
{title}
{publish}
{head}
Chủ trương để người dân cùng làm du lịch, cùng hưởng lợi từ du lịch của tỉnh được sự đón nhận và hưởng ứng của người dân, góp phần cho sự sôi động và phát triển của ngành công nghiệp không khói. Tuy nhiên, bên cạnh sự khởi sắc, du lịch Cà Mau thời gian qua đồng thời bộc lộ nhiều “nút thắt”, “điểm nghẽn”, nhất là những trăn trở của người làm du lịch khi tham gia một “sân chơi” mới mẻ.
Nằm trên tuyến du lịch trọng yếu của tỉnh: Cà Mau - Năm Căn - Ðất Mũi, Ðiểm du lịch Tư Tỵ (thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển) là nơi dừng chân được nhiều du khách lựa chọn khi về tham quan Mũi Cà Mau. Ông Lê Minh Tỵ, chủ điểm du lịch, cho biết: “Năm 2017, Ðiểm du lịch Tư Tỵ chính thức đi vào hoạt động. Khởi đầu đầy khó khăn, nhưng dần dà, hoạt động của điểm cũng bài bản hơn, lượng khách và doanh thu đều có sự khởi sắc”.
Vướng cơ chế đất rừng giao khoán, những hộ dân làm du lịch ở thị trấn Rạch Gốc gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng cơ sở vật chất phục vụ du khách.
Hiện nay, Ðiểm du lịch Tư Tỵ đã xây dựng được các sản phẩm du lịch khá hấp dẫn như dỡ chà bắt cá, xổ vuông, tham quan rừng đước kết hợp các trải nghiệm mò sò, bắt ba khía, cá thòi lòi, câu cua..., thưởng thức ẩm thực đặc sản của địa phương. Du khách đến đây có thể trải nghiệm gần như đầy đủ các đặc trưng thú vị của đời sống cư dân vùng rừng ngập mặn. Cùng với đó, ông Tỵ cũng dồn sức đầu tư cho điểm du lịch cả về cơ sở vật chất và chất lượng phục vụ.
Khá bất ngờ khi toàn thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, dù nằm trên tuyến du lịch đắc địa của tỉnh nhà nhưng hiện nay chỉ có 4 hộ dân đăng ký làm du lịch. Trong đó, Ðiểm du lịch Tư Tỵ được coi là ổn nhất, một điểm khác chỉ mới chập chững đầu tư, còn lại 2 hộ đăng ký nhưng chưa có động tĩnh gì.
Bà Tiết Mỹ Khanh, Phó chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gốc, thông tin: “Ban đầu, khi bà con nghe có chủ trương làm du lịch thì phấn khởi lắm. Nhiều hộ dân ấp ủ ý định làm du lịch, nhưng rồi khó khăn về cơ chế đất đai đã khiến hầu hết bà con từ bỏ dự định này. Theo quy định, đất rừng giao khoán thì người dân không được xây dựng các công trình kiên cố. Ðây là cái vướng lớn nhất chưa có cách tháo gỡ, để bà con có thể làm du lịch”.
Du khách tham quan, mua sắm sản phẩm lưu niệm, đặc sản địa phương tại Ðiểm du lịch Tư Tỵ.
“Làm du lịch nhưng không xây dựng được cơ sở vật chất đàng hoàng phục vụ du khách thì coi như thua ngay từ đầu”, ông Tỵ bộc bạch. Ðể gỡ khó, ông Tỵ đành chấp nhận phương án “chữa cháy”, là đầu tư xây dựng các hạng mục bằng cây lá tạm. Tuy nhiên, chỉ sau một hoặc hai mùa thì các công trình xuống cấp, hư hỏng, phải tháo dỡ để làm lại. Chỉ tính riêng vốn liếng cho việc này, ông Tỵ và gia đình đã phải bỏ ra hàng tỷ đồng trong 8 năm làm du lịch.
Cách Ðiểm du lịch Tư Tỵ không xa là Ðiểm du lịch sinh thái Năm Hà. Ông Nguyễn Sơn Hà, chủ điểm du lịch này, cho biết: “Cũng vì vướng cơ chế đất đai nên hơn 1 năm hoạt động đã qua, chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Ngay cả sân bãi đỗ xe cho khách cũng chưa thuận tiện. Các hạng mục xây dựng cần thiết để phục vụ du lịch không làm được nên hiện nay chúng tôi chỉ có dịch vụ duy nhất là phục vụ ăn uống”.
Chủ trương làm du lịch đã có, song cơ chế, chính sách và các giải pháp hỗ trợ người làm du lịch tuyến Mũi Cà Mau vẫn chưa thông. Những người làm du lịch như ông Tỵ, ông Hà cho biết, đầu tư làm du lịch cần nguồn kinh phí không nhỏ, trong khi đó người làm du lịch chưa được tiếp cận bất kỳ nguồn vốn ưu đãi riêng nào cho nhu cầu này.
Du khách trải nghiệm các sản phẩm du lịch tại Ðiểm du lịch Tư Tỵ. Ðây là điểm dừng chân được nhiều du khách lựa chọn khi tham quan du lịch tuyến Mũi Cà Mau.
Là người tâm huyết với du lịch, ông Tỵ đề xuất: “Nếu mạnh ai nấy làm, không có sự liên kết, hỗ trợ nhau giữa chính quyền - người làm du lịch - người dân thì du lịch rất khó vươn mình phát triển. Nói đâu xa, như mùa cao điểm tết Ất Tỵ vừa qua, lượng khách về Mũi Cà Mau giảm rõ rệt. Nếu không có giải pháp để người làm du lịch tháo gỡ khó khăn, tiếp tục đầu tư mạnh mẽ, đồng bộ cho du lịch, thì không chỉ những người làm du lịch nói riêng mà cả thương hiệu du lịch của Mũi Cà Mau cũng giảm sức hấp dẫn, tính cạnh tranh”.
Du khách Vương Quang Hưng, tỉnh Quảng Ngãi, khi ghé Ðiểm du lịch Tư Tỵ, chia sẻ: “Cảm nhận đầu tiên của tôi khi về Cà Mau là con người hiền hoà, dễ mến, cảnh rừng đước rất đẹp. Nhưng khi hỏi thăm thì điểm du lịch này không đủ chỗ lưu trú cho số lượng khách đông. Mình là du khách mà, muốn tận hưởng, trải nghiệm nhiều thứ lắm, nhưng nếu không có chỗ lưu trú, rồi thiếu các dịch vụ vui chơi giải trí nữa thì cũng hơi tiếc, đành phải tìm chỗ khác vậy”.
Ðiểm du lịch sinh thái Năm Hà sau hơn 1 năm hoạt động, chỉ phục vụ duy nhất dịch vụ ăn uống cho du khách.
Với tài nguyên du lịch nổi trội, riêng biệt, phong phú; các cơ chế, chính sách, giải pháp và nguồn lực đầu tư đồng bộ; sản phẩm du lịch, chất lượng dịch vụ du lịch không ngừng được cải thiện, đã đưa thương hiệu du lịch Cà Mau dần khẳng định được vị trí và sức cạnh tranh trên bản đồ du lịch. Trong bối cảnh Cà Mau xác định du lịch là lĩnh vực quan trọng, mũi nhọn, cùng với đó là mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025, vấn đề cấp thiết đặt ra là kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người làm du lịch, “cởi trói” cho du lịch, từ đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà trong ngắn hạn và cả lâu dài.
TK (Theo baocamau.vn)
Các hoạt động Kỷ niệm 125 năm Ngày thành lập tỉnh và “Tuần Văn hóa - Du lịch Bắc Kạn” năm 2025
Từ một “điểm đến” vô danh, dịch vụ nghèo nàn, sau 50 năm ngày giải phóng Hội An (Quảng Nam) đã trở thành trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước và nổi tiếng thế giới. Đạt được...
Bắc Sơn từ lâu đã trở thành một địa điểm không thể bỏ lỡ của du khách trên hành trình khám phá mảnh đất xứ Lạng. Đây là địa danh lịch sử, diễn ra cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn nổi...
Nằm trên trục đường huyết mạch bắc-nam, Tam Điệp (Ninh Bình) từ lâu được xem là một vị trí chiến lược quan trọng. Nơi đây không chỉ là lá chắn vững chắc trong các cuộc kháng...
Đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang) tiếp tục được cơ quan thông tấn quốc tế bình chọn là một trong 25 điểm đến đáng ghé thăm nhất trong năm 2025.
Phan Thiết (Bình Thuận) – viên ngọc sáng của du lịch Việt Nam – đang trên hành trình phát triển mạnh mẽ, khẳng định vị thế không chỉ trong nước mà còn vươn tầm quốc tế. Đặc...
Quý I năm 2025, các chỉ tiêu của ngành du lịch đều vượt so với chỉ tiêu kịch bản tăng trưởng kinh tế (GRDP) tỉnh Hải Dương năm 2025 đã đề ra.
Cảnh quan thiên nhiên phong phú với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử và bản sắc văn hóa các dân tộc là những tiềm năng, lợi thế để huyện Yên Châu phát triển du lịch...
Nhắc đến Khánh Hòa, hầu hết du khách sẽ nghĩ ngay đến Nha Trang với biển xanh, cát trắng, nắng vàng. Nhưng ít ai biết rằng, cách thành phố biển xinh đẹp chỉ khoảng 35 km, giữa...
Ninh Thuận, vùng đất được mệnh danh là “xứ sở của nắng và gió”, không chỉ nổi tiếng với những bãi biển hoang sơ, những đồi cát mênh mông mà còn níu chân du khách bởi những vườn...