Đưa đông y vào sản phẩm du lịch

Du khách tìm hiểu về các loại sản phẩm làm từ thảo dược.

Chưa lan tỏa mạnh mẽ

Đến dự Tuần lễ CSSK - Wellness Tourism Weekend năm 2024, khá nhiều du khách quan tâm đến các sản phẩm du lịch CSSK từ đông y. Chị Thái Thị Minh Thanh, du khách từ Hải Phòng chia sẻ: “Huế nổi tiếng về y tế, trong đó có đông y. Phương pháp CSSK từ đông y rất hay. Nếu có thể kết hợp thành những sản phẩm hoàn chỉnh để phục vụ khách du lịch là điều rất tuyệt vời”.

Huế có nhiều lợi thế để phát triển các sản phẩm du lịch CSSK từ đông y. Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, xét về khía cạnh khí hậu và thổ nhưỡng, mảnh đất Cố đô có môi trường sinh thái đa dạng cho phép cung cấp nguồn dược liệu phong phú, đa dạng và quý hiếm. Về nguồn nhân lực, Huế có số lượng lương y, bác sĩ đông y khá nổi trội trong tương quan so sánh với các địa phương. Đặc biệt, nét đặc sắc trong lịch sử phát triển của đông y ở Thừa Thiên Huế có thêm mảng y thuật cung đình với trình độ y dược phát triển mà đỉnh cao là Thái Y viện Triều Nguyễn.

Đưa đông y vào sản phẩm du lịch

Lương y Phan Tấn Tô bắt mạch cho du khách ở Đại Nam Thái Y Viện.

Thực tế, về mặt cơ chế, chính sách, việc kết hợp du lịch với CSSK đã được đề cập nhiều. Ngày 9/8/2021, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó đã đề cập đến mục tiêu xây dựng và thành lập Viện Thái y Huế trên cơ sở phát triển Bệnh viện Y học cổ truyền, với ý nghĩa phục dựng tinh hoa đông y Huế nói chung và tinh hoa y thuật cung đình nói riêng.

Ông Phúc trăn trở, mặc dù đã có định hướng lớn và nhiều giải pháp đề ra, nhưng nhìn tổng thể thì việc khai thác tiềm năng, thế mạnh của đông y vào các sản phẩm du lịch CCSK vẫn chưa phát huy hết các giá trị, chưa được lan tỏa mạnh mẽ. Trong một kết quả khảo sát bước đầu của Sở Du lịch khi tiến hành xây dựng đề án “Định hướng phát triển du lịch CSSK tại tỉnh Thừa Thiên Huế”, các khoản chi cho các dịch vụ chăm sóc, nâng cao sức khỏe (không tính chi phí riêng cho điều trị y tế chuyên ngành vì thuộc lĩnh vực riêng) đang còn rất ít, chiếm dưới 5% trong cơ cấu chi tiêu. Kết quả này cho thấy chuyện khai thác lợi thế y học, trong đó có đông y vào du lịch vẫn còn những trăn trở.

Hình thành sản phẩm du lịch hấp dẫn

Từ sau đại dịch COVID-19, nhu cầu quan tâm CSSK của du khách tăng lên. Để xây dựng và hình thành các dòng cung ứng dịch vụ, sản phẩm CSSK bằng y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch mang tính hệ thống, Bộ Y tế đã phê duyệt đề án phát triển các loại hình dịch vụ, sản phẩm y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch đến năm 2030; đề ra các nhiệm vụ cụ thể. Đối với du lịch CSSK bằng y dược cổ truyền, cần xây dựng dòng cung ứng dịch vụ CSSK, chữa bệnh bằng y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch (chuỗi các cơ sở khám, chữa bệnh; phục hồi chức năng, xông hơi, xoa bóp, bấm huyệt, vật lý trị liệu... bằng y dược cổ truyền). Với du lịch thẩm mỹ bằng y dược cổ truyền, có thể xây dựng dòng cung ứng dịch vụ thẩm mỹ bằng y dược cổ truyền phục vụ khách du lịch.

Đối với du lịch dược liệu và thuốc cổ truyền, cần xây dựng dòng cung ứng dịch vụ tham quan và mua sắm dược liệu, thuốc cổ truyền phục vụ khách du lịch. Du lịch khám phá y dược cổ truyền và văn hóa bản địa nên xây dựng dòng cung ứng dịch vụ tham quan, tìm hiểu, khám phá, mua sắm, trải nghiệm và sử dụng các dịch vụ y dược cổ truyền đặc sắc tại các vùng miền, địa phương; thưởng thức các món ăn đậm chất y dược cổ truyền theo vùng miền, khí hậu và tình trạng sức khỏe... Đối với du lịch học thuật y dược cổ truyền, cần tổ chức các lớp tập huấn, các khóa học ngắn hạn về một số kỹ năng phòng, trị bệnh đơn giản bằng phương pháp y học cổ truyền.

Bên cạnh những định hướng của ngành y tế, theo ông Phúc, để những tiềm năng, tinh hoa này của vùng đất Cố đô được khai thác và phát huy hiệu quả có thể trở thành những sản phẩm du lịch chữa bệnh, du lịch CSSK, góp phần cho việc phục hồi và khai thác hiệu quả giá trị của Thái Y viện Triều Nguyễn trong thời gian tới, rất cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư, của các cấp, ngành và với nhiều nhóm giải pháp đồng bộ.

Trong đó, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong khai thác phát triển các loại hình hình du lịch ở khu vực Đại Nội, có sản phẩm gắn với y thuật cung đình của Thái Y viện Triều Nguyễn. Đề xuất kêu gọi đầu tư nhằm hoàn thiện thêm một số cơ sở dịch vụ, điểm đến du lịch kết hợp khám, chữa bệnh, CSSK chuyên nghiệp dựa trên lợi thế, nền tảng sẵn có của hệ thống y học đông y tỉnh nhà nhằm tạo không gian y thuật cổ truyền gắn với du lịch của tỉnh với điểm nhấn chính là một số hoạt động của Thái Y viện được phục hồi.

Sở Du lịch phối hợp với các sở, ngành liên quan cũng cần nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách, định hướng dịch vụ và sản phẩm để các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch nhanh chóng nghiên cứu kết nối tour và sớm đưa vào khai thác loại hình du lịch CSSK, du lịch y tế, du lịch khám, chữa bệnh gắn với đông y cổ truyền; liên kết để khai thác và thực hiện những tour du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chữa bệnh theo hình thức đông y cổ truyền tại những khu du lịch nước khoáng nóng.

TK (Theo baothuathienhue.vn)