Cập nhật:  GMT+7

Tình hữu nghị tỏa sáng từ những lúc gian khó

Ngày 11/1/1969, Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Thụy Điển. Đây là quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Nhà máy Giấy Bãi Bằng (nay là Tổng Công ty Giấy Việt Nam) là một trong những công trình được xem là biểu tượng của tình bạn đẹp xuyên suốt hơn nửa thế kỷ ấy.

Tình hữu nghị tỏa sáng từ những lúc gian khó

Toàn cảnh Tổng Công ty Giấy Việt Nam nhìn từ trên cao

Cách đây 54 năm, giữa lúc chiến tranh đang cam go nhất, nhà nước Thụy Điển đã quyết định hỗ trợ cho nước ta 2,8 tỉ SEK (tương đương với hơn 700 triệu USD) để xây dựng một nhà máy giấy. Tháng 2/1971, nhóm chuyên gia lâm nghiệp Thụy Điển đầu tiên đến Việt Nam khảo sát những cánh rừng ở phía Bắc. Đầu năm 1975, Nhà máy Giấy Bãi Bằng được khởi công trên diện tích 100ha ở thị trấn Phong Châu. Nhà máy với dây chuyền công nghệ hiện đại tiên tiến nhất lúc bấy giờ, công suất thiết kế đạt 55.000 tấn giấy/năm, trong đó 50.000 tấn giấy in, giấy viết tẩy trắng, 5.000 tấn giấy bao gói, đạt trình độ trung bình so với tiêu chuẩn hiện đại Thụy Điển thập niên 70.

Tình hữu nghị tỏa sáng từ những lúc gian khó

Công nhân kiểm tra chất lượng sản phẩm trên dây chuyền sản xuất giấy

Vào hồi 11h30 ngày 30/11/1981, máy Xeo I đã cho ra đời cuộn giấy đầu tiên có độ trắng 80%. Ông Dương Nguyên Thưởng - Quản đốc đầu tiên phân xưởng Xeo khi ấy bồi hồi nhớ lại giây phút được sờ tay lên cuộn giấy trắng phau, nhẵn mịn: “Chúng tôi ôm nhau vui mừng vì từ giờ học sinh Việt Nam không phải viết trên quyển vở giấy than, nhòe mực nữa”. Ngày 26/11/1982, nhà máy Bột và Giấy Vĩnh Phú khánh thành và đi vào sản xuất. Ngày 26/11 trở thành ngày truyền thống Giấy Bãi Bằng. Giai đoạn 1983 - 1990 là giai đoạn nhà máy vừa sản xuất vừa học tập, tự làm chủ bộ phận đến làm chủ toàn bộ. Ban lãnh đạo nhà máy đã vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp phương thức quản lý vận hành của Thụy Điển vào tình hình thực tế của nước ta thời điểm đó. Sản lượng cao nhất lúc đó mới chỉ đạt 30 nghìn tấn giấy/năm, chưa vượt quá 55% công suất thiết kế.

Tình hữu nghị tỏa sáng từ những lúc gian khó

Những cuộn giấy thành phẩm vận chuyển vào kho

Giai đoạn 1991 - 2000 ghi nhận sự độc lập, tự chủ, năng động, sáng tạo của tập thể nhà máy. Ngày 20/4/1993, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 176/Ttg thành lập Công ty Giấy Bãi Bằng trực thuộc Bộ Công nghiệp nhẹ. Tên gọi “Giấy Bãi Bằng” ra đời từ đó và xuất hiện trên các văn bản nghiên cứu về công trình viện trợ của nhà nước Thụy Điển dành cho Việt Nam. Giữa năm 1990, nhóm chuyên gia Thụy Điển cuối cùng rút về nước. Vận hành nhà máy do kỹ sư và công nhân Việt Nam đảm nhiệm. Đến năm 1995, nhà máy sản xuất được 50,6 nghìn tấn/năm, đạt 92% công suất thiết kế. Năm 1996, sản lượng giấy lần đầu tiên đạt hơn 57 nghìn tấn, vượt công suất thiết kế.

Tháng 9/1998, cơ quan SIDA của Thụy Điển đánh giá: “Bãi Bằng là điển hình về sự hợp tác, phát triển và là công trình viện trợ ở nước ngoài thành công nhất của Thụy Điển”. Giai đoạn 2001 đến nay được đánh giá giai đoạn chuyển mình vượt qua khó khăn và vươn tầm hội nhập thế giới. Sau gần 20 năm, dây chuyền máy móc đã xuống cấp, đất nước mở cửa, làn sóng giấy ngoại được nhập vào thị trường Việt Nam đặt ban lãnh đạo công ty đứng trước thử thách phải thay đổi mình để cạnh tranh và thích ứng. Năm 2004, sau khi tiến hành đầu tư, mở rộng sản xuất giai đoạn I với kinh phí trên 1.000 tỉ đồng, sản lượng đã đạt 85,3 nghìn tấn giấy, mang lại doanh thu 847 tỉ đồng. Năm 2005, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Công ty Giấy Việt Nam được hình thành trên cơ sở tổ chức lại Văn phòng Tổng Công ty Giấy Việt Nam và Công ty Giấy Bãi Bằng. Trong suốt bốn thập kỷ, Công ty Giấy Bằng Bằng mà nay là Tổng Công ty Giấy Việt Nam là trung tâm sản xuất bột giấy và giấy lớn mạnh trong cả nước. Năm 2023, vượt qua khó khăn, thách thức của tình hình thế giới và trong nước, sản lượng giấy đạt trên 111 nghìn tấn mang lại doanh thu trên 2.500 tỉ đồng.

Tình hữu nghị tỏa sáng từ những lúc gian khó

Đoàn chuyên gia Thụy Điển thăm lại nhà máy sau hơn 30 năm

Biểu tượng ngoại giao mang tên “Giấy Bãi Bằng” là một trong những công trình viện trợ mà Thụy Điển dành cho nhân dân Việt Nam. Trong suốt 46 năm, đất nước Bắc Âu này đã viện trợ hơn 4 tỉ USD tính theo thời giá hiện tại. Thụy Điển là nhà tài trợ ODA lớn thứ hai của Việt Nam trong thập niên 70, lớn nhất trong thập niên 80 và lớn thứ tư trong thập niên 90. Các dự án như Nhà máy Giấy Bãi Bằng và Bệnh viên Nhi Trung ương trở thành biểu tượng hợp tác song phương giữa hai nước. “Thụy Điển đã chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, giúp hàng triệu người dân thoát khỏi đói nghèo”, Đại sứ Pereric Hogberg tự hào khi phát biểu trong buổi họp báo ngày 11/1/2019 đánh dấu 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Quan hệ hai nước hiện đã bước sang một giai đoạn mới dựa trên nền tảng đối tác bình đẳng. Thương mại hai chiều hiện đạt hơn 1 tỉ USD mỗi năm và còn có tiềm năng tăng mạnh trong thời gian tới. Tình bạn, tình hữu nghị tỏa sáng từ những lúc gian khó và cả trong tương lai.

Thùy Trang


Thùy Trang

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch

Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch
2024-01-10 14:22:00

baophutho.vn Phú Thọ có nhiều tiềm năng để phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch, song thực tế hiện nay sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh...

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long