Chúng tôi đến thăm xã Tu Vũ, những ngày này, nghề làm bánh trứng kiến đang vào mùa, bởi đây là khoảng thời gian thu hoạch trứng kiến ở độ “căng tròn mọng sữa”. Theo chân cán bộ văn hoá xã Tu Vũ, chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Quốc Toản ở khu 6 để “mục sở thị” cách làm món ăn độc đáo này.
Vừa nói, anh Toản dắt chúng tôi ra ngoài vườn, anh chỉ vào tổ kiến ngạt trên cây và cho biết thêm: “Lấy trứng kiến ngạt phải chọn ngày nắng, khô ráo để trứng không dính bùn đất, kiến không bết vào trứng, thao tác phải thật nhanh để không bị kiến bâu. Khi dính mùi nhựa kiến, đến 2,3 hôm sau vẫn lưu hương trên người”.
Chỉ với đồ nghề đơn giản: một con dao, một cái rá tre để đựng trứng, anh thoăn thoắt trèo lên cây, chặt 1 cành cây có tổ ngạt xuống và nhanh chóng đưa tổ kiến ra chỗ thoáng, dùng dao vạc một đường trên thân tổ, gõ “cộc, cộc” cho trứng kiến rơi xuống rổ.
Sau đó, trứng kiến sẽ được mang ra sàng sẩy sạch sẽ, loại bỏ tạp chất, lá cây và dùng khăn rũ sạch những con kiến già lẫn trong đó, công đoạn này phải thật nhẹ nhàng, khéo léo để những hạt trứng không bị vỡ.
Rời nhà anh Toản, chúng tôi đến nhà chị Nguyễn Thị Hiền cách đó không xa, chị đã có kinh nghiệm 5 năm làm bánh trứng kiến và được nhiều bà con trong xã tìm đến mua bánh bởi hương vị thơm ngon.
Những ngày giáp Tết Thanh Minh, số lượng khách đặt bánh rất đông, chị phải nhờ chị em trong xóm đến giúp đỡ.
Chị Hiền chia sẻ: “Làm bánh trứng kiến không khó, nhưng phải có bí quyết để dậy mùi đặc trưng của món ăn này. Và kích thích vị giác của thực khách vì vị trứng kiến không phải ai cũng ăn quen”.
Phần vỏ bánh được làm từ gạo nếp nương, đem xay thành bột và nhào nặn cho đến khi thấy bột có độ dẻo, mịn và không còn dính tay, các chị bắt đầu chia bột và cán mỏng ra thành từng miếng nhỏ hình vuông bằng bàn tay, cho nhân và vo tròn.
Bánh sau đó cho vào lớp lá vả gói lại vuông vức. Theo kinh nghiệm của người dân nơi đây, bánh trứng kiến phải được gói bằng lá vả, bởi vị lá vả ăn rất hợp với trứng kiến, cùng với đó, lá vả sẽ giúp những người bụng yếu khi ăn trứng kiến không bị đau bụng.
Gói bánh trứng kiến cần 2-3 lớp lá. Lớp trong cùng là lá non mềm, ăn có vị bùi, không chát, lớp ngoài là lá già hơn để cố định hình dạng bánh khi hấp, không bị vỡ. Bánh được hấp trong vòng 60 phút.
Bánh khi chín có màu ngả vàng, khi ăn chỉ cần lột bỏ lớp lá già bên ngoài, giữ lớp lá non bên trong. Bánh để nguội là ăn ngon nhất, vị bùi của lá vả, mềm dẻo của nếp nương, béo ngậy của trứng kiến hòa quyện vào nhau tạo nên hương vị thơm ngon, đậm đà.
Khi ăn nghe tiếng trứng kiến nổ lép bép trong miệng mới thấy hết cái thú vị của món ăn này. Bất kỳ ai dù một lần được thưởng thức bánh trứng kiến sẽ nhớ mãi. Tuy nhiên, thực khách bị dị ứng với các món ăn có côn trùng không nên ăn bánh trứng kiến.
Theo truyền thống người Mường ở Tu Vũ, bánh trứng kiến chỉ làm 1 lần trong năm, vào dịp Tết Thanh minh (3/3), nhà nào cũng phải có bánh trứng kiến cùng các loại bánh khác như bánh trôi, bánh gai dâng lên tổ tiên.
Như Quỳnh
1:29:04:2024:19:23 GMT+7