Cập nhật: Chủ nhật, 23/07/2023 | 18:12 GMT+7

Hào khí anh hùng cách mạng nơi “địa ngục trần gian”

baophutho.vnĐúng dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh liệt sĩ, chúng tôi có dịp về thăm Di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc tại phường An Thới, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Từng được ví như “địa ngục trần gian”, nơi đây đã giam cầm và tra tấn dã man hàng vạn tù binh cộng sản trong thời kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược. Đối mặt với các hình thức tra tấn tàn bạo như thời trung cổ, các tù nhân chính trị vẫn kiên trung, nêu cao phẩm chất, khí tiết người cộng sản, toả sáng hào khí anh hùng cách mạng…

Hào khí anh hùng cách mạng nơi “địa ngục trần gian”Du khách thăm quan tại Nhà tù Phú Quốc.

Ký ức đau thương

Phú Quốc tháng Bảy nắng chói chang, từng cơn gió mang vị mặn mòi của biển cả phả vào mặt ràn rạt. Từng đoàn người xếp hàng dài để được vào tham quan với bước chân rất nhẹ, dường như sợ giẫm lên da, lên thịt đã hòa vào nước, quyện vào đất của các chiến sĩ cộng sản đang nằm lại nơi đây. Hàng thép gai chằng chịt, “chuồng cọp”, “chuồng cọp Catso” do Mỹ- Ngụy sáng chế ra được dựng lại nguyên mẫu theo lời kể của các cựu tù binh- nhân chứng lịch sử. Những tiếng khóc sụt sùi, nước mắt nhòe trên khuôn mặt của du khách khi nghe hướng dẫn viên mô tả những trận tra tấn tàn bạo đến mất nhân tính của bọn cai ngục mà những người cộng sản kiên trung phải trải qua: Chúng đóng đinh vào tay, chân, đầu; đốt dây kẽm cháy đỏ đâm vào da thịt, đục răng, trùm bao bố chế nước sôi hoặc đổ lửa than, ném vào chảo nước sôi, thiêu sống, chôn sống…

Trong một thời gian dài, Nhà tù Phú Quốc là trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam lớn nhất, đã từng giam giữ tới 40.000 binh sĩ, tù binh là những chiến sĩ cách mạng trung kiên. Đây được ví như là “địa ngục trần gian” với khoảng 4.000 người bị giết bởi nhiều hình thức tra tấn dã man. Năm 1995, nhà tù Phú Quốc được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia và được mở cửa cho du khách đến tham quan. Nhà tù Phú Quốc được xây dựng trên diện tích 400ha với gần 500 ngôi nhà chia thành 12 khu (loại có 2 phân khu) và 10 khu (loại có 4 phân khu được đánh dấu A,B,C,D). Mỗi khu trại có thể chứa 3.000 tù nhân. Xung quanh mỗi phân khu là bốn vọng gác được canh chừng 24/24 giờ và 10 vọng gác lưu động. Nhà tù được bao bọc bởi 10 lớp thép gai kẽm chằng chịt, xung quanh trại không có dân cư sinh sống tạo nên một điểm cách ly với bên ngoài. “Chuồng cọp” kẽm gai là một trong những sáng chế dã man nhất mà Mỹ- Ngụy đã dùng để hành hạ, tra tấn tù binh tại Nhà tù Phú Quốc. Phân khu nào cũng có hai đến ba “chuồng cọp” kẽm gai được tạo ra bằng cách đan chằng chịt dây kẽm gai xung quanh và trên nóc. Có nhiều loại với kích thước khác nhau, có loại chúng nhốt một người, hoặc nhốt từ ba đến năm người. Có loại người tù phải nằm dưới đất cát, hoặc chỉ đứng lom khom, có loại chỉ ngồi, chỉ cần người tù nhúc nhích hoặc thay đổi tư thế đều bị kẽm gai đâm vào cơ thể.Tất cả “chuồng cọp” đều được để ngoài trời. Tù binh khi bị phạt nhốt vào “chuồng cọp” sẽ bị bọn cai ngục bắt phải cởi hết quần áo, chỉ cho mặc mỗi quần cụt để phơi nắng, mưa, sương gió suốt ngày đêm. Ở đây tù binh chỉ được ăn một ít cơm với muối hoặc không có muối phải ăn nhạt; mỗi ngày chỉ được 1-2 ca nước uống, phải đi vệ sinh tại chỗ. Những đêm lạnh cóng chúng cho dội nước lên người mà chúng gọi là “giải khát cho cọp” hoặc “rửa chuồng”. Những ngày nóng nực, chúng cho dội nước muối lên người và gọi là ướp cho mau lên cân, có khi chúng cho đốt lửa cạnh “chuồng cọp”. Tù binh bị nhốt trong “chuồng cọp” vài ngày là toàn thân bị lột da. Nhiều người bị nhốt lâu ngày, da non mọc lên lại bị cháy, bị lột nhiều lần. Nhiều người chịu đựng không nổi với cái nóng, cái lạnh, đói khát nên đã bị chết tại những “chuồng cọp” này.

Hào khí anh hùng cách mạng nơi “địa ngục trần gian”“Chuồng cọp”- bằng chứng sống cho sự tàn độc của kẻ thù và ý chí kiên cường của các chiến sĩ cách mạng.

Đối đầu với sự tàn ác của địch, hàng trăm tù binh đã tổ chức vượt ngục, trong đó cuộc vượt ngục huyền thoại của 21 tù binh cách mạng vào ngày 26/1/1969 thông qua đường hầm mà các chiến sĩ kiên trì đào liên tục trong sáu tháng bằng những chiếc thìa ăn cơm. Cuộc vượt ngục đó được xem là kỳ tích, ngoạn mục trong hàng chục cuộc vượt ngục tại nhà tù khét tiếng nhất miền Nam Việt Nam.

Tiếp nối truyền thống hào hùng

Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy vào Tết Mậu Thân 1968, cuộc chiến giữa ta và Mỹ - Ngụy càng trở nên quyết liệt. Để chống lại âm mưu chiến tranh tâm lý của địch, tranh thủ những giờ phút hiếm hoi mà địch không tổ chức đàn áp, khủng bố, Đảng ủy các phân khu tại Nhà tù Phú Quốc đã tổ chức cho tù binh tự tạo phương tiện học tập chính trị, văn hóa, sinh hoạt văn nghệ, tổ chức kể chuyện truyền thống, kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc “biến nhà tù thành trường học cách mạng”. Tổ chức được việc học tập, sinh hoạt văn nghệ ở trong trại giam là một công việc hết sức khó khăn, gian khổ, thậm chí phải trả giá bằng sự hy sinh xương máu. Vượt lên tất cả, phong trào học tập và sinh hoạt văn nghệ nổi lên mạnh mẽ, thu hút đông đảo tù binh tham gia, góp phần làm giảm bớt sự căng thẳng, tạo tinh thần lạc quan, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, góp phần giữ vững khí tiết, niềm tin vào thắng lợi cách mạng, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng bí mật đào hầm vượt ngục, đánh bại âm mưu của địch. Đây là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của các cuộc đấu tranh trong trại giam. Tuy xa tổ chức, xa nhân dân, nhưng từng cá nhân người cộng sản đã tập hợp lại đối phó với địch, để cùng bàn bạc, lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Những cái đó là làm tròn nhiệm vụ của người đảng viên.

Hào khí anh hùng cách mạng nơi “địa ngục trần gian”Mặc dù bị giam cầm và tra tấn dã man nhưng các chiến sĩ cộng sản vẫn kiên trung đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng đất nước.

Tháng Bảy về gợi lại ký ức đau thương và hào hùng của dân tộc. Hàng triệu người đã ngã xuống. Biết bao bà mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha, nhiều người mất mát một phần thân thể hoặc sống chung với nỗi đau do bom, đạn trong cơ thể... để có được độc lập, tự do cho Tổ quốc. Cuộc sống thanh bình, đầy đủ hôm nay đã phải đánh đổi bằng xương máu của biết bao anh hùng, liệt sĩ, thương bệnh binh... Tri ân những người đã “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, những gia đình chịu nhiều mất mát, đau thương cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do, những ngày này, trên khắp mọi miền Tổ quốc, nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa được thực hiện:Thắp hương tưởng nhớ, thăm lại chiến trường xưa, vùng kháng chiến cũ...; thăm, tặng quà các Mẹ VNAH, các thương bệnh binh, gia đình chính sách; xây dựng nhà nghĩa tình đồng đội, nhà tình nghĩa; thăm viếng, trùng tu các nghĩa trang, nhà bia tưởng niệm... thiết thực thể hiện sự trân trọng, tấm lòng biết ơn đến gia đình chính sách, người có công với cách mạng.

Đến Di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc thắp nén hương thơm tưởng nhớ, khắc ghi, biết ơn các anh hùng liệt sĩ, những người cộng sản kiên trung đã ngã xuống để thêm thấm nhuần đạo lý tri ân truyền thống của dân tộc, thêm thấm thía giá trị của độc lập tự do để thêm động lực, niềm tin, nhân lên sức mạnh cống hiến, dựng xây quê hương, đất nước theo tâm nguyện, tấm gương kiên trung, bất khuất của thế hệ trước đã trao truyền, lan toả…

Thúy Hằng


Thúy Hằng

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Ký ức và kỷ niệm không quên

Ký ức và kỷ niệm không quên
03:54 11/07/2023

baophutho.vn Năm 1972 – 1973, cuộc kháng chiến chống Mỹ đi vào giai đoạn quyết định và ác liệt. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, nhằm chi viện sức...

Tâm nguyện cao cả

Tâm nguyện cao cả
07:31 02/07/2023

baophutho.vn Không quản ngại khó khăn, vất vả, hơn 10 năm qua, bà Lê Thị Tâm - Chi hội trưởng Chi hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ (HTGĐLS) huyện Thanh Thủy đã...

Trăn trở nỗi lo mất nghề truyền thống

Trăn trở nỗi lo mất nghề truyền thống
02:21 28/06/2023

baophutho.vn Toàn huyện Tam Nông có sáu làng nghề: Đan lát khu Bắc, xã Hiền Quan; Mộc Minh Đức ở xã Thanh Uyên và bốn làng nghề sơn ở các xã Vạn Xuân, Xuân...

Những chuyến phà trong miền nhớ

Những chuyến phà trong miền nhớ
03:29 22/06/2023

baophutho.vn Những ngày cuối tháng sáu này, người dân huyện Sông Lô và thành phố Việt Trì nói riêng, nhân dân hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ háo hức chờ đợi...

Tản mạn chuyện nghề…

Tản mạn chuyện nghề…
03:19 16/06/2023

baophutho.vn Tháng Sáu về, trong lòng những người làm báo lại chộn rộn những cảm xúc sâu lắng về nghề. Từ phóng viên thử việc đến “người gác cổng” - Hành...

Nâng tầm sản vật người Mường

Nâng tầm sản vật người Mường
00:56 11/06/2023

baophutho.vn Vẫn là những nông sản, món ăn thuần tuý trong sinh hoạt thường nhật như con lợn, con dê, thịt chua, cơm lam…, thậm chí là dòng nước mát lành...

“Đêm trắng” của nữ nhân viên gác tàu

“Đêm trắng” của nữ nhân viên gác tàu
02:44 31/05/2023

baophutho.vn 22 giờ đêm, tiếng chuông điện thoại từ trực ban thông báo có tàu, những “bóng hồng” làm nhiệm vụ gác chắn tàu tại Km81+215 thuộc Công ty Đường...

Mẹ đỡ đầu - Lan tỏa yêu thương

Mẹ đỡ đầu - Lan tỏa yêu thương
23:24 19/05/2023

baophutho.vn Bất hạnh lớn nhất của đời người là mồ côi. Nỗi buồn đau, thiếu thốn về tình cảm và vật chất càng nhân lên với những đứa trẻ đang tuổi cần tình...

Vấn vương Pạc Ha

Vấn vương Pạc Ha
07:18 12/05/2023

baophutho.vn Trập trùng núi, bồng bềnh mây, mịt mùng sương mờ giăng lối, chúng tôi ngược Bắc Hà (Lào Cai) vào một ngày đầu hạ, khi những cánh hoa mận, hoa...

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

22°C - 27°C
Nhiều mây, không mưa
  • 20°C - 26°C
    Nhiều mây, không mưa
  • 20°C - 24°C
    Nhiều mây, không mưa
POWERED BY
Việt Long