Cập nhật:  GMT+7

“4 tại chỗ” trong ứng phó thiên tai

Là tỉnh thuộc vùng Trung du miền núi Bắc Bộ, Phú Thọ thường xuyên hứng chịu thiên tai như lũ quét, sạt lở đất ở vùng cao, ngập úng, giông lốc ở vùng thấp. Biến đổi khí hậu khiến thời tiết ngày càng khó lường, tác động trực tiếp đến đời sống và sản xuất. Trước thực tế đó, nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai không chỉ là nhiệm vụ cấp bách mà còn là giải pháp chiến lược nhằm bảo vệ an toàn cho người dân, giảm thiểu thiệt hại và hướng tới phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

4 tại chỗ trong ứng phó thiên tai

Diễn tập phòng thủ dân sự “ứng phó bão, lụt và tìm kiếm cứu nạn” tại huyện Tam Nông năm 2024.

Còn nhiều thách thức

Năm 2024, tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh Phú Thọ diễn biến phức tạp và bất thường. Toàn tỉnh ghi nhận 15 đợt thiên tai lớn nhỏ, trong đó đáng chú ý là cơn bão số 3 (Yagi) năm 2024, đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Tổng thiệt hại do thiên tai trong năm ước tính lên tới 1.723 tỷ đồng.

Bước sang năm 2025, theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Bộ, nắng nóng có thể xuất hiện sớm từ tháng 5, kèm theo các hiện tượng dông, lốc nguy hiểm vào thời điểm giao mùa. Từ tháng 6 đến tháng 8, dự báo nắng nóng sẽ gay gắt hơn mức trung bình nhiều năm, lượng mưa cũng được dự báo tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra nhiều trận mưa lớn, cục bộ, gây thiệt hại đến tài sản và đời sống Nhân dân.

Trước thực tế đó, tỉnh Phú Thọ xác định công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) là nhiệm vụ trọng tâm trong quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, kiện toàn hằng năm. Các phương án ứng phó được xây dựng theo phương châm “4 tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

Là một trong những địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, xã Đan Thượng (huyện Hạ Hòa) đã chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng, chống ngay từ đầu năm. Xã nằm ven sông Hồng, thuộc vùng trũng thấp, dễ bị ngập úng do hoàn lưu sau bão. Trước tình hình đó, xã đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT và TKCN với 42 thành viên, đồng thời thành lập và duy trì hiệu quả các đội xung kích như: Đội phòng, chống thiên tai; đội tìm kiếm cứu nạn; đội tuần tra canh gác đê; đội thông tin liên lạc; tổ hậu cần và tổ y tế tại các khu dân cư - nhất là những điểm thường xuyên ngập lụt.

Cùng với đó, xã Đan Thượng đẩy mạnh kiểm tra, rà soát hệ thống kênh mương, đê điều, hồ chứa nước... nhằm kịp thời phát hiện, khắc phục các điểm xung yếu trước mùa mưa bão.

Đại diện lãnh đạo xã Đan Thượng chia sẻ: "Nhận thức rõ nguy cơ từ thiên tai, chúng tôi xác định công tác phòng, chống phải chủ động từ sớm, từ xa. Vì vậy, xã chú trọng kiện toàn Ban Chỉ huy, xây dựng phương án sát với tình hình thực tế và tổ chức diễn tập định kỳ. Đồng thời, chúng tôi tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức người dân, đặc biệt tại các điểm xung yếu ven sông, giúp bà con chủ động ứng phó khi có tình huống xảy ra".

Tuy nhiên, công tác PCTT trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Năng lực ứng phó ở một số địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa còn yếu. Cán bộ cấp xã, thôn bản thiếu kinh nghiệm ứng phó tình huống khẩn cấp, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn còn thiếu và lạc hậu.

Một số khu dân cư chưa có bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, dẫn đến việc chủ động phòng tránh gặp khó khăn. Nhận thức cộng đồng về thiên tai ở nhiều nơi còn hạn chế, người dân chưa hiểu đúng và đủ về các nguy cơ, dẫn đến bị động trong ứng phó, gây ra thiệt hại không đáng có. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cho công tác phòng, chống thiên tai còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh thiên tai ngày càng diễn biến khốc liệt.

4 tại chỗ trong ứng phó thiên tai

Lực lượng công an di dời người và tài sản cho người dân ra khỏi vùng ngập lụt ở huyện Hạ Hòa trong cơn bão số 3. (năm 2024)

Chủ động phòng chống

Trước thực trạng thiên tai ngày càng phức tạp và khó lường, tỉnh Phú Thọ đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai trong thời gian tới. Trong đó, việc hiện đại hóa hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn được xác định là ưu tiên hàng đầu. Tỉnh phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường lắp đặt thêm các trạm đo mưa, đo mực nước tự động tại các lưu vực sông, suối trọng điểm. Hệ thống cảnh báo sớm cũng được mở rộng đến tận cấp xã, thôn bản, giúp người dân có thể kịp thời sơ tán và phòng tránh khi có thiên tai xảy ra.

Cùng với đó, công tác tập huấn, diễn tập phòng, chống thiên tai cho cán bộ chỉ huy, lực lượng xung kích cơ sở được triển khai thường xuyên. Các địa phương xây dựng kịch bản ứng phó cụ thể với từng loại hình thiên tai phổ biến như sạt lở đất, ngập úng, giông lốc... Các công trình phòng, chống thiên tai trọng điểm như đê, kè, hồ chứa nước nhỏ được rà soát, đánh giá mức độ an toàn, ưu tiên bố trí vốn cải tạo, gia cố tại những điểm có nguy cơ cao.

Tỉnh cũng từng bước đầu tư trang thiết bị cần thiết như xuồng cứu hộ, áo phao, bộ đàm... cho lực lượng ứng phó tại cơ sở. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai được thực hiện đa dạng qua hệ thống truyền thanh cơ sở, tờ rơi, bản tin truyền hình và mạng xã hội. Đặc biệt, tại các trường học thuộc khu vực có nguy cơ cao, nội dung giáo dục phòng tránh thiên tai được lồng ghép vào các tiết học và sinh hoạt ngoại khóa.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong theo dõi và cảnh báo thiên tai cũng được đẩy mạnh. Người dân có thể cập nhật thông tin, hình ảnh và cảnh báo sớm qua các nền tảng trực tuyến như: Hệ thống giám sát thiên tai quốc gia (http://vndms.dmc.gov.vn), hệ thống đo mưa tự động (http://vrain.vn), hệ thống ảnh mây vệ tinh (http://hymetnet.gov.vn) và các ứng dụng phòng, chống thiên tai trên điện thoại thông minh.

Đáng chú ý, tỉnh đang triển khai hệ thống thông tin địa lý (GIS) để xây dựng bản đồ cảnh báo sạt lở đất, lũ quét theo từng khu vực cụ thể. Nền tảng số cũng được sử dụng để cập nhật dữ liệu thiệt hại sau thiên tai, giúp công tác chỉ đạo, điều hành diễn ra nhanh chóng và chính xác hơn.

Phú Thọ chủ trương huy động sự tham gia của doanh nghiệp và tổ chức xã hội trong công tác phòng, chống thiên tai. Một số mô hình bước đầu được triển khai như: “Doanh nghiệp đồng hành cùng PCTT”, “Tình nguyện viên cứu hộ vùng lũ”... đã tạo thành thế trận “toàn dân tham gia phòng, chống thiên tai”. Đồng thời, tỉnh tích cực tìm kiếm sự hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế nhằm đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường: Công tác phòng, chống thiên tai không thể chỉ dựa vào phản ứng khi sự cố xảy ra, mà cần có sự chuẩn bị bài bản từ trước. Việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao kỹ năng ứng phó cho cộng đồng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, tăng cường chất lượng dự báo, cảnh báo và ứng dụng công nghệ hiện đại vào quản lý rủi ro thiên tai là hướng đi tất yếu.

Việc nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai không chỉ là yêu cầu trước mắt mà còn là chiến lược phát triển lâu dài, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, ổn định sản xuất và phát triển bền vững. Với quyết tâm cao, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và toàn thể Nhân dân, Phú Thọ đang từng bước xây dựng “thành trì” vững chắc, sẵn sàng ứng phó hiệu quả với mọi tình huống thiên tai.

Quốc An


Quốc An

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Khát vọng đô thị ven sông Đà

Khát vọng đô thị ven sông Đà
2025-07-06 15:36:00

baophutho.vn Sau sắp xếp, phường Hòa Bình đứng trước cơ hội phát triển mới bên dòng sông Đà huyền thoại. Với dân số hơn 78.000 người, được hình thành từ sự...

Công ty Điện lực Phú Thọ thông báo

Công ty Điện lực Phú Thọ thông báo
2025-07-06 08:56:00

baophutho.vn Về việc sắp xếp, sáp nhập Công ty Điện lực Hòa Bình, Công ty Điện lực Vĩnh Phúc vào Công ty Điện lực Phú Thọ và thay đổi mô hình hoạt động Điện...

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long