Cập nhật:  GMT+7

Nỗi niềm gửi con của công nhân

Đời sống vật chất, tinh thần của công nhân lao động những năm qua đã từng bước đi vào ổn định và ngày càng được cải thiện, nâng cao. Đây là thực tế khách quan không thể phủ nhận. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung, cuộc sống của công nhân lao động vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đâu đó, trong những câu chuyện bên mâm cơm gia đình công nhân khắp các miền quê, đặc biệt là ở nơi xóm trọ quanh các khu công nghiệp (KCN), vẫn thấy những trăn trở, lo lắng, thấp thỏm... về chuyện gửi con, đón con, nhất là trong dịp Hè.

Chật vật thời gian

Gần 18h, trời nhá nhem tối, trong khi các bạn đã về hết, Ngọc Diệp (5 tuổi) vẫn ngồi chơi xếp gỗ cùng ba, bốn bạn nữa ở trường mầm non. Bên ngoài tối dần, trò chơi chẳng còn mấy vui, Diệp buông đồ chơi đứng lên chạy ra cửa ngóng mẹ. Không thấy ai, em tiu nghỉu quay vào.

Nỗi niềm gửi con của công nhân

Cố gắng cùng con “bám trụ” lại thành phố, chị Tuyết có thời gian đồng hành với con trong những bài học đầu đời.

Hơn 18h, vừa tan ca, vẫn nguyên bộ đồng phục, chị Tuyết - công nhân may Công ty TNHH Yakjin Việt Nam (KCN Thụy Vân, TP Việt Trì) vội vàng qua trường đón con. Chào cô giáo, chị tất tả bế Diệp lên xe để còn kịp tạt qua chợ mua thức ăn cho bữa tối. Lần lượt các bạn của Diệp cũng được bố mẹ, người thân quen đón về. Nói là người quen bởi có nhiều bé bố mẹ làm công nhân, phải tăng ca nên đành nhờ hàng xóm, họ hàng hoặc đồng nghiệp đón giúp.

Căn nhà cấp 4 cũ ở khu 8, xã Chu Hóa mà vợ chồng chị Tuyết thuê trọ hầu như ngày nào cũng im lìm đến gần 18h30’ mới sáng đèn. Cắm vội nồi cơm, bắc nồi thịt luộc lên bếp, chị Tuyết tranh thủ tắm rửa cho con. 19h30’, anh Huy chồng chị - Trưởng nhóm bộ phận in Công ty TNHH JNTC Vina mới tan ca trở về nhà. Căn nhà trọ nhỏ lại vang lên những tiếng cười nói rộn ràng.

Anh Huy quê ở huyện Hạ Hòa, còn chị Tuyết ở huyện Yên Lập. Đã 7 năm vợ chồng anh chị quyết định rời quê hương để về Việt Trì làm việc trong KCN Thụy Vân, mang theo mong ước về công việc với thu nhập ổn định và con cái sẽ có cơ hội phát triển tốt hơn. Nhưng đó cũng là ngần ấy năm mâm cơm của đôi vợ chồng trẻ lắm lúc ít món, nhiều nỗi lo.

“Hai vợ chồng cũng muốn đón con sớm cho con đỡ tủi thân và được tắm sớm, ăn sớm nhưng tính chất công việc phải thường xuyên tăng ca và thực sự cũng muốn tăng ca để có thêm thu nhập nên đành chấp nhận. Mình thường xuyên làm việc từ 7h30’ đến 19h30’, có những tháng làm 2 tuần ca ngày, 2 tuần ca đêm. Còn vợ mình làm từ 7h30’ đến 16h30’, không phải làm ca đêm. Bình thường phải tăng ca đến 19h nhưng do có con nhỏ nên xin Công ty tăng ca đến 18h, nhận tiền tăng ca ít hơn để còn kịp về đón con. Mấy tháng nữa con vào lớp một, 2 vợ chồng thay phiên nhau, bằng cách nào cũng phải có người về sớm đón con, bị động lắm nhưng phải cố thôi” - Anh Huy tâm sự.

Nỗi niềm gửi con của công nhân

Gia đình anh Huy, chị Tuyết và con gái quây quần trong căn nhà trọ cũ.

Khoảng 16 triệu đồng mỗi tháng là khoản lương của vợ chồng anh Huy, chị Tuyết cộng lại. Chỉ một phép nhẩm đơn giản: 1,5 triệu đồng tiền thuê nhà và điện nước mỗi tháng; 1,5-1,7 triệu đồng tiền ăn, học của con ở trường và 250.000 đồng chi phí phải đóng thêm khi gửi con muộn; tiền ăn tằn tiện vài chục đến trên dưới trăm nghìn mỗi ngày; tiền xăng xe, đi lại, gửi về quê... cùng trăm thứ phải chi khác thì khoản lương của hai vợ chồng nếu chỉ làm đúng ca, đúng giờ chắc chỉ vừa đủ tiêu, nói gì đến tích cóp.

Nhưng cũng vì tăng ca nên phần đa những công nhân có con nhỏ như chị Tuyết đều chấp nhận gửi con ở các trường mầm non tư nhân hay các cơ sở nhận trông giữ trẻ muộn, bần cùng phải gửi con về quê cho ông bà trông giúp, số ít thì nhờ người thân ra thành phố trông con...

Từng có ý định “cắn răng” gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc để kiếm thêm thu nhập khá hơn, nhưng chị Tuyết nhận ra rằng những đồng lương chênh lệch ấy không thể so sánh với tuổi thơ của con, càng không thể giúp anh chị vơi nỗi nhớ con, nên hai vợ chồng chấp nhận đón con muộn, chật vật xoay sở thay phiên trông con mỗi khi con ốm, nghỉ học... để cùng con “bám trụ” lại thành phố. Ngọc Diệp chuẩn bị lên lớp một. Cũng đã đến lúc, em cần bố mẹ đồng hành, sát cánh nhiều hơn trong những bài học đầu đời.

“Quanh KCN Thụy Vân bây giờ cũng có nhiều trường mầm non, nhóm lớp mầm non hoạt động bình thường trong dịp Hè. Nhiều cơ sở nhận đón trẻ sớm và trả trẻ muộn ngoài giờ hành chính, phụ huynh cũng chỉ cần đóng thêm vài trăm nghìn tiền phí nếu thường xuyên phải gửi con muộn, nên công nhân như tôi và các anh chị em đồng nghiệp cũng phần nào yên tâm mà lăn lộn với cuộc mưu sinh để mong có tương lai tốt hơn” - Chị Tuyết tâm sự.

Chia sẻ tình thương, trách nhiệm

Trường, lớp gửi con thuận tiện hơn, nhiều công ty tại các KCN cũng tạo điều kiện về ca kíp, quan tâm hỗ trợ để công nhân lao động có con nhỏ yên tâm làm việc. Công ty TNHH Yakjin Việt Nam - nơi chị Tuyết đang làm việc hiện có hơn 3.500 lao động, trong đó trên 99% là lao động nữ.

Chị Phạm Thị Ánh Ngọc - Chủ tịch CĐCS Công ty cho biết: “Cùng với quan tâm đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách liên quan đến người lao động theo quy định chung của Nhà nước, chúng tôi cũng thường xuyên phối hợp với các ban, tổ, bộ phận chuyên môn trong Công ty theo dõi, nắm bắt tình hình đời sống chị em để kịp thời chia sẻ, giúp đỡ. Thông thường, Công ty quy định giờ tăng ca là từ 16h30’ đến 19h, nhưng đối với các chị em có con nhỏ, phải về sớm đón con mà vẫn muốn tăng ca để có thêm thu nhập thì được tạo điều kiện cho đăng ký tăng ca từ 16h30’ đến 18h. Bên cạnh đó, Công ty cũng hỗ trợ thêm về nhà ở, xăng xe, ăn ca... hỗ trợ lao động có hoàn cảnh khó khăn, nghỉ làm đi khám thai vẫn được hưởng phụ cấp chuyên cần... từ đó giúp chị em yên tâm hoàn thành tốt công việc, đảm bảo mức thu nhập”.

May mắn hơn gia đình anh Huy, chị Tuyết, vợ chồng chị Đỗ Diệu Hằng ở khu 9, xã Yên Kiện, huyện Đoan Hùng lại có ông nội trông giúp hai con nhỏ để đi làm. Bà nội của hai con - mẹ chồng chị đang làm việc tại Cụm công nghiệp Sóc Đăng, chồng chị Hằng làm lái xe thường xuyên phải đi xa, còn chị làm công nhân tại Công ty TNHH Điện tử BYD (KCN Phú Hà, thị xã Phú Thọ).

Nhà xa Công ty, đăng ký đi theo xe đưa đón nên nếu làm ca ngày, chị Hằng phải rục rịch đi đón xe từ 6h hơn, tăng ca đến 19h30’, 20h30’ mới đặt chân về đến nhà. Nếu làm ca đêm, chị phải đón xe từ 18h30’, 20h bắt đầu ca làm thâu đêm đến 7-8h hôm sau. Mỗi ngày tan ca, trở về nhà thì chân đã mỏi, tay cũng rã rời.

Thương các con đi làm vất vả và cũng bởi sức khỏe không còn tốt như trước nên ông Vỹ - bố chồng chị Hằng lui về chăm sóc gia đình, vừa đảm đương luôn việc trông các cháu thay vợ và các con.

Nỗi niềm gửi con của công nhân

Vợ và các con bận đi làm, ông Vỹ một mình chăm ba cháu nhỏ cả ngày.

Đầu Hè năm nay, vợ chồng con gái ông Vỹ ở Cẩm Khê gửi con sang nhờ ông ngoại trông để đi làm ăn xa. Vậy là, ông trở thành “bảo mẫu” của ba đứa cháu nội, ngoại lần lượt 3,4,5 tuổi. Còn hơn có con mọn, từ sáng đến tối, không lúc nào ông Vỹ được ngơi chân ngơi tay.

Đêm đi ngủ, hai tay ông ôm ba đứa vì cả ba chỉ thích ngủ với ông để được nghe ông thủ thỉ kể chuyện. Ban ngày, ông dậy từ tờ mờ sáng để tranh thủ làm việc nhà, quét dọn sân vườn, cho gà ăn, chuẩn bị cơm nước rồi bón cho các cháu ăn từ bữa sáng đến bữa tối.

Đến cả việc tắm rửa, đi vệ sinh, ba đứa trẻ cũng chỉ muốn ông phục vụ. Một ngày, có khi ông đóng mấy vai: Khi thì là ông giáo dạy cháu học bài, có lúc thành “quan tòa” phân xử các cháu tranh giành nhau, đến lúc cháu ốm sốt lại trở thành “bác sĩ” lo hạ sốt, thuốc men... Ông Vỹ chẳng còn chút thời gian nào cho riêng mình.

“Thay các con trở thành bố mẹ của bọn trẻ vất vả vô cùng nhưng thương con đi sớm về khuya, thương đàn cháu còn nhỏ, nên tôi cố gắng chăm sóc tốt cho các cháu để các con yên tâm đi làm cải thiện kinh tế gia đình. Mỗi khi con cái đi làm về, gia đình đông đủ, ngập tiếng cười hồn nhiên của bọn trẻ là tôi cũng thấy ấm lòng” - Ông Vỹ tâm sự.

Lựa chọn làm công nhân ở công ty cách xa nhà, gửi con cho ông nội chăm sóc cả ngày, có khi cả đêm mà ít có thời gian bên con và phụ giúp ông bà việc nhà, chị Hằng cũng trăn trở, lo nghĩ nhiều: Tôi cảm thấy may mắn hơn các anh chị em công nhân khác vì còn có ông bà nội đỡ đần trông con để hai vợ chồng đi làm kiếm tiền. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu rằng mình không thể cứ lao theo công việc mà giao hết trách nhiệm chăm sóc con trẻ cho ông bà, biến niềm vui chơi với cháu của ông bà trở thành gánh nặng. Có lẽ cố gắng nốt mùa Hè này, trả nợ xong xuôi, đến Hè sang năm, vợ chồng tôi sẽ tính toán lại thời gian, địa điểm làm việc để có nhiều thời gian chăm sóc, dạy bảo con hơn, để ông bà có thời gian nghỉ ngơi, vui khỏe bên con cháu.

Cẩm Nhung


Cẩm Nhung

 {name} - {time}
{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Xem thêm

Người Mông dưới chân núi Củm Cò

Người Mông dưới chân núi Củm Cò
2024-11-20 11:39:00

baophutho.vn Xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất của đồng bào Mông tại bản Mỹ Á, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn cũng ngày càng được nâng cao. Song...

Độc đáo rừng lim Ba Hố

Độc đáo rừng lim Ba Hố
2024-07-07 07:55:00

baophutho.vn Trên 300 cây lim xanh, nhiều cây có tuổi đời hàng trăm năm vẫn đương xanh tốt đã tạo nên một quần thể thực vật vô cùng độc đáo và hiếm có. Trải...

Kỳ II: Vực dậy nghề dệt

Kỳ II: Vực dậy nghề dệt
2024-06-30 08:25:00

baophutho.vn Trước “ngưỡng cửa” thất truyền, nghề dệt thổ cẩm xóm Chiềng có thể “hồi sinh” hay không? Câu trả lời nằm ở sự vào cuộc kịp thời và hiệu quả của...

Thăm “đất thép” Quảng Trị

Thăm “đất thép” Quảng Trị
2024-06-27 10:52:00

baophutho.vn Tháng 6, chúng tôi về Quảng Trị vào đúng dịp Kỷ niệm 52 năm cuộc chiến đấu anh dũng trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (từ ngày 28/6...

Hồi sinh làng dệt

Hồi sinh làng dệt
2024-06-23 15:48:00

baophutho.vn Nghề dệt là di sản quý giá, niềm tự hào, biểu tượng cho bản sắc văn hóa, truyền thống lâu đời đối với đồng bào Mường ở xã Kim Thượng, huyện Tân...

“Bóng cả” trên ngàn

“Bóng cả” trên ngàn
2024-05-25 07:18:00

baophutho.vn Kết thúc chuyến hành trình ngược miền sơn cước tuần qua, món quà ý nghĩa mà chúng tôi mang về là những câu chuyện thú vị về làng, bản và tinh...

Kỳ 3: Cần chế tài xử lý cứng rắn

Kỳ 3: Cần chế tài xử lý cứng rắn
2024-05-24 10:42:00

baophutho.vn Nắm bắt nhu cầu làm đẹp của người dân, các cơ sở cung cấp dịch vụ, đào tạo nghề tiêm filler, botox mọc lên “như nấm”. Sẽ không có gì đáng nói,...

Kỳ 1  : Nở rộ dịch vụ tiêm filler chui

Kỳ 1 : Nở rộ dịch vụ tiêm filler chui
2024-05-22 10:15:00

baophutho.vn Sưng tấy, tắc mạch, nhiễm trùng, tràn dịch, thậm chí là tử vong... là những biến chứng có thể xảy ra sau khi tiêm filler tại các cơ sở thẩm mỹ...

Tin liên quan

Gợi ý

Tin địa phương

Xem thêm Thành phố Việt Trì

Thời tiết

POWERED BY
Việt Long