Cập nhật:  GMT+7

Chợ tình Phong lưu Bảo Lạc - nơi lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc

Chợ tình Phong lưu, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng được tổ chức vào ngày 15/8 (âm lịch), ngoài việc trao đổi, mua bán hàng hóa do chính những bàn tay lao động cần cù của bà con nông dân làm ra, còn là dịp hẹn hò của các chàng trai, cô gái; trổ tài hát dân ca giao duyên các dân tộc: Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ, Lô Lô cùng những vũ điệu mang đậm bản sắc văn hóa của quê hương Bảo Lạc.

Khác với các chợ phiên 5 ngày họp một lần, phiên chợ tình Phong lưu, người ta tìm đến không phải chỉ để mua, để bán những sản phẩm từ bàn tay lao động của mình làm ra, mà còn để gửi gắm niềm thương, nỗi nhớ, cùng uống với nhau chén rượu nồng, trao nhau những khúc hát ân tình đắm say lòng người và để cùng say tình say nghĩa, say trong các làn điệu dân ca đằm thắm..., đây là một nét đẹp giàu bản sắc văn hóa truyền thống lâu đời của các dân tộc huyện Bảo Lạc. Đúng ngày chợ phiên, khi bình minh vừa mới ló rạng, những chàng trai, cô gái từ khắp các ngả đường đã náo nức kéo về dự phiên chợ hội với bao lời hò hẹn, chẳng nề hà đồi núi gian nan hay suối sâu gập ghềnh.

Tại các góc chợ, các chàng trai, cô gái tụ thành từng nhóm theo từng dân tộc, khoác trên mình những bộ trang phục đẹp nhất, rực rỡ sắc màu, leng keng vòng bạc, xúc xắc, cùng vui trong tiếng khèn, chân xoay theo điệu múa, xoắn xuýt cùng với âm thanh của điệu hát sli, hát lượn, tiếng sáo vi vu, tiếng khèn du dương trầm bổng gọi bạn tình da diết, làn điệu dân ca thắm đượm tình người khiến không gian trở nên sôi động và thơ mộng hơn bao giờ hết.

Ấn tượng và cuốn hút người xem trong ngày chợ tình là chương trình biểu diễn diễn xướng lại nghi thức Múa Sluông Chầu trong nghi lễ cầu phúc, cầu lộc; đón dâu của dân tộc Tày, Mông; cấp sắc dân tộc Sán Chỉ. Đặc biệt là chương trình nghệ thuật đặc sắc đêm hội chợ tình tái hiện những giá trị cuộc sống, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc.

Du khách và nhân dân không khỏi thú vị khi được chứng kiến và thưởng thức lễ trao giày vải của các cô gái Tày cho người bạn tình của mình trong ngày hội. Đôi giày vải được chính cô gái dân tộc Tày tự tay khâu do đã được ướm chân chàng trai từ phiên chợ tình ngày 30/3 (âm lịch) để rồi hôm nay đến trao cho người mình thầm yêu, trộm nhớ và hẹn ước vào ngày 15/8 âm lịch. Đôi giày vải - tín vật tình yêu của người con gái Tày được chế tác công phu và hàm ẩn những ý nghĩa sâu sắc, tế nhị. Đây là các đôi giày vải truyền thống của người Tày được làm thủ công. Khi người con trai nhận đôi giày vải cô gái trao tặng, qua bạn bè sẽ tìm gặp người con gái một cách kín đáo để tiếp tục tìm hiểu, vun đắp tình cảm.

Tuy ở tuổi thất thập nhưng bà Hoàng Thị Ương, xóm Pù Mô, xã Sơn Lộ vẫn nhớ như in ấn tượng năm 17 tuổi bà đã khâu 1 đôi giày vải từ ngày 30/3 âm lịch chờ đến 15/8 âm lịch tặng cho người đàn ông mà bà thầm thương trộm nhớ. Bà Ương chia sẻ: Đã mấy chục năm trôi qua, tôi vẫn nhớ câu hát điệu Nàng ới mà chàng trai năm đó hát tặng tôi trong phiên chợ tình: “Anh ở bờ sông bên này/em ở bờ sông bên kia/muốn bay sang với em/tiếc là không có cánh...”. Giờ có tuổi rồi nhưng mỗi năm cứ đến phiên chợ tình tôi lại thu xếp thời gian để đi chợ được gặp lại bạn bè, hỏi thăm sức khỏe, trao nhau chén rượu, hát cho nhau nghe...

Ngoài các hoạt động văn hóa độc đáo, các đại biểu và du khách còn được tham quan các hoạt động văn hóa ẩm thực tại khu vực chợ trung tâm thị trấn Bảo Lạc. 18 gian hàng của 17 xã, thị trấn và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bảo Lạc giới thiệu nét văn hóa ẩm thực, các sản vật nổi tiếng của Bảo Lạc, như: gạo nếp Hương, thịt bò khô, thịt lợn chua, thịt lợn treo gác bếp, lạp sườn, măng bào, măng khô, cá gắp, nấm linh chi, nấm hương, hà thủ ô, hoàng tinh..., và các sản phẩm đặc trưng của các dân tộc như: quấn áo, mũ, nón, giày, các sản phẩm thêu, dệt; đạo cụ âm nhạc của dân tộc; các vật dụng lao động, sinh hoạt hằng ngày, các sản phẩm du lịch...

Chợ tình Phong lưu Bảo Lạc - nơi lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc

Các cô gái dân tộc Sán Chỉ (Bảo Lạc) mua bán các sản phẩm thủ công truyền thống tại phiên Chợ tình Phong lưu.

Theo truyền thống, Chợ tình Phong lưu Bảo Lạc có 2 phiên/năm, diễn ra ngày 30/3 và 15/8 âm lịch. Trai, gái đến chợ tình sẽ giao lưu, hát giao duyên. Trong đó, trai, gái dân tộc Tày sẽ đối đáp bằng giai điệu Lượn cọi và trao khăn, giày vải; trai, gái dân tộc Nùng hát đối đáp bằng điệu Nàng ới; trai, gái dân tộc Sán Chỉ hát đối đáp giao duyên tìm bạn; trai, gái dân tộc Mông hát đối đáp và múa khèn; dân tộc Dao đỏ có tục giật khăn... Mỗi dân tộc mang đến ngày hội các hoạt động thể thao, trò chơi truyền thống, đẩy gậy, lày cỏ, nhảy bao, gánh nước bằng ống tre, ném ngô vào gùi..., thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc Hoàng Thị Đà chia sẻ: Chợ tình Phong lưu được tổ chức hằng năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tái hiện những giá trị đời sống sinh hoạt, bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc, góp phần xây dựng và phát triển những chuẩn mực đạo đức xã hội, gia đình, tình yêu đôi lứa mang đậm tính nhân văn của đồng bào các dân tộc huyện Bảo Lạc. Đồng thời, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, quảng bá hình ảnh đất và người, văn hóa đặc trưng của huyện Bảo Lạc với bạn bè, du khách trong và ngoài nước.

Xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống của người dân cũng đổi thay. Chợ tình “Phong lưu” huyện Bảo Lạc dù cách thức có thay đổi, vẫn giữ nguyên trong đó quan niệm nhân văn sâu sắc và những giá trị văn hóa, phong tục, tập quán độc đáo của cộng đồng các dân tộc thiểu số nơi đây. Khách từ mọi miền Tổ quốc về Bảo Lạc đúng phiên chợ tình sẽ có những cảm nhận đặc biệt, hòa với đồng bào nơi đây những phút giây xao xuyến, dư âm khó có thể mờ phai trong ký ức.

ĐT (Báo Cao Bằng)


ĐT (Báo Cao Bằng)

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Giữ nguồn cho bến nước

Giữ nguồn cho bến nước
2024-05-21 09:35:00

Những ngày giữa mùa khô, khi đợt nắng nóng, hạn hán lên đến đỉnh điểm, một số ao, hồ đã bắt đầu cạn kiệt, nguồn mạch bến nước tại các buôn của người Êđê ở huyện Krông Năng,...

Trang phục độc đáo của phụ nữ Lô Lô

Trang phục độc đáo của phụ nữ Lô Lô
2023-10-08 09:17:00

Dân tộc Lô Lô ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang có khoảng 200 hộ với gần 1.000 khẩu, chủ yếu sinh sống tại xã Xín Cái và thị trấn Mèo Vạc. Tuy chiếm tỉ lệ khiêm tốn nhưng người Lô...

Phát huy vai trò người có uy tín

Phát huy vai trò người có uy tín
2023-10-04 07:37:00

baophutho.vn Huyện Thanh Sơn hiện có 207 người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Nhận thức rõ vai trò, vị trí của mình, những người có uy tín...

Độc đáo ngôi làng Dao Tiền trên núi cao

Độc đáo ngôi làng Dao Tiền trên núi cao
2023-10-02 11:05:00

Đến thăm bản Sưng - ngôi làng của đồng bào Dao Tiền nằm trên vùng núi cao tỉnh Hòa Bình, du khách như lạc vào một không gian tươi xanh với cảnh đẹp nguyên sơ, thanh bình. Trong...

Điệu tamya kết nối cộng đồng

Điệu tamya kết nối cộng đồng
2023-09-28 10:10:00

Sau thời gian dài rơi vào quên lãng, những điệu dân vũ tamya của người Chu Ru bỗng hồi sinh mạnh mẽ. Người già dạy cho lũ trẻ, lũ trẻ lại kết nối, lan tỏa để những vũ điệu...

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long