa truyền thống vừa hiện đại. Hai hàng bặt bửu và đôi lọng vàng long trọng mở lối đi vào điện thờ. Gian chính điện được bài trí theo phong cách giản dị mà trang nghiêm. Ngoài việc thờ vọng Quốc Tổ Hùng Vương, nơi này còn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bàn thờ Hồ Chủ tịch đặt ở tiền điện để mọi người đều được viếng Bác trước khi vào dâng hương Vua Hùng. Bác trong ảnh thờ toát lên vẻ đẹp vừa thánh thiện, vừa gần gũi.

Dâng lễ vật thờ cúng Vua Hùng tại Đền Hùng Vương ở Biên Hòa.

Trong suy nghĩ của người Biên Hòa, Quốc Tổ Hùng Vương có công dựng nước; Bác Hồ là người dẫn đường, mở lối, lãnh đạo toàn dân đấu tranh chống ngoại xâm, xây dựng và phát triển đất nước.Bước lên một bậc, phía trong điện là tượng thờ Vua Hùng Vương thứ 18 (Hùng Duệ Vương) trong thế ngồi đĩnh đạc với gương mặt cương nghị và đôi mắt tinh anh như nhìn thấu quá khứ, hiện tại và tương lai. Đây là pho tượng sống động được chế tác theo phiên bản từ tượng thờ chính ở Đền Hùng tỉnh Phú Thọ. Vật thờ trên thần điện gồm: Chiêng đồng, giáo đồng, nậm rượu gỗ và các đồ gốm sứ vốn là đặc sản của Đồng Nai: Đôi ngựa chiến, đĩa bàng thang, bát nhang, bình hoa... Các đồ dùng khác trong điện thờ chủ yếu là sản vật của địa phương có từ tấm lòng, bàn tay, khối óc của nhân dân. Ở gian bên trái đền, trên tường vôi trắng còn được trang trí bởi bức phù điêu thạch cao có nhan đề ‘’Công đức lưu truyền, Hùng Vương điển tích’’, thể hiện chủ đề: ‘’Tổ quốc Việt Nam thống nhất trong truyền thống Lạc Hồng dựng nước và giữ nước”. Cũng tại gian chính điện, một bức lam chạm trổ hình “lưỡng long tranh châu’’ với đường nét tinh xảo làm tăng vẻ thiêng liêng của thần điện. Phía trên là biển đề Hùng Vương Quốc Tổ bằng chữ Hán, nhũ vàng, nổi bật trên nền đỏ có viền vàng tạo ấn tượng thành kính đối với mọi người. Hai bên là đôi câu đối thếp vàng bằng nét chữ hoa: “Thập bát tương truyền quyết tâm khai thác biên cương triệu bồi Hồng Lạc”. “Tứ thiên niên kế nghiệp lịch đại hối ninh phong vũ kiến tạo Sơn Hà”. (Tạm dịch: Mười tám đời truyền ngôi, quyết lòng mở mang bờ cõi, gầy dựng giống Lạc Hồng. Bốn nghìn năm kế nghiệp, trải bao tối sáng gió mưa, dày công kiến tạo Sơn Hà).

Trong số gần 3 triệu dân Đồng Nai hiện nay, nhiều người nhập cư mang theo phong tục của quê hương xứ sở, nhưng đều chung quan niệm ‘’con cháu ở đâu, tổ tiên ở đấy’’. Dịp Quốc giỗ hàng năm, đồng bào các dân tộc trong tỉnh sum vầy thắp sáng không gian văn hóa Hùng Vương đầy bản sắc. Ngay từ mùng 8, mùng 9 tháng 3 âm lịch, trong khuôn viên Đền thờ Hùng Vương, người lớn rộn ràng hội thi gói bánh chưng, giã bánh giày và kết mâm ngũ quả; thi các trò chơi dân gian; tổ chức phố ông đồ; chợ ẩm thực,… cùng nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ và thể dục - thể thao; học sinh thì hào hứng thi kể chuyện về các đời Vua Hùng. Trang trọng, xúc động nhất là đúng sáng sớm mùng 10, lễ dâng hương, lễ vật lên các Vua Hùng thu hút sự tham gia của lãnh đạo tỉnh, thành phố Biên Hòa và đông đảo người dân. Tất cả cùng cầu nguyện cho quốc thái-dân an, kèm theo lời hứa góp sức xây dựng mảnh đất Đồng Nai ngày càng giàu đẹp, văn minh. Bà Phạm Thị Thái, ngụ phường Bình Đa, cho hay: “Năm nào tôi cũng ra đền cùng chuẩn bị têm trầu mời khách. Ngày chính giỗ, con cái tôi đến dâng hương lên tổ tiên và Bác Hồ”.

Truyền thống kính nhớ tổ tiên còn được con cháu Vua Hùng lưu lại dấu ấn ở nhiều công trình văn hóa giáo dục trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, Văn miếu Trấn Biên, công trình có tuổi đời 320 năm, nơi tự hào là biểu trưng cho tâm hồn và khí phách của người dân Đồng Nai, đang trưng bày 18kg đất và 18 lít nước thỉnh từ Đất Tổ Đền Hùng (Phú Thọ). Song, nổi bật vẫn là Công viên văn hóa Hùng Vương (huyện Trảng Bom), tọa lạc trên vùng đất gần 11.000m2, có tổng mức đầu tư hơn 42 tỷ đồng, công trình được thực hiện từ năm 2017 đến 2020. Đến nay, các hạng mục chính gồm: Nhà tưởng niệm Vua Hùng, nhà bia, nghi môn, tượng Vua Hùng, Lạc Hầu, Lạc Tướng, đỉnh hương; hệ thống giao thông, điện, nước, phòng cháy, chữa cháy, khuôn viên cây xanh… đã cơ bản hoàn thành. Như vậy, người Đồng Nai mới có thêm một địa chỉ có thể đến thắp hương tưởng nhớ Quốc Tổ. Bên cạnh đó, nhiều ngôi trường lớn được đặt tên “Hùng Vương” có mặt ở trung tâm thành phố Biên Hòa, TX Long Khánh, hay các huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Định Quán và có tượng chân dung Quốc Tổ đặt trang trọng nơi sân trường. Nếu như thành phố Việt Trì thênh thang với đại lộ Hùng Vương thì ngay trung tâm thị xã Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) cũng có đường Hùng Vương đẹp đẽ. Những người con Phú Thọ lập nghiệp đất phương Nam còn lấy những cái tên gợi nhớ quê nhà như Hùng Vương, Văn Lang đặt cho công ty, nhà hàng... Hội đồng hương Phú Thọ có sự cố kết chặt chẽ, sum họp đều đặn ngày giỗ Tổ hàng năm. Nơi đất phương Nam này, Tổ tiên vẫn luôn ngự trị trong lòng mỗi người.

Thu Giang - Minh Vương


Thu Giang - Minh Vương

 Từ khóa:
 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

“Hàng rào mềm” ở Lễ hội Đền Hùng

“Hàng rào mềm” ở Lễ hội Đền Hùng
05:12 13/04/2019

PTĐT - Về Đền Hùng vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương nhiều du khách ấn tượng với hình ảnh “hàng rào mềm” do các thanh niên tình nguyện lập nên.

Đền Hùng ngày thứ hai vào hội

Đền Hùng ngày thứ hai vào hội
05:07 13/04/2019

PTĐT - Sáng 13-4, tức 9-3 âm lịch, vào dịp cuối tuần nên lượng du khách về hành hương về Khu Di tích lịch sử đền Hùng tiếp tục tăng cao.

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

16°C - 23°C
Nhiều mây, có mưa nhỏ
  • 16°C - 20°C
    Nhiều mây, không mưa
  • 16°C - 19°C
    Nhiều mây, có mưa nhỏ
POWERED BY
Việt Long