{title}
{publish}
{head}
Phú Thọ có 3 con sông lớn chảy qua là sông Hồng, sông Lô và sông Đà. Cùng với các giá trị độc đáo về văn hóa, thì những câu chuyện về trị thuỷ, mưu sinh của cư dân dọc sông, nhất là nghề chài lưới kiếm sống, luôn có những cuốn hút riêng...
Ngồi trên bè cá sông Đà một chiều mưa, những ngư dân đang quây quần bên ấm trà, kể lại những cuộc săn cá măng, cá lăng, cá ngạnh, cá quất, cá chiên - những loài được coi là cá dữ trên sông, trong đó nhiều câu chuyện khá thú vị...
Vào tháng 3, tháng 4 hằng năm, khi tới mùa săn cá măng, những con măng nặng tới 15-20kg thế này không phải là hiếm.
Bắt “cá mập” sông Đà
Cá măng- được dân chài lưới sông Đà mạn Thanh Thủy, Cổ Đô (Ba Vì)... thường ví như “cá mập” trên sông, bởi độ hung dữ và “khát máu” của loài cá này. Nó có thể săn bất cứ loài cá nào khi đói. Những cú táp của nó tạo nên những con sóng to, kêu ùm ùm trên mặt nước. Con cá nó săn có thể bị nuốt chửng hoặc mất 1⁄/2 thân với vết táp sắc, gọn. Tốc độ bơi rất nhanh, thân dài thon gọn và cực khoẻ, cá măng đến độ trưởng thành có thể nặng tới 35-40kg. Bên cạnh đó, do đặc điểm của nước sông Đà chảy mạnh, dòng chảy siết, nhiều ghềnh đá... nên đã “tôi luyện” cho giống cá này có một sức mạnh khó loài cá sông nào địch được...
Ngoài làm nghề chài lưới trên sông để mưu sinh, anh Dương Tiến Dũng còn nuôi cá lồng để kinh doanh dịch vụ ăn uống với nhiều loài cá đặc sản như bỗng, ngạnh, lăng, chiên...
Đầu tháng 7/2024, anh Dương Tiến Dũng- một dân chài gốc ở Xuân Lộc (Thanh Thuỷ) - mối chuyên bán cá sông và là người có nhiều kinh nghiệm đánh bắt cá sông Đà, nhắn tin: Có mua cá măng sông không, đội vạn chài ở Xuân Lộc dạo này bắt được nhiều lắm. Măng đang cuối mùa, chứ sang tháng 8-9 trở đi là khó bắt lắm...
Theo thông tin có được, năm nay dân săn cá măng sông Đà được mùa bởi liên tục trúng lớn. Loại tầm 15-20kg bắt được rất nhiều. Không hiếm cảnh người dân Xuân Lộc, Thạch Đồng... dọc sông lễ mễ khênh từ thuyền lên những con cá măng to như bắp đùi người lớn, thân tròn ủng với hàng vẩy vàng óng ánh. Giá cá măng có trứng tầm 200.000 đồng/kg, còn không có trứng tầm 170.000 đồng/kg.
Anh Dũng thông tin: Tháng 3-4 hằng năm là mùa săn cá măng sông Đà, vì chúng xuôi theo nước từ trên ngược về nhiều, đi theo đàn, săn mồi náo động một khúc sông... Ngồi trên mũi thuyền, tay gỡ lưới, tay dọn lại đống đồ nghề trên chiếc thuyền máy chuyên dùng đánh cá sông, anh Dũng mắm môi thít lại đoạn cước rách, rồi kể: Măng nó hung dữ lắm, phá lưới rất kinh, nên các tay lưới phải chọn loại cỡ đại, được kiểm tra thường xuyên trước khi xuống nước. Chủ quan là bục lưới, mất cá ngay...
Là loài cá dữ, tốc độ và khả năng săn mồi nhanh, ăn sạch do ở tầng mặt nước, nhưng cá măng lại có giá trị không cao do nhiều xương răm, thịt nhanh bở.
“Anh em chúng tôi ở đây săn cá măng chủ yếu bằng lưới. Cứ thăm chỗ nào nó hay đến, theo đàn, táp mồi ầm ầm... là quây lưới và chờ đợi. Không chỉ cần thuyền to, lưới chắc, mà xác định muốn đi bắt cá măng cũng phải là người có sức khoẻ, thạo sông nước. Lơ mơ nó kéo cả người cả lưới xuống sông luôn...“- anh Dũng tiếp câu chuyện đang dở và kể thêm:”Chính tôi dân sông Đà gốc bao đời nay, đánh được đủ các loại cá, thậm chí cả cá anh vũ, nhưng cũng mới chỉ bắt được con măng to nhất hơn 11kg. Nhớ mãi hôm đó, nó dính lưới thúc ra ầm ầm, tẹo nữa thì kéo cả người xuống sông. Phải ghì lưới vào mạn thuyền một hồi khá lâu, khi nó mệt mới lôi lên được. Nhiều người cứ nghĩ con cá 10-15kg không khỏe, nhưng giây phút sinh tồn, nhất lại là cá dữ sông Đà nên nó khoẻ gấp bội. Chuyện cá lôi người xuống sông là chuyện có thật chứ không phải đùa đâu...".
Cá măng đánh theo mùa, còn không cũng thi thoảng bắt được vì đây là loài cá dữ có tập tính di cư săn mồi, hầu như không ở yên một chỗ. Là loài cá to, khoẻ trên sông, lại chuyên săn mồi mặt nước, nên cần những ngư dân có kinh nghiệm đánh bắt, khoẻ mạnh và ngư cụ chuyên dùng để đánh lưới. Cá măng giá trị kinh tế không cao, nhưng có đặc điểm càng to thì giá... càng đắt. Các nhà hàng chuyên cá, hầu hết không bán và chế biến loại cá này cho khách, trừ những con măng khủng nặng vài chục cân!
Con lăng chấm nặng hơn 15kg được bán với giá gần 20 triệu đồng, bắt được ở khu vực sông Lô, ngã ba sông Bạch Hạc đầu tháng 3 vừa qua.
Lùng cá dữ giá... khủng!
Đầu tháng 3 và cuối tháng 4 vừa qua, dân chài mạn ngã ba sông Bạch Hạc, TP Việt Trì liên tiếp ngỡ ngàng trước thông tin những con cá lăng khủng đánh bắt được có giá cực cao mà lâu nay mới thấy. Bởi đã nhiều năm nay, những con lăng chấm sông Lô nặng hàng yến thậm chí nặng hơn thế đã gần như... tuyệt chủng. Đâu đó trên sông Lô, sông Hồng và sông Đà, vạn chài có đánh được thì cũng chỉ tầm 5-7kg là đã lớn lắm rồi. Và nhiều năm nay, hầu như không vạn chài nào có người đánh được con trên một yến.
Là loài cá dữ, săn mồi với tính cách điềm tĩnh và chuyên ở khu vực nước sâu, ghềnh đá... nhưng cá lăng lại có 3-4 loại, có loại chỉ nuôi bè như lăng nghệ, lăng đen hoặc lăng đuôi đỏ. Nhưng tuyệt nhiên không thấy nhà bè nào trên các sông nuôi cá lăng chấm thương phẩm. Được đánh giá có chất lượng thịt tuyệt ngon và quý hiếm do chậm lớn, chuyên ăn cá và các sinh vật trên sông, cực khó nhân và tạo giống, vì vậy lăng chấm càng khó tìm, khó đánh bắt và được vạn chài coi như “lộc sông” mà cả đời chài lưới có khi không... chạm tới!
Lần theo thông tin về con lăng chấm khủng, nặng tới hơn 15kg, do anh Bơn- cháu ông Phan Tiến Lập, năm nay đã ngoài 70 tuổi ở phố Đoàn Kết, phường Bạch Hạc, TP Việt Trì (cũng là một dân chài đã nhiều đời sông nước) đánh được trên sông Lô mạn ngã ba sông Hạc vào đầu tháng 3, chúng tôi được anh Trịnh Hải- một người gốc Bạch Hạc và khá “sành” cá sông, cho xem những hình ảnh về con cá này với một niềm tiếc nuối: Tiếc quá anh ạ, ngay khi có thông tin về con cá khủng này đánh được, anh em em đã định “săn” lại nó để thưởng thức mà không kịp. Từ bé đến giờ em mới thấy con lăng chấm khủng thế này được đánh tại ngã ba sông.
Những con lăng chấm có trọng lượng 5-7kg như thế này thường được bắt sống bằng mọi cách, vì nếu còn sống thương lái thường mua với giá rất cao. Hầu hết dân vạn chài đều có số điện thoại của các nhà hàng, có cá đặc sản là họ sẽ tự đến lấy tận thuyền.
Chỉ tay vào tấm ảnh con cá dài hơn một mét, to như đứa trẻ con lên hai, lên ba được một người dân nhấc lên trên lòng thuyền, anh Hải cho hay: Bán gần 20 triệu con này đấy, cho một ông khách đi đền Tam Giang. Ngay khi có thông tin bắt được cá lăng chấm khủng, họ đã đến đặt vấn đề mua, sau đó cho vào thùng nước và chuyển lên xe xuôi Hà Nội. Người Bạch Hạc bọn em lâu lắm rồi không thấy con lăng chấm nào khủng như thế này được vạn chài đánh bắt.
Vẫn anh Hải thông tin: Ngày 28/4 vừa qua, cũng tại ngã ba sông, trên sông Lô, dân chài lại dùng lưới đánh được một con lăng chấm nặng 11kg, sau đó được bán với giá 1,1 triệu đồng/kg thu về hơn chục triệu. Đây là đỗ lưới có lộc của một dân chài thứ 2 sau con lăng chấm hơn 15kg do anh Bơn bắt được đầu tháng 3. Do giá trị cao, khó bắt nhưng lại cực dễ bán... nên đã có nhiều dân chài cả đời chuyên nghề lùng cá lăng, săn cá chiên khổng lồ... “Lộc” lớn trong nghề, đó là khi “trục” thành công một con lăng hay con chiên nặng hàng yến, quẫy ầm ầm trong lòng thuyền và thảnh thơi gác chèo, đếm những sấp tiền còn ướt nước sông, mua được nhiều tấn thóc mang về cho gia đình...
Theo anh Hải: Sông Lô, sông Đà và sông Hồng đều có rất nhiều loài cá da trơn quý, có giá trị kinh tế cao và ăn cực ngon, nhưng để săn được một con cá bán tới hơn chục triệu trở lên thì lại là do... may mắn của từng người. Săn cá dữ, cá to, giá trị cao ngoài kinh nghiệm đánh bắt lâu năm, hiểu từng ngách sông, con nước, tập tính săn mồi của từng loài thì sự may mắn, hay còn gọi là sông cho “lộc” mới chính là yếu tố quan trọng để tùy người có cơ duyên bắt được. Bởi lẽ, cùng với sự thay đổi khí hậu, biến đổi của lòng sông, ô nhiễm môi trường nước... thì cá to, cá quý cũng dần ít đi, vì vậy việc đánh bắt càng trở nên khó khăn hơn.
"Sông Đà hiện vẫn còn nhiều cá, nhất là măng khủng, có con lên tới 20-30kg, thậm chí còn to hơn. Sông Lô thì cá đã ít đi nhiều so với trước đây, nguyên nhân chính là do khai thác cát sỏi, làm biến mất các địa bàn cá hay lưu trú. Việc khai thác cát sỏi ngoài làm biến đổi dòng chảy còn tạo ra những hố sâu, có bùn lắng, đất thối và rêu rác bẩn, ô nhiễm khiến cá không đến quần tụ và làm chỗ ở. Đáng chú ý, cá sông Lô và sông Đà đều là cá sạch, cực kỳ kén chỗ ở. Nếu môi trường nước không đảm bảo là chúng sẽ di cư và không sinh sản" - anh Dương Tiến Dũng, dân chài khu 5, Xuân Lộc (Thanh Thủy) thông tin thêm.
Nghề vạn chài kiếm sống từ sông nước cũng là một nét văn hóa được trao truyền qua bao đời nay trên các dòng sông lớn với những câu chuyện độc đáo. Trong đó, có chuyện săn cá dữ. Những câu chuyện trên, góp thêm một nét chấm phá cho cuộc sống sông nước vốn nhiều vất vả nhưng cũng không kém thú vị. Và đây cũng là nét độc đáo riêng có trên những con sông chảy qua Đất Tổ cội nguồn ngàn năm qua!
Quốc Hội
baophutho.vn 24 ngôi nhà nằm nép mình bên con đường uốn lượn men theo những quả đồi xanh ngát của núi rừng. Từng sống rải rác bên những dãy núi cao, nhiều...
baophutho.vn Khai thác tiềm năng, thế mạnh ở các khu vực miền núi của tỉnh Phú Thọ có nguồn nước trong lành, mát lạnh, kết hợp ứng dụng tiến bộ về khoa học...
baophutho.vn Vùng giáp ranh có địa hình phức tạp, hiểm trở, là nơi tập trung chủ yếu rừng tự nhiên với nhiều loại gỗ quý hiếm, có giá trị kinh tế cao. Dọc...
baophutho.vn Nửa tháng nay, xóm Dẹ, xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn bỗng dưng... bị ngập khi mưa lớn. Điều mà trước nay chưa từng xảy ra. Với địa hình cao hơn...
baophutho.vn Như cây một cội, như con một nhà. Không phân biệt ngôn ngữ, khác biệt văn hóa, phong tục tập quán, dù là miền xuôi hay miền ngược, dân tộc...
baophutho.vn Thời gian đã phủ mờ, xóa nhòa nhiều kỷ niệm, sự kiện, nhưng đối với những người di cư, tình cảm nồng hậu với những nghĩa cử mang nặng tình đồng...
baophutho.vn Phú Thọ - đất cội nguồn dân tộc Việt, có truyền thống lịch sử văn hóa gắn liền với chiều dài hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc....
baophutho.vn Tròn một thập kỷ từ năm 1961 đến năm 1971, đế quốc Mỹ đã sử dụng vũ khí hoá học chất độc da cam/Dioxin trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Hành...
baophutho.vn Rời miền biên viễn, chia tay những người lính Bộ đội Biên phòng, chúng tôi trở về với quê hương Đất Tổ. Nơi đây có gia đình, những người vợ,...
baophutho.vn Khu vực biên giới là “phên giậu” Tổ quốc, có vị trí chiến lược, quan trọng, nhất là về quốc phòng- an ninh. Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ...
baophutho.vn Trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, tỉnh Phú Thọ đã có hàng vạn thanh niên hăng hái lên đường nhập ngũ, trong...
baophutho.vn Đạn pháo công phá suốt ngày đêm khiến cây rừng cháy rụi, núi đá bị băm vằm, lửa nung trắng xóa thành “lò vôi thế kỷ”. Thế nhưng, vững chắc hơn...