Khơi nguồn “dòng chảy” văn hóa
Sau thành công rực rỡ của Năm Du lịch quốc gia 2024, Điện Biên Phủ đã trở thành điểm đến hút khách. Không chỉ với các giá trị về lịch sử, nhiều người yêu du lịch đến với địa phương còn bởi những dấu ấn đặc biệt về văn hóa truyền thống các dân tộc bản địa. Đó là bản sắc riêng có cần được ưu tiên giữ gìn, phát huy để đi đường dài trên con đường phát triển du lịch.
Người dân được xác định là chủ thể của văn hóa. Bởi vậy, họ mới là lực lượng chính gìn giữ các giá trị đó. Tuy nhiên, trước xu thế hội nhập và hiện đại hóa những năm qua, nhiều loại hình văn hóa mới mẻ, có sức hút đã “chiếm” phần lớn sự quan tâm của giới trẻ. Văn hóa truyền thống vì thế dần mất đi chỗ đứng. Trước bối cảnh đó, chính quyền thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ các địa phương gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Trong đó, giới trẻ được ưu tiên là chủ thể của các hoạt động này.
Thanh niên bản Hua Rốm, xã Nà Tấu, TP. Điện Biên Phủ học hỏi cách thổi sáo từ nghệ nhân ở bản.
Tại bản Hua Rốm, xã Nà Tấu, thanh niên được khuyến khích tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao địa phương. Đặc biệt là tìm hiểu, học tập, trình diễn văn hóa, văn nghệ truyền thống; thi đấu thể thao dân gian.
Anh Vàng A Săng, Trưởng bản cho biết: Hua Rốm hiện có 140 hộ, với trên 700 nhân khẩu, 100% đồng bào Mông. Những năm gần đây, chính quyền thành phố đã triển khai nhiều hoạt động, chính sách nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Mỗi dịp như thế, ngoài nòng cốt là các nghệ nhân, người già am hiểu văn hóa, bản đều huy động lực lượng thanh niên tham gia.
Bản Hua Rốm đã phát huy vai trò của tổ chức đoàn thanh niên với hơn 30 đoàn viên. Họ tham gia học tập dân ca, dân vũ; cách sử dụng nhạc cụ dân tộc; trò chơi truyền thống... Ban đầu thanh niên không quan tâm nhiều, nhưng hiện nay cơ bản đều có thể nắm bắt và tham gia tích cực các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao. Một số thanh niên nổi bật được bản chọn vào đội văn nghệ, thể thao, sẵn sàng tham gia giao lưu, trình diễn, thi đấu tại các sự kiện do thành phố cũng như các cấp tổ chức.
Việc truyền dạy văn hóa truyền thống cho giới trẻ được thực hiện mọi lúc, mọi nơi.
Vừa qua, em Giàng Thị Dợ vinh dự là một trong số ít bạn trẻ ở xã Nà Tấu được tham gia sự kiện Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Dợ chia sẻ đây là lần đầu tiên em được tham gia sự kiện lớn như vậy nên cảm thấy rất tự hào.
Tại đây em cùng các thành viên trong đoàn trình diễn hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao truyền thống của dân tộc mình. Trong đó, trò chơi đánh cầu lông gà thu hút đông đảo du khách quan tâm, tìm hiểu.
“Em rất vui khi trò chơi truyền thống này của dân tộc Mông lại khiến nhiều người thích thú như thế. Qua đó em cảm thấy tự hào, thêm yêu văn hóa dân tộc mình và sẽ quyết tâm gìn giữ, phát huy” - Dợ tâm sự.
Bản Kéo, xã Pá Khoang là nơi có 100% đồng bào dân tộc Khơ Mú sinh sống, với 90 hộ, hơn 500 nhân khẩu. Chỉ vài năm trước, văn hóa người Khơ Mú có phần mờ nhạt, rất khó phân biệt với cộng đồng các dân tộc khác sinh sống quanh khu vực. Tuy nhiên, với nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ, hiện nay nhiều nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Khơ Mú đã dần được khôi phục, phát huy trong đời sống hàng ngày và phục vụ phát triển du lịch.
Nghệ nhân bản Hua Rốm, xã Nà Tấu chế tác tù lu.
Ngoài trang phục truyền thống được bà con sử dụng hàng ngày, nổi bật lên là nghề đan lát. Hiện nay bản Kéo còn nhiều hộ duy trì làm nghề, vừa phục vụ nhu cầu, cải thiện thu nhập gia đình, mặt khác là phục vụ khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Đồng hành cùng người dân, chính quyền địa phương chỉ đạo bộ phận chuyên môn hỗ trợ bản Kéo thành lập câu lạc bộ (CLB) đan lát truyền thống. Ban đầu CLB chỉ có 20 thành viên tham gia, phần lớn là các cụ cao niên nhưng gần đây đã thu hút một số thành viên trẻ tuổi.
Ông Quàng Văn Hặc, thành viên CLB chia sẻ: “Nghề đan lát có từ lâu đời, do tổ tiên truyền lại. Trước đây, tôi học được nghề từ ông bà, bố mẹ mình, đến giờ đã được gần 60 năm. Chúng tôi thường đan các sản phẩm phục vụ sinh hoạt và đời sống như: Mẹt, mâm, rổ, giá... Ngay cả vách nhà truyền thống của dân tộc Khơ Mú tại bản cũng do chúng tôi đan thành. Vì là nghề truyền thống của dân tộc, giờ lại được các cấp quan tâm nên chúng tôi sẽ cố gắng để giữ nghề cho con cháu”.
Phát triển sản phẩm đặc trưng
Hàng chục năm qua, TP. Điện Biên Phủ luôn được biết đến với dấu ấn chiến thắng Điện Biên Phủ đi vào lịch sử. Song ít người biết đây cũng là địa phương sở hữu khối “tài sản” văn hóa tương đối lớn, với đa dạng sắc màu của cộng đồng dân tộc vùng lòng chảo Điện Biên. Với vị thế là trung tâm văn hóa, lịch sử, thành phố Điện Biên Phủ có vai trò đầu tàu trong chiến lược phát triển chung của tỉnh, đặc biệt là điểm đến và cầu nối du lịch cho khu vực Tây Bắc.
Hiện nay nhiều nghề truyền thống của các dân tộc trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ có nguy cơ mai một đã được khôi phục, bảo tồn.
Nhằm phát huy thế mạnh đó, thời gian qua công tác khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển du lịch được thành phố ưu tiên. UBND thành phố đã chỉ đạo khôi phục, bảo tồn hội Hạn khuống dân tộc Thái; tập huấn dân ca, dân vũ, dân nhạc và nghệ thuật xòe Thái; tập huấn truyền dạy bảo tồn nghề rèn thủ công truyền thống dân tộc Mông; thực hiện tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên toàn địa bàn; kiện toàn và ban hành quy chế hoạt động đội văn nghệ các tổ dân phố, bản, hướng dẫn luyện tập cho các đội văn nghệ đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương và du khách. Hàng năm thành phố tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc được các xã, phường và đồng bào các dân tộc trên địa bàn tích cực hưởng ứng tham gia.
Các giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ, phát huy để thúc đẩy phát triển du lịch thông qua nhiều hoạt động, sự kiện do địa phương tổ chức.
Ngoài ra, thành phố phối hợp với Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và Phát triển (gọi tắt là CCD) xây dựng "Đề án xây dựng sản phẩm du lịch gắn với thế mạnh tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch văn hóa trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ đến năm 2025“;”Đề án phát triển du lịch TP. Điện Biên Phủ giai đoạn 2024 - 2030". Mục tiêu chung của các đề án là phát triển các sản phẩm du lịch tạo đột phá, phát triển toàn diện cả về phạm vi, quy mô, tính chất, giúp du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố và của tỉnh, tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Trong đó tập trung vào việc khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế gắn với bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc, di tích lịch sử, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Các hoạt động được định hướng chú trọng vào du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nhằm hỗ trợ người nghèo, người yếu thế, người dân tộc thiểu số có cơ hội phát triển, có việc làm, tăng thu nhập. Đồng thời, đây cũng là giải pháp quan trọng giúp nâng cao nhận thức và trách nhiệm của công chúng với thiên nhiên, môi trường và văn hóa truyền thống. Từ đó, xác định được việc làm, hành động cùng phát triển du lịch địa phương.
TK (Theo baodienbienphu.vn)