Kỳ 2: Cần siết chặt quản lý các trung tâm ngoại ngữ

Kỳ 2: Cần siết chặt quản lý các trung tâm ngoại ngữ

Lợi dụng “kẽ hở” để trục lợi

Ngày 4/10/2023, Trung tâm Apax Leaders Phú Thọ đã gửi báo cáo số 02/BC-APAX về việc tình hình tổ chức hoạt động của trung tâm từ năm 2021-2023. Theo đó, trong giai đoạn bắt đầu mở cửa lại hoạt động từ 21/3/2023, đối với các trường hợp bảo lưu trước đó mà không có nhu cầu tiếp tục khóa học, Công ty đã có lộ trình hoàn học phí cho từng trường hợp theo thỏa thuận giữa các bên. Thậm chí, trong báo cáo Apax còn đưa ra mục tiêu phấn đấu năm 2023, doanh thu tăng 10% so với năm 2022; tỉ lệ học sinh mới tăng 20%; tỉ lệ học sinh hoàn thành khóa học đạt 70%.

Kỳ 2: Cần siết chặt quản lý các trung tâm ngoại ngữ

Tuy nhiên, không như báo cáo, thực tế lại khác. Bằng chứng là chỉ sau 2 tháng, Trung tâm này “lặng lẽ” đóng cửa. Đến nay, vẫn chưa có thống kê cụ thể nào liên quan đến các khoản nợ của Trung tâm. Một trong những lý do kể đến là trung tâm thuộc hệ thống, việc đóng bảo hiểm và các nghĩa vụ liên quan đến thuế đều tại trụ sở chính ở Hà Nội. Do đó, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước. Từ vụ việc của Apax Leaders cho thấy, các cơ chế, chính sách quản lý hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ tư nhân hiện nay đang bộc lộ nhiều “kẽ hở”.

Kỳ 2: Cần siết chặt quản lý các trung tâm ngoại ngữ

Theo Điều 11 của Thông tư 78/2014/TT-BTC về Thuế thu nhập doanh nghiệp, các doanh nghiệp hoạt động liên quan đến giáo dục, đào tạo chỉ phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 10% và không phải chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) (Điều 4, Thông tư 219/2013/TT-BTC). Tuy nhiên, kế toán tại các đơn vị giáo dục, đào tạo vẫn phải tiến hành xuất hóa đơn khi nhận các khoản tiền từ học viên; sau đó sẽ tiến hành kê khai thuế GTGT hàng tháng để báo cáo.

Dù quy định là vậy, song nhiều trung tâm khi thu học phí sẽ chỉ đưa phiếu thu mà “né” lập hóa đơn GTGT hoặc biên lai thu phí do cơ quan thuế phát hành. Bên cạnh đó, để tránh thuế thu nhập cá nhân, nhiều trung tâm kê khai thu nhập của giáo viên người nước ngoài chỉ ở mức khoảng 70 triệu đồng/năm gây thất thoát cho hoạt động thu thuế.

Kỳ 2: Cần siết chặt quản lý các trung tâm ngoại ngữ

Kỳ 2: Cần siết chặt quản lý các trung tâm ngoại ngữ

Đối với bảo hiểm xã hội (BHXH), nhiều trung tâm ngoại ngữ hiện nay chỉ đóng “có lệ” BHXH cho khoảng 3-5 nhân viên; một số trung tâm còn không đóng bảo hiểm cho các nhân viên có hợp đồng lao động trên một tháng và thậm chí là lao động đã làm việc một thời gian dài với lý do doanh nghiệp còn khó khăn. Bên cạnh đó, một số trung tâm chậm nộp BHXH, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người lao động. Đã có trường hợp người lao động khi đến bệnh viện mới biết việc mình không được đóng BHXH, nên phải “bỏ tiền túi” toàn bộ chi phí chữa bệnh của mình.

Thực tế, một số trung tâm khi trả lương cho người lao động hàng tháng đã khấu trừ phần trách nhiệm phải đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động nhưng lại không nộp đúng hạn cho cơ quan BHXH. Việc cố tình “dây dưa” không nộp BHXH nhằm chiếm dụng vốn bởi quy định về phạt do chậm nộp, nợ BHXH không đủ sức răn đe, doanh nghiệp không chấp hành. Bên cạnh đó, một số đơn vị lợi dụng kẽ hở của luật đối với quy định cho phép chậm nộp 30 ngày thì không phải nộp lãi, từ đó doanh nghiệp dù có thể nộp vẫn cố tình nộp chậm, chiếm dụng quỹ. Luật BHXH quy định, đơn vị chậm đóng từ 30 ngày trở lên mới phải nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất đầu tư Quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Kỳ 2: Cần siết chặt quản lý các trung tâm ngoại ngữ

Quản lý chặt từ cấp phép đến hoạt động

Qua rà soát của Sở GD&ĐT, hiện tỉnh Phú Thọ có 112 Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học đang hoạt động; trong đó số Trung tâm ngoại ngữ là 108 cơ sở.

Theo đại diện Sở GD&ĐT, hàng năm, bên cạnh các cuộc thẩm tra các điều kiện để cấp phép hoạt động, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, Công an tỉnh tổ chức các cuộc thanh, kiểm tra hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc chấp hành các quy định về hoạt động so với nội dung được cấp phép như: Cơ cấu tổ chức, đội ngũ, chương trình, kế hoạch, giáo trình, cơ sở vật chất...

Năm 2023, đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành làm việc tại 11 trung tâm ngoại ngữ và 28 cơ sở giáo dục phối hợp với các trung tâm ngoại ngữ tổ chức dạy học tiếng Anh tăng cường có giáo viên người nước ngoài. Trong đó, đã chỉ ra một số lỗi của các trung tâm như: Hợp đồng với các cơ sở giáo dục dạy học tiếng Anh tăng cường có giáo viên người nước ngoài còn thiếu các thông tin về chương trình giảng dạy, đội ngũ giáo viên, hình thức và địa điểm dạy học; sử dụng giáo viên người nước ngoài không có tên trong văn bản của Sở GD&ĐT hoặc đã hết hợp đồng lao động...

Sở GD&ĐT đã yêu cầu các trung tâm rà soát đội ngũ nhân sự, chương trình giảng dạy và phối hợp với các cơ sở giáo dục dạy học tiếng Anh tăng cường có giáo viên người nước ngoài đảm bảo đúng quy định; hoàn thiện hồ sơ nhân sự, thực hiện đúng các quy định của pháp luật về sử dụng giáo viên là người nước ngoài. Khi có thay đổi về đội ngũ nhân sự, chương trình giảng dạy, giáo trình, tài liệu, địa điểm giảng dạy cần báo cáo bằng văn bản về Sở GD&ĐT; sau khi được sự cho phép của Sở GD&ĐT mới tiến hành thực hiện. Công bố công khai các cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; thực hiện đúng cam kết về tổ chức hoạt động, hợp đồng về nguyên tắc hoạt động, nội dung; đảm bảo chất lượng của chương trình, giáo trình, đội ngũ. Thực hiện sắp xếp, lưu trữ hồ sơ theo quy định nhằm phục vụ tốt cho công tác điều hành, quản lý và các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền. Thống nhất tên gọi các loại hồ sơ khi phối hợp với các cơ sở giáo dục đảm bảo tính pháp lý trong giảng dạy cũng như thỏa thuận về kinh phí theo hợp đồng giữa hai bên.

Sở GD&ĐT cho biết các trường hợp liên quan đến Trung tâm Apax Leaders Phú Thọ đều có thể gửi phản ánh về Sở theo đường dây nóng: 02103.505.989; 0982816197/ 02103.661.888; 0944834766. Hộp thư điện tử: vanphong.sophutho@moet.edu.vn hoặc thanhtra.sophutho@moet.edu.vn

Đối với quản lý thu thuế, song song với việc rà soát chặt chẽ các hoạt động giao dịch không dùng tiền mặt của các trung tâm, ngày 8/3/2024, Cục Thuế tỉnh Phú Thọ đã ban hành văn bản số 408/CTPTH-HKDCN về việc rà soát quản lý thuế đối với giáo viên là người nước ngoài. Trong đó, đề nghị Sở GD&ĐT cung cấp danh sách kèm thông tin các cá nhân người nước ngoài ký hợp đồng giảng dạy tại các trường học, trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh. Sau khi rà soát và đối chiếu, Cục Thuế tỉnh sẽ yêu cầu đơn vị chi trả cung cấp các thông tin liên quan như: Hợp đồng lao động giảng dạy tại các Trung tâm, hợp đồng liên kết giảng dạy tiếng Anh tăng cường tại các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn; rà soát nghĩa vụ thuế đã thực hiện từ thời điểm được cấp phép lao động tại Việt Nam đối với cá nhân và thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật (nếu có vi phạm).

Kỳ 2: Cần siết chặt quản lý các trung tâm ngoại ngữ

Cục Thuế tỉnh Phú Thọ tăng cường rà soát nhằm phòng ngừa các hành vi gian lận, trốn thuế

Về phía cơ quan BHXH, đồng chí Nguyễn Văn Đông – Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Để khắc phục tình trạng nợ đọng BHXH hiện nay, ngành BHXH đã đề ra nhiều biện pháp nhằm quản lý chặt chẽ công tác thu, xử lý thu hồi giảm nợ đọng như: Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHYT nhằm nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật của các đơn vị sử dụng lao động và nhận thức của người lao động về BHXH, BHYT; tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT tại các đơn vị sử dụng lao động; phối hợp tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra liên ngành tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn, xử lý đúng theo quy định của pháp luật các đơn vị trốn đóng, chậm đóng BHXH.

Không thể phủ nhận sự ra đời của các trung tâm ngoại ngữ đã góp phần đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao trình độ tiếng Anh đối với học sinh và nhiều đối tượng khác. Tuy nhiên, ngoài những mặt tích cực, các trung tâm cũng bộc lộ không ít tồn tại, hạn chế. Do đó, để các trung tâm này thực sự phát huy hiệu quả, cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của ngành chức năng, các cấp chính quyền trong khâu quản lý, chấn chỉnh những thiếu sót, sai phạm. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần cân nhắc khi lựa chọn các trung tâm có uy tín để giúp con có môi trường học tập hiệu quả.

Thanh Trà

1:22:04:2024:15:52 GMT+7

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM