Cập nhật:  GMT+7

Thiêng liêng cội nguồn dân tộc

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương hàng ngàn năm qua đã trở thành sợi dây tâm linh kết nối giữa các thế hệ người Việt với cội nguồn dân tộc. Mỗi dịp tháng 3 âm lịch, hàng triệu con Lạc cháu Hồng lại hành hương về Khu Di tích lịch sử Đền Hùng để dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, bày tỏ lòng biết ơn đối với những bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước. Hành trình về Đền Hùng không chỉ là chuyến trở về với cội nguồn, mà còn là sự kết nối thiêng liêng với đức tin truyền thống và hồn thiêng sông núi - nơi tinh hoa dân tộc lắng đọng qua bao thế hệ.

Thiêng liêng cội nguồn dân tộc

Trục hành lễ vào sân Trung tâm Lễ hội - Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.

Hành trình về miền linh thiêng

Trong lòng mỗi người Việt Nam, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh. Nhìn lại chặng đường lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, có thể thấy Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã hình thành, phát triển, gắn bó sâu sắc với đời sống tinh thần của người Việt suốt hàng nghìn năm. Không chỉ thể hiện trong đời sống văn hóa mà còn trở thành đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn của con dân đất Việt đối với các bậc tiền nhân có công khai thiên, lập địa.

Khởi nguồn từ vùng đất thiêng Nghĩa Lĩnh, tín ngưỡng này dần lan rộng ra khắp các làng quê châu thổ Bắc Bộ, tiếp nối qua dải đất Trung Bộ và vươn tới nhiều vùng Nam Bộ. Nhiều địa phương như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Khánh Hòa... đều có các đền thờ Hùng Vương, nơi tổ chức lễ giỗ và thực hành nghi lễ trang nghiêm mỗi năm. Không chỉ hiện diện trên dải đất hình chữ S, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn theo chân những người con xa xứ, lan tỏa đến nhiều quốc gia trên thế giới, trở thành sợi dây kết nối tâm linh thiêng liêng giữa cộng đồng người Việt với quê hương, cội nguồn dân tộc.

Chị Vũ Phương Dung (TP Việt Trì) hiện đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc chia sẻ: “Mặc dù ở xa nhưng mỗi năm vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương tôi lại cùng gia đình sắp xếp thời gian để trở về Việt Nam tham gia lễ hội. Với tôi, đây không chỉ là một dịp để tỏ lòng thành kính với tổ tiên mà còn là cơ hội để gắn kết với quê hương, gặp gỡ người thân và cảm nhận không khí lễ hội truyền thống. Mỗi lần đặt chân lên Đền Hùng, tôi đều cảm thấy một niềm tự hào, xúc động khó tả, như được trở về vòng tay của cội nguồn”.

Không chỉ thu hút người dân Việt Nam, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn gây ấn tượng mạnh mẽ đối với bạn bè quốc tế. Anh Sebastian Meyer, du khách đến từ thành phố Stuttgart (nước Đức) bày tỏ sự thích thú: “Đây là lần thứ hai tôi đến Đền Hùng. Cảnh quan ở đây rất đẹp, không khí lễ hội rất đặc biệt. Tôi cảm thấy vinh hạnh khi có mặt tại đây trong dịp lễ trọng đại này của người Việt Nam. Điều tôi ấn tượng nhất là hình ảnh mọi người từ khắp nơi hội tụ về Đền Hùng cùng với gia đình, thành tâm dâng hương lên tổ tiên, tôi cảm nhận được truyền thống đoàn kết, gắn bó của dân tộc Việt Nam qua nhiều thế hệ”.

Là biểu hiện cao nhất của Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện bản sắc văn hóa đặc trưng của cộng đồng người Việt Nam đó là lòng biết ơn đối với các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước. Trong tiềm thức tâm linh của người Việt, Vua Hùng không chỉ là vị vua đầu tiên khai sinh nước Văn Lang, dựng nên những ngôi làng đầu tiên, mà còn được tôn vinh là thủy tổ của dân tộc.

Trên vùng đất Phú Thọ dày đặc các truyền thuyết huyền thoại về thời kỳ Hùng Vương dựng nước. Các truyền thuyết về Thánh Gióng, Sơn Tinh, Thủy Tinh, các lễ hội dân gian Rước Vua về làng ăn Tết, Rước Chúa gái, Vua Hùng dạy dân cấy lúa, Lễ hội Hát Xoan... là minh chứng khẳng định Phú Thọ - vùng đất cội nguồn dân tộc Việt Nam là kho tàng văn hóa dân gian lưu giữ dấu ấn lịch sử về thời đại Hùng Vương.

Đằng sau truyền thuyết huyền thoại là yếu tố lịch sử. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là quá trình lịch sử hóa và huyền thoại hóa đan xen. Hệ thống các di chỉ khảo cổ Sơn Vi, Phùng Nguyên, Làng Cả, Xóm Rền, Gò Mun và các cổ vật được tìm thấy xung quanh núi Hùng như: Nha chương, trống đồng, rùi, mũi tên... cho thấy rõ nét một nhà nước Văn Lang cổ đại - cái nôi văn minh của người Việt cổ.

Việc UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2012 đã khẳng định giá trị sâu sắc của tín ngưỡng này trong đời sống tinh thần của người Việt. Đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là trách nhiệm to lớn đối với thế hệ hôm nay và mai sau trong việc gìn giữ, phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông.

Thiêng liêng cội nguồn dân tộc

Du khách hành hương về Đền Hùng.

Giữ lửa tín ngưỡng nghìn đời

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cả nước có 1.417 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương. Các di tích thờ Hùng Vương cùng với các nghi thức, lễ hội được trải dài khắp cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Riêng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 345 di tích gắn với các làng thờ cúng Hùng Vương. Trong đó Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng là trung tâm thực hành Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lớn nhất cả nước.

Đồng chí Phạm Tiến Đạt - Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng khẳng định: “Nhận thức được vai trò, ý nghĩa của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong dòng chảy văn hóa truyền thống, tỉnh Phú Thọ đã thực hiện tốt việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước. Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm Ất Tỵ 2025, Khu Di tích Đền Hùng đã tu bổ, tôn tạo hạ tầng cảnh quan khu di tích nhằm tạo điều kiện tốt nhất để đón tiếp du khách thập phương, góp phần giữ gìn và lan tỏa giá trị văn hóa đặc sắc này”.

Bên cạnh nghi lễ dâng hương trang trọng, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng còn được tô đậm bởi nhiều hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc. Những nghi thức truyền thống như: Rước kiệu, hát Xoan, trình diễn trống đồng, thi giã bánh giầy, gói bánh chưng... được tái hiện một cách nguyên bản, tạo nên không gian văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Sự kết hợp giữa tín ngưỡng thiêng liêng và các phong tục cổ truyền đã làm cho lễ hội không chỉ là dịp tri ân công đức tổ tiên mà còn trở thành sự kiện mang giá trị văn hóa sâu sắc, kết nối các thế hệ người Việt cùng hướng về cội nguồn.

Đồng chí Nguyễn Đắc Thủy - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: Xuyên suốt chiều dài lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành điểm tựa tinh thần, đức tin vào sự linh thiêng huyền diệu của tổ tiên để người dân đất Việt thắt chặt khối đại đoàn kết đồng bào, chung sức chiến thắng thiên tai, giặc ngoại xâm, bảo vệ giang sơn bờ cõi.

“Nguồn sức mạnh tâm linh của Giỗ Tổ Hùng Vương như lời hiệu triệu từ trái tim mỗi con Lạc cháu Hồng hướng về nguồn cội, về Tổ quốc với hai tiếng thiêng liêng mà gần gũi “đồng bào”. Tri ân công đức tiền nhân không gì bằng gìn giữ, phát huy di sản trao truyền của cha ông lên tầm cao mới. Giỗ Tổ Hùng Vương cũng là dịp để con Lạc, cháu Hồng cùng hướng về Đất Tổ, nơi hội tụ khí thiêng sông núi để thành kính thắp nén tâm hương tri ân công lao dựng nước của các Vua Hùng, chung vai góp sức gìn giữ, dựng xây giang sơn giàu đẹp thỏa ước nguyện tiền nhân” - Đồng chí Nguyễn Đắc Thủy cho hay.

Có thể nói, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chính là sợi dây kết nối quá khứ - hiện tại - tương lai, là niềm tự hào, biểu tượng cho sự đoàn kết của dân tộc Việt Nam, niềm tin thiêng liêng ấy vẫn mãi trường tồn như một lời nhắc nhở bất diệt:

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba”.

Bảo Thoa


Bảo Thoa

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Linh thiêng hai tiếng đồng bào

Linh thiêng hai tiếng đồng bào
2025-04-07 07:01:00

Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba. Câu ca ấy bao đời nay đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người dân đất Việt. Dù ở bất cứ nơi đâu, cứ đến ngày Giỗ Tổ, con...

Tuổi trẻ Đất Tổ hướng về cội nguồn

Tuổi trẻ Đất Tổ hướng về cội nguồn
2025-04-07 01:17:00

baophutho.vn Thực hiện kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, gần 4.000 lượt đoàn viên, thanh niên đã tham gia các đội hình thanh niên tình nguyện phục vụ Lễ...

Những hình ảnh đẹp mùa lễ hội

Những hình ảnh đẹp mùa lễ hội
2025-04-06 19:14:00

baophutho.vn Giữa dòng người hành hương về Đền Hùng trong dịp Giỗ Tổ, hình ảnh các chiến sĩ công an, đoàn viên thanh niên tận tình hỗ trợ du khách đã để lại...

Dâng bánh chưng, bánh giầy lên các Vua Hùng

Dâng bánh chưng, bánh giầy lên các Vua Hùng
2025-04-06 13:44:00

baophutho.vn Sáng 6/4 (tức ngày 9/3 năm Ất Tỵ 2025), tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, đoàn đại biểu và văn hóa dân gian (VHDG) thành phố Việt Trì và huyện...

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long