Theo Sở Y tế TPHCM, nguy cơ bệnh Marburg xâm nhập vào thành phố qua đường hàng không khá thấp do không có đường bay thẳng và khách nhập cảnh đã được sàng lọc trước khi xuất cảnh. Khả năng bệnh xâm nhập qua đường hàng hải cũng rất thấp do Rwanda chỉ có 1 cảng hàng hải.
Theo dữ liệu về tàu nhập cảnh từ tháng 1-2023 đến 30-09-2024, không có tàu thuyền nào trực tiếp từ cảng hàng hải này. Ngoài ra, thời gian vận chuyển từ Châu Phi về đến TPHCM qua đường biển thường kéo dài từ 25-40 ngày, dài hơn thời gian ủ bệnh của bệnh Marburg (21 ngày).
Tuy Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá, nguy cơ của đợt bùng phát này thấp ở cấp độ toàn cầu nhưng một số quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ đã tăng cường biện pháp y tế tại cửa khẩu. Tại Việt Nam, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã có văn bản chỉ đạo triển khai các biện pháp kiểm soát bệnh tại cửa khẩu. Sở Y tế TPHCM cũng đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP thực hiện nghiêm túc, đặc biệt giám sát các hành khách từ các đường bay có liên quan đến Rwanda.
Đồng thời, ngành y tế TPHCM cũng đã chủ động triển khai các biện pháp như: tăng cường cập nhật thông tin về bệnh Marburg cũng như các bệnh do truyền nhiễm mới nổi khác, tăng cường giám sát người nhập cảnh đến từ các vùng có dịch, sẵn sàng các biện pháp can thiệp nếu phát hiện ca bệnh xâm nhập, truyền thông nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ nhiễm virus Marburg và các biện pháp bảo vệ cá nhân để giảm lây truyền ở người.
Theo Sở Y tế TPHCM, người dân nên hạn chế đi du lịch không cần thiết ở các quốc gia đang bùng phát dịch. Đối với người đã từng đi qua các quốc gia đang có dịch, nếu bản thân có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh cần đi khám ngay tại các cơ sở y tế, cung cấp đầy đủ thông tin để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, hạn chế lây nhiễm.
Ngoài ra, người dân nên tham khảo thông tin về dịch bệnh đăng tải tại các nguồn chính thống, tránh các thông tin chưa được kiểm chứng, gây hoang mang, lo lắng.
Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng