Cập nhật:  GMT+7

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Khẳng định quyết tâm bước vào năm 2024

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã khẳng định quyết tâm để cả nước bước vào năm 2024 - năm bứt phá, tiến tới hoàn thành các kế hoạch 5 năm theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Khẳng định quyết tâm bước vào năm 2024

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc.

Sau 22,5 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, sáng 29/11, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.

Các quyết sách gắn với mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm

Là kỳ họp giữa nhiệm kỳ, trong bài phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh đến mục tiêu quan trọng, đó là: Hoàn thành cao nhất các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, 2024 và cả giai đoạn 2021-2025.

Nhìn lại kỳ họp có thể thấy, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận rất kỹ lưỡng tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tài chính-ngân sách nhà nước, đầu tư công. Các Nghị quyết liên quan được ban hành đều được đặt trong bối cảnh tổng thể gắn với các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Theo dõi phiên làm việc này, ông Đinh Ngọc Thái, Tổ trưởng tổ 9, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum nhận định, kinh tế vĩ mô của nước ta được duy trì và ổn định; lạm phát được kiểm soát. Bằng chứng là tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn nằm trong nhóm cao của khu vực và thế giới. Tuy nhiên, ông Thái cho rằng, kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Do vậy, Chính phủ cần có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng cuối năm và thời gian tới, nhất là trong năm 2024.

Trong phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội cho biết, đến cuối tháng 11/2023, tăng trưởng kinh tế dần được phục hồi theo hướng ngày một tích cực hơn, dự báo cả năm 2023 GDP tăng trên 5% và hoàn thành ít nhất 10/15 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế-xã hội. Năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Quốc hội đặt ra yêu cầu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 được thông qua tại kỳ họp đã đặt ra mục tiêu, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ 6-6,5%.

Để thực hiện các mục tiêu cho từng năm và nửa nhiệm kỳ còn lại, Chủ tịch Quốc hội cũng đã đề cập đến những nhiệm vụ gồm: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách, các quy hoạch, kế hoạch quốc gia, vùng, ngành, tỉnh; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là các dự án, công trình trọng điểm quốc gia; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa-xã hội, an sinh xã hội, sớm xây dựng, trình Quốc hội xem xét, quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng và phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam; triển khai đồng bộ cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024.

Chủ tịch Quốc hội cũng đồng thời nêu bật tầm quan trọng của việc tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, khắc phục có kết quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, siết chặt kỷ luật hành chính, kỷ cương công chức, công vụ; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Khẳng định quyết tâm bước vào năm 2024

Bảo đảm chất lượng và tính khả thi của các dự án luật

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã hoàn thành tới 112/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ khóa XV (đạt tỷ lệ 81,8%). Kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiếp tục thông qua 7 luật, 8 nghị quyết; thảo luận, cho ý kiến 8 dự án luật khác; thảo luận, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng và ban hành Nghị quyết chung của Kỳ họp.

Trong kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục quán triệt nguyên tắc: những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh là đúng, có sự thống nhất cao thì kiên quyết thực hiện; những vấn đề chưa rõ, còn có nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, thực hiện thí điểm khi cơ quan có thẩm quyền cho phép.

Cụ thể, như đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Quốc hội đã cho ý kiến hai lần tại Kỳ họp thứ 4 và thứ 5, được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ tổ chức họp nhiều lần để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo và đã được đưa ra xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách.

Về cơ bản, dự án Luật đã được điều chỉnh, bổ sung và ngày càng hoàn thiện hơn, nhiều nội dung khó, mới, phức tạp từng bước được xác định cụ thể. Tuy nhiên, dự án Luật vẫn còn một số nội dung, vấn đề quan trọng chưa được thống nhất, vẫn còn hai phương án để các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục cho ý kiến.

Kỳ họp thứ 6, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và dự án Luật Các Tổ chức Tín dụng (sửa đổi), do tính chất đặc biệt quan trọng và phức tạp của 2 dự án Luật này, Quốc hội đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến rất xác đáng, đồng thời cân nhắc thận trọng nhiều mặt và quyết định xem xét, thông qua tại Kỳ họp gần nhất. Quyết định này để Quốc hội có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu, làm rõ những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, bảo đảm chất lượng và tính khả thi của các dự án luật này sau khi được ban hành.

Cũng tại kỳ họp, Quốc hội tiếp tục cho phép thí điểm một số chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ, tạo thuận lợi tối đa trong tổ chức đầu tư 21 dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm đường bộ kết nối vùng và liên tỉnh.

Tại Nghị quyết chung, Quốc hội đồng ý cho phép Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị định quy định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi ban hành trong năm 2024 để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trong một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư...

Thông suốt, linh hoạt, hiệu quả trong điều hành

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao việc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề với nhiều nội dung quan trọng, nhiều kiến nghị, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả, chất lượng các Chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.

Từ góc độ cử tri, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Hòa Bình (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) Hoàng Văn Hoàn cho rằng, Đảng, Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ, thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia. Cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, phải chú trọng khuyến khích, khơi dậy ý chí tự lực vươn lên của chính bản thân người nghèo trong phát triển kinh tế, xóa đói nghèo.

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã đồng ý để Chính phủ khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù và việc phân cấp cho cấp huyện quyết định danh mục, cơ cấu, phân bổ sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về chất vấn, trong đó xác định rõ địa chỉ, phạm vi thời gian và trách nhiệm cụ thể, rõ ràng, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành thực hiện quyết liệt, có hiệu quả những vấn đề đã cam kết trước Quốc hội và cử tri cả nước, vừa kịp thời khắc phục hiệu quả các hạn chế, yếu kém, vừa phải tạo được chuyển biến thực chất, căn cơ và lâu dài trong từng lĩnh vực được chất vấn.

Công tác lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn đã được thực hiện trong kỳ họp. Kết quả được công bố công khai, rộng rãi và nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của cử tri, nhân dân cả nước. Chủ tịch Quốc hội đề nghị những người được lấy phiếu tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế để hoàn thành tốt trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó...

Như vậy, Quốc hội đã hoàn thành công tác lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Đây là hoạt động thu hút sự quan tâm đặc biệt không chỉ của các đại biểu Quốc hội mà của đông đảo cử tri, nhân dân và dư luận xã hội.

Chia sẻ quan điểm về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho biết: “Đây cũng là lúc chúng tôi tập hợp lại tất cả những đánh giá của mình về năng lực, trình độ và khả năng thực thi công vụ đối với những người được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm.”

Còn đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, những người được phiếu tín nhiệm cao sẽ hiểu vì sao và tự thấy mình cần phát huy nhiều hơn trong thời gian tới để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Những người có phiếu tín nhiệm thấp cũng biết lý do vì sao để tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hơn nữa.

Cùng với công tác lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, những đổi mới, cải tiến và kết quả quan trọng đã đạt được trong công tác giám sát của Quốc hội thời gian qua càng khẳng định giám sát là khâu trọng tâm, then chốt trong đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Khẳng định quyết tâm bước vào năm 2024

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu Quốc hội thực hiện nghi lễ chào cờ, bế mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Có thể thấy, trong Kỳ họp thứ 6, mặc dù có những điều chỉnh về chương trình, bổ sung nội dung và đều là những vấn đề khó, phức tạp nhưng vẫn bảo đảm sự thông suốt, linh hoạt, hiệu quả trong điều hành và thực hiện thành công chương trình Kỳ họp với sự đồng thuận, thống nhất cao.

Nhận xét về không khí thảo luận tại Quốc hội, nhiều cử tri thành phố Cần Thơ đánh giá cao công tác điều hành của chủ tọa cũng như chất lượng các ý kiến được đại biểu nêu ra tại phiên thảo luận. Việc phân công điều hành từng phiên họp của Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội được thực hiện một cách khoa học, bài bản, giúp cử tri dễ theo dõi cũng như nắm bắt vấn đề. Các đại biểu có sự chuẩn bị kỹ nội dung phát biểu, thẳng thắn, đúng trọng tâm đối với những vấn đề được dư luận cả nước quan tâm...

Để các luật, nghị quyết của Quốc hội sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, Quốc hội đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức quán triệt, triển khai các luật, nghị quyết đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Các vị đại biểu Quốc hội sớm báo cáo cử tri cả nước kết quả Kỳ họp, thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ, lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri, nhất là về những vấn đề cấp bách nảy sinh trong thực tiễn đòi hỏi phải có quyết sách kịp thời, phù hợp; tích cực giám sát việc tổ chức, thi hành Hiến pháp và pháp luật, việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân.

Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện và Đối tác chiến lược với tất cả các nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các nước G20. Vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được củng cố và nâng cao.

Cùng với nỗ lực, quyết tâm thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế, xã hội, phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh đến yêu cầu tiếp tục triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là truyền thông chính sách, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, thực hành dân chủ ở cơ sở, tạo đồng thuận trong xã hội...

Thành công tốt đẹp với nhiều quyết định rất cơ bản và quan trọng tại Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, trong đó có những quyết sách đã được thể chế hóa kịp thời ngay tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã khẳng định quyết tâm để cả nước bước vào năm 2024 - năm bứt phá, tiến tới hoàn thành các kế hoạch 5 năm theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Nguồn (TTXVN/Vietnam+)


Nguồn (TTXVN/Vietnam+)

 Từ khóa:
 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Kỳ 3: Nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả

Kỳ 3: Nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả
2024-11-20 16:10:00

baophutho.vn Không chỉ làm tốt chức năng quyết định và giám sát, HĐND tỉnh còn có nhiều đổi mới trong hoạt động TXCT và tiếp công dân. Nhờ đó, cử tri thêm...

Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri

Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri
2023-11-27 14:11:00

baophutho.vn Ngày 27/11, đồng chí Đinh Công Thực, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cùng các...

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long